Yêu cầu của việc luật hóa quyền biểu tình

Nguyễn Phúc - Việt Nam Thời Báo

Sinh viên biểu tình trước phòng họp của Hội đồng Quản trị mới của Đại học Hoa Sen. Ảnh: VnExpress

Xây dựng luật biểu tình là đòi hỏi của sự ổn định chính trị và trật tự xã hội

Biểu tình hiện nay đang là môt xu thế phát triển chung của nền dân chủ thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, nên việc xây dựng một văn bản luật về biểu tình là một yêu cầu mang tính cấp thiết và phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay dựa trên cơ sở:

Phù hợp với xu thế phát triển của xã hội

Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều quốc gia công nhận quyền này không chỉ là một quyền của công dân mà nó là quyền cơ bản của con người, việc luật hóa quyền này trở thành một điều tất nhiên ở nhiều nước như Anh, Pháp, Mỹ… Việc thừa nhận biểu tình không chỉ đơn thuần là cần thừa nhận trên luật hay Hiến pháp nữa, mà điều cần thiết là đưa nó vào cuộc sống, đến gần với dân hơn bằng cách quy định thế nào là một cuộc biểu tình hợp pháp.

Ngoài ra biểu tình là một hình thức phản biện xã hội, thể hiện sự dân chủ công khai trong mối quan hệ giữa quần chúng với một cơ quan, tổ chức nào đó. Nếu được phát huy tốt thì nó sẽ đem lại những lợi ích cho đất nước.

Sự đòi hỏi của một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa

Hiện nay, đảng và Nhà nước vẫn đang nói rằng từng bước xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân bằng việc từng bước hoàn thiện một hệ thống pháp luật dân chủ và tiến bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

Tuy nhiên có lẽ đảng cũng nên nhìn nhận là do thiếu những quy định của pháp luật để bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân mà tiêu biểu là luật biểu tình, nên trên thực tế việc xây dựng một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa là của dân, do dân và vì dân đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia

Việt Nam đã tham gia rất nhiều công ước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là các công ước ghi nhận và bảo vệ quyền con người đánh dấu bằng việc vào năm 1977, Việt Nam gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Hành động này có nghĩa to lớn, cùng với việc ghi nhận của nhà nước Việt Nam đối với các quyền bất di bất dịch của con người được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc vào năm 1948 (UDHR), Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (ICCPR), và Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 1966 (ICESCR).

Từ việc tham gia công ước quốc tế về quyền con người đó cho thấy vấn đề áp dụng tại Việt Nam đối với những quy định về quyền con người, mà đặc biệt là quyền biểu tình mà Việt Nam đã tham gia là thành viên hoặc thừa nhận, đối với những quy định rõ ràng nếu áp dụng trực tiếp được thì cần sớm đưa vào áp dụng, nếu những quy định, điều khoản quy định chưa rõ quyền và nghĩa vụ thì cần nội luật hóa các quy định của Công ước Quốc tế về Quyền Biểu tình của Công dân đã được ghi nhận trong bản thân các Công ước mà Việt Nam là thành viên.

Việc Việt Nam gia nhập các công ước các quyền con người này chỉ là bước đầu của việc quốc tế hóa quyền con người tại Việt Nam, đằng sau đó là việc tuân thủ các công ước này để đảm bảo thực hiện các quyền con người – quyền được biểu tình cho người dân và việc xây dựng và ban hành luật biểu tình là một sự thể hiện rõ nhất.

Sao lại e dè biểu tình?

Biểu tình có vai trò quan trọng trong một xã hội dân chủ, nó thể hiện quyền của người dân. Thông qua biểu tình mọi người có thể tự do bày tỏ chính kiến hay quan điểm trước những đối tượng mà mình hướng tới.

Tuy nhiên, người viết thông cảm với đảng rằng vì đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nên một số lĩnh vực còn chưa có những quy định cụ thể, điển hình như lĩnh vực biểu tình. Vì vậy, hoạt động biểu tình trong thời gian qua diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau, Nhà nước gặp khó khăn trong quản lý, còn người dân thì không biết phải biểu tình như thế nào là hợp pháp.

Thế nhưng như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “khó vạn lần dân liệu cũng xong” (*), chuyện đồng bộ của luật hóa các quyền tự do ngôn – tự do lập hội – tự do biểu tình là những yêu cầu cấp bách cho việc phải xây dựng một hệ thống văn bản luật điều chỉnh về vấn đề các quyền nhân sinh này, để quyền này thực sự đi vào đời sống chứ không dừng lại ở lý thuyết hiến định như lâu nay.

Nguyễn Phúc

Tham khảo:

(*) https://hochiminh.vn/tin-tuc/kho-van-lan-dan-lieu-cung-xong-5016

Nguồn: Việt Nam Thời Báo