Vụ AVG: Ông Tổng Trọng dùng kế kỷ luật để hoãn binh?

Cát Linh - RFA

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (phải). AFP

Mâu thuẫn từ trong Bộ chính trị

Trong tất cả những vụ án được đưa vào danh sách “đại án” thuộc chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì vụ MobiFone mua AVG là vụ án có những diễn biến đầy kịch tính và bất ngờ nhất, trải qua nhiều giai đoạn “ẩn số” nhất, từ khi chính thức bị phanh phui vào tháng 8/2016.

Hai tháng trước đây, nhà báo Trương Duy Nhất có đưa ra nhận định cho rằng không nên chủ quan với suy nghĩ “lò của ông Trọng bắt đầu nguội lạnh”. Theo ông, sự tạm thời im lặng của Bộ chính trị đối với AVG, Thủ Thiêm có nhiều khả năng sẽ là chiến thuật trước một cơn bão lớn.

Sự việc mới nhất là ngày 18/7/2018, Thủ tướng Chính phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn do có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Trước đó Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin – Truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Trương Minh Tuấn.

Quyết định này tuy phần nào cho thấy “sự mạnh tay” của ông tổng tư lệnh chiến dịch diệt trừ tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều những ý kiến cho biết chưa được thuyết phục bởi quyết định kỷ luật này.

Một nhà quan sát chính trường Việt Nam (đề nghị ẩn danh), từ Sài Gòn cho biết theo ông, Bộ Chính trị chưa có sự thống nhất cao trong quyết định xử ông Trương Minh Tuấn.

“Phân nửa đòi khai trừ Đảng luôn đấy, cắt hết mọi chức vụ, không xử lý tù nhưng đuổi về. Rồi có ý kiến đòi phải xử, đưa ra toà truy tố. Vì nó không tập trung ý kiến do đó tạm thời cảnh cáo, để đó. Và nhân sự thay thế cũng đã có rồi, là tướng bên Viettel ấy.”

Trong ngày 18/7, thông tin về người có khả năng thay thế ông Trương Minh Tuấn được dư luận chia sẻ khá mạnh mẽ trên mạng xã hội. Người đó là ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Vào tháng 5/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương do chính ông làm Trưởng ban, đưa vụ AVG vào diện theo dõi ‘đặc biệt”. Theo phân tích của Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thì điều này có nghĩa là đây là trọng án, sẽ không có nhân vật được chạy án, hoặc thoát tội.

Tuy nhiên, điều này cũng có 1 lý do khác, được nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:

“Nếu như vụ AVG không đưa vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương thì nó sẽ nằm hoàn toàn trong quy trình tố tụng xử lý hình sự của các cơ quan chính quyền. Khi Bộ Công an khởi tố thì Bộ Công an sẽ có toàn quyền xử lý đối với vụ AVG mà không phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị, Ban bí thư hay Ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương. Còn ngược lại, nhất cử nhất động, Bộ Công an sẽ phải xin ý kiến của Ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương, cũng có nghĩa là xin ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng.”

Lúc đó, theo ông Phạm Chí Dũng, sẽ diễn ra tình trạng gọi là “án bỏ túi”. Nếu Đảng muốn thì Đảng tha, hoặc Đảng muốn thì sẽ trị. Do đó, trong trường hợp Ban Bí thư đột ngột thông báo việc chỉ có cảnh cáo Ban Cán sự Đảng của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Đảng có vẻ như muốn “khoan hồng” cho cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và người đang đứng đầu bộ này là ông Trương Minh Tuấn.

“Thậm chí chỉ cảnh cáo với Trương Minh Tuấn một hình thức kỷ luật Đảng rất nhẹ nhàng so với những tội trạng mà ông Trương Minh Tuấn đã gây ra.”

Kỷ luật để hoãn binh

Theo nhận xét của nhà quan sát chính trị ẩn danh ở trên, hiện tại Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhận 1 án phạt tương đối khá nhẹ nhàng từ Ban Bí thư, từ Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương vì có nguyên nhân khác.

Đó chính là sự chờ đợi kết quả của Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu.

“Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu hiện nay đang là ngòi nổ trong nước. Bộ truyền thông và Ban tuyên giáo đang cần phải chịu lực cho đến tháng 10. Do đó ở trên không muốn xáo trộn 4T.”

Ông cho biết, sau khi Luật Đặc khu có kết quả, dù được hay không được thì vào tháng 10 này, Quốc hội sẽ xin thay thế nhân sự.

Vị này khẳng định, ông Tổng Bí thư sẽ không thể “nương tay” với hai vị quan chức cấp cao mang yếu tố chính trong vụ MobiFone-AVG. Vì mục đích cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng lúc này, đó là khẳng định quyền lực và thu tóm chính trị.

“Hiện nay ông Trọng gặp rất nhiều sức ép. Trong nước hiện nay có 3 cạnh tam giác. Thứ nhất ông Trọng muốn tuyệt đối hoá quyền lực. Thứ 2, Phạm Minh Chính định hất Trọng trong nhiệm kỳ này. Thứ 3 là Trần Đại Quang muốn an thân cho hết nhiệm kỳ.”

Vị này cho biết, ba cạnh của tam giác này đang hậu thuẫn nhau rất gay gắt. Do đó, theo ông, nếu ông Tổng Bí thư muốn tuyệt đối hoá quyền lực của mình thì bắt buộc phải dám hy sinh.

Sự hy sinh này không khác hơn chính là xuống tay nghiêm minh với những sai phạm của đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Thế nhưng, ở thời điểm này, ông nhìn thấy cách an toàn nhất đã được áp dụng trong việc xử lý vụ án MobiFone-AVG là đưa ra hình thức kỷ luật để hoãn binh.

“Kỷ luật để hoãn binh. Cảnh cáo. Không phải là nhẹ đâu. Vì luật bất thành văn, cảnh cáo bên Đảng là chính quyền sẽ cho thôi chức.”

Trải qua nhiều giai đoạn “chìm” rồi “nổi”, vụ án MobiFone – AVG cuối cùng sẽ được mang ra xét xử thế nào, theo nhận xét của nhà quan sát chính trị này thì câu trả lời sẽ được giải đáp sau tháng 10 năm nay.

Ý kiến của nhà báo Phạm Chí Dũng thì ông cho rằng nếu Trương Minh Tuấn “hạ cánh an toàn” theo cách nói của dư luận thì chắc chắn sẽ là một bất lợi về mặt công luận cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như công cuộc đốt lò vĩ đại của ông sẽ không còn ý nghĩa.

Nguồn: RFA