Yêu nước là phạm trọng tội

Đỗ Đăng Liêu

Cũng như 11 cuộc biểu tình năm 2011, các cuộc biểu tình ngày 1/7/2012 vừa qua ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế đang làm nóng ran con tim của 90 triệu người dân Việt ở trong và ngoài nước. Tất cả để tỏ bày những tấm lòng yêu nước thiết tha và nỗi lo âu của dân tộc trước nguy cơ Bắc thuộc ngày một rõ nét.

Trong thời gian giữa hai đợt biểu tình tại nước ta thì ở bên nước láng giềng Miến Điện đã diễn ra những bước phấn khởi của một tiến trình dân chủ hoá làm nức lòng cả thế giới, và khơi dậy sự khao khát của mọi người Việt Nam. Trong thâm tâm, hẳn ai ai cũng mong mỏi những điều tốt đẹp đó xẩy ra ở Việt Nam, và dù chỉ là ước vọng mong manh, đều thầm mong là phép lạ đến với đất nước mình, để những người lãnh đạo CSVN hồi tâm, tỉnh thức, bước ra khỏi cơn mê u tối.

Nhưng thực tế không diễn ra như vậy.

Kịch bản cũ với những màn ngăn chặn, khủng bố và đàn áp lại tái diễn dù có người đi biểu tình để bày tỏ sự đồng tình với bộ luật biển mà chính quốc hội của chế độ vừa thông qua.

Bất chấp mọi thiện ý của người dân được thể hiện rõ rệt qua những lời kêu gọi, nhắn nhủ, dặn dò nhau ôn hoà trong thái độ và hành động, nhà nước CSVN vẫn cương quyết dẫm đạp lên ý nguyện chính đáng của những người yêu nước.

Trước thời điểm biểu tình, lực lượng công an đã được điều động để tới tận nhà từng người, mà hẳn là nhà nước đã thành lập một danh sách kể từ những cuộc biểu tình năm ngoái, để hăm dọa và khủng bố tinh thần. Nhưng những việc làm bất chính đó không cản được lòng yêu nước đang tràn dâng. Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra, đông đảo và mãnh liệt ở cả ba miền đất nước.

Ở tại hiện trường thì công an đủ loại, đồng phục hoặc đội lốt côn đồ, đã một lần nữa có những hành động bất xứng trong vai trò của những người có trách nhiệm bảo vệ người dân. Họ đã chặn đường, tước đoạt những biểu ngữ, bắt bớ thô bạo những người biểu tình ôn hoà như những kẻ tội phạm, như những con vật.

Chị Bùi Thị Minh Hằng, người gợi lên hình ảnh của Trưng Triệu ở thế kỷ 21, người đã từng tham dự hầu hết các cuộc biểu tình năm ngoái, đã bị hăm dọa, khủng bố, trấn áp, bắt giam vô cớ tất cả 5 lần kể cả 1 lần bị giam vào trại phục hồi nhân phẩm suốt 5 tháng trời, đã phải thốt lên như sau trong bức khư kêu cứu khẩn cấp của Chị gửi cho đồng bào và dư luận thế giới khi bị tiếp tục bị đàn áp thô bạo trong thời gian cuộc biểu tình vừa qua vào ngày 1/7:

“Tôi, công dân Việt Nam yêu nước Bùi thị Minh Hằng- sinh ngày 20-7-1964. Địa chỉ thường trú tai 106 Lê Hồng Phong- phường 4 – Thành Phố Vũng Tàu sẽ TỰ THIÊU để lên án sự bức hại của chính quyền đối với bản thân tôi cũng như những hành xử tương tự và thường xuyên gia tăng với rất nhiều đồng bào tôi trên khắp lãnh thổ như cưỡng chế Văn Giang- Vụ Bản, đánh đập bỏ tù những dân oan đi khiếu kiện đòi quyền lợi bị cướp đoạt như Trần thị Ngọc Anh của Vũng Tàu, bôi nhục vu cáo những con người đáng kính quên mình vì nhân dân, vì dân oan mất đất mất nhà như cụ Lê Hiền Đức, đàn áp- đe dọa , bắt cóc, giam giữ trái phép những thanh niên đi biểu tình yêu nước vì Trường Sa- Hoàng Sa và coi họ như kẻ thù. Xin kính chuyển khẩn cấp thư này đi các nơi và cầu xin sự lên tiếng của loài người có lương tri trước tình cảnh bi đát cùng quẫn của chúng tôi.”

Cô Huỳnh Thục Vy, một người trẻ yêu nước, đã cùng các thành viên khác trong gia đình từ miền Trung vào tận Sài Gòn tham gia cuộc biểu tình 1/7, đã bị công an đàn áp thô bạo, chở về Đà Nẵng và xách nhiễu cho đến giờ.

Cô Trịnh Kim Tiến, một tấm lòng trẻ thiết tha yêu nước khác, cũng đã bị nhà nước CSVN cho công an chặn không ra được khỏi nhà. Cô đã nẩy sinh sáng kiến rất độc đáo là chụp hình cô đứng trong nhà, hai tay giương cao tấm biểu ngữ với nội dung “Không cho biểu tình ngoài đường thì tôi biểu tình tại nhà”. Sáng kiến của Cô đã được nhiều người làm theo, tạo thành một phong trào biểu tình tại nhà với những tấm biển tương tự được phổ biến rộng rãi trên mạng internet.

Cùng với những gương mặt trẻ nói trên còn rất nhiều những gương mặt trẻ già và mọi thành phần khác, kể cả những đảng viên cộng sản. Mọi khác biệt được để qua một bên để cùng nhau đối đầu với họa ngoại xâm đang diễn ra với sự tiếp tay của những kẻ cầm quyền bản xứ.

Trong khi nguy cơ Bắc thuộc đã trở thành một thực tế hiển nhiên đối với toàn thể người Việt ở trong và ngoài nước, và đòi hỏi sự kết hợp nội lực của toàn dân để đối phó trong tinh thần Diên Hồng mà người dân Việt đang phải bắt buộc tự phát vì sự bất động thờ ơ của nhà nước CSVN, thì chính nhà cầm quyền CSVN, thay vì phải mừng rỡ đón nhận và khuyến khích để làn sóng yêu nước được phát triển mạnh mẽ hơn, lại dồn mọi nỗ lực để dập tắt.

Chỉ có một cách duy nhất để giải thích hành động vô lý của nhà nước CSVN, đó là nhà cầm quyền CSVN sợ làm phật lòng thiên triều chứ không sợ sự căm phẫn của dân tộc, và nhà cầm quyền CSVN coi ghế ngồi của họ quan trọng hơn chủ quyền đất nước, nghĩa là nước này của ai cũng được miễn là cho họ tiếp tục ngồi cai trị.

Giải thích hợp lý duy nhất kể trên cho thấy đất nước chúng ta đã đến giai đoạn “thập tử nhất sinh” khi kẻ cầm quyền lo ngại người dân “yêu nước quá” và phải dốc sức đạp dẹp lòng yêu nước đó. Phải chăng “cá không còn cần nước nữa vì nghĩ là đã có bạch tuộc che chở ?”.

Những dấu hiệu mất nước quả thật đang hiển hiện qua chính cách hành xử của lãnh đạo CSVN.

Nếu những hành động yêu nước can trường của những người trẻ ngày hôm nay gợi cho chúng ta hình ảnh của Trưng Triệu, Quang Trung, Lê Lợi thì những việc làm của lãnh đạo CSVN khiến chúng ta nghĩ đến những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, Trần Di Ái hèn hạ, nhục nhã bán nước cầu vinh ngày nào.

Nhưng sự kiện nước Việt Nam còn tồn tại và tự chủ đến ngày hôm nay mà không phải là một tỉnh của Tầu đã đủ để khẳng định một điều là tất cả những mưu toan bán nước để mong được vinh thân phì gia đều là những ảo tưởng và thất bại. Dân tộc VN, suốt giòng lịch sử, luôn sẵn sàng hy sinh tất cả nhưng không bao giờ hy sinh chủ quyền đất nước. Đó là lằn ranh sau cùng và nhờ đó mà đất nước và dân tộc Việt còn tồn tại đến ngày nay.

Và cũng qua hàng ngàn năm kinh nghiệm xương máu dưới sự đô hộ của Tầu, Tây, người dân Việt đã quá rõ những luận điệu lừa phỉnh như “hòa bình để tiết kiệm xương máu” hay “hòa bình, ổn định để phát triển”, v.v… Vì một khi nước mất thì xương máu còn đổ nhiều hơn nữa cùng với vô vàn khổ nhục. Một khi mất nước, sẽ không có chuyện đề huề giữa chủ và tớ. Một khi mất nước, chắc chắn sẽ chỉ có loại ổn định trong xích xiềng, tù ngục và chỉ có loại phát triển để biến thành một tỉnh, một vùng tài sản của Bắc Kinh. Khổ nạn của Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ là những bằng chứng sống không thể chối cãi và đang xảy ra ngay trong giờ phút này. Cứ nhìn xem có tháng nào mà không có người Tây Tạng và Ngô Nhĩ bị bắn, bị tra tấn, bỏ tù, hành hạ bởi các quan quân đại Hán và dân Hán đang sống tại 2 tỉnh “tự trị” này ?

(Hình: Dân Làm Báo)

Ai đó đã chẳng từng phát biểu là nếu Bắc thuộc xẩy ra lần nữa thì sẽ không phải là một ngàn năm mà sẽ là vĩnh viễn!

Liệu dân tộc Việt có chấm dứt ở thế hệ này không? Một thiểu số đã chọn kiểu tóc đuôi sam và đang bảo cả dân tộc hãy cạo đầu dần từ bây giờ.