Việt Nam đu dây coi chừng dây đứt!

Ông Vladimir Putin (trái), tổng thống Nga, được ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, đón tiếp ở Hà Nội vào ngày 12/11/2013. Ảnh minh họa: Na Son-Nguyen/ AFP via Getty Images
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Chuyến thăm Việt Nam vào ngày 19 Tháng Sáu của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đang làm cho Việt Nam khó xử trong quan hệ đối ngoại và có nguy cơ bị Tây phương xa lánh. Tại sao vậy?

Sau khi đón tiếp ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, hồi Tháng Chín và tiếp ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, hồi Tháng Mười Hai năm ngoái, Việt Nam đã vài lần đánh tiếng mời ông Putin sang Hà Nội. Trong cuộc điện đàm với ông Putin hồi Tháng Ba, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, đã mời ông Putin đến Việt Nam, trái với thông lệ là lời mời nguyên thủ quốc gia đến thăm phải do chủ tịch nhà nước đưa ra. Trước đó vào Tháng Mười Hai, 2023, khi còn làm chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng đã mời ông Putin sang thăm dù Điện Kremlin tỏ ra không hào hứng lắm.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Việt Nam muốn cân bằng mối quan hệ với các cường quốc, không ngả theo một cường quốc nào trong cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt hiện nay. Hà Nội vẫn thường khoe khoang đường lối đối ngoại của đảng CSVN “kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không chọn bên, chỉ chọn chính nghĩa,” với hình ảnh “cây tre” gió chiều nào ngả theo chiều ấy mà không bị trốc gốc. Đã đón tiếp trọng thể ông Biden, ông Tập thì Việt Nam cũng phải đón tiếp ông Putin cho đủ lệ bộ. “Chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới,” ông Đặng Minh Khôi, đại sứ Việt Nam tại Nga, nhận định, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Thêm nữa, đối với Việt Nam, Nga có vai trò đặc biệt trong hai lĩnh vực quan trọng: nguồn cung cấp vũ khí và cộng tác khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Về vũ khí, hầu hết vũ khí lớn của quân đội Việt Nam hiện nay được mua từ Nga, chẳng hạn sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo, bốn tàu khu trục lớp Gepard, hệ thống phòng không S-300, hàng chục chiến đấu cơ Su-30… Theo một số tài liệu từ 1995 đến 2014, Nga cung cấp 90% lượng vũ khí nhập cảng của Việt Nam.

Trái khoáy là ở chỗ, Việt Nam mua vũ khí này để phòng thủ, đề phòng xung đột với Trung Quốc nhưng chính Trung Quốc lại sở hữu nhiều vũ khí Nga hơn Việt Nam cả về số lượng lẫn độ tân tiến, chưa kể vũ khí do chính Trung Quốc sản xuất từ công nghệ và mẫu mã sao chép của Nga. Dùng vũ khí Nga để răn đe Trung Quốc là thất sách. Đón ông Putin lần này có thể Việt Nam sẽ yêu cầu Nga hợp tác và chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí nhưng đã muộn.

Công nghệ vũ khí của Nga hiệu quả đến mức nào thì thực tế chiến trường ở Ukraine là câu trả lời đầy đủ và thuyết phục nhất. Súng đạn Nga rất đáng sợ khi tàn phá các khu dân cư, các nhà máy điện dân sự nhưng trên mặt trận khi đối đầu với các loại vũ khí mà Mỹ và NATO viện trợ cho Kyiv, cả những vũ khí nội địa do Ukraine tự chế tạo, chúng nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu kém chết người. Có lẽ nhận ra những điều bất hợp lý đó nên gần đây Việt Nam đã bắt đầu tìm tới các nhà cung cấp vũ khí khác như Nam Hàn, Israel, Châu Âu và Mỹ.

Trong lĩnh vực dầu khí, phần lớn sản lượng và doanh thu dầu khí của Việt Nam đến từ các liên doanh với Nga; các công ty dầu khí Tây phương đều đã rời khỏi Việt Nam để tránh đòn trừng phạt của Trung Quốc. Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc củng cố “mối quan hệ không giới hạn” thì ngành dầu khí Việt Nam bị biến thành “con tin.” Các giàn khoan dầu trên thềm lục địa Việt Nam do liên doanh Vietsovpetro vận hành vẫn thường xuyên bị Trung Quốc đưa tàu hải cảnh đến quấy nhiễu. Trong tương lai Bắc Kinh có thể sử dụng vị thế đàn anh đối với Moscow để yêu cầu ông Putin chấm dứt các hoạt động hợp tác với Hà Nội ở Biển Đông, đẩy ngành dầu khí Việt Nam vào cửa tử.

Việt Nam cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết với Moscow để giải các bài toán về vũ khí và năng lượng dù có phải lội ngược dòng dư luận. Khi ông Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, Việt Nam chẳng những đã không lên tiếng phản đối mà còn ủng hộ Nga dưới cái vỏ “trung lập.” Việt Nam đã bốn lần bỏ phiếu trắng đối với bốn nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga, một lần bỏ phiếu chống, phản đối đề nghị loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Mới đây nhất, Việt Nam từ chối tham dự Hội Nghị Hòa Bình Ukraine họp tại Thụy Sĩ trong hai ngày 15 và 16 Tháng Sáu dù được mời vì Hà Nội không muốn phản bội Moscow. Việc trải thảm đỏ đón ông Putin lần này cũng nằm trong tâm thế trung thành đó.

***

Nhưng giới lãnh đạo Việt Nam đang mắc sai lầm nghiêm trọng, đu dây riết rồi có ngày dây đứt.

Ông Putin đến Việt Nam không chỉ là nhà độc tài khét tiếng, đã làm tổng thống năm nhiệm kỳ thông qua những cuộc bầu cử gian trá mà còn là một tội phạm chiến tranh đang bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) truy nã từ Tháng Ba năm ngoái. Việt Nam chưa là thành viên của ICC nên không có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin nhưng việc trải thảm đỏ đón một kẻ tội phạm như vậy đang làm nhiều người dân Việt cảm thấy nhục nhã. Việc các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Phú Trọng công khai mời ông Putin thăm Việt Nam sau khi ông ta bị truy nã được coi là hành động công khai thách thức trát bắt giữ của ICC. Tuyên bố huênh hoang của giới lãnh đạo cộng sản “không chọn bên, chỉ chọn chính nghĩa” nghe thật lố bịch và gian xảo khi mời đón một tên tội phạm bàn tay đầy máu lương dân.

Ngạn ngữ Pháp có câu “Hãy cho tôi biết bạn chơi với ai, tôi sẽ nói bạn là người thế nào.” Chỉ riêng việc trung thành với những tên phát xít như Putin thì đủ biết bản chất của chế độ cộng sản Hà Nội như thế nào mà không cần giải thích dài dòng.

Lời mời của Hà Nội và chuyến thăm Việt Nam mang lại cơ hội để ông Putin chứng tỏ với thế giới rằng các biện pháp cấm vận, cô lập nước Nga do cuộc chiến Ukraine đã không có hiệu quả, ông Putin vẫn đi đó đi đây và được đón tiếp trọng thể.

Cay đắng cho Hà Nội hơn nữa là Nga đã sắp xếp để ông Putin ghé thăm Hà Nội sau khi đã đến Bắc Hàn trong cùng một chuyến đi. Bắc Hàn từ lâu đã là “vùng trũng” của thế giới hiện đại, bị cộng đồng quốc tế xa lánh vì tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử, hung hăng đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực mà đẩy đất nước vào cảnh đói khổ cùng cực.

Lẽ ra ông Putin đã đến Hà Nội sau khi thăm Trung Quốc giữa Tháng Năm vừa qua, nhưng chuyến đi đó đã bị hoãn lại do những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu ở Ba Đình. Lần này, lịch trình công du của ông Putin ngụ ý Nga coi Việt Nam ngang với Bắc Hàn nếu không muốn nói là thấp kém hơn vì Hà Nội không cung cấp được cho Nga cái mà Moscow đang cần cho cuộc chiến tranh.

Có thể Việt Nam không chủ tâm đứng vào “trục chuyên chế” bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Hàn để đối đầu với khối dân chủ nhưng cách hành xử của Hà Nội khiến thế giới có cớ để nghĩ rằng, Việt Nam cùng một giuộc với những thế lực phản động, không tin cậy được.

Hà Nội đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và Châu Âu khi đón tiếp ông Putin. “Không nước nào nên cho Putin diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của họ và cho phép ông ta biến sự tàn bạo của mình trở thành bình thường. Nếu ông ta được đi lại tự do, điều đó có thể bình thường hóa các hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Nga,” phát ngôn viên của Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội nói với hãng tin Reuters về chuyến thăm của ông Putin.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, rồi đây Việt Nam có đủ khả năng để giải thích ổn thỏa với Mỹ nói riêng, Tây phương nói chung về thái độ trung thành với ông Putin và nước Nga. Có người dự báo trong ngắn hạn, cách đối xử với Nga sẽ không ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Tây phương và các quốc gia dân chủ như Nhật, Nam Hàn và Úc, đặc biệt là hiện nay có vẻ như Việt Nam đang được Tây phương cố lôi kéo vào liên minh kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Song chúng tôi không nghĩ như vậy. Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã nhiều lần vỡ mộng với những lời hứa hão của Việt Nam về cải cách chính trị nhưng rốt cuộc vẫn là một thể chế toàn trị, chẳng những không rời xa mà ngày càng đi sâu vào quỹ đạo chuyên chế của Nga-Trung Quốc. Từ khi Nga xâm lược Ukraine, cây tre Việt Nam càng lúc càng ngả hẳn về phương Bắc và đó là điều ai cũng thấy bất chấp cảnh báo rằng với tham vọng lãnh thổ điên cuồng của Nga và Trung Quốc, Ukraine hôm nay có thể là Việt Nam và Đài Loan ngày mai. Ở đây, quyền lực của kẻ thống trị đã đặt lên trên lợi ích quốc gia.

Sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Người Mỹ không nên tiếp tục nuôi ảo tưởng về khả năng lôi kéo Hà Nội vào quỹ đạo của Washington. Việc mời và đón tiếp tên tội phạm chiến tranh Putin là giọt nước tràn ly, cho thấy đã đến lúc Mỹ nên cứng rắn với giới cầm quyền Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, thao túng tiền tệ, thương mại không công bằng và hỗ trợ các tổ chức đang đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam. Chỉ có một Việt Nam dân chủ tự do mới có thể là đối tác tin cậy của Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới trong cuộc cạnh tranh với trục chuyên chế Nga-Trung Quốc.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Sư Thích Minh Tuệ ở Hà Tĩnh hôm 17/5/2024. Ảnh: AFP

Cập nhật thông tin về Phật sĩ Thích Minh Tuệ

Thầy đi khất thực (chứ không nhận mang cơm đến) và ngồi trò chuyện (hay cũng có thể gọi là pháp thoại) với dân, để dân đánh lễ, vừa là pháp tu, vừa là tuân theo sự đời, không thể trốn tránh ẩn tu được. Và cách tu đó cũng đem lại nhiều lợi lạc cho chúng sinh. Vì mỗi người sùng tín được gặp Thầy, được trò chuyện, đảnh lễ thầy rồi nhận về một chai nước, một trái cây hay cái bánh họ đều rất hoan hỉ, được hưởng chút phước lành từ một vị chân tu mà họ rất tin tưởng, ngưỡng mộ. Tác động tâm linh, tâm lý như vậy thật lành thay!

Tập Cận Bình tại hội nghị trung ương 3 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2013 để thiết lập chương trình nghị sự. Những người theo dõi Trung Quốc, háo hức chờ đợi tin tức về nơi mà vị chủ tịch mới sẽ đưa đất nước đi, đã không chú ý đến những tín hiệu quan trọng. Ảnh tổng hợp của Nikkei - Ảnh nguồn của AP và Yusuke Hinata

Đừng hiểu sai ý định của Tập Cận Bình tại hội nghị trung ương ba

Ngay sau hội nghị trung ương 3 khóa 18 năm 2013, một nguồn tin của đảng cho biết, “Người ta sẽ phạm phải sai lầm lớn nếu phân tích – và đặt kỳ vọng cao vào – các cuộc họp quan trọng của đảng chỉ từ góc độ kinh tế, kinh doanh, hay tiền bạc.” Hàm ý ở đây là vấn đề quan trọng nhất ở Trung Quốc là quyền lực chính trị chứ không phải kinh tế.

Nhưng các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc đã phạm phải sai lầm này. Họ đã hiểu sai kết quả của hội nghị hơn 10 năm trước như thế nào?

Kênh đào Phù Nam (Funan Techo) trong tổng thể lưu vực sông Mekong. Ảnh: Stimson Center/ Brian Eyler

Hệ lụy khó lường của việc Campuchia làm kênh đào Phù Nam bất chấp Hiệp định Mekong 1995

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore tổ chức hội thảo “Kênh Phù Nam: Xác định lại khả năng kết nối, định hình lại chính trị” trong ngày 21/6/2024. Theo nhiều chuyên gia quốc tế tại hội thảo, là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, việc Campuchia bỏ qua quy trình Tham vấn trước mà Hiệp định Mekong 1995 quy định sẽ gây ra nhiều tiền lệ nguy hiểm cho dòng sông này.

Ông Tô Lâm (phía trái trên thảm đỏ), và ông Putin, duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ Tịch tại Hà Nội, 20 tháng Sáu, 2024. Ảnh: AP

Sự thật và dối trá qua chuyến thăm Hà Nội của Putin

TT Putin vừa làm được điều báo giới gọi là “động thái chiến lược” nhằm củng cố liên minh và chống lại ảnh hưởng của phương Tây khi đi thăm Triều Tiên và Việt Nam. Còn quá sớm để đánh giá hiệu ứng từ các chuyến thăm của TT Putin vừa rời các thủ đô của “hai nước anh em.”