Tình yêu của bụi

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Trong đêm đen, trong im lặng, trong ngột ngạt
Đợi anh, đợi anh
Cùng bụi trần đợi anh
(Lưu Hiểu Ba)

Cứ vào mùa thu, khi lá bắt đầu vàng úa trên sân trường đại học tôi lại nhớ đến bóng dáng của những người lính đã nằm xuống 30 năm trước. Những khuôn mặt thật trẻ của nhà văn Võ Hoàng, nhạc sĩ Trần Thiện Khải, kỹ sư Ngô Chí Dũng,…

Ba mươi mùa thu, lá rừng đã phủ lấp, đã ôm ấp hình hài của những người lính năm nào khát khao trở về quê mẹ. Ba mươi mùa thu, những đứa trẻ ngày xưa đã lớn, nhiều người đã quên, tôi cũng đã quên mất cái ngày ngồi trong một góc thư viện của Truman College và đau lòng đọc bản tin về cuộc đụng trận của họ ở Nam Lào. Nhưng cái khoảng cách đằng đẵng của 30 năm lại không đủ sức làm phai nhạt hình ảnh người đi trong lòng những người vợ lính. Tôi muốn nói đến cô Vân, hiền phụ của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh.

JPEG - 104.5 kb

Một tháng trước, tôi đã xúc động khi nhận được tấm hình cô gởi tặng. Tấm hình cô chụp cùng các con, các cháu hôm kỷ niệm 50 năm ngày cưới của cô. Cô vẫn chung thủy với lời hẹn thề và không bao giờ chấp nhận rằng ông đã thực sự ra đi. Không có một lý lẽ nào có thể thắng được niềm tin và tình yêu của một người vợ. Và sự thật thì ông vẫn hiện hữu đấy thôi.

Ngày xưa, khi về làm vợ của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, cô Vân có rất ít thời gian được gần gũi chồng, và đây là điều cô hối tiếc mãi. Là một tướng trẻ của hải quân, ông hành quân liên miên, cô phải ở nhà lo cho mẹ chồng nên họ cũng chỉ gặp được nhau mỗi 2 tuần một lần.

Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của một người vợ khác. Bà Lưu Hà, người cũng vừa vĩnh viễn chia tay với chồng, khôi nguyên hòa bình Lưu Hiểu Ba. Ông bà Lưu cũng chỉ ở bên nhau rất ít ngày, còn lại là những chuỗi ngày tù đằng đẵng của ông.

Bà Lưu Hà lập gia đình với Lưu Hiểu Ba khi ông đang ở tù, tiệc cưới của họ diễn ra ngay tại nhà ăn của trại giam. Đây là một chiến thắng nho nhỏ của Lưu Hiểu Ba trước chính quyền độc tài. Rõ ràng ông là người luôn luôn tự do.
Sau đó, ngay trước phiên tòa xử ông, trước mặt chánh án, ông đã giành cơ hội để phát biểu với thế giới và nói với người vợ của mình mặc dù bà Lưu Hà không được phép có mặt trong phiên tòa đó:“Có tình yêu em, người yêu dấu ơi, anh sẽ nhìn thẳng vào phiên toà hôm nay với lòng thanh thản, không tiếc hận về những chọn lựa của mình, và vẫn lạc quan tin tưởng vào một ngày mai. Anh chờ đợi đất nước chúng ta sẽ trở thành xứ sở tự do”. Từ ấy đến nay, tư tưởng của ông đã vượt thoát các song sắt kiên cố của nhà tù Hoa Lục. Và thế giới đã lắng nghe ông nói.

***

Điểm giống nhau của bà Lưu Hà và cô Vân là tình yêu của người chồng dành cho họ thật thắm thiết. Thời gian, khoảng cách địa lý dường như không có khả năng chia cách họ. Bà Lưu Hà vừa phải đắp mộ cho chồng, nhưng tôi tin bà chỉ chôn thân xác của ông. Người chồng của họ vẫn sống trong mỗi nhịp đập của trái tim hai người phụ nữ ấy, ngay từ phút giây đầu tiên và mãi mãi về sau.

Khi Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và hơn 300 người lính nằm xuống, tôi ý thức được những gian khó vô cùng của cuộc đấu tranh không cân sức này và chợt cảm kích những hy sinh, bước khởi đầu nhiều gian khổ, sự dũng cảm của con người và những tổ chức chính trị thời ấy. Của những Nguyễn Trọng Hùng, Trương Ngọc Ni, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Mai Văn Hạnh, Võ Đại Tôn,… những người lính sau chiến tranh. Những chiến binh đi tiên phong.

Tất cả sự khởi đầu đầy gian nan ấy đều đặt trên nền tảng của tình thương. Tình thương là động lực giúp họ vượt qua mọi thử thách, ngay cả tù tội và cái chết. Cả khôi nguyên Lưu Hiểu Ba và Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cũng đều quan niệm như thế khi khởi đầu và cả những giây phút cuối đời của họ.

Khi thành lập khu chiến ở biên giới Thái Lan, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã căn dặn các chiến hữu của ông: “Nếu sức mạnh chính yếu của chiến tranh đến từ nòng súng, đến từ xe tăng, từ đại pháo thì sức mạnh của Đấu tranh Giải phóng đến từ con tim, đến từ quyết tâm của con người”.

Khi đối diện quan tòa ngày 23/12/2009, phiên tòa chấm dứt những ngày tự do cuối cùng của cuộc đời mình, Lưu Hiểu Ba khẳng định với những kẻ đã tước đoạt quyền tự do của ông rằng ông không có kẻ thù, không có lòng căm thù. Bởi căm thù có thể làm hỏng hồn tính của một quốc gia. Ông bảo:“ tôi mong rằng mình sẽ có thể vượt lên khỏi những thăng trầm của số phận một cá nhân nhỏ bé để mà hiểu được sự phát triển của quốc gia và những đổi thay của xã hội, vượt qua thái độ thù hận mà chế độ dành cho tôi bằng thái độ chính đáng nhất, và lấy tình thương để gỡ bỏ sự thù hận”.

Khôi nguyên Lưu Hiểu Ba may mắn hơn Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh khi ở những giây phút cuối đời ông được gặp lại vợ, được ôm bà Lưu Hà trong vòng tay. Và có thể đó là động lực giúp bà vuốt mắt cho chồng, giúp bà làm cái quyết định khó khăn nhất là không tiếp tục gắn ống thở cho ông. Lời cuối khi chia tay, Lưu Hiểu Ba nói với người vợ yêu quý: “Hãy tiếp tục sống tốt”.

Phút cuối của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh chỉ có mình ông và một chiến hữu trẻ bên cạnh. Điều ông dặn dò trước khi tự sát cho thấy tình thương của ông dành cho người chiến hữu ấy cùng sự tha thiết của ông đối với sự sống như thế nào. Ông bảo:“Chiến hữu còn trẻ, hãy tìm đường quay về, hãy cố mà giữ lấy mạng sống. Còn mạng sống là còn tất cả”.

Sự sống đối với cả hai mang một ý nghĩa tích cực và tốt đẹp. Họ mong chờ ở những thế hệ tiếp nối, và chọn chấm dứt đời mình cho biểu tượng được sống. Nghe những lời nhắn gởi, chúng ta biết những chọn lựa đó rất tỉnh táo.

Tất cả chúng ta cũng chỉ là hạt bụi khi đến với cuộc đời, và họ chọn trở về với cát bụi để giữ cho sự sống có ý nghĩa.

Trong cuộc đời mình, tôi may mắn được biết đến và chứng kiến hai mối tình thật đẹp. Tình yêu của họ vượt thoát khỏi mọi quy luật tầm thường của đời sống. Cả hai người đàn ông đã ra đi, chỉ còn lại hai người phụ nữ với tình yêu sâu lắng và hai tấm ảnh cuối đời của họ. Đối với tôi chúng đã trở hành hai bức chân dung tình yêu đẹp nhất thế kỷ.

JPEG - 67.3 kb
Ông Lưu Hiểu Ba và bà Lưu Hà.

Bức hình thứ nhất chụp vào ngày lễ kỷ niệm 50 mươi năm ngày cưới của hiền phụ Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Trong cái trôi đi của ngày tháng, lãng quên của bao người, tình yêu của bà vẫn sống mãnh liệt cùng với lời hẹn thề của ông: “trăng hỡi theo ta về dưới mái nhà nhắn ai rằng một ngày ta sẽ trở về”. Và bà đã chung thủy đợi ông như thế, trong đêm đen, trong im lặng, và có lúc trong cái không khí ngột ngạt, đau thương của những ngày dậu đổ bìm leo.

Tôi không mong là được đăng bức hình của bà trên trang viết này vì biết bà sống rất thầm lặng và đây là điều bà không muốn tuy nhiên tôi vẫn xin phép.

Sau một ngày suy nghĩ bà gọi lại và cho phép tôi được đăng với một lời nhắn. Xin gởi đến bạn đọc lời nhắn của bà: “Cô không cần biết ai nói gì, với cô anh Minh và các anh (các chiến hữu của ông) vẫn đang ở đâu đó, họ đang chiến đấu và chú sẽ đón cô trở về khi VN có tự do. Nhưng bây giờ cô lớn tuổi rồi, nếu đến lúc cô ra đi mà chú vẫn chưa về, thì ước mong anh em cố gắng. Khi thành công xin hãy đem cô và chú về lại quê hương mình”

Bức hình thứ hai là bức hình hiếm hoi của Lưu Hiểu Ba cùng vợ là bà Lưu Hà trong một bịnh viện ở Bắc Kinh. Tấm hình được chụp một ít ngày trước khi ông từ trần vì căn bệnh ung thư gan ở thời kỳ cuối. Qua vòng tay ôm của chồng, bà Lưu Hà nhìn ông với ánh mắt thiết tha. Người ta chạnh nhớ câu nói của ông Lưu Hiểu Ba gởi cho vợ trong phiên tòa ngày 23/12/2009 “cho dù người ta có nghiền nát anh ra, anh vẫn nguyện ôm ấp em bằng tro than của mình”.

Xin cám ơn những hạt bụi lóng lánh như những hạt kim cương trong bóng đêm tăm tối của chủ nghĩa CS. Và xin ghi lại đây những câu thơ của Lưu Hiểu Ba gởi cho hiền phụ của ông. Đây là lời nhắn gởi của những trái tim gởi lại tình yêu cho cuộc đời và trở về với cát bụi.

Đoạn thơ cũng xin được gởi tặng đến cô Vân và những người vợ trong số 300 người lính đã nằm xuống. Lịch sử sẽ in dấu bước chân của họ, những con người của 30 năm trước và những con người của ngày hôm nay. Những người chọn hy sinh chính mình để vô hiệu hóa một thể chế hung bạo.

Em biết đấy, mộ phần
Là nơi tốt nhất để em quay về
Ở đó em đợi anh
Sẽ không còn kinh động nào nữa
Em cô độc trung thành với tình yêu của bụi
(Lưu Hiểu Ba – Cùng Cát Bụi Đợi Anh – gửi người vợ vò võ đợi chờ)


– – –

Để thắp một nén nhang cho những người lính đã thầm lặng ngã xuống 30 năm trước cùng sẻ chia những mất mát với vợ con họ. Kính mời quý đồng hương đến tham dự lễ tưởng niệm Anh Hùng Đông Tiến lúc 1 giờ trưa, Chủ Nhật, ngày 24 tháng 9 năm 2017 tại:

Westminster Community Center
8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.