Xây Dựng Nền Tảng Thiện

Ngô Nhân Dụng

Làng Hombrechtikon ở phía Ðông Nam thành phố Zurich, có khoảng ba ngàn dân, trong đó nhiều người là di dân đời thứ nhất. Có hai gia đình người Việt Nam, có người từ Tiệp, từ Macedoine tới, cùng người Trung Hoa, Bangladesh, Ấn Ðộ, vân vân.

Như mọi thành phố Thụy Sĩ khác, đường sá rất sạch sẽ không một cụm rác. Ngay cả trên bãi đất trống cỏ Mùa Xuân đang mọc xum xuê cũng không thấy ai vứt rác. Giữa hai tòa cao ốc, trông giống những ngôi nhà tập thể ở khắp Âu Châu, một đường mương có nước chảy dưới khe, nghe tiếng nước chảy cứ tưởng là cống thoát nước phế thải. Ðến gần nhìn xuống mới thấy là một con suối nhỏ, nước chảy xối xả ngày đêm, mà nước trong vắt. Tháng trước tôi đến thành phố du lịch Moab ở tiểu bang Utah bên Mỹ, bên cạnh khách sạn cũng có một con suối nước trong suốt như vậy; nhưng lâu lâu lại thấy trên mặt nước có một cái lon hay mảnh giấy trôi lênh bênh. Ở trong cái làng nhỏ ở Thụy Sĩ này, dưới dòng suối nhỏ tuyệt nhiên không thấy rác. Cảnh tượng làm cho lòng du khách nổi lên một niềm vui là một cái quán bên đường, góc đường Einwis và Ruti Strasse. Quán chỉ là một cái quầy gỗ dài, có che mái. Trên mặt quầy bày những chậu hoa đã ươm sẵn, cây đã nẩy lá, mầm xanh và những nụ hoa đang chúm chím, đúng thời tiết Tháng Năm. Hoa để đó, bán cho những người dân làng muốn trang trí ngôi nhà hoặc căn “áp” (appartement) của họ. Nhưng cửa hàng hoa này không thấy ai đứng bán. Các chậu hoa bán cùng một giá, và ở cuối bàn có một cái hộp đựng tiền, trên có tấm bảng viết, “Kasse” để cho người mua biết chỗ bỏ tiền vào.

Ði bộ tới một góc đường khác, lại thấy một cái quầy bán trái cây giống như vậy, cũng theo lối khách tự chọn lấy hoa quả và tự trả tiền, không ai trông coi cửa hàng hết! Vài chục năm trước, tôi có mấy anh chị học trò người Mã Lai Á, họ kể ở nước họ cũng có những vùng người dân quê “bán trái cây” ở những quán bên đường theo lối đó. Các sinh viên Mã Lai gốc Hoa này rất hãnh diện về cảnh tượng đó, họ đem khoe tôi những bức hình rõ ràng! Nhưng đó là một vùng thôn dã hiền hòa Á Châu; tôi không ngờ ở một làng nằm phía Bắc hồ Zurich, một làng rất nhiều di dân mới tới cư ngụ, nằm giữa một Âu Châu công nghiệp hóa từ mấy trăm năm, cũng có cảnh tượng như vậy?

Làng Hombrechtikon.

Tại sao con người có thể sống với nhau một cách lương hảo, tín cẩn nhau một cách tự nhiên như thế? Bởi vì họ đã quen sống như thế từ lâu rồi! Tại sao người dân trong những cư xá 5 tầng lầu này không ai vứt rác ra đường, không cai vứt một cái tàn thuốc ngoài phố? Cũng tại người ta đã sống quen như thế rồi. Ðó là những lời giải thích giản dị của anh Hiến, người bạn tôi mới tới ở làng Hombrechtikon được ba năm nay. Hiến được công ty ở Canada cử sang làm việc ở đây, và anh bắt đầu quyến luyến nếp sống thuần hậu ở ngôi làng này mặc dù anh chỉ mới đang học tiếng Ðức. Nhưng thử tưởng tượng, trong làng này có rất nhiều di dân mới tới, như bao thành phố lớn khắp Âu Châu đã đón tiếp di dân từ khắp thế giới? Tại sao ở những nơi khác người ta thảo luận sôi nổi “vấn đề di dân” với bao hậu quả kinh tế, xã hội; mà ở đây người ta sống anh lành như vậy? Có phải vì luật pháp ở Thụy Sĩ nghiêm khắc hơn ở nơi khác? Có phải vì kinh tế Thụy Sĩ tốt, không ai bị thất nghiệp, không ai chịu cảnh nghèo nàn bên cạnh những người giàu có xa xỉ? Trong hai ngày đầu ở đây tôi chưa trông thấy một người cảnh sát nào (cho tới khi tôi bị gắn cái giấy phạt vì đậu xe sai chỗ cũng không gặp họ). Dân ở đây cũng rất nhiều người lao động, sống trong những appartement chật chội, họ đi làm bằng xe buýt, xe lửa; mà cảnh giàu nghèo chênh lệch rất cao vì nước Thụy Sĩ xưa nay vẫn có những người giàu bậc nhất thế giới.

Cuối cùng, vẫn chỉ có thể giải thích như Hiến nói, là ở đây người dân đã sống quen theo lối trọng kỷ luật, sạch sẽ, lương thiện, tín cẩn như vậy từ nhiều đời. Các thế hệ trước đã đặt nền móng cho một xã hội như thế, họ tạo nên một mảnh đất màu cho các thế hệ sau tới gieo hạt. Những di dân cũng giống như cây quýt, trồng ở đất nào có mùi vị ở đó. Vả lại, trong một cái làng nhỏ này, cuối cùng mọi người ai cũng biết nhau. Nếu ông bà để cho con cái xả rác ngoài đường thì cuối cùng ai cũng biết! Mà chính ông bà cũng sẽ giữ trật tự, vệ sinh, vì mình đã dậy con ăn ở có kỷ luật, mình sẽ phải giữ kỷ luật chứ nếu không thì làm sao dạy được?

Dăm năm trước đây tôi đã sống cả tháng ở một xóm ngoại ô ngoài thành phố Bangkok, và thán phục tính lương thiện của người dân Thái ở đó. Những chậu hoa phong lan treo trước cửa nhà ngày đêm, không sợ mất. Chúng tôi đi chợ mua rau muống, mua na, sầu riêng, không nói được tiếng Thái nên người bán hàng tính giá thế nào thì trả giá đó. Mấy ngày sau một chị người Thái đi chợ cùng chúng tôi, chị mua mớ rau muống hay trái mãn cầu, họ cũng bán đúng giá như bữa trước chúng tôi phải trả. Những phụ nữ bán rau, trái, ông già chủ quầy bán tạp hóa không vì thấy khách lạ mà đòi giá đắt hơn. Quả là những con người lương thiện.

Thành phố Bangkok, Thái Lan.

Dân xứ nào cũng vậy, người ta bắt chước cách ăn ở của nhau, con cháu bắt chước ông bà cha mẹ. Không có giống dân nào bản tính xấu hơn hay tốt hơn dân nào. Ở nhiều xứ, mọi người cũng có quan niệm về sạch sẽ, vệ sinh, hiền lành, lương thiện trong cuộc sống của mình, nhưng họ thiếu một ý thức tự nhiên về “của chung,” về trật tự sạch sẽ chung, không thấy nhu cầu bảo vệ một bầu khí đạo lý chung. Có những cô gái ăn mặc sang trọng ngồi ăn trong một quán ăn lịch sự nhưng cứ tự nhiên nhả miếng xương trong miệng xuống sàn nhà. Người lịch sự, tao nhã hơn thì vứt miếng xương ra ngoài đường cho mấy con chó tới tranh nhau. Người ngồi trong quán hay khách qua đường không ai thấy thế là chướng mắt. Có những người quét lề đường trước nhà mình rất sạch sẽ, nhưng khi thấy ai vứt cái tàn thuốc, hay cái hộp giấy trước cửa thì lấy chân đá miếng rác đó xuống mặt đường, cho bàn dân thiên hạ cùng chịu đựng, chứ không lượm lên bỏ thùng rác giúp cho cả thành phố sạch sẽ. Người ta chỉ lo cho riêng mình, cho gia đình mình, không cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ vẻ đẹp và nếp sống an hòa của xã hội chung quanh.

Nhiều người than dân Việt Nam bây giờ đang thiếu ý thức về công ích, ở trong nước cũng như trong nhiều cộng đồng ở hải ngoại. Trước năm 1975 học sinh ở miền Nam được học môn công dân giáo dục, về sau này hình như đã bỏ. Một điều lạ, là trong chế độ cộng sản thường đề cao tập thể, nhưng người dân phần lớn lại không màng tới công ích. Có lẽ chế độ chính trị chú trọng tới hình thức nhiều quá, đề cao các báo cáo thành tích nhiều quá, lâu ngày tập cho mọi người lối sống chỉ chú trọng đến bề ngoài, giả dối. Sống lương thiện, sạch sẽ, ai cũng biết là tốt. Nhưng nhu cầu trước mắt, nỗi thúc bách hàng ngày chỉ là làm sao báo cáo tốt, không bị công an mời lên “làm việc,” cho nên mọi người quên dần nội dung của tinh thần đạo đức mà chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài miễn sao cho được yên thân. Người ta mất thói quen tự hỏi xem lương tâm mình bảo mình phải làm gì. Tiêu chuẩn quan trọng nhất là làm thế nào qua mắt được công an, không bị len làm việc!

Nói như vậy, các bạn công an lại than rằng “Cái gì các ông cũng đổ lỗi tại cộng sản!”. Nhưng tìm nguyên nhân ở đâu bây giờ? Khi chúng ta có một nhóm người hô hào đi xây dựng thiên đường nhưng lại quyết tâm dùng bất cứ thủ đoạn tàn ác, bất nhân, gian dối nào để chiếm lấy chính quyền và bảo vệ quyền hành cũng được, thì rất khó xây dựng điều thiện trong xã hội. Tôi đã đọc những bài do Hồ Chí Minh viết về “đạo đức cách mạng.” Cuối cùng, bao giờ ông cũng dặn dò cán bộ, đảng viên một điều, là phải đặt ích lợi của đảng cộng sản lên trên hết. Ðó là đạo đức mới của ông. Ðảng là cái gì? Ai định nghĩa đâu là “Ích lợi của Ðảng?”.

Ông Hồ không nói, nhưng hậu quả là người ta chỉ cần học vâng lời các lãnh tụ. Tiêu chuẩn đạo lý cần thiết nhất là vâng lời cấp trên. Không ai dám phê phán cấp trên. Tôn thờ lãnh tụ như thần thánh, nếu lãnh tụ có làm bậy thì tất cả có bổn phận phải che giấu! Lối tổ chức như vậy phù hợp với các đảng bí mật kiểu mafia. Nhưng không phải là cách xây dựng một quốc gia muốn sống lương hảo. Gieo nhân nào thì gặt quả đó.

Khi con người được huấn luyện chỉ biết vâng lời, rồi trong bụng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị công an buộc tội, thì họ sẽ dần dần bỏ qua những quy tắc đạo lý khác, và chỉ cần biết “sợ là đủ.” Nhà văn Nguyễn Tuân đã thú nhận như vậy. Bài học cho chúng ta, khi muốn xây dựng nước Việt Nam trong tương lai, là phải xây dựng một nền tảng đạo lý khác. Người ta không thể xây dựng điều thiện bằng những phương tiện ác. Muốn đất nước, đồng bào tập sống lương hảo, chúng ta phải xây dựng những nền tảng lương thiện ngay từ những bước đầu tiên. Có những dấu hiệu cho thấy thế hệ những người trẻ tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ đang bắt đầu xây dựng những nền tảng đó. Coi những “trang nhà” trên mạng lưới ở Việt Nam, chúng ta thấy như vậy.

Thứ nhất là họ không tạo nên những tổ chức bí mật kiểu mafia. Họ không có ban ám sát, không cần bộ máy tuyên truyền để nói dối! Họ sinh hoạt công khai, Hoàng Hải thì ai cũng biết là Hoàng Hải, Tạ Phong Tần xưng đủ tên tuổi, khai rõ lý lịch mình đã làm công an. Nguyễn Xuân Nghĩa, Lê Thị Công Nhân, làm gì thì nói ra không sợ hãi. Nếu không biết tổ chức đấu tranh bí mật thì những người dân chủ này làm sao tạo được sức mạnh? Sức mạnh của lối sống dân chủ tự do là sự thật. Cho nên phương pháp tốt nhất là minh bạch, công khai. Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ là một thí dụ khác. Vào đọc tạp chí Phía Trước của họ (www.phiatruoc.net) chúng ta thấy mọi người, mọi hoạt động được trình bày công khai. Anh Nguyễn Tiến Trung ở Pháp công khai viết thư phê phán chính quyền cộng sản, rồi công khai về nước. Anh Trung bị bắt đi lính, chị Nguyễn Trang Nhung từ Nhật về công khai hoạt động để đóng vai lãnh đạo tập thể thay cho anh Trung. Các bạn thanh niên trong nước, ngoài nước, nếu đồng ý với “Nếp Suy Nghĩ” của tập thể thì cứ vào trang nhà của họ mà liên lạc, đóng góp. Nếp nghĩ mới mà họ đề cao gồm những quy tắc như Bao Dung, Tôn Trọng Sự Khác Biệt, Ðối Thoại, Dấn Thân. Mục tiêu họ tranh đấu là đòi hỏi cho người Việt Nam được tự do bầu cử, tranh cử, trong những thể thức bỏ phiếu công bình.

Chính phương pháp đấu tranh cho tự do dân chủ phải là phương pháp lấy điều thiện làm nền tảng. Ðó là cách tốt nhất để xây dựng xã hội tương lai. (Người Việt; Tuesday, May 06, 2008)

Ngô Nhân Dụng