Vụ Vali Tiền Bỏ Quên Tại Sân Bay Nội Bài

Câu chuyện ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cộng sản Việt Nam bỏ quên một cái Vali, trong đó chứa 10 phong bì đựng hơn 9000USD và 21.700.000 đồng tại sân bay Nội Bài vào ngày 11 tháng 4 năm 2006… có lẽ bị cho chìm xuồng? Theo tin tức thì đêm 11 tháng 4 năm 2006, nhân viên của Trung tâm An ninh hàng không sân bay Nội Bài phát hiện một cặp màu đen hiệu Echolac có đeo thẻ VIP màu đỏ của hãng hàng không Vietnam Airlines bị bỏ quên trong đó có chứa một số tiền lớn như vừa nêu ở trên. Sau đó cơ quan an ninh sân bay Nội Bài đã xác định được chủ nhân chiếc cặp đó là Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Lâm bỏ quên sau chuyến đi công tác miền trung, các phong bì đựng tiền có cái ghi rõ tên của UBND tỉnh Phú Yên, Bình Định; có cái ghi của Tổng công ty Sông Đà Ban quản lý dự án thủy điện Sê San 3A, Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải, Công ty tư vấn và xây dựng đường thủy…

Vì ông Lâm là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban bí thư nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đã đem vụ này về ’xử lý’ chứ không cho Trung tâm an ninh hàng không sân bay Nội Bài nhúng tay vào. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó bí thư đảng ủy Văn phòng chính phủ là người được đề cử đứng ra tìm hiểu sự việc để báo cáo lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngay từ đầu, ông Trường đã tuyên bố: Lỗi phải kiểm điểm trách nhiệm là ông Lâm sơ suất, thiếu thận trọng nên để quên cái cặp tại sân bay Nội Bài. Rất may là trong cặp không có tài liệu mật nên tính chất của sai sót này có giảm đi. Còn việc phong bì thế nào, số tiền bao nhiêu Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tiến hành thẩm tra. Văn phòng chính phủ không ban hành văn bản cấm nhận phong bì hoặc bao nhiêu tiền thì được nhận.

Theo đơn tố cáo của một số cán bộ PMU 18, ông Lâm có nhiều người thân quan hệ mật thiết với Bùi Tiến Dũng. Còn Nguyễn Việt Nam (em ruột vợ ông Lâm) là thành viên của Hội đồng quản trị công ty Hoa Việt, doanh nghiệp được coi là sân sau của Bùi Tiến Dũng. Nếu vụ này được phanh phui đến nơi đến chốn thì sẽ đụng chạm đến các gốc bự, do đó mà Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ là ông Đoàn Mạnh Giao đã ký báo cáo kiểm điểm để kết thúc sự việc ông Nguyễn Văn Lâm để quên cái vali tiền ở sân bay Nội Bài với kết luận ngắn gọn: Đây là sự việc đáng tiếc, sơ suất. Bản báo cáo kiểm điểm này vừa được gởi cho Quốc hội CSVN vào ngày 24 tháng 5 năm 2006. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đổ Trọng Ngoạn đã phát biểu: Các kiểm tra đối với ông Lâm đều giống nhau ở chổ “đây là sự việc đáng tiếc, sơ suất”, trong khi hành vi của ông Lâm là nhận phong bì từ các địa phương và doanh nghiệp. Sao lại đáng tiếc? Bản chất vụ việc như vậy không thể nào là đáng tiếc được. Chẳng lẽ để vụ việc lộ ra là đáng tiếc?

Ông Ngoạn cho rằng sự kiểm điểm nói trên thì chống tham nhũng cái nỗi gì? Theo ông Ngoạn thì chính lề lối ứng xử của lãnh đạo đã dung túng tham nhũng và thành phần móc ngoặc. Ông Ngoạn cho rằng 10 phong bì trong cặp Vali bỏ quên chỉ là quà biếu hay là kết quả của sự vòi vĩnh… từ trung ương với sự đút lót từ cán bộ địa phương. Sự bỏ quên Vali đựng tiền của ông Lâm đã làm cho người ta hiểu thêm cách chuyển tiền giữa các bộ phận để thấy rằng tham ô, móc ngoặc đã trở thành một vấn đề không cần che dấu. Cán bộ trung ương lâu lâu đi công cán tỉnh này thành phố kia thì đó chính là lúc họ “thu tiền” từ các địa phương mang về lại Trung Ương để chia chác cho thành phần lãnh đạo Trung Ương. Sự kiện này cho người ta thấy rằng vấn đề tham nhũng, móc ngoặc trong guồng máy hành chánh của Hà Nội không còn phải kín đáo mà trở thành sự công khai, khi ông Lâm với tư cách người của văn phòng của Chính phủ đi các địa phương “thu hụi chết” từ các đàn em. Với lối hành xử của cấp trung ương như vậy, ngay từ đầu không ai tin là Hà Nội thật tâm trong việc chống tham nhũng. Bởi vì để sống còn, các phe phải dựa vào nhau mà bòn rút tài nguyên quốc gia và dựa vào sự chia chát những bổng lộc đang hưởng để có thể giữ ghế quyền lực lâu dài. Muốn thanh trừng tham nhũng và tham ô, công việc trước tiên là phải “dân chủ hóa” cơ chế lãnh đạo, không để cho bất cử đảng phái hay cá nhân nào đứng trên luật pháp quốc gia. Những kẻ vi phạm phải bị xử thích đáng, chứ không thể nào kết luận mơ hồ về cái gọi là “hành động đáng tiếc” để tiếp tục dung túng cho những trường hợp tham ô kế tiếp.