Ngược dòng Khổng Tử Viện

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Sau đây là diễn trình ra đời của các viện Khổng Tử trong kế hoạch “quyền lực mềm” của giới lãnh đạo đảng CSTQ.

Năm 2004, giới lãnh đạo Bắc Kinh vận động mở một viện Khổng Tử đầu tiên ở Hàn quốc (Nam Hàn) dưới danh nghĩa phổ biến văn hóa, văn học Trung quốc cũng như để giao lưu với người dân Nam Hàn, chủ yếu là giới sinh viên. Sở dĩ Bắc Kinh chọn quốc gia này để làm thí điểm đầu tiên là vì vào thời gian đó Hàn quốc có mối liên hệ tốt với Trung quốc để trao đổi mậu dịch và nhờ Bắc Kinh áp lực Bình Nhưỡng ngưng chế tạo tên lửa, ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Hơn nữa Hàn quốc là nước có nhiều người theo đạo Khổng hay tôn kính những giá trị của đạo này nhất thế giới.

Khi thấy sự xuất hiện của viện Khổng Tử ở Hàn quốc không có gì trở ngại, qua năm sau (2005) Bắc Kinh với tay sang Nhật, giao thiệp với một số trường đại học để ngỏ ý mở viện Khổng Tử trong khuôn viên của các trường. Vào thời điểm này, vấn đề bang giao giữa hai nước Trung-Nhật chưa căng thẳng và vì tin vào cử chỉ hiếu hòa của Bắc Kinh, nên ý định lập các viện Khổng Tử chẳng gặp sự chống đối nào. Viện Khổng Tử còn là nơi dạy tiếng Trung quốc miễn phí cho sinh viên.

Sau sự xuất hiện suông sẻ tại Nhật, Bắc Kinh bắt đầu lan nhanh đến các đại học tại Bắc Mỹ, Âu châu,… Trong bài bản báo cáo nội bộ, lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu dùng chữ “Quyền lực mềm” (một ý niệm do Giáo sư Joseph Nye thuộc Đại học Harvard khai triển) để mô tả chủ đích và hiệu năng của các viện Khổng Tử ở hải ngoại, đặc biệt trong mặt trận tuyên truyền. Theo con số mà Bắc Kinh công bố thì tính đến giữa năm 2014 có tất cả 440 viện Khổng Tử tại 120 quốc gia trên thế giới.

Trong số 440 viện Khổng Tử tại thời điểm đó, chưa có viện nào tại Việt Nam. Có người cho rằng Bắc Kinh không có nhu cầu tuyên truyền trực tiếp tại Việt Nam vì toàn bộ hệ thống truyền thông, tất cả báo đài đều nằm trong tay lãnh đạo đảng CSVN. Do đó Bắc Kinh chỉ cần đưa chỉ thị cho lãnh đạo CSVN là đủ. Người ta đã từng thấy loại lệnh này như chỉ thị của tỉnh ủy Quảng Đông cho Bộ Ngoại Giao Việt Nam vào tháng 6.2014
(http://xuandienhannom.blogspot.com/2014/06/chi-thi-cua-bi-thu-tinh-uy-quang-ong.html).

Và ngay cả khi Bắc Kinh chưa cần lên tiếng, đã có những người như Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh lo trước giùm họ. Ông bức xúc: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”. Người nghe ông Thanh nói cứ tưởng Bắc Kinh đã trả lại cho Việt Nam các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu và thề hứa sẽ chẳng bao giờ đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam nữa.

Cũng vào khoảng từ giữa năm 2014, các viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ, Canada, Âu châu cũng như tại Nhật Bản bắt đầu bị nhận dạng và phản đối công khai. Sau nhiều nỗ lực dàn xếp âm thầm với các viện này, thành phần trí thức, giáo sư, sinh viên tại các quốc gia chủ nhà đều phải thừa nhận công khai rằng các viện Khổng Tử chỉ đóng vai trò cơ sở tuyên truyền cho chế độ Cộng sản Trung quốc và tại nhiều nơi còn là những ổ gián điệp trá hình của Bắc Kinh, đặc biệt trong lãnh vực đánh cắp các phát minh công nghệ của các chương trình nghiên cứu cao cấp tại các đại học.

Đại học Chicago ở Hoa Kỳ là nơi bắn “phát súng lệnh” đầu tiên. 108 giáo sư tại đây ký tên chung trong một bản kiến nghị cảnh báo nhà trường đã tham gia vào một dự án sư phạm mang tính chính trị, hoạt động trên toàn thế giới; đó là một dự án về nhiều mặt đi ngược với giá trị học thuật của một trường đại học.

Sau đại học Chicago, đến đại học Pennsylvania State, rồi lan sang đại học McMaster, đại học Sherbrooke ở Canada,… Tin tức phản đối các viện Khổng Tử ở Mỹ và Canada được truyền đi nhanh chóng khiến cho nhiều quốc gia có viện Khổng Tử phải xét lại vấn đề.

Sự kiện lớn đến độ Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ đã mở cuộc điều trần về mục tiêu của Bắc Kinh qua các viện Khổng Tử. Tại buổi điều trần này, có lẽ Giáo sư Perry Link, chuyên gia về Trung quốc của đại học California, là người cung cấp nhiều dữ kiện cụ thể nhất. Ông cho biết các nhân viên phải là đảng viên đảng Cộng sản mới được Bắc Kinh tuyển chọn cho sang làm việc tại các viện Khổng Tử ở hải ngoại. Sau đó, những người được tuyển chọn phải qua một khóa huấn luyện về tuyên truyền, sao có lợi nhất cho chế độ và các lãnh tụ Cộng sản Trung quốc. Tiền lương của những nhân viên này đều do nhà nước Trung quốc trả nên không bị ràng buộc gì bởi những luật lệ của các trường đại học.

Nhiều dẫn chứng được trình bày tại buổi điều trần. Chẳng hạn như khi nói đến lịch sử Trung quốc các nhân viên viện Khổng Tử chỉ nói tốt cho đảng Cộng sản, và không đề cập đến vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông hay biến cố đẩm máu Thiên An Môn.…Theo các giáo sư, đây không phải là truyền thống truy cứu khoa học và đạo đức nghề nghiệp của các trường đại học.

Đại diện Hiệp hội Giáo sư Hoa Kỳ (AAUP) tại buổi điều trần cũng kể rằng: “Chúng tôi không hiểu tại sao vào ngày 20 tháng 11 vừa qua, tờ Nhân Dân của Trung Quốc lại dành nguyên cả trang báo viết rằng chúng tôi, tức là Hiệp hội AAUP, cần có thêm nhiều viện Khổng Tử hơn nữa tại các trường đại học Hoa Kỳ. Rồi tờ báo này yêu cầu luôn chính phủ Trung quốc cần phải đáp ứng nguyện vọng đó”. Vị đại diện AAUP khẳng định rằng viện Khổng Tử là bàn tay nối dài của chính quyền đảng Cộng sản Trung quốc. Các viện này xem thường mọi giá trị của quyền tự do học hỏi.

Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ, cũng đồng ý việc học Hoa ngữ là điều tốt, nhưng không phải vì thế mà phải mang cả cái gánh nặng viện Khổng Tử. Sau cuộc điều trần này, Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa kỳ đã yêu cầu viện Giám sát chính phủ Mỹ của Quốc hội Hoa Kỳ (gọi tắt là GAO) điều tra xem các viện Khổng Tử hiện nay có cản trở đến quyền tự do học hỏi của sinh viên Hoa Kỳ hay không, và điều tra xem các trường đại học Hoa Kỳ với các viện Khổng Tử có bị Trung quốc chi phối hay không?

Điều đáng buồn là trong lúc khắp thế giới báo động về các viện Khổng Tử, nhà cầm quyền Việt Nam lại long trọng khai trương một viện Khổng Tử mới tinh ngay tại thủ đô Hà Nội vào ngày 27/12/2014. Lễ khai trương diễn ra trong dịp ông Du Chính Thanh, Ủy viên bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Chính hiệp Trung quốc, sang Việt Nam ngay trước Hội nghị Trung Ương đảng CSVN để định các nhân sự lãnh đạo cho Đại Hội kỳ tới. Hiện tượng Bắc Kinh cử người đem chỉ thị về nhân sự sang Việt Nam trước các kỳ chọn người lãnh đạo mới đã trở thành một truyền thống khá công khai.

Chính vì vậy mà việc mở viện Khổng Tử mới tại Hà Nội sau bao năm vắng bóng được nhiều người kết luận là động thái cúi đầu nhận lệnh của giới lãnh đạo CSVN. Các ghế cao nhất tại Đại Hội Đảng XII đã được thiên triều đóng ấn.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.