Bắc Hàn gạch bỏ Chủ nghĩa cộng sản?

Ngô Văn

Cuối tháng 9 vừa qua, trong Đại hội Đại biểu đảng Lao Động Triều Tiên, người con thứ ba của lãnh tụ Kim Chính Nhật là Kim Chính Ân, 27 tuổi, đã được phong hàm Đại tướng để chính thức giới thiệu với toàn đảng và toàn thế giới Chính Ân sẽ là lãnh tụ tương lai của Bắc Triều Tiên khi ông Kim Chính Nhật qua đời. Hình ảnh “tân đại tướng” này đã che mất một sự kiện khá động trời khác. Đó là việc đảng Lao Động Triều Tiên sửa lại (tu chính) một số điều trong Đảng Quy. Giới báo chí quốc tế đón nhận tin này với nhiều ngạc nhiên vì việc sửa đổi chỉ được tiến hành âm thầm ở thượng tầng chứ không cho tham khảo ý kiến tập thể đảng viên, dù là chỉ làm cho có lệ.

Sau Đại hội Đại biểu đảng Lao Động Triều Tiên, truyền thông các nước lại bỏ nhiều thì giờ ra để tìm hiểu về con người Kim Chính Ân, lãnh tụ tương lai của Bắc Hàn. Đúng vào thời điểm này ông anh cả Kim Chính Nam (cùng cha khác mẹ với Ân) bắt đầu lên tiếng phản đối việc Kim Chính Ân được đưa lên kế vị. Báo đài các nước, đặc biệt là truyền thông Nam Hàn và Nhật Bản, càng lao sâu hơn vào màn kịch hấp dẫn này.

Nhiều bản tin với tựa đề “đấu đá giành quyền lực trong gia đình họ Kim” đã được đưa lên trang nhất của các nhật báo lớn phát hành ở Hàn quốc. Tại Bắc Kinh, Kim Chính Nam đã chọn tờ báo Asahi của Nhật để cho phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, ông cả Nam nói rằng: “Việc chọn một trong ba người con để đưa lên nối nghiệp cha là chuyện ‘bình thường’, nhưng lần chọn này có sự nhúng tay của vợ chồng bà cô ruột chúng tôi là Kim Kính Cơ và Trương Thành Trạch. Đấy mới là vấn đề. Bây giờ cha chúng tôi còn sống thì chưa sao chứ khi ông qua đời thì vợ chồng bà cô ruột sẽ dễ dàng khuynh loát vì Kim Chính Ân còn quá non, chưa đủ uy tín và bản lãnh đương đầu lại. Và lúc đó tôi sẽ bị bắt buộc sống ở nước ngoài suốt đời”.

Báo Asahi kết thúc bài phỏng vấn này với lời bình: “Hiện nay, Trung quốc là nơi cư ngụ chính của gia đình ông Kim Chính Nam. Do đó nếu không có sự đồng ý của Bắc Kinh thì ông Nam khó mà dám lên tiếng phản đối việc chọn người em út, cùng cha khác mẹ, đưa lên kế vị. Một khi lãnh tụ Kim Chính Nhật qua đời, ông Kim Chính Nam thừa biết mình sẽ bị người em trả thù vì sự phản đối hôm nay. Tuy nhiên, có Bắc Kinh đỡ đầu thì Kim Chính Ân muốn trả thù cũng chưa chắc đã được”.

Nói cách khác, đã có nhiều chỉ dấu chứng tỏ Kim Chính Nhật quyết định tấn phong cho cậu con út của mình, bất chấp cái lắc đầu của Bắc Kinh.

Sự kiện lớn thứ nhì. Chỉ mấy ngày trước khi Đại hội Đại biểu đảng Lao Động Triều Tiên diễn ra mới có tin lọt ra ngoài rằng Đại hội sẽ quyết định tu chính, sửa đổi một vài điều trong Đảng quy của đảng Lao Động Triều Tiên. Hầu như chẳng ai chú ý đến tin đó vì theo kinh nghiệm quá khứ, các tu chính này chẳng tạo mảy may thay đổi dưới chế độ độc tài độc đoán hiện tại. Chính vì thế mà các cơ quan truyền thông, các chuyên gia theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên đã bật ngửa khi nghe hãng thông tấn Triều Tiên Trung Ương loan tin rằng phần mở đầu Đảng Quy của Đảng Lao Động Triều Tiên đã được tu chính lại để “phù hợp với thực tại”. Trước đây phần mào đầu của Đảng quy được viết: “Mục đích tối hậu của đảng Lao Động Triều Tiên là xây dựng xã hội theo chủ nghĩa Cộng sản và tư tưởng Chủ thể”. Nay 4 chữ chủ nghĩa Cộng sản bị loại bỏ, và từ nay đảng Lao Động Triều Tiên chỉ đi theo tư tưởng Chủ thể. Đây là hệ tư tưởng do ông Kim Nhật Thành, lãnh tụ đầu tiên của bắc Hàn, lập ra và áp dụng ngay khi còn sống. Theo tư tưởng này thì vận mệnh của mình do chính mình làm chủ; tự túc, tự cường trong việc kiến thiết quốc gia; người dân làm chủ vận mệnh đất nước, v.v….

Một số quan chức thuộc bộ Thống nhất của Nam Hàn phân tích rằng thật ra ngay từ đầu Bắc Hàn đã không theo chủ nghĩa Cộng sản thuần thành như kiểu Liên Xô, Trung quốc hay miền Bắc Việt Nam. Chủ nghĩa thực sự của họ là chủ nghĩa độc tài gia đình trị. Còn cộng sản hay hệ tư tưởng Mác-Lênin chỉ là mục tiêu phụ hay phương tiện mà thôi. Do đó, bây giờ họ bỏ mấy chữ ‘’Chủ nghĩa Cộng sản’’ trong phần mào đầu của bản Đảng quy đảng Lao Động Triều Tiên cũng là điều có thể hiểu được. Và không ai nghĩ rằng việc bỏ bốn chữ đó có nghĩa là Bắc Triều Tiên muốn hay sắp trở thành một nước tự do, dân chủ. Việc nâng tư tưởng Chủ thể lên vị trí tối cao cũng chỉ để củng cố độc quyền cai trị đất nước cho dòng họ Kim, theo hệ cha truyền con nối như vua chúa thời xưa. Chỉ có điều là khi đã bỏ bốn chữ “chủ nghĩa Cộng sản” thì nhà cầm quyền Bình Nhưỡng còn đòi nhuộm đỏ miền Nam nữa không? Các quan chức này còn tiết lộ thêm rằng vào năm 2000 khi Tổng thống Kim Đại Trung sang thăm Bắc Hàn, ông Kim Chính Nhật đã hứa sẽ bỏ, không sử dụng câu ‘’thống nhất đất nước bằng cách xích hóa (tức là nhuộm đỏ) miền Nam’’ nữa. Tuy nhiên, từ đó đến nay cứ mỗi lần có chuyện làm Bình Nhưỡng bực mình thì báo, đài của chế độ lại hét vang các khẩu hiệu đòi “Xích hóa miền Nam”.

Một câu hỏi khác quan trọng hơn được đặt ra là khi bỏ mấy chữ “chủ nghĩa Cộng sản” ra khỏi Đảng Qui, Kim Chính Nhật có xin phép hay có chờ sự cho phép của giới lãnh đạo Bắc Kinh không? Bắc Kinh đã giận dữ đến đâu khi một trong 4 thành trì cộng sản sau cùng còn lại trên trái đất bắt đầu lộ ra vết nứt. Ai cũng biết trong thực tế, cả 4 chế độ tại Trung Quốc, Việt Nam, CuBa, và Bắc Hàn, đều đã bỏ rơi chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội trong hầu hết mọi lãnh vực từ lâu. Những chữ nghĩa này chỉ còn được dùng trong các luận điệu tuyên truyền để biện minh cho việc tiếp tục duy trì nền cai trị độc tài với cái tên mỹ miều “chuyên chính vô sản”. Tuy vậy, việc tự ý đơn phương gạch bỏ chủ nghĩa Cộng Sản ra khỏi Đảng Qui vẫn là một bước “xé rào” lớn và càng làm khó thêm cho 3 đảng còn lại tiếp tục đóng kịch xây dựng hay tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Hành động này của Kim Chính Nhật còn vô tình vạch ra cho thế giới thấy giới hạn của bắp thịt Trung Quốc. Kim Chính Nhật dư biết trong tình trạng Trung Quốc và tình hình thế giới ngày nay, chắc chắn không có chuyện Trung Quốc dám kéo quân xâm chiếm Bắc Hàn. Ngược lại, chính Bắc Hàn đang là món hàng để Bắc Kinh dùng trong các cuộc mặc cả với Tây Phương. Hiện nay trên thế giới không ai bảo được “tên du đảng” Bắc Hàn ngoại trừ Bắc Kinh; và Bắc Kinh chỉ chịu đóng vai trò trung gian đó nếu Tây Phương nhượng bộ hoặc cung cấp cho Bắc Kinh những quyền lợi khác. Chính vì vậy mà Bình Nhưỡng chẳng sợ hãi gì Bắc Kinh và tự lấy quyết định cho mình.

Do đó, ít là về mặt đối phó với Bắc Kinh, bố con ông Kim Chính Nhật khôn ngoan và can đảm hơn toàn bộ giới lãnh đạo Hà Nội rất xa.