Xung quanh cuộc cách mạng cách đây 60 năm

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Đảng cũng như nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) gọi ngày 19/08/1945 là “Cách mạng tháng Tám.” CSVN mượn tiếng làm “cách mạng giải phóng dân tộc” nhưng thực chất họ tiến hành cuộc “cách mạng xã hội chủ nghĩa” theo chủ thuyết Mác Lênin. 60 năm sau, đất nước và dân tộc Việt Nam được hưởng những gì từ sau cuộc “cách mạng tháng Tám”?

Gần ba phần tư dân số nước ta hiện nay là những người sinh sau ngày 19/08/1945, ngày mà chính quyền cộng sản gắn cho cái nhãn hiệu “cách mạng tháng Tám” do đảng CSVN lãnh đạo thành công cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, vào tay nhân dân v.v… Chương trình giáo dục, bộ máy tuyên truyền của chế độ đã tận dụng mọi phương tiện, nỗ lực để nhồi nhét những ý niệm này vào đầu óc con người Việt Nam trong suốt 60 năm qua. Ngày nay, với thời gian, với những tài liệu lịch sử và với kinh nghiệm của hơn 80 triệu người dân Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày 19/08/1945, thiết tưởng cũng cần kiểm điểm lại nguyên nhân cũng như hậu quả của cái ngày “lịch sử” đó. Cuộc “Cách Mạng Tháng Tám” đã diễn ra trong bối cảnh như thế nào? Đây có phải là cuộc “cách mạng giải phóng dân tộc” hay không? Thành quả cuộc “cách mạng” này trải suốt 60 năm ra sao? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi tin rằng không những giới trẻ sinh sau, đẻ muộn… mà không ít ngưòi khác cũng muốn tìm câu trả lời.

Bối cảnh cuộc cách mạng tháng Tám 1945

Đệ Nhị Thế Chiến Chấm Dứt

Ngày 30 tháng 4 năm 1945, Berlin thất thủ. Adolphe Hitler tự sát. Hồng quân Liên Xô đã chiếm được tòa nhà Quốc Hội Đức Quốc Xã. Tuy tướng Leclerc và Sư Đoàn 2 Kỵ Binh Thiết Giáp tiến chiếm sào huyệt bỏ trống của Hitler tại Berchestesgasen vào ngày 5/5/1945, nhưng thực sự, quân đội Đồng Minh đã toàn thắng 5 ngày trước đó trên chiến trường Âu Châu của cuộc Đại Chiến Thế Giới lần thứ Hai.

Trong khi chiến trận còn đang tiếp diễn trên Thái Bình Dương và nhiều nước Á Châu thì vào ngày 20/7/1945, tại Postdam, vùng Brandenburg, gần Berlin, những nhà lãnh đạo thượng đỉnh của Đồng Minh là tổng thống Mỹ Harry Truman, thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh tụ Liên Xô là Staline đã hội họp nhau để bàn việc chia cắt Âu Châu và Á Châu. Pháp bị gạt ra ngoài, không được mời và cũng không hề được tham khảo. Theo sự chia cắt này thì Staline đã thuyết phục được Anh – Mỹ để Liên Xô hoàn toàn kiểm soát các nước Đông và Trung Âu. Tại Á Châu và đặc biệt là tại Đông Dương, đã có sự tranh cãi giữa Anh và Mỹ. Theo tướng Mountbatten của Anh thì quyền chỉ huy chiến trường Đông Dương phải thuộc nước Anh. Trong lúc đó, tướng Wedemeyer của Mỹ thì đòi quyền này thuộc liên quân Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc. Theo các sử gia thì thâm ý của Mỹ là muốn hất Pháp vĩnh viễn ra khỏi thuộc địa Đông Dương. Cuộc tranh cãi gay gắt đã được chấm dứt bởi tướng Mỹ George Marshall, tư lệnh tối cao liên quân Anh Mỹ bằng quyết định của ông đưa ra là chia cắt lãnh thổ Đông Dương làm hai, lấy vĩ tuyến 16 (Nam Đà Nẵng) làm ranh giới. Phía Bắc là địa phận của Trung Hoa và phía Nam của Anh. Cũng trong cuộc hội họp thượng đỉnh này, tổng thống Truman đã bật mí với Staline là Mỹ đã thí nghiệm thành công vào ngày 16/7/1945 qủa bom nguyên tử gần Los Alamos, New Mexico.

Ngày 6/8/1945, lúc 8 giờ 17 phút, quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ đã được ném xuống thành phố Hiroshima, giết hại 157.071 người Nhật và san bằng thành phố này. Ba ngày sau, 9/8/1945, qủa bom thứ nhì của Mỹ được thả xuống thành phố Nagazaki, tiêu diệt 75.000 người. Đúng ngọ ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng Hiro-Hito lên tiếng trước quốc dân và quân đội Nhật, tuyên bố đầu hàng. Ngày 2/9/1945, trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ thả neo trong vịnh Tokyo, Nhật đã chính thức ký văn bản đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện.

Ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, người ta đã đi đến kết luận là hai qủa bom nguyên tử thả xuống đất Nhật, nếu có tác dụng thì chỉ là thúc đẩy sự đầu hàng của Nhật nhanh thêm một chút, chứ ý định đầu hàng đã có trong tư tưởng những nhà lãnh đạo chính trị cũng như quân sự Nhật Bản, nhất là trong ý định của Nhật Hoàng Hiro-Hito từ cả năm trước đó. Thật vậy, với sự bao vây của hải quân Hoa Kỳ, nước Nhật đang lâm vào cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu trầm trọng. Cũng nên nhắc là cho đến tháng 8/1945, Liên Xô vẫn là nước trung lập trong cuộc chiến tranh giữa Nhật và Đồng Minh. Staline chỉ nhẩy vào vòng chiến để kiếm lợi ngày 8/8/45, tức là 2 ngày sau qủa bom nguyên tử đầu tiên và 1 tuần trước khi Nhật đầu hàng. Vận động hòa bình, kể cả đầu hàng với điều kiện là Nhật Hoàng vẫn tại vị đã được Nhật Bản chính thức tiến hành với nước “trung lập” Liên Xô qua đại sứ Nhật tại Mạc Tư Khoa. Nhưng Staline từ chối và lờ đi không thông báo gì với Đồng Minh Anh – Mỹ, dù rằng Staline đã gặp các vị thủ lãnh quốc gia Đồng Minh tại Hội Nghị Yalta (4/11/45 – 11/2/45) và Hội Nghị Postdam (20/7/45).

Tình Hình Việt Nam năm 1945

Trở lại Đông Dương, sau khi nước Pháp được hoàn toàn giải phóng, chính quyền tay sai của thống tướng Pétain tại Vichy bị hạ bệ, nước Pháp nghiễm nhiên đứng trong hàng ngũ Đồng Minh và trở thành thù địch với Phe Trục Đức – Nhật, chính quyền thực dân tại Đông Dương đã lấy lập trường thần phục Paris. Vì vậy, ngày 9/3/45, quân đội Nhật tại Đông Dương đã bất thần đánh úp tất cả các đồn bót của Pháp, bắt giam tất cả người Pháp. Ngày này được dân ta nhắc đến như là cuộc “đảo chính Nhật.” Ngày 10/3/45, đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Yokohama đã yết kiến vua Bảo Đại tại Điện Kiến Trung, tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11/3/45, vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ mọi Hiệp Ước, Hòa Ước công nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ nước ta và thông báo, kể từ đây, dân tộc Việt Nam làm chủ vận mệnh của mình. Vua Bảo Đại đã mời Giáo Sư Trần Trọng Kim vào triều yết ngày 7/4/45 và yêu cầu ông thành lập chính phủ nước Việt Nam độc lập trong khối Đại Đông Á do Nhật thống lãnh. Ngày 17/4/45 thủ tướng Trần Trọng Kim công bố thành phần chính phủ như sau: Thủ Tướng: Trần Trọng Kim; Bộ trưởng ngoại giao: LS. Trần Văn Chương; Bộ trưởng thanh niên: LS Phan Anh; Bộ trưởng tài chánh: LS Vũ Văn Hiền; Bộ trưởng nội vụ: YS Trần Đình Nam; Bộ trưởng y tế, cứu tế: BS. Vũ Ngọc Anh; Bộ trưởng tư pháp: LS Trịnh Đình Thảo; Bộ trưởng kinh tế: BS. Hồ Tá Khanh; Bộ trưởng giáo dục, mỹ nghệ: Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn; Bộ trưởng công chánh: KS. Lưu Văn Lang; Bộ trưởng tiếp tế: YS. Nguyễn Hữu Thi. Không có bộ quốc phòng vì Việt Nam nằm trong khối Đại Đông Á của Nhật, nên việc quân sự do người Nhật đảm trách.

Vào thời điểm “đảo chánh Nhật,” tại miền Bắc đã xảy ra nạn đói khủng khiếp khiến cho trên dưới hai triệu người bị chết đói. Người ta gọi nạn đói này là “nạn đói năm Ất Dậu.” Vì bom đạn, vì quân đội Nhật thu vét lúa gạo và bắt trồng cây công nghiệp để phục vụ cho kỹ nghệ chiến tranh, các tỉnh đồng bằng Bắc Việt đã không còn lương thực, và miền Nam không thể tiếp tế ra Bắc được. Chính phủ Trần Trọng Kim vừa ra đời là phải bắt tay ngay vào việc cứu đói, chưa làm được việc gì quan trọng khác. Cũng nên nhớ rằng vào thời điểm này, chiến tranh còn đang tiếp diễn, các cuộc oanh tạc của không quân Mỹ trên đất nước ta vẫn còn rất ác liệt.

Hơn 80 năm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, Việt Nam đã bị chia cắt thành 3 Kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Nam Kỳ đã bị Pháp thôn tính thành thuộc địa của họ, trong lúc Bắc và Trung Kỳ bị họ bảo hộ. Thực dân Pháp hoàn toàn cai trị Việt Nam, vua quan triều đình nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn. Lòng yêu nước và kiêu hãnh dân tộc đã thôi thúc các nhà ái quốc từ vua quan đến thứ dân nổi lên khắp nơi, mưu đồ đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Nhưng vì thế yếu, phương tiện thô sơ, dân trí thấp kém, các phong trào kháng chiến không thể địch lại kẻ thù có kỹ thuật văn minh hiện đại. Dân ta vào năm 1945 có khoảng 25 triệu người với trên 90% là nông dân, với cùng con số khoảng 90% mù chữ. Những người được đi học thì phần lớn chỉ học đến hết cấp tiểu học. Con số những người có trình độ cao đẳng, đại học thời đó rất ít. Theo những con số của CSVN thuở đó cứ mỗi 30.000 dân mới có một người học cao đẳng hay đại học. Tóm lại nước ta vào thời 1945 là một nuớc nghèo nàn, lạc hậu, dân trí thấp… Lòng yêu nước truyền thống thì người dân nào cũng có, ai cũng muốn đánh đuổi thực dân đô hộ; nhưng hiểu được những vấn đề chính trị như độc lập, dân chủ, cách mạng vv… không có mấy ai.

Việt Minh Cướp Chính Quyền (19/8/45)

Do nhận được thông tin từ cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh và CSVN đã thấy rõ là cái ngày Nhật phải đầu hàng Đồng Minh không còn xa nữa. Họ đã tích cực chuẩn bị cho cái ngày đó. Sự thiếu chuẩn bị của các đảng phái quốc gia không cộng sản ở thời điểm đó đã khiến họ không nắm bắt được thời cơ khi khoảng trống chính trị xuất hiện trong một thời gian rất ngắn ngủi, từ khi Nhật đầu hàng đến lúc thực dân Pháp được thả từ các nhà tù Nhật Bản ra. Vì thế, ngay sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 15/8/45, quân đội Nhật nhận được lệnh án binh bất động, chờ giải giới, người Pháp còn đang bị Nhật giam giữ, chính quyền Trần Trọng Kim mất định hướng, Việt Minh đã huy động đồng bào nông thôn tiến lên Hà Nội và các tỉnh lân cận ở miền Bắc, cướp chính quyền vào ngày 19/8/45. Diễn tiến cuộc cướp chính quyền này ra sao, nhiều sách vở và tài liệu lịch sử đã viết. Thiết tưởng kể lại ở đây cũng bằng thừa.

Có lẽ điều nên nói ở đây là danh từ “cách mạng” mà CSVN vẫn hằng nêu lên mỗi khi nói về biến cố ngày 19/8/45. Nếu biến cố 19/8/45 đã chấm dứt chế độ quân chủ kéo dài hơn 4000 năm dẫn đến việc hình thành một chế độ cộng hòa thì quả đây là một thay đổi rất lớn của lịch sử. Nếu có gọi là “cách mạng” thì cũng không ngoa. Nếu nói biến cố 19/8/45 đã chấm dứt tình trạng thuộc địa ngoại bang (thực dân Pháp và phát xít Nhật) để giành lại chủ quyền cho Việt Nam thì cũng chỉ đúng một nửa. Phải nói đây là một cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật. Điều mà CSVN vẫn luôn tuyên truyền rằng họ đã cướp chính quyền từ tay Thực dân, phát xít là sai sự thật. Lúc đó, quân Nhật đã đầu hàng, án binh bất động; thực dân Pháp bị Nhật bắt giam từ ngày 9/3/45 chưa được thả. Phát xít, thực dân nào có chính quyền trong tay lúc đó mà cướp? Họ cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim. Mặt khác, CSVN luôn nhận rằng một mình đảng đã lãnh đạo tiến hành “cách mạng tháng 8” thành công.

Theo những nhân chứng của thời bấy giờ thì có thể nói Việt Minh đã đóng vai trò chính, nhưng không phải chỉ có Việt Minh cộng sản. Theo các tài liệu chính thức của đảng CSVN, thì Hồ Chí Minh đã “tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin con đường giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.” Qua những gì đã xảy ra trước và ngay ngày 19/8/45, khi các thành phố từ Bắc chí Nam nổi lên cướp chính quyền, người ta không thấy “chủ nghĩa Mác-Lênin” có liên quan gì cả. Nhân dân ta, với trình độ dân trí lúc đó có hiểu gì về chủ nghĩa Mác-Lênin? Mà có muốn biết thì cũng có ai giới thiệu, giải thích cho dân đâu. Cộng sản đã che dấu bản chất của mình trong Mặt Trận Việt Minh. Dân theo Việt Minh thời đó vì Việt Minh đánh Tây, đánh Nhật xâm lăng, chứ không phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Đơn giản thế thôi!

Như đã nói, CSVN có được thông tin sớm về sự đầu hàng của Nhật nên cấp tốc tiến hành cuộc lật đổ và cho ra đời một chính phủ “độc lập” mang tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Họ muốn đặt thế giới và các lực lượng ái quốc không cộng sản trước sự đã rồi, trước khi quân Đồng Minh Anh – Ấn (có Pháp đi theo) tiến vào miền nam vĩ tuyến 16 ngày 6/9/45 và quân Trung Hoa Tưởng Giới Thạch (có các tổ chức quốc gia không cộng sản tháp tùng) vào miền Bắc vĩ tuyến này giải giới quân đội Nhật. Ngày 2/9/45, trong lúc Nhật ký văn bản đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri thì cũng là lúc Hồ Chí Minh đọc “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” tại Hà Nội.


Cách Mạng Giải Phóng Dân Tộc Hay Cách Mạng XHCN?

Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã mang chủ nghĩa Mác-Lênin du nhập vào nước ta. Họ tuyên truyền rằng chính chủ nghĩa này đã giúp họ tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Điều này đã được chứng minh là không đúng sự thật, không những ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Âu. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhì, dân chúng các nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary vv… vì lòng yêu nước, vì chống lại Đức Quốc Xã xâm lăng tàn ác mà họ đã hợp với hồng quân Liên Xô để giải phóng đất nước họ. Sau chiến tranh, các nước này bị Đồng Minh chia chác và họ đã rơi vào tay Liên Xô, chứ thật ra cộng sản Liên Xô và cộng sản địa phương tại các nước này cũng chẳng giải phóng dân tộc họ bằng chủ thuyết Mác- Lênin.

Theo bài viết mới đây của một đảng viên cộng sản lão thành, ông Đặng Văn Việt, gửi cho đảng CSVN “góp ý cho bản dự thảo báo cáo chính trị của Đại Hội Đảng khóa X,” ông này cũng đã phải công nhận trong giải phóng dân tộc, thành công là “Nhờ thời cơ thuận lợi Đồng Minh thắng, dựa vào tư tưởng chống áp bức, bóc lột, dựa vào lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của cả dân tộc Việt Nam.” Vả lại ở thời điểm sau Đệ Nhị Thế Chiến, đã xuất hiện tư tưởng “giải phóng dân tộc,” “xóa bỏ thuộc địa,” “trả độc lập cho các dân tộc bị trị.”… Tư tưởng này được Đồng Minh Hoa Kỳ ủng hộ. Đặc biệt là tại Đông Dương. Tư tưởng này đã trở thành phong trào và trong những năm sau đó, các nước thực dân đã phải trao trả độc lập, tự chủ cho nhiều quốc gia tại Á Châu.

Cứ tạm cho biến cố 19/8/45 là “cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” thì khẩu hiệu lúc đó được nêu ra để huy động dân chúng ủng hộ là “độc lập, tự do, hạnh phúc” đã được CSVN thực thi như thế nào trong thực tế? Với những chủ trương cố hữu của đảng cộng sản là “xóa bóc lột,” “xóa tư hữu,” “đấu tranh giai cấp,” “chuyên chính vô sản.”.., xã hội và những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam đã bị phá hủy. Sự lệ thuộc vào chủ nghĩa, vào các nước cộng sản “đàn anh” là Liên Xô và Trung Cộng đã làm cho nước ta mất độc lập, tự chủ. Không thể làm gì mà không có sự phê chuẩn của Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Người dân sống dưới chế độ “chuyên chính vô sản” mất hết tự do. Chính sách “đấu tranh giai cấp,” kỳ thị giai cấp đã khiến cho nhiều thế hệ không ngóc đầu lên được do ảnh hưởng của thế hệ đi trước. Cải cách ruộng đất tại nông thôn và cải tạo tư sản, tư doanh tại các thành thị đã khiến cho hàng chục ngàn người chết. Cuộc cách mạng gọi là XHCN tại miền Bắc kéo dài từ năm 1954 và trên cả nước từ năm 1975 cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đã minh chứng một điều là chủ nghĩa Mác-Lênin không những là vô giá trị mà còn tàn phá đất nước Việt Nam cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Các nước Đông Âu và Liên Xô đã mở mắt ra và liệng mớ chủ thuyết không tưởng này vào sọt rác để chuyển hướng theo dân chủ tự do. Đảng CSVN vẫn tiếp tục ôm lấy mớ lý luận này để bắt nhân dân chịu khổ cực. Họ đã thấy rõ là khi vứt chủ nghĩa Mác-Lênin trên lãnh vực kinh tế đi thì dân bớt đói khổ. Họ cũng biết là chủ nghĩa Mác-Lênin lạc hậu thật sự không có giá trị; nhưng họ cố bám víu lấy nó, vì nó cung cấp những phương tiện cai trị hầu củng cố địa vị lãnh đạo của họ trên chính quyền.

Nếu cách mạng là đổi đời, là dẹp bỏ những gì xấu xa để xây dựng những gì tốt đẹp thì khẳng định cách mạng không thể sử dụng chủ nghĩa Mác-Lênin được. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, chủ nghĩa này không làm được gì. Trong cách mạng xã hội, chủ nghĩa này chỉ phá hoại mà không sản xuất ra được cái gì có giá trị cho xã hội.

Hậu Quả Của Cách Mạng Vô Sản Trên Đất Nước Việt Nam

Đảng cộng sản luôn luôn nói đến danh từ “cách mạng.” Họ đồng hóa họ là “cách mạng.” Chống lại họ là chống cách mạng. Chống cách mạng là chống họ. Họ cũng bịa ra thêm “chủ nghĩa anh hùng.” “Ra ngõ là gặp anh hùng.” “Anh hùng cách mạng” thì quả là thần thánh! Đưa ra những thí dụ này là để minh chứng rằng từ khi cướp được chính quyền, CSVN đã phá hủy tất cả những giá trị truyền thống từ ngàn đời và áp đặt một hệ thống giá trị khác, giá trị cộng sản. Những giá trị này không được đãi lọc bằng thời gian, thử thách. Chủ thuyết Mác-Lênin hiện thực chỉ có mặt trên trái đất này tại Liên Xô mới được vỏn vẹn 61 năm và tại Việt Nam được tròn 60 năm. Vàng sỏi còn chưa phân biệt. Có những cán bộ được đảng của họ phong tặng danh hiệu “anh hùng lực lượng võ trang” rồi ít năm sau đó trở thành tội phạm trong băng đảng xã hội đen Năm Cam. Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã tô vẽ con người cách mạng với những đức tính ưu việt như “vui sau cái vui của dân, “lo trước cái lo của dân,” “chí công vô tư,” “cán bộ là đầy tớ của dân.”… Nhìn vào tập đoàn đảng CSVN hiện nay đầy dẫy những kẻ tham quyền cố vị, nhũng lạm cửa quyền.

Nếu đảng CSVN luôn miệng nói đến hai chữ “nhân dân” thì thực tế họ không hề coi trọng nhân dân, coi nhân dân như là cỏ rác, như là công cụ để họ khai thác, bóc lột. Trong những lúc hiểm nghèo, họ lẫn trốn trong quần chúng nhân dân, lấy nhân dân làm lá chắn, làm bia đỡ đạn. Những lúc cần huy động sức người, sức của, thì họ ve vãn nhân dân. Nhưng lúc bình yên vô sự, họ hống hách còn hơn “quan Tây” hay cường hào ác bá thời xưa nhiều. Báo chí hàng ngày kể ra những tệ nạn này của bọn sâu dân, mọt nước gồm toàn cán bộ của đảng CSVN đang độc quyền cai trị nhân dân. Họ không bỏ bất cứ cơ hội nào để làm tiền, để bóc lột nhân dân. Nộp một tờ đơn cũng phải đút tiền. Xin một chữ ký cũng phải đóng tiền… Họ viện ra đủ mọi thủ tục hành chánh để nhũng nhiễu dân. Nhiều khi họ còn bày dặt ra những thủ tục ngang chướng để “hành dân” để moi tiền.

CSVN đã một thời tuyên truyền chống tình trạng “người bóc lột người.” Họ cấm trong nhân dân, không ai được phép thuê người giúp việc nhà, thuê công nhân. Chỉ có Nhà Nước mới có quyền sử dụng lao động. Lúc đó, phải để ý lắm mới thấy được bọn cán bộ gộc, kẻ nào cũng có cần vụ, trợ lý. Ngay cả Hồ Chí Minh cũng vậy. Hiện nay thì không một tên cán bộ nào là không có con hầu, đầy tớ, phục dịch trong nhà cao cửa rộng. Nhưng đáng lên án nhất là chính sách “xuất khẩu lao động.” Không cần biết công nhân ra nước ngoài bị chủ đối xử như thế nào, lương hướng, điều kiện lao động ra sao, miễn là mỗi năm xuất khẩu hàng chục ngàn “nô lệ” đi bán mồ hôi và danh dự để có tiền. Xuất khẩu nô lệ rất có lợi: không cần vốn đầu tư. Người muốn được tuyển đi lao động nước ngoài còn phải đút lót, đóng tiền thế chân. Lương hướng lãnh được ở nước ngoài phải khấu trừ nộp cho Nhà Nước và cơ quan xuất khẩu lao động. Tiền dành dụm được gửi về cho gia đình thì cũng phải đổi ra tiền “âm phủ” và ngoại tệ cuối cùng cũng lọt vào tay Nhà Nước.

Từ khi CSVN vứt bỏ mô hình kinh tế XHCN để chạy theo kinh tế thị trường, tình hình có thay đổi. Nghĩa là nhân dân đỡ đói, bộ mặt thành thị giàu sang hơn xưa. Nhưng giàu sang, của cải vẫn không được phân phối đồng đều trong xã hội. Nó tập trung vào tay của một thiểu số. Thiểu số này làm giàu bằng tham nhũng, bằng đặc quyền, đặc lợi. Thiểu số này là tập đoàn cán bộ CSVN. Ở nông thôn, tình trạng nghèo khổ vẫn không hơn xưa là bao. Miếng ăn vẫn là nỗi lo thường nhật của nhân dân. Tỷ lệ hộ đói nghèo thực tế vẫn còn rất cao. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao nhất nhì thế giới. Ở các địa phương hẻo lánh mà chế độ gọi là “vùng cao vùng sâu” thì đời sống nhân dân còn rất cơ cực.

Giáo dục, y tế hiện đang có nhiều vấn đề nhất tại Việt Nam. Ngân sách đầu tư vào hai ngành này không đáp ứng nhu cầu phát triển dân số và trình độ tiến bộ thế giới. Về giáo dục, nạn học thêm, học kèm; nạn thi hộ, thi kèm; nạn bằng giả, bằng mua; nạn sách giáo khoa sai lạc vv… đã khiến cho dân trí không mở mang được. Cũng may, hiện nay việc vào học đại học cao đẳng hay thi tốt nghiệp không còn xét lý lịch học sinh theo tiêu chuẩn giai cấp nữa. Tuy vậy, chế độ cộng sản hiện nay vẫn bắt học sinh phải học lý thuyết Mác-Lênin vô giá trị và vẫn không có môn triết học đúng nghĩa cho lớp tốt nghiệp trung học. Vì những tệ nạn và vì những thiếu sót nêu trên mà trình độ học vấn của Việt Nam hiện thấp nhất vùng Đông Nam Á. Về y tế thì y đức suy đồi, thuốc men không đủ hoặc rất mắc. Bệnh nhân không được chăm sóc tử tế. Nhân phẩm người bệnh thường bị xúc phạm. Khi mới nắm chính quyền, “cách mạng” luôn miệng chê bai, công kích các chế độ cũ có nhiều tệ nạn xã hội, bệnh hoạn xã hội… Nhưng ngày nay, tại Việt Nam tệ nạn xì ke ma túy, đĩ điếm và bệnh HIV ngày càng gia tăng.

Tóm lại, “cách mạng” là sự đổi đời thật sự hay là đảng cộng sản tự nhận, thì cũng không làm cho đất nước trở nên dân giàu, nước mạnh. Trái lại “cách mạng” đã phá hoại những nền tảng của sự tiến bộ và kéo ngược dân tộc tụt hậu đến hàng thế kỷ. Hậu quả này còn kéo dài nhiều thế hệ, cho dù có chấm dứt được sự cai trị độc quyền, độc đoán của đảng CSVN.

Tạm Kết

Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm “cách mạng tháng Tám” và “quốc khánh 2/9.” Nhìn lại 60 năm qua dưới sự cai trị độc tài của CSVN mà hãi hùng. Các nước thua trận Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai là Đức và Nhật, bị tan hoang đổ nát đã trở thành các cường quốc trên thế giới. Các nước nhược tiểu vùng Đông Nam Á, không cần làm cách mạng, không cần đảng cách mạng đã vượt xa Việt Nam hàng thế kỷ. Nguyên nhân của tình trạng đáng buồn tại Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin không tưởng và cái đảng đã mang chủ thuyết đó vào đất nước ta, áp dụng một cách ngu tối. Thấy sai mà không chịu sửa chỉ vì sợ mất địa vị độc tôn thống trị. Tương lai mà toàn dân mong đợi là một tương lai với một chính quyền thực sự nằm trong tay nhân dân, dân phải thực sự làm chủ xã hội, làm chủ chính quyền, một tương lai không còn chế độ cộng sản cướp quyền dân, bóc lột dân, nhũng lạm, hà hiếp dân. Chế độ dân chủ thực sự là một chế độ nơi đó phẩm giá, danh dự của mọi người dân phải được tôn trọng, bất khả xâm phạm; nơi các quyền tự do căn bản của con người được tôn trọng và mang tính chất bắt buộc đối với cả hành pháp lẫn lập pháp; nơi luật pháp phải rõ ràng, minh bạch và công bằng trong một xã hội pháp trị. Nếu có một cuộc cách mạng phải tiến hành tại Việt Nam bây giờ, thì đó là cuộc cách mạng giải thể chế độ cộng sản độc tài thối nát hiện nay để nhân dân được đổi đời thật sự, được sống trong tự do dân chủ thật sự.

Trần Đức Tường

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh minh họa: Chris Jackson/ Getty Images

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Ảnh chụp khúc đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Sài Gòn) trước (hình trái) và sau (phải) khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: 24h.com

Có nên chặt cây xanh để xây đường sắt trên không?

Không cần phải nói dài dòng, ích lợi của cây xanh trước tiên là thẩm mỹ, nhưng quan trọng hơn cả là nó giữ cho môi trường trong sạch bằng cách hút khí dioxit carbon và thải ra oxy. Chính vì thế khi đi trong rừng hoặc thậm chí dưới những con đường có hai hàng cây xanh lá thì chúng ta cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Cây xanh vì thế trở thành một phần của hệ sinh thái đô thị. Điều này không phải và không thể nói ngược lại.

Vậy thì chặt bỏ hàng trăm (nếu tính cả hai thành phố Hà Nội và Sàigòn) thì phải nói là hàng ngàn cây để xây metro có phải là lý do hợp lý và chính đáng không?

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.

Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành tổng bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

… Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.