Ý Nghĩa Của Dự Luật Nhân Quyền HR 3096

Trung Điền
Dân Biểu Christopher Smith

Chiều Thứ Ba, ngày 18 tháng 9 năm 2007, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Dự Luật Nhân Quyền HR 3096 với tỷ số áp đảo 414-3. Dự luật này do dân biểu Christopher Smith thuộc tiểu bang New Jersey đệ nạp cùng với sự ủng hộ của 12 dân biểu khác có nhiều quan tâm đến tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam như nữ dân biểu Loretta Sanchez, dân biểu Dana Rohrabaker, dân biểu Ed Royce. Nội dung chính của Dự Luật 3096 nhằm khuyến cáo chính quyền Hoa Kỳ một số điểm quan trọng như sau: 1/ Giới hạn tiền viện trợ nhất là không gia tăng tiền viện trợ mang tính nhân đạo cho Cộng sản Việt Nam; 2/ Cho phép sử dụng 4 triệu Mỹ Kim vào việc hỗ trợ những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam; 3/ Tăng thêm 10 triệu Mỹ kim cho các hoạt động chống lại sự phá sóng đối với đài Á Châu Tự Do. Sau khi Hạ Viện thông qua, Dự Luật này đệ nạp lên Thượng Viện để duyệt xét và biểu quyết. Nếu cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đều thông qua thì sẽ đệ nạp cho Tổng Thống để phê chuẩn sau cùng.

Sự kiện Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua Dự Luật 3096 với tỷ số áp đảo, đã cho chúng ta một số những nhận xét đáng lưu tâm.

Thứ nhất, đây không phải Dự Luật Nhân Quyền đầu tiên được Hạ Viện thông qua với tỷ số áp đảo mà đây là lần thứ ba Dự Luật được tái đệ nạp bởi những dân biểu rất quan tâm tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Qua ba lần biểu quyết với tỷ số thuận áp đảo trong các năm vừa qua, đã biểu hiện một điều là chính giới Hoa Kỳ rất quan tâm tình hình đàn áp tại Việt Nam. Sự quan tâm này có gia tăng theo thời gian và hy vọng khi đưa lên Thượng Viện sẽ không bị phủ quyềt như hai lần trước. Lý do là ở các lần trước, Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain và Thượng Nghị Sĩ John Kerry đã lên tiếng kêu gọi phủ quyết nhưng trong những tháng vừa qua, chính Thượng Nghị Sĩ John Mc Cain cùng với Thượng Nghị Sĩ John Kerry đã lên tiếng đòi Hà Nội phải trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Lê Quốc Quân….

Thứ hai, Dự Luật được biểu quyết vào lúc Nguyễn Tấn Dũng sắp sang Hoa Kỳ để vận động Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu cho Hà Nội được vào làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2007. Đây là cái tát tai vào mặt những tên lãnh đạo tham ô và ngoan cố, đặc biệt là đối với Nguyễn Tấn Dũng khi ra lệnh cho công an mở các chiến dịch tấn công vào các nhà dân chủ từ tháng 2 năm nay. Sự kiện này sẽ làm ảnh hưởng lên chuyến viếng thăm của Nguyễn Tấn Dũng và hứng chịu những phê phán của dư luận như Nguyễn Minh Triết đã bị trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào hạ tuần tháng 6 vừa qua.

Thứ ba, Dự Luật sẽ giúp cho các nhà dân chủ tại Việt Nam có thêm nghị lực để tiếp tục đấu tranh trong bối cảnh bị những khống chế, trù dập nặng nề của Cộng sản Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, dự luật này, với sự quy định dành 4 triệu Mỹ kim để giúp cho các Tổ Chức Phi Chính Phủ (NGO) tại Á Châu hỗ trợ những thay đổi dân chủ tại các quốc gia trong vùng là điều rất khích lệ. Tuy số tiền này không là bao nhiêu so với các nhu cầu thay đổi dân chủ trong vùng Đông Nam Á Châu; nhưng ít ra nó đã tạo một bước tiến rất lớn trong việc Hoa Kỳ hỗ trợ các phong trào dân chủ tại Á Châu bằng một ngân sách cụ thể hơn so với hiện nay.

Thứ tư, Dự Luật này còn tăng cường thêm luận cứ giúp cho Uỷ Ban Tôn Giáo Quốc Tế bên cạnh Quốc Hội Hoa Kỳ tích cực hơn trong việc đệ nạp một khuyến cáo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Hà Nội vào danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC) vì đàn áp tôn giáo và dân chủ. Sự kiện Cộng sản Việt Nam đang tung chiến dịch tấn công và bêu rếu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Hòa Thượng Thích Quảng Độ sau khi Giáo Hội lên tiếng kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước đóng góp tiền bạc cứu giúp dân oan, là một chứng cớ rất tốt cho nỗ lực này.

Thứ năm, việc gia tăng thêm 10 triệu Mỹ Kim cho Đài Á Châu Tự Do để ngăn chận sự phá sóng của Trung Quốc và các quốc gia độc tài liên hệ, cho thấy là chính giới Hoa Kỳ đã nhìn khá rõ về nhu cầu phá vỡ bưng bít thông tin; đồng thời tăng cường khả năng ảnh hưởng của Đài trong quần chúng tại Á Châu.

Tóm lại, với một số ý nghĩa được phân tích bên trên về kết quả ra đời Dự Luật HR 3096 hôm chiều Thứ Ba ngày 18 tháng 9 năm 2007, đã mang lại một sự khích thích lớn cho Phong trào dân chủ tại Việt Nam với sự can dự chính thức của Hoa Kỳ qua một Đạo Luật rõ ràng. Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ phải tiếp tục vận động để kêu gọi các văn phòng Thượng Nghị Sĩ sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ và thông qua Dự Luật HR 3096. Đây là việc làm rất thiết thực và khẩn cấp.

Trung Điền
Sept 20 2007