Vụ Tai Nạn Lao Động Tại Cần Thơ: Vài Điều Cần Suy Nghĩ!

Tâm Kiên

Trong một thập kỷ trở lại đây có lẽ sẽ không ai phản bác rằng, cây cầu Cần Thơ là cây cầu có trị giá xây dựng đắt nhất nước Việt Nam. Với số tiền đầu tư 218 triệu đô la, cộng với ít nhất sinh mạng của 52 công nhân xây dựng. Sự cố ngày 26.09.07 quả là một vụ tai nạn lao động thương tâm nhất trong lịch sử xây dựng công trình giao thông của Việt Nam, và nó là một điều đau buồn cho tất cả những ai là người Việt.

Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước đồng lòng nhìn về công trình cầu Cần Thơ, ai ai cũng chung một niềm đồng cảm cùng những nạn nhân và thân nhân của anh em công nhân bị tai nạn.

Khó có một cơ sở chắc chắn nào để khẳng định rằng những sự cố tương tự sẽ không tiếp tục xảy ra trong tương lai. Vì nguyên nhân chủ yếu là những vụ rút ruột các công trình xây dựng, và sự bao che lẫn nhau của một tập thể tham nhũng có hệ thống, là điều mà chính quyền hiện nay không thể làm gì được. Từ nhiều năm qua, những vấn đề tương tự đã xảy ra, mà đã một thời làm xôn xao dư luận, rồi dần dần đi vào quên lãng. Những vụ việc như hầm chui Văn Thánh, công trình xây dưng Điện Biên Phủ, những cầu đường, chung cư cao ốc, khi vừa khánh thành thì đã có dấu hiệu sụt lún, nứt đổ … gây tiêu tốn và thất thoát hàng trăm tỷ tiền quốc khố do nhân dân cả nước đóng góp.

Với tai nạn sập cầu Cần Thơ, nội vụ của vấn đề xây dựng cơ bản tại Việt Nam, một lần nữa lại được đưa ra mổ xẻ tại cơ quan lập pháp của …..Nhật Bản !!! tức là nước đứng đầu về viện trợ ODA cho Việt Nam, và cũng là chủ viện trợ cho việc xây dựng công trình cầu Cần Thơ.

Kể từ sau vụ PMU18, đây là lần thứ hai Quốc Hội Nhật Bản đưa vấn đề về việc viện trợ cho Việt Nam ra bàn thảo. Đương nhiên là họ cũng không muốn những đồng tiền thuế của nhân dân Nhật sẽ chạy vào túi các quan tham Việt Nam. Để rồi những công trình được xây dựng bằng tiền viện trợ của Nhật, một ngày nào đó lại trở thành những chiếc bẫy sập giết người Việt Nam. Chuyện quốc hội Nhật bàn bạc viện trợ ODA cho Việt Nam có thể dẫn đến điều tệ hại nhất, là sẽ giảm hoặc ngưng viện trợ cho Việt Nam. Đây là điều thiệt hại cho nhân dân Việt Nam, chứ không phải là nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, vì những công trình chiến lược phuc vụ cho nhân dân Việt Nam sẽ không thể xây dựng nhanh chóng, đúng tiến độ và có phẩm chất, do thiếu vốn, mà ngân sách quốc gia thì không thể nào đáp ứng nổi. Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra cho người dân Việt Nam là: làm sao để có thể diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng, là điều mà Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không thể nào giải quyết được,vì nạn tham những xuất phát từ chính từ nhà cầm quyền này, và được họ nuôi dưỡng.

Một vấn đề nữa cũng nên được đặt ra nơi đây là, những công nhân bị tai nạn và thân nhân của những người xấu số này có được những bồi thường thoả đáng hay không? Khi mà những nhà thầu xây dựng hầu hết đều là của nhà nưóc, hoặc ít nhiều có dính dáng đến các cấp lãnh đạo cao cấp của Nhà nước. Với thói quen cửa quyền, lại tham lam, coi rẻ người dân, chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để ém nhẹm, nạt nộ, lẩn tránh trách nhiệm cũng như trốn chạy việc bồi thường theo luật pháp. Và nếu phải bồi thường thì sẽ tìm cách để bồi thường tối thiểu. Như vậy, số phận các công nhân trong cảnh tật nguyền và gia đình họ sẽ ra sao? Đặc biệt, đa phần các công nhân bị tai nạn là những người lao động phổ thông, được thuê trực tiếp, không được ký kết các hợp đồng lao động,…Vì vậy, khó có thể khẳng định được rằng họ sẽ được bồi thường theo Luật và được hưởng các trợ cấp bảo hiểm xã hội, là điều mà tại Việt Nam ngay cả những người có tham gia đầy đủ cũng khó đòi hỏi được những quyền lợi chính đáng của mình.

Qua đây, vấn đề cuối cùng cũng được đặt ra là, liệu Công Đoàn sẽ hành động như thế nào để đòi hỏi lại quyền lợi chính đáng cho anh em công nhân bị tai nạn? Trong khi thực tế mà ai cũng thấy được, đó là Công Đoàn hiện nay chỉ là một bức bình phong được dựng lên để làm đẹp cho bộ mặt xã hội VN trong lúc này mà thôi.

Một giải pháp cho vấn đề này là : Công nhân phải tự bảo vệ được mình bằng sự liên kết trong những tổ chức công đoàn độc lập, và tự mình lựa chọn đại diện cho tập thể công nhân. Trong những tai nạn như vụ sập cầu Cần Thơ, chính các đại diện đích thực của công nhân cũng phải tham gia điều tra về những nguyên nhân tai nạn. Có như vậy mới đảm bảo được tính khách quan của cuộc điều tra về những vấn đề có liên quan đến công nhân, cũng như bảo vệ được quyền lơi chính đáng của công nhân.

Tâm Kiên (du sinh)