Play Video
Share on facebook
Share on twitter
Share on google
Share on whatsapp
Share on email

Tiết lộ: Đặc Khu Trưởng Hong Kong muốn từ chức, sẽ bắt thêm người biểu tình

Hãng thông tấn Reuters tiết lộ một băng ghi âm dài 24 phút, được thâu tại một cuộc họp kín trong tuần trước, giữa Đặc Khu Trưởng Hong Kong Carrie Lam với một nhóm doanh nhân. Tại cuộc họp này, bà Lam nói rằng, bà đã gây “hậu quả tàn phá không thể tha thứ” khi làm bùng nổ cuộc khủng hoảng chính trị nhấn chìm Hong Kong, và bà sẽ từ chức nếu bà được quyền lựa chọn.

Trong đoạn băng ghi âm, bà Lam cũng đã nói với nhóm doanh nhân rằng, hiện nay bà bị rất hạn chế trong những lựa chọn để giải quyết khủng hoảng, vì tình trạng bất ổn đã trở thành vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ.

Nhận xét của bà Lam cho thấy rõ quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với tình trạng bất ổn ở Hong Kong, là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ sau cuộc biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong là thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Ông Tập Cận Bình cũng đang đối phó với một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, khiến nền kinh tế chậm lại. Những bất đồng về Đài Loan và về các hành động của Trung Quốc nhằm thắt chặt kiểm soát ở Biển Đông đã khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington càng căng thẳng hơn.

Những tuyên bố của bà Lam trong băng nghi âm, phù hợp với tin tức mà Reuters tiết lộ vào thứ sáu vừa qua, đó là các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đang trực tiếp xử lý khủng hoảng ở Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ một đề nghị của Lam, nhằm xoa dịu sự phản kháng bằng cách rút bỏ hoàn toàn Dự Luật Dẫn Độ.

Và đương nhiên, Trung Quốc sẽ không thể nào để cho bà Lam từ chức vào lúc này. Vì nếu bà Lam từ chức thì đây sẽ được xem như là một thắng lợi của người biểu tình và sẽ giúp tạo thêm sức mạnh cho phong trào đòi dân chủ thật sự ở Hong Kong. Điều này sẽ khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đưa một người thân Bắc Kinh lên thay thế bà Lam. Tệ hơn nữa, nếu một chính trị gia có khuynh hướng ủng hộ dân chủ lên thay thế bà Lam thì sẽ khiến cho Trung Quốc khó can thiệp vào những vấn đề của Hong Kong hơn.

Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nhận thức được sự thiệt hại đối với hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới, nếu họ đưa quân đội vào Hong Kong để dập tắt các cuộc biểu tình. Họ biết rằng cái giá phải trả sẽ quá lớn. Trung Quốc mất nhiều thời gian để xây dựng hình ảnh là một nền kinh tế lớn có trách nhiệm, do đó, họ không muốn làm mất đi tất cả những phát triển tích cực này.

Nhưng Trung Quốc sẵn sàng chờ đợi cho đến lúc phong trào biểu tình mệt mỏi, ngay cả khi điều này gây thiệt hại cho nền kinh tế của Hong Kong, như lượng khách du lịch suy giảm mạnh, và dòng vốn đầu tư bị thất thoát.

Hong Kong là thành phố tự do nhất dưới sự cai trị của Trung Quốc. Dưới công thức “một quốc gia, hai hệ thống”, Hong Kong được hưởng một loạt các quyền tự do cá nhân, mà người dân ở Trung Quốc đại lục không có. Một trong những điều được trân trọng nhất trong số các quyền tự do, đó là hệ thống tòa án và nền tư pháp độc lập. Những người biểu tình nói rằng luật dẫn độ sẽ làm mất các quyền tự do này.

Youtube Việt Tân