Đối Đầu Bất Bạo Động: Để Làm Suy Yếu Những Trụ Cột Chống Đỡ Chế Độ Độc Tài.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 66.7 kb

Các chế độ độc tài với bộ máy hành chánh to lớn và kồng kềnh, cùng với dàn công an, cảnh sát, mật vụ và quân đội nhan nhản ở nhiều nơi trong xã hội đã phô diễn một dáng vẻ khá kiên cố. Hình ảnh đó, so với tình trạng bị khống chế của thành phần đối kháng và sự chống đối ô hợp của quần chúng, rõ ràng là một sự tương phản. Một bên thì có vũ khí để sẵn sàng trấn áp, còn một bên thì không khí giới, không chút quyền lực trong tay. Chính những thành kiến này đã làm giảm đi khả năng hình thành một lực lượng đối kháng mạnh để chống lại chế độ độc tài. Hơn thế nữa, vì chế độ độc tài gây ra những tội ác đối với người dân, nên người dân có thói quen kết án cho tất cả những ai có liên hệ tới chế độ độc tài. Vô hình chung, người ta đã đẩy những cá nhân – vì hoàn cảnh sống, đã phải liên hệ tới chế độ – thành một khối mà trên thực tế nhiều phần họ cũng chỉ là nạn nhân.

Mặc dù mang dáng vẻ mạnh mẽ, các chế độ độc tài đều tựa trên những trụ cột như là những chân vạc quyền lực được thi hành bởi những con người. Nếu những con người đó bị giao động, bị khuất phục hay tác động để trở nên chểnh mảng hoặc bê tha công việc, guồng máy độc tài sẽ trở nên suy yếu. Nguyên tắc của Đối Đầu Bất Bạo Động là làm cho cán cân quyền lực trong xã hội từng bước nghiêng về phía quần chúng; vì thế, việc tổ chức quần chúng để huy động sức mạnh của số đông chỉ có thể tiến hành hữu hiệu khi chúng ta biết cách làm suy yếu những cột trụ chống đỡ chế độ độc tài, tức là làm giảm sức ép của những cột trụ này lên người dân. Các chế độ chính trị thường tựa trên những trụ cột như sau:

1/ Trụ cột công an, cảnh sát và những cơ cấu bạo lực khác.
2/ Trụ cột quân đội với các quân binh chủng và bộ tư lệnh các quân khu.
3/ Trụ cột tuyên truyền bao gồm báo chí, truyền thanh, truyền hình, mạng lưới Internet.
4/ Trụ cột giáo dục bao gồm giáo dục sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
5/ Trụ cột kinh tế – tài chánh bao gồm hệ thống quốc doanh, liên doanh, ngân hàng nhà nước.
6/ Trụ cột pháp luật bao gồm các cơ chế liên hệ như Quốc hội, Tòa án.
7/ Trụ cột hành chánh bao gồm các cơ chế chính phủ, các Ủy ban nhân dân các cấp.
8/ Trụ cột đảng ủy trong các bộ máy quân đội, công an, tòa án, trường học, chính quyền.
9/ Trụ cột tổ chức quần chúng đảng như Mặt Trận Tố Quốc, Ủy ban tôn giáo, Các hội Việt kiều…

Mỗi chế độ, tùy theo những chủ trương chính trị mà đặt tầm quan trọng vào những trụ cột khác nhau. Đối với những chế độ độc tài, những trụ cột quan trọng là quân đội, công an, tuyên truyền, còn đối với những chế độ dân chủ thì các trụ cột pháp luật, giáo dục, hành chánh, kinh tế là quan trọng. Những trụ cột này sở dĩ đứng vững được vì hai lý do: 1/ Sự thi hành mẫn cán của những con người phục vụ trong các trụ cột và 2/ Sự tuân phục và hợp tác của quần chúng đối với chế độ. Không có hai yếu tố này, mọi trụ cột đều sẽ bị soi mòn và dẫn đến tan rã. Tuy nhiên, trong hai yếu tố này, sự tuân phục và hợp tác của quần chúng chiếm vị trí quan trọng nhất. Lý do là dù có một đội ngũ cán bộ thi hành công việc một cách mẫn cán theo những chỉ thị của cấp lãnh đạo, nhưng khi người dân không tuân phục và tìm cách chống lại những chỉ thị của giới lãnh đạo thì sớm muộn gì những nhân viên phục vụ trong các bộ máy này sẽ đào ngũ hoặc thụ động vì họ không thể chống lại thân nhân, bà con của họ trong đám đông quần chúng nổi dậy.

Do đó để làm suy yếu chế độ độc tài, người ta sẽ phải:

Thứ nhất là lôi kéo hay triệt hạ những cá nhân đang phục vụ trong các trụ cột để làm cho sự phục vụ của họ không còn hiệu quả.

JPEG - 51.8 kb

Mục tiêu chính yếu của nỗ lực này là thay vì tấn công vào cả guồng máy hay hệ thống quyền lực của một trụ cột, ta chỉ nên nhắm vào một người hay một nhóm người thật nhỏ trong hệ thống đó để triệt hạ hay lôi kéo họ về với phía quần chúng – một hình thức chia để trị hay xé nhỏ để tấn công. Ví dụ thay vì tấn công vào cả guồng máy báo chí, hay công an, quân đội thì ta chỉ nên tố cáo những tội ác, những sai phạm của các cá nhân phục vụ trong bộ máy đó, khiến cho họ không còn có thể phục vụ hữu hiệu và nếu chế độ tiếp tục bao che thì cũng sẽ gặp những chống đối của dư luận quần chúng hay trong nội bộ của họ, tránh đi hình thức vơ đũa cả nắm khiến họ sẵn sàng cấu kết với nhau để chống lại TA. Trong phương thức Đối Đầu Bất Bạo Động, yếu tố “lôi kéo” những người phục vụ trong các trụ cột về với phía quần chúng, hoặc trung hòa các phản ứng của họ rất quan trọng; vì nỗ lực này vừa làm suy giảm sức mạnh của kẻ thù, vừa tạo ra những nghi ngờ, lấn cấn trong nội bộ của phe cầm quyền và quan trọng nhất là nêu bật được chính nghĩa của lực luợng đối kháng.

JPEG - 68.6 kb

Quyền và lợi của những cán bộ phục vụ trong những cơ chế bảo vệ chế độ độc tài không đồng đều và nhiều khi còn mâu thuẫn với nhau. Những cán bộ phục vụ trong bộ máy kinh tế, đối ngoại là giàu có nhất, kế đến là những cán bộ phục vụ trong bộ máy hành chánh, công an, quân đội, còn những cán bộ phục vụ trong các đoàn thể quần chúng, văn hóa thường thiệt thòi nhất; họ nghèo đói vì ít có cơ hội móc ngoặc, tham nhũng. Chính sự khác biệt quyền và lợi do vị trí làm việc trong thời mở cửa nói trên, đã nảy sinh ra những xung đột nội bộ, khiến cho các cơ quan đảng và nước trong những chế độ độc tài mang ba đặc tính “dựa vào nhau để tồn tại, dè chừng nhau để thủ thân, tranh chấp nhau để thủ lợi”. Thấy rõ đặc tính này, các lực lượng dân chủ phải biết khai thác để có những ’tranh thủ’ cần thiết nhằm lôi kéo từng cá nhân ra khỏi sự phục tùng của họ đối với bộ máy thống trị. Điều quan trọng là không bao giờ tấn công một cách bữa bãi vào các cơ chế hay những cá nhân, nếu chưa nắm vững những sai trái cụ thể.

Kinh nghiệm của các cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi (1989), tại Liên Xô (1991), tại Serbia (2000) đều biểu hiện nét đặc biệt của sự “lôi kéo” thành phần đảng viên trong một số trụ cột của chế độ để không còn làm việc tích cực, hoặc không làm theo những chỉ thị của cấp trên. Phản ứng của thành phần đảng viên bị “lôi kéo” này thường trải qua hai giai đoạn.

- Giai đoạn đầu họ thường không ủng hộ ra mặt; nhưng không bày tỏ thái độ ngăn chặn hay gây khó khăn cho những người tham gia vào lực lượng đối kháng. Chính nhờ những thái độ này mà suốt từ năm 1982 kéo dài đến năm 1987, phong trào dân chủ Đông Âu đã tồn tại, dù mọi thành phần đối kháng – công nhân, trí thức, sinh viên, nông dân – đã bị đàn áp nặng nề tới độ có nơi bị tê liệt hoạt động. Đó là nhờ một số đảng viên đảng Cộng sản thức tỉnh ngầm yểm trợ, hoặc không thi hành lệnh đàn áp thô bạo của cấp trên.

- Giai đoạn hai là khi những đảng viên đảng Cộng sản thức tỉnh ngầm giúp cho phong trào dân chủ tồn tại, thì cũng là lúc họ nhìn thấy rõ bộ mặt thật của chế độ độc tài và từ đó tuyên bố bỏ đảng, chọn thái độ đứng hẳn về phía quần chúng hoặc là vẫn nằm trong cơ chế nhưng phá ngầm các công việc của đảng. Tức là họ đã giúp làm soi mòn tiềm lực của đảng Cộng sản từ bên trong. Nhờ những phá hoại ngầm này mà phản ứng của tất cả các đảng Cộng sản vào giai đoạn cuối trào đã biểu hiện trên bề nổi một chuỗi những hành động lúng túng, quyết định bất nhất giúp cho lực lượng dân chủ khai thác, tung ra nhưng đợt tấn công bằng biểu tình, đình công, lãng công làm toàn thể xã hội tê liệt.

Nói tóm lại, việc tạo ra những áp lực để cho chế độ độc tài tan rã nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào khả năng “lôi kéo” hay “triệt hạ” dần những con người đang phục vụ trong các trụ cột chống đỡ của chế độ đó. Nếu các lực lượng đối kháng có khả năng hoạch định những hướng chiến lược rõ ràng, cụ thể vận động mọi người, mọi giới quan tâm nhiều hơn vào nỗ lực tấn công vào các trụ cột của chế độ.

Thứ hai là phá bỏ sự tuân phục và hợp tác của người dân đối với chế độ đôc tài trong mọi điều kiện.

JPEG - 94.2 kb

Mục tiêu chính yếu của nỗ lực này là giúp cho người dân càng ngày càng thấy rõ những quyền lực của đất nước nằm trong tay của họ chứ không phải trong tay đảng Cộng sản. Trong bất cứ một chế độ nào, các nhà lãnh đạo hay đảng cầm quyền đều phải dựa vào sự hợp tác, ủng hộ và tuân phục của người dân thì mới duy trì được quyền lực chính trị ở trong tay. Sự hợp tác và tuân phục của người dân sẽ làm gia tăng quyền lực chính trị của đảng cầm quyền và do đó sẽ giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của chế độ lên trên toàn thể xã hội. Ngược lại, việc rút lại sự hợp tác từ các thành phần quần chúng cũng như những định chế xã hội đối với chế độ, sẽ làm cho tầm ảnh hưởng của chế độ bị thu hẹp và càng ngày càng bị suy yếu do những phản ứng chống đối của quần chúng từ bất hợp tác trên mặt xã hội, kinh tế lên đến những phản kháng mang tính chính trị công khai.

Sống trong sự khống chế lâu năm của chế độ độc tài và nhất là bị lệ thuộc hoàn toàn vào những ban phát của chế độ, người dân có thói quen phản ứng theo nhu cầu bảo vệ lấy sự “bình an” cho chính họ và kế đến là cho những người thân trong gia đình mà thôi. Chính vì thế mà họ thường không dám có những hành động gây sự chú ý của công an hay cơ quan hành chánh, dù những hành động đó không mang tính chống đối. Tình trạng lo sợ bị công an theo dõi, đàn áp luôn luôn là nỗi ám ảnh rất lớn đối với người dân sống trong những xã hội độc tài. Nắm yếu điểm này, các chế độ độc tài đã dùng bộ máy tuyên truyền – thông qua những bản tin, bài viết mang tính dàn dựng của bộ máy công an – để luôn luôn tạo một không khí “căng thẳng” trong xã hội, nhằm răn đe người dân. Tuy nhiên, những răn đe của bộ máy công an chỉ hữu hiệu trong khung cảnh của một xã hội toàn trị. Khi chế độ độc tài phải chấp nhận mở cửa, phải biến chiêu để duy trì sự tồn tại thì bộ máy cai trị bắt đầu có vấn đề: Nội bộ lãnh đạo bị phân hóa về hướng đi, cán bộ phục vụ tại các cơ quan thì tìm cách đục khoét tài nguyên quốc gia để thủ lợi, tạo thành những phe nhóm tranh đoạt quyền lực lẫn nhau.

JPEG - 13.5 kb

Để giúp người dân nhìn ra những suy yếu của chế độ độc tài và nhất là vượt lên trên sự sợ hãi bị đàn áp, bị trả thù của guồng máy công an, các lực lượng dân chủ sẽ phải đến gần quần chúng và hướng dẫn họ về phương thức đồi đầu bất bạo động, tức là làm sao cho số đông quần chúng tin tưởng và đi theo một kế hoạch đấu tranh có tính toán rõ ràng. Trong quá khứ, những cuộc phản kháng của người dân thường không được định trước mà chỉ do tình thế đưa đẩy. Những nỗi bất bình của quần chúng châm ngòi cho các hành động chống đối cũng đến từ nhiều lý do, nhưng thưòng là một hành động tàn bạo nào đó mới xảy ra: một vụ bắt bớ, giết hại một nhân vật được nhiều người kính trọng. Có khi chỉ một hành động nào đó của chế độ độc tài khiến cho quần chúng phẫn nộ và đám động tự phát đứng lên chống đối mà không cần biết kết quả sẽ ra sao. Hoặc khi đám đông nhận ra một vụ bất công nào đó của một người cũng chính là sự oan trái mà họ đã từng phải chịu trong quá khứ, đám đông tự phát nhập dòng đấu tranh. Những cuộc đấu tranh tự phát nói trên mang tính tích cực và biểu hiện phần nào sự không sợ sệt của đám đông quần chúng, nhưng kết quả của nó thường rất tai hại vì không lường trước được thế trận và giai đoạn tiến thoái để chủ động và bảo toàn lực lượng.

Để hướng dẫn người dân từ những chống đối tự phát tiến lên thành những phản kháng rộng lớn, các lực lượng đấu tranh phải biết định lượng thực tế về tình hình và khả năng của quần chúng để chọn lựa những phương thức hành động phù hợp qua ba diễn trình:

- Bất tuân phục những mệnh lệnh, những chỉ thị của các cơ quan nhà nước hoặc phản đối những mệnh lệnh sai trái của bộ máy công an. Những hành động này thường là những nỗ lực của từng cá nhân biểu hiện sự không sợ hãi chế độ của người dân.

- Bất hợp tác những kế hoạch hay những cuộc vận động nào đó do một cơ quan hay đoàn thể của chế độ đưa ra như kế hoạch đi ủng hộ cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh hay cuộc vận động quyên tiền giúp cho nhân dân Cuba… Những hành động này thường phải là nỗ lực của nhiều người cùng làm một lúc hoặc phải có số đông hậu thuẫn thì mới tạo động lượng tham gia của nhiều thành phần khác.

- Phản kháng tập thể gữa các thành phần quần chúng như dân oan, công nhân, tôn giáo, sinh viên… bằng kiến nghị, biểu tình, cầu nguyện, tọa kháng, đình công, lãng công, bãi thị, mít tinh… mà chủ yếu là bày tỏ sự bất mãn của số đông để buộc chính quyền liên hệ phải giải quyết các yêu sách trong thế phản kháng mang tính liên hoàn giữa nhiều thành phần quần chúng.

Mọi cuộc đấu tranh đều xuất phát từ những cá nhân dám vượt qua sự sợ hãi, bất tuân những mệnh lệnh của chế độ và bất chấp những sự đàn áp hay khủng bố. Khi đã có một số cá nhân can đảm làm đầu tàu khích động thì vấn đề còn lại là làm sao điều hướng được số đông tham gia để đẩy lên thành cao trào phản kháng mạnh mẽ.

*

JPEG - 6.4 kb

Tóm lại, các chế độ đều phải tựa lên những trụ cột chống đỡ để mà tồn tại. Nhu cầu của các lực lượng đấu tranh là phải làm sao tác động để những trụ cột chống đỡ này bị suy yếu và không còn có khả năng làm điểm tựa duy trì cho chế độ. Đồng thời, cần phải giúp người dân ý thức sức mạnh thay đổi nằm ngay trong tay của chính họ. Nguyên tắc chẻ nhỏ guồng máy thống trị để tấn công hay lôi kéo; vận động sự bất hợp tác của cả hai thành phần quần chúng và cột trụ của chế độ; huấn luyện, tổ chức và phối hợp các nỗ lực phản kháng … đều giúp chuyển biến sức mạnh từ guồng máy thống trị sang lực lượng đối kháng. Để giúp cho người dân vượt lên trên sự sợ hãi các hành động khủng bố và trả thù của chế độ, và tham gia đông đảo vào các cuộc chống đối, cần phải cho họ thấy các cột trụ chống đỡ chế độ đều có những nhược điểm để khai thác, tấn công bằng những phương pháp đơn giản, khả thi. Một khi các nỗ lực phản kháng được tổ chức, huấn luyện, điều phối nhịp nhàng, vượt lên trên hình thái tự phát, thiếu định hướng để trở thành một sức mạnh rộng khắp, biết tiến thoái đúng thời, đúng lúc để chủ động và bảo toàn lực lượng thì ngày tàn của chế độ độc tài là một điều hiển nhiên. Giòng lịch sử của nhân loại đã minh chứng điều này.

Lý Thái Hùng
June 30, 2008

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.