Bạo lực độc tài không khuất phục người trung trực

Trần Minh Nhật

Các nhà hoạt động trương biểu ngữ trên đường phố Hà Nội đòi trả tự do cho TNLT Nguyễn Trung Trực. Ảnh: FB Hội Anh Em Dân Chủ Miền Trung.

Lịch sử Việt Nam lưu danh một vị anh hùng đã hi sinh vì sự toàn vẹn quốc gia. Chỉ riêng cái tên thôi cũng làm cho người ta cảm được lòng trung thành với nước với non. Đó là anh hùng Nguyễn Trung Trực (1837 – 1868) gốc gác tỉnh Bình Định. Cứ tưởng khi gót chân thực dân đã rời xa đất nước hình chữ S này và không còn phải ai bị lôi ra xét xử vì lòng yêu nước. Vậy mà đến năm 2018 này lại có một Nguyễn Trung Trực khác bị đưa ra xét xử cũng chỉ vì chống lại chế độ thực dân nô lệ kiểu mới.

Nguyễn Trung Trực ngày xưa chống giặc Pháp, còn Nguyễn Trung Trực ngày nay chống giặc Tàu và hàng ngũ lãnh đạo quỳ gối trước giặc.

Tôi muốn lấy chính hình ảnh của vị anh hùng đã lưu danh sử sách để so sánh với nhà hoạt động thầm lặng thời đại ngày nay bị đưa ra xét xử ngày 12/9/2018.

Cũng giống như anh hùng Nguyễn Trung Trực, nhà hoạt động của chúng ta gốc gác là người dân vùng biển. Lớn lên cùng với con thuyền, dòng sông và bãi biển. Từ những xóm làng thân yêu của mình, họ đã kín múc cho tâm hồn mình mối dây liên đới với đồng loại. Họ đều là những người không thể nhắm mắt làm ngơ, bịt tai trước nỗi đau của những người cùng làng cùng xóm.

Anh Nguyễn Trung Trực (Quảng Bình) có đóng góp nổi bật trong việc chống lại công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển gây chết chóc cho bốn tỉnh Miền Trung. Và quê hương của anh chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng lại bị nhà cầm quyền phân biệt hà khắc. Hơn hết, đằng sau Formosa là cả một âm mưu bá quyền của Trung Quốc – kẻ hàng ngàn năm nay lăm le xâm chiếm nước ta.

Không chỉ là trực tiếp giúp đỡ dân xứ mình đòi công bằng, anh Trực đã đi xa hơn bằng cách tìm con đường để loại bỏ gốc rễ của thảm họa cho dân tộc: thể chế độc tài. Anh đã can đảm tham gia các phong trào biểu tình, ký các thỉnh nguyện thư, và có những hoạt động cộng đồng để cảnh tỉnh về mối lo Hán Hóa.

Ngẫm một chút thì thấy rằng thật ra kẻ thù xâm lược lại không nguy hiểm bằng chính kẻ trong nhà làm phản tổ tông và dân tộc. Giặc Pháp dù tàn ác thì vẫn là người ngoài. Nhưng chính kẻ được gọi là đồng bào lại nỡ lòng xử tàn tệ với đồng hương. Tuy sống trong một xã hội không còn tiếng súng, nhưng rõ ràng một cuộc chiến đang xảy ra khi đứng trước lựa chọn tư lợi hay công ích trong nội bộ đảng cầm quyền. Đảng cộng sản đã không che dấu ý định tiếp tay cho giặc phương Bắc khống chế toàn bộ quốc gia. Những chính sách kinh tế sai lầm, những âm mưu chính trị trong một thể chế còn thiếu minh bạch đang đẩy đất nước vào chỗ lầm than.

Trong bối cảnh đó, nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực trong tư cách là phát ngôn nhân của Hội Anh Em Dân Chủ đã gióng lên tiếng nói lương tâm, cùng những người dân khác phản đối và vạch rõ mưu đồ của những kẻ chư hầu.

Người dân đia phương chứng thực rằng nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực là một người nghĩa tình, đáng mến và dấn thân cho làng cho nước. Tôi tin rằng khi đứng trước phiên tòa bất công, anh cũng sẽ thể hiện ra khí chất của mình. Và hơn hết những việc anh Trực làm đã chứng minh lòng trung thành của anh với quốc gia dân tộc này.

Tương truyền, trước khi bị hành quyết sau một phiên tòa bất công, anh hùng Nguyễn Trung Trực đã ngâm một bài thơ:

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên,
Yêu gian đàm khí hữu long tuyền,
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa.
Bảo hận thâm cừu bất đái thiên.

Thi sĩ Đông Hồ dịch:

Theo việc binh nhung thuở trẻ trai,
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài.
Anh hùng gặp phải hồi không đất,
Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Chúng ta sẽ trả lời sao với hậu thế khi những con người trung nghĩa với nước non lại phải chung số phận hẩm hiu?