23 Năm Trước Đây, Bây Giờ, Và Mãi Mãi Về Sau

Phan Vụ Quang

23 năm trước đây, tại vùng núi rừng Đông Dương, vào ngày 8 tháng 3 năm 1982, trong Lễ Công Bố Cương Lãnh của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã kêu gọi người dân Việt, trong cuộc tranh đấu dành lại tự do, hãy:

Lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản
Lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí

Là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã là hình ảnh của một sĩ quan can trường và liêm khiết trong suốt cuộc chiến tự vệ của Miền Nam Việt Nam.

Là một người Việt tỵ nạn, ông Hoàng Cơ Minh đã nêu gương dũng cảm khi từ bỏ nếp sống yên lành tại Hoa Kỳ để dấn thân vào chốn hiểm nguy mong đem lại tự do và no ấm cho đồng bào tại quê nhà.

Là một nhà lãnh đạo chính trị, Chiến Hữu Chủ Tịch MTQGTNGPVN Hoàng Cơ Minh khi kêu gọi:

Lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản
Lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí,

đã nêu lên một nguyên tắc mà người Việt chúng ta, ở trong cũng như ngoài nước, có thể dùng như căn bản cho công cuộc đấu tranh xây dựng dân chủ và phát triển Đất Nước, bây giờ và mãi mãi về sau.

Bình thường, câu “Lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản” đáng lẽ phải là một sự thật hiển nhiên, chẳng cần phải lý giải thêm. Tuy nhiên, đặt vào hoàn cảnh của đầu thập niên 80, khi Miền Nam Việt Nam vừa bị chiếm đóng một phần do sự bỏ rơi của “đồng minh” Hoa Kỳ, trong khi đoàn quân xâm lăng của CS Bắc Việt lại được trang bị và nuôi dưỡng không thiếu thứ gì bởi Liên Sô và Trung Cộng chúng ta thông cảm hơn cho tâm trạng mất niềm tin của số đông người Việt trong thời gian đó… Tuy nhiên, dầu trong tình trạng khó khăn, cũng không thể nào cho là mọi chuyện đã do các nước lớn an bài, vì vậy lời kêu gọi của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã là tiếng nói đem lại niềm tự trọng và tự tin ở Dân Tộc, đánh tan thái độ buông xuôi đầy bi quan đã ám ảnh người dân Việt trong suốt mấy thập niên…

Tuy nhiên, điều cần phải hiểu thêm là sức mạnh dân tộc không đến từ thinh không, không phải tự nhiên mà có mà phải xây dựng mới có.

Nếu trong xã hội, có những người dân chưa có thói quen góp phần giúp đỡ người khác hoặc làm cho xã hội cùng tiến bộ và mới chỉ biết làm giầu cho riêng mình, thì những người dân đó chưa góp phần vào sức mạnh của dân tộc.

Sức mạnh dân tộc là tổng hợp tiềm lực của những người dân luôn luôn tìm cách mở mang trình độ hiểu biết cho cá nhân mình và nhất là chung góp về công sức và của cải vào các công tác mang lại ích lợi chung.

Điều căn bản thứ nhì trong lời kêu gọi của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh là “Lấy Đại Đoàn Kết Toàn Dân làm võ khí”.

Trong lời kêu gọi này, hô hào đoàn kết không phải là điều mới lạ nhưng “phải làm sao dùng tinh thần đoàn kết” như là võ khí đấu tranh, như là phương tiện đấu tranh thì đây mới là ý chính.

Khi dùng tinh thần đoàn kết như một vũ khí thì chẳng cần lên tiếng hô hào đoàn kết mà cần tự áp dụng ngay tinh thần đoàn kết để bỏ qua những khác biệt nhỏ và tìm cách hợp tác với nhau …

Nếu biết rằng đoàn kết là vũ khí sống còn người ta sẽ thận trọng trong ngôn từ, không phê bình hay công kích những cá nhân hay đoàn thể khác một cách vô trách nhiệm .

Nếu biết rằng đoàn kết là phương tiện mọi người cùng phải góp phần tạo nên, người ta sẽ không mất thì giờ đi than phiền về những thái độ chia rẽ của người này hay người kia, hoặc loan truyền những chuyện tiêu cực về người khác hay tổ chức khác mà nhiều khi chính mình chưa nắm vững. Thay vào đó, điều cần phải làm là góp phần tích cực vào những công việc gì phát triển được tinh thần đoàn kết và cơ hội hợp tác giữa mọi người.

Tóm lại, một người Việt Nam dầu khiêm tốn đến đâu cũng không bao giờ thú nhận là người Việt mình khờ dại hay chậm lụt. Ngược lại, dầu có niềm tự hào dân tộc cao đến bao nhiêu, cũng khó có ai dám nhận chúng ta là một cộng đồng có tình đoàn kết chặt chẽ, mặc dầu ai cũng thấy đoàn kết là đáng quý.

Có người còn dùng tính đố kỵ như một thuộc tính rất “việt nam” và mang làm chuyện vui đùa. Người ta kể là nếu có hai giỏ cua một Nhật Bổn, một Việt Nam thì chỉ một thời gian ngắn cua Nhật Bổn sẽ bò ra ngoài hết trong khi cua Việt Nam cho tới hôm sau vẫn bị nhốt trong giỏ. Lý do là cua VN, con nào vừa bò lên cao là bị các con khác kéo xuống thành ra cả đám chẳng con nào thoát được.

Tôi không nghĩ bệnh chia rẽ có thể chữa được bằng cách chế diễu, và người ta có thể đoàn kết bằng cách lên án những việc làm hay cá nhân mình cho là chia rẽ .

Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta cùng cố gắng làm thêm một việc có ích lợi công cộng, tham gia thêm vào một sinh hoạt văn hóa, xã hội hay chính trị với một nhóm người Việt khác thì chắc chắn chúng ta đã cùng góp phần gia tăng sức mạnh của dân tộc và phát huy một cách cụ thể tình đoàn kết giữa người Việt với nhau.

Đây là những loại việc cần làm bây giờ và mãi mãi về sau .

Phan Vụ Quang