Ý Nghĩa Cuộc Đấu Tranh Của Giáo Hội Công Giáo Hà Nội

Trung Điền

Ngày 18 tháng 12 năm 2007, hàng ngàn giáo dân công giáo thuộc giáo phận Hà Nội đã đáp ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt tham dự các buổi thắp nến cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ để đòi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả lại Tòa Khâm Sứ đã bị cưỡng chiếm từ năm 1959. Cuộc thắp nến này đã mở đầu cho chiến dịch đòi lại đất đai và tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bùng nổ và lan rộng đến nhiều giáo xứ. Theo tin tức thì cho đến ngày hôm nay, sau gần một tháng khởi động từ Giáo Phận Hà Nội, cuộc thắp nến cầu nguyện hoặc hiệp thông tinh thần đấu tranh chung đã lan rộng đến các giáo phận Sài Gòn, Hà Đông, Thái Bình và Thái Hà với sự công khai lên tiếng ủng hộ của nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội như Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn tại Sài Gòn, Đức Cha Nguyễn Văn Sang Giám Mục Thái Bình, Đức Cha Nguyễn Văn Hòa Giám quản Ban Mê Thuột, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Trước những cuộc thắp nến cầu nguyện xảy ra cùng lúc với phong trào đấu tranh của thanh niên sinh viên qua biến cố Tam Sa đã làm cho nhà nước Cộng sản Việt Nam lúng túng trong đối phó. Cái lo sợ của Hà Nội không chỉ là những cuộc đấu tranh đòi lại đất đai hay tài sản của Giáo Hội – vốn đã là những vấn nạn không thể giải quyết trong nhiều thập niên qua – mà có nguy cơ bộc phát thành phong trào quần chúng công khai phản kháng những chính sách cai trị vô lối của Hà Nội. Thật vậy, đọc lá thư bà Ngô Thị Thanh Hằng, nhân danh phó chủ tich Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gửi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cập về cuộc đấu tranh đòi lại Tòa Khâm Sứ của Tổng Giáo Phận Hà Nội vào ngày 11 tháng 1 năm 2008, sau non một tháng xảy ra cuộc thắp nến cầu nguyện, Cộng sản Việt Nam đã tránh né không giải quyết thẳng các yêu cầu của Giáo hội mà lên giọng răn đe về cuộc bạo loạn của ’những thế lực xấu’ lợi dụng nhằm gây bất ổn xã hội.

Trong lá thư dài gần 3 trang gửi cho Hội Đồng Giám Mục, bà Ngô Thị Thanh Hằng đã viết như sau: “Mặc dù đại diện chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp và đã có văn bản gửi ông Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, linh mục Trịnh Ngọc Hiếu và một số giáo sỹ, song những việc làm trên (thắp nến cầu nguyện) vẫn tiếp diễn gây mất trật tự công cộng, làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Hội đồng giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám Mục và chính quyền địa phương, tạo cớ cho kẻ xấu kích động, tuyên truyền xuyên tạc, chia rẽ quan hệ hệ giữa cộng đồng giáo dân với chính quyền, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Đạo Thiên chúa trong cộng đồng dân cư và ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang được cải thiện giữa nhà nước với Tòa Thánh Vatican”.

Qua nội dung nói trên cho thấy bà Ngô Thị Thanh Hằng và những người cầm quyền tại Việt Nam đã mang một căn bệnh khó chữa. Đó là luôn luôn coi những gì người dân biểu thị sự phản kháng lại cách giải quyết của họ đều nằm trong khuôn khổ kích động của kẻ xấu nhằm chống lại chính quyền. Đây là lề thói cai trị của những kẻ độc tài, luôn luôn dựa trên uy quyền và ban phát theo kiểu ’xin –cho” chứ không bao giờ chấp nhận những phản kháng của những người dân bị khống chế. Với lề thói cai trị độc đoán kéo dài trong nhiều thập niên dài như vậy, ngày nay, giáo dân Cộng giáo ở nhiều nơi đã cùng hiệp thông với Giáo phận Hà Nội, đứng lên đòi lại đất đai và tài sản của Giáo hội là một hiện tượng mới, mang ba ý nghĩa quan trọng như sau:

Thứ nhất, sau nhiều thập niên âm thầm chịu đựng và đấu tranh một cách đơn lẻ theo từng giáo xứ riêng biệt, những giáo dân Cộng giáo đã nhìn ra nhu cầu liên đới trong tinh thần hiệp thông lẫn nhau để tạo những áp lực dây chuyền lên nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải có thái độ cụ thể trong việc giải quyết các đất đai và tài sản của Giáo hội đã bị cưỡng chiếm. Sự hiệp thông lẫn nhau sẽ không chỉ giúp giảm bớt sợ hãi khi đối diện với bộ máy bạo lực mà còn nâng đỡ tinh thần để sẵn sàng đối diện với mọi tình huống. Tinh thần này cũng đã được bà con dân oan khiếu kiện áp dụng trong các cuộc biểu tình đòi trả lại ruộng đất, nhà cửa.. trong năm 2007 khi hơn 1000 dân oan của 18 tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam đã chiếm văn phòng II Quốc hội tại Sài Gòn làm nơi đấu tranh liên tục trong 27 ngày đêm. Chính nhờ cuộc đấu tranh này mà ngày nay, khối dân oan đã có sự liên đới rất nhịp nhàng giữa các tỉnh để hỗ trợ lẫn nhau.

Thứ hai, hình thức hiệp thông cầu nguyện của giáo dân tại các giáo xứ là một hình thái phản kháng mang tính công khai đối đầu bất bạo động, khiến cho công an Cộng sản Việt khó đàn áp và giải tán. Cộng sản Việt Nam đã cho hàng trăm công an bao vây tại các buổi lễ cầu nguyện ở Thái Hà, Sài Gòn và Hà Nội… nhưng rốt cuộc công an đã không thể làm gì khác hơn là đứng xem và nghe các phát biểu kêu gọi tranh đấu của các vị Linh Mục. Không cần cờ xí, không cần biểu ngữ. Chỉ cần ý thức chống bất công và bảo vệ đức tin đã thôi thúc giáo dân tụ tập. Đây là hình thái đối đầu công khai bất bạo động đã và đang được các vị lãnh đạo Công giáo áp dụng với mục tiêu nhắm tới là vô hiệu hóa các trấn áp của công an.

Thứ ba, các tôn giáo tại Việt Nam đều chịu chung số phận: bị đàn áp, khống chế và bị đảng Cộng sản Việt Nam tước đoạt tài sản. Khi giáo dân Công giáo tại Hà Nội đứng lên biểu tình đòi lại ruộng đất sẽ kích thích thêm sự dấn thân của một số Giáo hội khác như Phật giáo thống nhất, Phật giáo Hòa hảo, Đạo Cao Đài, Tin Lành.. trong thời gian tới. Khi các tôn giáo cùng đồng lòng phối hợp và tranh đấu như giáo dân Công giáo hiện nay chắc chắn sẽ đẩy Cộng sản Việt Nam rơi và thế ’tứ bề thọ địch’.

Cuộc đấu tranh của các giáo dân Công giáo tại Hà Nội xuất phát từ lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt; nhưng nó đã được sự hiệp thông mạnh mẽ từ các giáo xứ khác. Đây là một hiện tượng rất lạ và rất mới trong cách phản ứng của các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là Công giáo vốn rất ít có những phản kháng dây chuyền trong quá khứ. Phải chăng đây là bước khởi đầu của sự trổi dậy vì Đức Tin và Công Lý của giáo dân Công giáo, góp phần tạo dựng một cao trào chống độc tài Cộng sản trong những ngày tới tại Việt Nam?

Trung Điền
Jan 17 2008