‘Xử án theo dư luận’

FB Thái Hạo

Bồi thẩm đoàn (bên trái) nghe các bên trình bày, tranh luận, để sau đó đưa ra quyết định, rằng bên bị cáo là có tội hay không có tội. Ảnh: FB Thái Hạo

Rất dễ thấy, nếu ở Việt Nam mà có hiện tượng “xử án theo dư luận” thì thường sẽ bị chỉ trích, chê bai. Lý do thì có lẽ không cần nêu ra đây nữa. Tuy nhiên, dường như trên thế giới lại đang có rất nhiều nước, như Australia, Canada, Pháp, New Zealand, Bắc Ailen, Mỹ, v.v., thực hiện cách làm “ngược đời” này. Thậm chí, nó là một thành phần và nguyên tắc không thể thiếu trong tố tụng: đó là sự hiện diện và vai trò quyết định của Bồi thẩm đoàn (Jury) – “Thẩm phán công dân.”

Xin nói hết sức sơ lược và vắn tắt: Bồi thẩm đoàn là một nhóm thường dân (không làm trong nhà nước, quân đội, không cần biết là có am hiểu luật pháp hay không…), được lựa chọn ngẫu nhiên bằng cách rút thăm và gọi tới tòa để tham gia xét xử, đây là một nghĩa vụ không được phép từ chối.

Công việc của các bồi thẩm viên chủ yếu là nghe các bên trình bày, tranh luận, sau đó là đưa ra quyết định, rằng người bị cáo buộc là có tội hay không có tội, bằng cách cách bỏ phiếu kín. Tức vai trò của chính cái nhóm thường dân không có chuyên môn pháp lý này mới là mang tính quyết định, chứ không phải thẩm phán. Nếu sau khi bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu “có tội” thì mới đến lượt thẩm phán, ông ta sẽ định mức phạt. Còn nếu bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu là “vô tội” thì thẩm phán không còn việc gì để làm nữa. Lưu ý, phán quyết của Bồi thẩm đoàn chỉ có hiệu lực khi đạt được 100% (12/12), chỉ cần 1 phiếu không thuận là vụ án sẽ phải xét xử lại.

Mỗi Bồi thẩm đoàn chỉ được thành lập cho một vụ án, sau khi xét xử xong thì giải tán.

Tại sao ở các nước vẫn mang tiếng là văn minh, tiến bộ trên thế giới mà lại có một cách làm lạ lùng như vậy khi đi giao quyền phán quyết cho một nhóm dân đen chẳng có chuyên môn gì về luật pháp?

Lý do có nhiều, trong đó có việc họ sợ rằng quan tòa vì những lý do nào đó mà vô tình hay cố ý xét xử không công bằng/công tâm. Và điều này đặc biệt hơn: Công lý không phải chỉ có đúng sai vô hồn, mà còn phải dựa vào quan điểm đạo đức và lương tâm của con người bình thường trong xã hội. Công lý cũng không phải chỉ để hiểu, công lý còn cần phải cảm nhận được. Vì thế, một khi bồi thẩm đoàn đã quyết định rằng bị cáo không có tội, thì bất luận quan toà có cách nhìn như thế nào, ông ta chỉ còn cách là tha ngay tại chỗ.

Vậy, có thể thấy rằng, một bồi thẩm đoàn cũng giống như là một loại dư luận xã hội, chỉ có điều ở đây nó mang tính đại diện, vì số lượng có hạn (thường là 12 người).

Nhân loại chưa bao giờ có được một mô hình tòa án hoàn hảo 100% để vĩnh viễn không có oan sai. Và vì thế, người ta tìm mọi cách để hạn chế tình trạng đáng buồn ấy, mà sự có mặt của Bồi thẩm đoàn là một trong những cách như thế.

“Xét xử theo dư luận” cũng tất nhiên là không mang đến sự hoàn hảo, nhưng nó phản ánh và đáp ứng được lương tri và nhìn nhận của xã hội. Nó cũng có nghĩa là, công lý còn là sự phù hợp với mức độ hài lòng của công chúng. Một bản án mà xã hội bất bình và phản đối dữ dội thì cũng có nghĩa nó chưa thỏa mãn được công lý.

Tôi nghĩ, khi tòa án nước ta không có Bồi thẩm đoàn (Hội thẩm Nhân dân có tính chất khác hẳn nên không nhắc đến) thì việc lắng nghe dư luận là một cách cần thiết trong những vụ trọng án gây tranh cãi mang tính xã hội rộng lớn. Vì rốt cuộc, việc xử án là để làm yên lòng người và tạo nên niềm tin cũng như sự tâm phục khẩu phục của xã hội, từ đó mà làm thành trị an lâu dài.

Những vụ án như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh đã và đang khiến đông đảo người dân luôn quan tâm một cách đặc biệt suốt nhiều năm nay, vì cảm nhận sự oan sai là rất lớn. Có thể gọi đây là những lá phiếu của các “Thẩm phán công dân” mà tòa án cần xét đến một cách nghiêm túc, vì đắc nhân tâm cũng là một biểu hiện quan trọng của công lý vậy.

Nguồn: FB Thái Hạo