Xin Cho Biết Sự Liên Hệ Giữa Mặt Trận Với Đảng Việt Tân?

Từ những năm đầu thập niên 80, các tổ chức đấu tranh ở trong và ngoài nước đã tìm cách liên lạc, tiếp xúc để khai thông sự bế tắc của công cuộc kháng chiến vì những trở ngại tiếp tế trong ngoài và vận động sự yểm trợ của quốc tế mạnh mẽ hơn. Trong khi tiếp xúc và trao đổi, các chiến hữu lãnh đạo của những tổ chức này nhìn ra nhu cầu là phải kết hợp để xây dựng một lực lượng đấu tranh duy nhất thì mới có thể điều hướng công cuộc đấu tranh đến thành công. Lúc đó, đa số các chiến hữu tiên phong thấy là phải có sự xuất hiện của một đảng cách mạng với cơ sở tư tưởng mang đặc tính nhân bản nhằm phục vụ dân tộc và thực hiện được khát vọng canh tân của người Việt Nam sau nhiều năm chiến tranh. Tuy nhiên, trong lúc thảo luận về việc lập đảng, các chiến hữu tiên phong cũng đồng thời phân tích về tâm lý của quần chúng Việt Nam đang chờ đợi những gì và có ấn tượng ra sao khi đón nhận một lực lượng cách mạng ra đời, đặc biệt là xuất hiện dưới hình thức của một đảng cách mạng vào thời điểm đó. Trong hoàn cảnh hậu năm 1975, đa số quần chúng có tâm lý ghê tởm đảng Cộng sản nên khá e ngại về chữ đảng. Qua quá trình hành động của đảng Cộng sản Việt Nam, đảng là biểu tượng của áp bức, của hận thù và thanh toán… Do nhu cầu mở rộng sự kết hợp toàn dân trong một mặt trận chung để đẩy phong trào kháng chiến lên một tầm mức quy mô hơn và tránh tạo tâm lý tiêu cực về hình ảnh của một đảng do những ấn tượng sai lầm do đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra, các chiến hữu tiên phong đã đi đến quyết định tạm gác việc thành lập đảng để dồn nỗ lực vào việc xây dựng một mặt trận thống nhất toàn dân, với kết quả là việc ra đời Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, lấy ngày 30 tháng 4 năm 1980 làm ngày thành lập, nhằm đánh dấu sự kết hợp của các lực lượng đấu tranh ở trong và ngoài nước sau đúng năm năm ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ.

Sau khi Cương Lĩnh Chính Trị của Mặt Trận được công bố tại khu chiến vào ngày 8 tháng 3 năm 1982, dư luận bắt đầu biết đến sự hoạt động của Mật Trận và nhất là tán đồng các quan điểm cứu nước của Mặt Trận, nhiều tổ chức kháng cự khác đã quyết định gia nhập Mặt Trận và đã góp phần quảng bá tiếng nói đấu tranh có đường lối, có tổ chức thống nhất của Mặt Trận đến nhiều nơi. Chính sự lớn mạnh một cách nhanh chóng của phong trào kháng chiến, đã đặt ra cho các chiến hữu tiên phong một vấn đề là phải tiến hành thành lập Đảng để vừa nuôi dưỡng phong trào, vừa đào tạo một đội ngũ cán bộ để chỉ đạo trực tiếp công cuộc kháng chiến cứu nước và dựng nước cho đến ngày thành công. Trong tinh thần đó, ngày 10 tháng 9 năm 1982, đại hội dựng Đảng đã được triệu tập tại khu chiến, chính thức thành lập Đảng Canh Tân Cách Mạng Việt Nam, gọi tắt là Đảng Việt Tân. Mặc dù đảng Việt Tân được thành lập nhưng do nhu cầu phát triển phong trào kháng chiến trong toàn dân nên đảng Việt Tân đã chỉ phát triển hàng ngũ trong nội bộ kháng chiến quân và chỉ đạo bên trong Mặt Trận.