Biển Đông 2024: “Vạc dầu Châu Á” sôi trào

Tùng Phong

Ai đã vẽ “giấc mộng Trung Hoa” và tạo ra con quái vật Frankenstein?

Giờ đây dưới tác động của truyền thông, cả thế giới đều biết đến chương trình “Nhất đới, nhất lộ” hay “Giấc mơ Trung Hoa” – tham vọng toàn cầu của Hoàng đế Tập Cận Bình. Thế nhưng trước đó hàng thập kỷ, Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, người đã cùng cạnh tranh ảnh hưởng với Henry Kissinger trong các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ những năm 1970s, biến Việt Nam trở thành quân cờ thí trên bàn cờ phân chia quyền lực của hai gã khổng lồ Mỹ-Trung, đã đưa ra một tấm bản đồ “Đại Trung Quốc” trong tác phẩm nổi tiếng “The Grand Chessboard” được xuất bản lần đầu năm 1997:

Bản đồ giả định về một “Đại Trung Quốc” của Brzezinsky trong tác phẩm The Grand Chessboard xuất bản 1997

Hãy nhìn tấm bản đồ trên, với đường vẽ nét liền đậm bao trùm từ Mongolia, Pakistan, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Lào, Cambodia, Taiwan và phần lớn diện tích Biển Đông là vùng chịu ảnh hưởng thống trị của Trung Quốc. Vùng địa lý nằm trong nét vẽ đứt đoạn bao gồm cả Trung Á, toàn bộ Đông Nam Á, phần lớn vùng Viễn Đông của Nga nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc khi quốc gia này trở thành sức mạnh toàn cầu.

Đối với khu vực Đông Nam Á: Khi người Mỹ rời bỏ Việt Nam vào năm 1973, để mặc cho đồng minh VNCH đơn phương tuyệt vọng chống trả liên minh khối các nước xã hội chủ nghĩa bao gồm cả Trung Quốc, Nga sô và khối Warszawa (Vác-sa-va) hỗ trợ cho quân đội Bắc Việt vượt qua vĩ tuyến 17, khi Hiệp định Paris chưa kịp ráo mực. Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4, 1975 đồng nghĩa với việc tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đã bao trùm cả ba nước Đông Dương. Dù sau đó, Hà Nội đã có thời gian ngả về vòng tay Liên Xô trong một nỗ lực thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh, dẫn đến hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc 1979 với hệ lụy lâu dài. Khi Liên Xô sụp đổ năm 1989, Hà Nội đã chấp nhận trả những cái giá chua chát nhất để bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1990. Có thể nói, Hoa Kỳ đã tặng không cho Trung Quốc cả bán đảo Đông Dương trong ván cờ 50 năm trước. Đến khi nhận thức được Trung Quốc trở thành mối đe dọa lớn nhất, dưới trào Tổng thống Obama, Hoa Kỳ mới xoay trục về Châu Á, Thái Bình Dương nhằm tái lập lại thế cờ cũ.

Khi Tập Cận Bình đăng quang vào năm 2012, cũng là lúc Trung Quốc đẩy mạnh hơn bao giờ hết việc quân sự hóa các đảo và bãi đá chiếm được của Việt Nam vào những năm 1974 và 1988 thành những căn cứ hải, không quân lớn, có đường băng cho mọi loại chiến đấu cơ và cả máy bay dân dụng lớn có thể cất hạ cánh, cùng hệ thống phòng không, tên lửa, nhà để máy bay, hệ thống radar và quân cảng hiện đại. Bước tiếp theo là Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn,” thiết lập vùng nhận diện phòng không bao trùm gần như toàn bộ biển Đông.

Ám ảnh với cảm giác bị bao vây và chặn đường ra biển bởi cái gọi là “Chuỗi đảo thứ nhất,” Trung Quốc đã đổ tiền vào xây dựng một lực lượng hải quân thậm chí còn lớn hơn cả Hoa Kỳ về số lượng tàu chiến và lượng giãn nước để có thể thực hiện tham vọng, phô trương triết lý hiếu chiến của Alfred Thayer Mahan ở Biển Đông – vùng biển mà như Nicholas Spykman so sánh là “Vịnh Ba Tư thứ 2.” Hãy nhìn bản đồ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố “quyền lịch sử” ở Biển Đông và vùng biển nằm trong đường nét liền thể hiện khu vực địa lý hoàn toàn chịu ảnh hưởng thống trị trong bản đồ giả định “Đại Trung Quốc” của Brzezinski. Đó có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Đối với Trung Á: Khi thế giới quay cuồng trong cuộc chiến với Covid-19 và cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin, Tập Cận Bình lặng lẽ quan sát và chờ đợi. Ông ta cổ vũ “người bạn thân thiết” bằng những lời có cánh và tranh thủ mua hàng trăm triệu thùng dầu giá rẻ, các tập đoàn Trung Quốc nhanh chóng độc chiếm thị trường Nga khi những thương hiệu Tây Phương rời bỏ quốc gia này. Trước thất bại liên tiếp của Nga ở các tỉnh miền Đông Ukraine vào tháng 5/2023, Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trung Á cùng nguyên thủ của 5 nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan ở Tân An. Kim ngạch thương mại của giữa hai bên tăng 22% kể từ cuộc chiến Nga- Ukraine.

Hạ tầng đường sắt, đường cao tốc, các tổ hợp năng lượng và khai khoáng mà Trung Quốc đầu tư vào Trung Á trong chương trình “nhất đới, nhất lộ” cho phép Bắc kinh có được lợi thế vượt trội và lâu dài so với Nga hay bất cứ quốc gia nào khác trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên khổng lồ ở khu vực Heartland trong bản đồ của Mackinder. Khi người Mỹ rời bỏ Afghanistan, Trung Quốc là kẻ hưởng lợi nhiều nhất. “Trung Á là miếng bánh dày nhất từ thiên đường mà Thượng đế ban cho Trung Quốc hiện đại” –  như lời nhận xét của Lưu Á Châu, Thiếu tướng Không quân, một think-tank của PLA – giờ hoàn toàn trong tầm tay của “Hoàng đế Đỏ.”

Thời gian đã chứng minh, ngay cả những bộ óc được coi là uyên bác nhất như Henry Kissinger và Brzezinsky cũng đã sai. Niềm tin về một Trung Quốc thịnh vượng hơn, có tầng lớp trung lưu đông đảo, cùng nền kinh tế thị trường ngày một hoàn thiện sẽ tôn trọng các giá trị Dân Chủ và Tự Do cá nhân, đã hoàn toàn phá sản. Trung Quốc đã giàu có hơn rất nhiều nhưng không dân chủ hơn. Giờ đây, Hoàng đế Đỏ theo đuổi “giấc mơ Trung Hoa” và tham vọng bá quyền thế giới nhưng thực ra chính người Mỹ đã vẽ cho ông ta giấc mộng điên rồ đó từ nhiều thập kỷ trước. Và cũng chính họ đã tự tay tạo con quái vật Frankenstein khi giúp đảng Cộng sản Trung Quốc mở ra cánh cửa ra thế giới – như lời hối hận của Richard Nixon.

Biển Đông trong cuộc đấu Mỹ-Trung hôm nay

Khi người Mỹ quay trở lại Đông Nam Á và kiếm tìm lại những đồng minh đã bị họ bỏ bê bấy lâu nay, họ gặp phải thách thức ngày càng lớn từ lực lượng hải quân lớn nhất thế giới xét theo tiêu chí trọng tải và số lượng tàu. Sau hơn 3 thập kỷ hiện đại hóa và nghiên cứu học thuyết của Mahan, dù trình độ kỹ thuật, tác chiến, vũ khí còn thua kém so với Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc có lợi thế sân nhà và lực lượng vượt trội hơn hẳn về số lượng. Trong vùng biển chật chội luôn chất chứa những mâu thuẫn, tranh chấp chủ quyền này, hai gã khổng lồ cuối cùng cũng sẽ phải tìm được một địa điểm thích hợp cho trận Waterloo cuối cùng.

Nếu như Trung Quốc không gặp nhiều thách thức trong việc áp đặt luật chơi với các quốc gia trong ASEAN như Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Brunei… thì ngược lại, Đài Loan dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã trở thành cái “cẳng kê” gai góc mắc ngang cổ họng con rồng Trung Hoa. Sự khởi thủy của một “Đại Trung Quốc” phải bắt đầu từ Đài Loan. Nó không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng về chính trị mà còn có ý nghĩa quyết định về địa chiến lược quân sự – “một hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm” – như lời của Tướng MacArthur.

Hòn đảo bé nhỏ chỉ cách Đại lục 160 km này đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh dân chủ và sự thịnh vượng của Đông Á, sánh vai cùng Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy cùng chia xẻ cùng nguồn gốc lịch sử văn hóa và chủng tộc nhưng Đài Loan là nơi mà cây Dân Chủ đã bám rễ sâu và ngày càng vươn lên mạnh mẽ, nơi mà sức mạnh mềm và các giá trị của Tự Do ngày càng vững chắc, đối lập với bờ bên kia eo biển. Thắng lợi của đảng Dân Tiến và Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) vừa qua đã minh chứng cho điều đó. Sự kiên cường của người dân Ukraine đang trở thành cảm hứng cho lớp lãnh đạo trẻ tuổi tiếp tục con đường của Thái Anh Văn. Diễn biến này đã không theo “kịch bản” của Zbigniew Brzezinski hay Henry Kissinger “vẽ” ra cách đây 50 năm.

Có một chi tiết quan trọng, một điểm khác biệt lớn giữa bản đồ “Đại Trung Quốc” của Brzezinski 50 năm trước với diễn biến thực tế của trật tự thế giới mới hôm nay. Quá trình phát triển khoa học công nghệ và kinh tế của thế giới trong 50 năm qua đã vượt ra khỏi tầm nhìn của những chiến lược gia có ảnh hưởng nhất. Trong 50 năm qua, Đài Loan đã trở thành một cường quốc công nghệ thực sự, nắm giữ 80% thị trường ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử toàn cầu. Những con chip 5nm, 3nm do TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company Ltd.) sản xuất đóng vai trò quyết định trong hầu hết các ngành công nghệ cao như máy tính, máy bay, radar, tên lửa, ô tô, robot, điện thoại thông minh, v.v…

Điều này, Zbigniew Brzezinski hay Kissinger cũng đã không tính đến bởi cách đây nửa thế kỷ ngành công nghiệp bán dẫn vẫn còn sơ khai. Vai trò Đài Loan khi đó còn nhỏ bé và tư duy “chống Cộng” của Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời so với mối lợi to lớn hứa hẹn từ việc bình thường hóa quan hệ với Đại lục. Giờ đây, điều này đã thay đổi. Đài Loan là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ và cũng đồng thời là một đồng minh chiến lược. Còn Trung Quốc đang là nguy cơ lớn nhất.

Bên cạnh sự nổi lên vai trò của Đài Loan thì Philippines cũng đã có những thay đổi 180 độ so với thời kỳ Rodrigo Duterte làm tổng thống. Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Manila đã gắn kết chặt chẽ với Hoa Kỳ và cho phép mở lại nhiều căn cứ quân sự. Là một đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, Philippines hiện nay là lực lượng tiên phong trong khối ASEAN chống lại chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc. Năm 2016, Manila thắng kiện Trung Quốc ở Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye, và PCA tuyên bố yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Đây một điểm tựa pháp lý quan trọng. Quan điểm “chọn phe” trở thành đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, cũng như kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Philippines hiện nay đang khiến cho Trung Quốc hao tâm tốn sức hơn rất nhiều. Philippines dù không phải là đối thủ của Trung Quốc nhưng ở khoảng cách địa lý xa xôi và Hoa Kỳ có nhiều căn cứ viễn chinh đồn trú, PLA cũng khó lòng lấn lướt quân đội nhỏ bé nhưng thiện chiến Philippines.

2024: Vạc dầu Châu Á sôi trào

Năm 2022, một dự báo của giới lãnh đạo quân đội và tình báo Mỹ nhận định rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan vào năm 2027. Thậm chí, vào tháng 10, 2022, Đô đốc Mike Gilday, Tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ còn đưa ra nhận định Trung Quốc có hành động nhắm vào Đài Loan sớm hơn, ngay năm 2022 hoặc 2023. Điều này đã không xảy ra. Nhưng không có nghĩa không có khả năng xảy ra trong tương lai khi giới lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh ưu tiên chính trị hàng đầu là thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, không loại trừ khả năng dùng vũ lực.

Mặc dù, những lãnh đạo Trung Quốc ưa thích sử dụng các sách lược của Tôn Tử hơn là việc đụng binh đao. Trong lịch sử dài của mình, Hoa Hạ không phải là một dân tộc có lực lượng viễn chinh mạnh. Thắng lợi tuyệt đối của binh pháp Tôn Tử là “bất chiến tự nhiên thành,” là sự qui phục hoàn toàn của đối phương. Nói như tiểu thuyết gia lừng danh Kim Dung thì võ công cao nhất thiên hạ là… võ mồm. Đây cũng là thứ võ công mà Bắc Kinh ưa thích sử dụng nhất và có hiệu quả nhất đối với những quốc gia nhược tiểu lân bang. Tuy nhiên, những diễn biến ở Đài Loan và Philippines thì ngày càng chứng tỏ người dân của những quốc gia này sẽ chẳng bao giờ từ bỏ ánh sáng Tự Do để chui vào bóng tối Toàn Trị.

Nếu như Tập Cận Bình tự ước thúc mình phải thực hiện được thiên mệnh “giấc mộng Trung Hoa” thì giấc mơ đó chỉ có thể thành toàn khi thống nhất được hai bờ eo biển Đài Loan. Hạ sách cuối cùng là đội quân con một, suốt 40 năm chưa từng thực chiến sẽ phải vượt qua eo biển 160km. Trung Quốc đã áp dụng chính sách dân số “một con” nhiều thập kỷ và hậu quả là dân số đang giảm và quân đội toàn những “cậu ấm bọc đường” cận thị và béo phì. Năm 2022 quả thực là một thời điểm tốt để Nga, Trung hai nước cùng khởi binh. Nhưng khi chứng kiến “đội quân thứ 2 thế giới” có một màn trình diễn không thể tệ hơn, Tập Cận Bình đã chùn chân?

Học thuyết quân sự trường phái Nga sô mà Trung Quốc từng lấy làm hình mẫu một thời gian dài, đã hoàn toàn thất thế. Từ vũ khí, trang bị, huấn luyện, tình báo, chỉ huy, hậu cần… tất cả đều tụt hậu quá xa với Tây Phương. Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập dường như đang rất bận rộn để khắc phục những lỗ hổng, yếu điểm của PLA, cũng như ngăn chặn vấn nạn tham nhũng trong quân đội có thể còn tệ hơn cả Nga. Hàng loạt xáo trộn trong quân đội và vị trí bộ trưởng quốc phòng liên tục bị thay đổi đã chứng tỏ điều đó. Tướng Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, chỉ tại chức có đúng 5 tháng (từ 12/3/2023 đến tháng 9/2023). Xem ra, công cuộc chống tham nhũng trong quân đội sẽ còn khiến ông Tập tốn nhiều công sức.

Trong khi đó, ở bên kia bờ eo biển, Đài Loan nhanh chóng hoàn thiện và tăng cường sức mạnh phòng thủ. Dưới thời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã đồng ý bán cho Đài Loan hơn $6 tỷ vũ khí. Trong suốt 2 nhiệm kỳ của Thái Anh Văn, quân đội Đài Loan đã liên tục cải tổ, hiện đại hóa và tăng cường huấn luyện. Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai bờ eo biển không có hồi kết này càng kéo dài, càng bất lợi cho mục tiêu thống nhất của Trung Quốc Cộng sản đảng. Bởi lợi thế vượt trội về qui mô và số lượng, cũng như thời điểm tốt sẽ không còn.

Tập Cận Bình đang ở nhiệm kỳ thứ 3, cho dù Hiến pháp sửa đổi cho phép ông ta nắm quyền suốt đời. Nhưng chắc chắn “Hoàng đế Đỏ” không muốn bắt đầu một cuộc chiến ở tuổi 80. Khi Tây Phương vẫn còn mắc kẹt với cuộc chiến ở Ukraine và chảo lửa Trung Đông, thời điểm tốt nhất có thể “đại khai sát giới,” thực hiện tham vọng bá quyền “giấc mộng Trung Hoa” sẽ vào đúng thời gian Hoa Kỳ bận rộn với cuộc bầu cử tháng 11 năm 2024. Với hàng triệu di dân bất hợp pháp, tội phạm và người nghiện ma túy đang tràn ngập khắp các đô thị lớn, giới chức Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với quả bom hẹn giờ được kích nổ đúng thời điểm nhạy cảm. Nước Mỹ hùng mạnh đang bị văn hóa đảng phái xói mòn từ bên trong và những thách thức chính trị, chia rẽ chưa từng có.

Một cuộc chiến cục bộ, ngắn hạn, trong suy nghĩ của “Hoàng đế Đỏ,” có thể đang là một lựa chọn tốt để giải quyết bất mãn ngày càng lớn về suy thoái kinh tế, cũng như tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đang là nan đề nhức nhối. Điều mà Tập Cận Bình đang mong chờ là có thêm những chiến thắng của Nga ở chiến trường Ukraine, có ai đó đổ thêm dầu vào lò lửa Trung Đông và cậu “little rocket man” Kim Jong-un có thêm trò gây hấn mới với những tên lửa và bom nguyên tử đã được Nga cải tiến. Hãy nhớ lại câu nói mà Tập nhắn nhủ với “người bạn thân thiết” Putin vào tháng 3/2023 “Hiện nay, có những thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm. Khi chúng ta sát cánh bên nhau, chúng ta sẽ thúc đẩy những thay đổi này.

Đúng như Tập Cận Bình nhận định, đây đang là một thời điểm vàng cho ông ta và Putin theo đuổi những giấc mộng điên rồ nhất. Trong tình huống này, cả Đài Loan và Bãi Tư Chính của Việt Nam đều là những mục tiêu trong tầm ngắm, cân nhắc của Trung Nam Hải. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho cuộc chiến với Đài Loan sẽ khá đắt, hệ lụy khó lường và kéo dài. Nhưng với Bãi Tư Chính, gần như là một chiến thắng trong tầm tay của PLA. Vấn đề còn lại chỉ là chờ đợi thời điểm thích hợp nhất và sự chuẩn bị kỹ càng cho một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Biển Đông.

Tùng Phong

XEM THÊM: