Ý Nghĩa Của Hiện Tượng Đốt Xe Công An Tại Hà Nội

Trung Điền

Tờ Hà Nội Mới số ra ngày 5 tháng 8 loan tải một bản tin ngắn: Ba chiếc xe máy của công an bị đốt cháy. Ba chiếc xe này bị đốt cháy trong một vụ xô xát lớn ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nơi ba chiếc xe bị đốt là khu đầm sen do Công ty cổ phần Phát triển công nghệ và sinh học Tuyết Thái quản lý. Bùi Quang Đồng, trưởng ban Công an huyện Đông Anh từ chối xác nhân sự kiện nói trên nhưng đám cháy đã diễn ra ngay sau khi có cuộc biểu tình xô xát giữa người của công ty Tuyết Thái với khoảng 200 dân chúng địa phương vì những sai phạm của công ty trong việc mua bán và sử dụng hàng chục ngàn mét vuông ở khu đầm sen. Tuy bản tin loan tải ngắn gọn nhưng đã chất chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn của tình hình xã hội hiện nay. Đó là sự bất mãn của dân chúng về tình trạng khó khăn trong cuộc sống đã làm bùng nổ những phản ứng chống đối ngày một gay gắt.

Trong vòng hơn 8 tháng vừa qua, trên toàn quốc có hơn 400 cuộc đình công của công nhân đòi tăng lương và cải thiện chế độ làm việc tại các xí nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các công ty Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba. Có hơn 700 cuộc biểu tình của dân oan và dân nghèo đòi bồi thường ruộng đất và những nhà ở đã bị chính quyền địa phương mua với giá rẻ mạt để bán lại cho các công ty ngoại quốc làm công ty hay xây khu giải trí mà không trả tiền sòng phẳng tại hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Có hơn 500 cuộc tụ tập phản đối công an và chính quyền địa phương đã có những giải quyết bất công hoặc hà hiếp dân chúng, trong số những cuộc tụ tập phản đối này đã xảy ra 75 cuộc xô xát giữa công an và dân chúng như cuộc xô xát xảy ra vào ngày 5 tháng 8 năm 2008 tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Cộng chung tất cả những cuộc đình công, biểu tình và tụ tập phản đối của dân chúng trong vòng 8 tháng qua có đến 1.600 vụ. Như vậy mỗi tháng có khoảng 200 vụ chống đối xảy ra và hiện nay có nhiều vụ vẫn còn đang tiếp tục như vụ biểu tình tại xã Tiền Phương, tỉnh Thái Bình hay các cuộc đình công của công nhân tại những xí nghiệp giày, dép và may tại các khu công nghiệp miền Nam.

Trung tuần tháng 7 năm 2008 vừa qua, đảng Cộng sản Việt Nam đã nhóm họp hội nghị Trung ương đảng lần thứ 7 tại Hà Nội, tập trung thảo luận bốn vấn đề: 1/ Đối sách về tình hình thanh niên; 2/ Đối sách về tình hình trí thức; 3/ Đối sách về tình hình nông dân; 4/ Đối sách về tình hình suy thoái kinh tế. Hai đối sách mà Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam thảo luận gay gắt nhất nhưng chưa tìm ra hướng giải quyết với những bất đồng gay gắt trong thành phần lãnh đạo và đối sách về nông dân và đối sách về tình hình suy thoái kinh tế. Về tình hình nông dân, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục loay hoay với những mớ lý thuyết cũ – đề cao nông dân – nhưng luôn luôn khai thác nông dân như những con bò sữa để phục vụ cho những quyền lợi cho từng phe nhóm. Về tình hình kinh tế, nhóm bảo thủ trong bộ chính trị ép Nguyễn Tấn Dũng phải thắt lưng buộc bụng để chấn chính suy thoái, không tiếp tục trôi theo ảnh hưởng của các quốc gia tây phương. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng – vì đã lỡ phóng lao – tiếp tục các chính sách tiếp cận tối đa nền kinh tế tây phương để tăng nhanh tốc độ phát triển với một vài điều chỉnh về điều tiết vĩ mô.

Từ sự bất đồng trong nội bộ về các quan điểm cải tổ nền kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề tiêu cực ở nông thôn, thay vì đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết vấn đề họ lại càng đẻ thêm vấn đề do chính những phá hoại ngầm lẫn nhau giữa các phe. Phe Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng, được coi là thành phần thân Trung Quốc và hoàn toàn dựa vào Bắc Kinh để giải quyết những suy thoái kinh tế theo sự bảo hộ của Trung Quốc. Trong chuyến đi Bắc Kinh vào cuối tháng 5 năm 2008, Nông Đức Mạnh đã được Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hứa là Trung Quốc sẵn sàng giúp tài chánh để cứu nguy nền kinh tế nếu có sự sụp đổ hệ thống tài chánh như Thái Lan vào năm 1997. Chính vì tin vào lời hứa của Trung Quốc, phe Nông Đức Mạnh – Nguyễn Phú Trọng đã lôi kéo thêm thành phần đứng giữa như Hồ Việt Đức, Trương Tấn Sang, Lê Hồng Anh và nhất là Nguyễn Sinh Hùng, tạo áp lực lên phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng – Nguyễn Minh Triết; buộc họ phải áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng, thay vì hướng về Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Thậm chí Nông Đức Mạnh đã khuyến cáo Nguyễn Tấn Dũng không nên viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 6 vừa qua. Dù có áp lực nặng nề của phe thân Trung Quốc, Nguyễn Tấn Dũng vẫn được sự hậu thuẫn của đa số các bí thư cấp tỉnh, thành và thành phần trẻ trong quân đội nên vẫn tiến hành chuyến công du Hoa Kỳ trong 4 ngày, từ 22 đền 25 tháng 6. Đặc biệt trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng đã gặp riêng Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ khoảng 45 phút, không có phái đoàn Cộng sản Việt Nam tháp tùng.

Dự tính của phe Nông Đức Mạnh là sẽ chỉ trích sự lãnh đạo của Nguyễn Tấn Dũng trong việc giải quyết tình hình lạm phát gia tăng trong Hội nghị Trung ương đảng; nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra sự kiện Trung Quốc ngăn chân hãng dầu Exon thăm dò dầu vùng biển Đông ngay trong Hội nghị, trước khi tin này được phổ biến công khai ra bên ngoài. Phe Nông Đức Mạnh đâm ra lúng túng về hành động ’ngang bướng’ của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam. Nguyễn Tấn Dũng đã tấn công đúng vào yếu huyệt của phe Nông Đức Mạnh, Lê Hồng Anh.. khiến cho Hội nghị mất hứng trong việc chỉ trích các sai trái cũng như sự đi gần Tây phương của Nguyển Tấn Dũng để giải quyết bài toán suy thoái kinh tế hiện nay.

Chính những xung đột quyền lực do ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ lên các phe nhóm trong Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã làm cho Hà Nội bị phân hóa, không giải quyết nổi tình hình lạm phát và những khó khăn kinh tế hiện nay. Tình hình này chỉ làm cho các sinh hoạt trong xã hội ngày một xấu thêm với nạn tham nhũng hoành hành, vật giá leo thang, đầu tư suy giảm, công ty sản xuất không bán được hàng nên không có tiền trả cho công nhân…. Cộng sản Việt Nam không có khả năng giải quyết; muốn nhờ thành phần trí thức bên ngoài tham gia giúp đỡ, nhưng lại sợ diễn biến hòa bình nên rốt cuộc loay hoay với những chính sách đầu voi đuôi chuột. Viễn cảnh này cho chúng ta nhìn thấy rằng các xung đột xã hội sẽ gia tăng với những cuộc đình công, biểu tình xuất hiện nhiều hơn vì đời sống người dân không những khó khăn, mà còn bị bóc lột trắng trợn với nhiều loại thuế mới mà Cộng sản Việt Nam sẽ tung ra để bù đắp những khoản tài chánh khiếm hụt hiện nay.

Trung Điền
August 6, 2008