WTO: Quyền Lợi Phải Đi Đôi Với Trách Nhiệm

Nguyễn Ngọc Bảo

Vào ngày 7/11, Việt Nam đã được chính thức gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization) sau hơn 11 năm đàm phán vừa song phương vừa đa phương với một số đối tác chính về thương mại, trong đó có một số quốc gia thuộc Liên Âu, Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Đây là một nhu cầu của nhà cầm quyền CSVN trong mục tiêu mở rộng sự quan hệ của họ đối với quốc tế, tạo điều kiện cho cá nhân, gia đình cán bộ trục lợi, trong lúc các xí nghiệp Việt Nam vẫn chưa được cảnh báo và thị trường nội địa, nói chung vẫn chưa được chuẩn bị đúng mức nhằm đối phó lại các áp xuất lớn lao đến từ bên ngoài do sự gia nhập của Việt Nam vào Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO).

Việc tham gia WTO sẽ mang lại cho Việt Nam một số cơ hội mới để giao thương, xuất cảng các sản phẩm qua các thị trường mới, được hưởng một quy chế quan thuế ưu đãi, xoá bỏ những giới hạn về khối lượng, du nhập môt số kỹ thuật tiền tiến, nhưng ngược lại Việt Nam cũng sẽ phải đáp lễ bằng cách mở cửa thị trưòng nội địa cho các hàng hóa ngoại quốc. Mà trong số những hàng hóa này, đa số thuộc nhóm sản phẩm tiêu dụng một cách thông thường, hàng ngày, đến từ các quốc gia thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ dẫn đến sự phá sản trong ngắn hạn của hàng loạt các xí nghiệp trong nước vì không cạnh tranh nổi với các mặt hàng có phẩm chất kém, không đáp ứng được mức tối thiểu về an toàn.

Cho đến nay, tuy Việt Nam đã gia nhập ASEAN từ lâu, nhưng nhà cầm quyền CSVN luôn tìm cách kỳ kèo, luôn tìm mọi lý do để kéo dài thời gian, trì hoãn không chịu tuân thủ các điều khoản như hạ thấp hàng rào quan thuế, chấp nhận quy chế tự do đi lại, tự do lưu chuyển hàng hóa, tài chánh trong nội địa ASEAN. Nếu việc tuân thủ các điều khoản của Khối ASEAN là một khối tương đối kém phát triển so với các quốc gia tiền tiến trên thế giới đã gặp khó khăn, thì chắc chắn việc tuân thủ các điều khoản của WTO sẽ còn gặp khó khăn hơn nhiều. Việc các cuộc đàm phán kéo dài đến hơn 11 năm, chỉ trên một số mặt hàng tương đối giới hạn vì Việt Nam chưa phải là một quốc gia phát triển, đã cho chúng ta thấy một phần những khó khăn của nhà cầm quyền CSVN về mặt tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, về mức độ an toàn, về mức bảo vệ môi sinh, bảo vệ bản quyền. Điều này cho thấy lãnh đạo đảng CSVN luôn luôn chỉ biết lo cho quyền lợi của họ và gia đình, phe nhóm của họ trên cả quyền lợi của dân tộc VN.

Nếu thật sự muốn lo cho quyền lợi của dân tộc, thì chắc chắn nhà cầm quyền CSVN đã phải quan tâm đến việc chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cho thị trường quốc nội về mặt gia tăng các tiêu chuẩn phẩm chất các mặt hàng chủ lực, thay đổi tư duy sơ cứng của các cán bộ đảng viên trách nhiệm về mặt tiếp thị, quản trị xí nghiệp, tu nghiệp kỷ năng, gia tăng hiệu năng các dịch vụ phục vụ khách hàng, khuyến khích xuất cảng qua việc cho vay các tín dụng với lãi xuất hạ, khuyến khích các xí nghiệp canh tân hệ thống sản xuất, dồn sức đầu tư vào các mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, … Đặc biệt là phải giải tỏa bộ phận các xí nghiệp quốc doanh vừa kém hiệu năng, vừa là ổ tham nhũng của các cán bộ đảng qua giải tư hay đóng cửa hẳn một số xí nghiệp.

Một điều quan trọng khác là cần phải áp dụng một cách hữu hiệu và tu chính các điều khoản trong bộ luật lao động nhằm giải quyết mau chóng các cuộc tranh chấp về lao động. Khuyến khích sự hình thành của một số công đoàn độc lập trong một số ngành nghề nhằm đại diện thật sự cho quyền lợi của giới công nhân trong các cuộc tranh chấp về quy chế lương bổng, an toàn lao động với giới chủ nhân. Khi quyền lợi căn bản của giới công nhân được bảo đảm thì họ mới yên tâm sản xuất, đóng góp trí lực cho xí nghiệp, nếu không thì các cuộc đình công sẽ gây đình trệ cho việc sản xuất, làm giảm phẩm chất các mặt hàng sản xuất, không đáp ứng được thời hạn giao hàng, … sự cộng hưởng của tất các các yếu tố tiêu cực trên, vì sự không quan tâm của nhà cầm quyền CSVN sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới bị suy giảm nặng nề. Thay vì được hưởng các điểm lợi qua việc gia nhập WTO, Việt Nam sẽ mất dần khả năng cạnh tranh và ngày càng bị lệ thuộc về mặt kinh tế không những trên các lãnh vực kỹ nghệ tiền tiến đòi hỏi nhiều vốn và kỹ năng mà ngay cả trên các lãnh vực mà đất nước chúng ta có đủ khả năng để sản xuất ra và xuất cảng ra bên ngoài.

Đảng CSVN thường hay rêu rao là đấu tranh cho sự độc lập của dân tộc, sự thật là đảng CSVN đã luôn tìm mọi cách để đem dân tộc vào sự lệ thuộc của một chủ thuyết mác xít lê nin nít lỗi thời, không phù hợp với nhu cầu phát triển đất nước và ngày nay đang đem dân tộc vào vòng lệ thuộc kinh tế ngoại bang mới, trong mục tiêu phục vụ cho quyền lợi của giới lãnh đạo, cá nhân và gia đình họ. Chứ không nhằm mục tiêu phục vụ cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Đã từ lâu đảng CSVN đã cố tình không biết là quyền lợi cần phải đi đôi với trách nhiệm. Họ tự cho là không có trách nhiệm gì với dân tộc Việt Nam cả. Bổn phận của tất cả những người Việt Nam yêu nước là phải tìm cách chấm dứt cái chế độ độc tài vô trách nhiệm này đi, càng sớm càng tốt, thì mới có thể phát triển bền vững, giữ được sự tự chủ của dân tộc.