Biểu tình chống Phan Văn Khải tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn

Đồng bào Việt Nam biểu tình chống thủ tướng CSVN Phan Văn Khải trước Toà Bạch Ốc tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: AFP/Karen Bleier)

Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Phan Văn Khải và đoàn tùy tùng hơn 200 người đã đến Hoa Thịnh Đốn vào 8 giờ tối ngày 20 tháng 6. Trước khi đến Hoa Thịnh Đốn, ông Khải đã dừng chân tại thành phố Seattle khoảng một ngày một đêm từ rạng sáng ngày 19 và rời sáng ngày 20 tháng 6 để gặp gỡ chính quyền tiểu bang Washington và viếng thăm giới lãnh đạo hai công ty Microsoft và Boeing. Tại Seattle, ông Khải đã thực hiện một cuộc họp báo lần đầu tiên với giới truyền thông Hoa Kỳ vào lúc 12:30 trưa ngày 19 tháng 6 tại phòng Metropole khách sạn Fairmont Olympic. Trong buổi họp này, về phía báo chí ngoại quốc có khoảng trên dưới 30 cơ quan truyền thông và hãng thông tấn quốc tế; phía Cộng sản Việt Nam thì ngoài Phan Văn Khải có Phó thủ tướng Vũ Khoan, thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng, Đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ Nguyễn Tâm Chiến, Phát Ngôn Nhân Bộ ngoại giao Lê Dũng và Phát ngôn nhân văn phòng Thủ tướng Nguyễn Kiến Quốc và khoảng 40 đại diện báo chí của CSVN.

Buổi họp báo coi như thất bại vì sau hai câu hỏi: Một của ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng biên tập báo điện tử VietnamNet về việc tại sao ông Khải chọn điểm đi thăm đầu tiên khi ghé Hoa Kỳ là nhà Việt kiều Nguyễn Thành Bích (nhân viên hãng Boeing); Hai là câu hỏi của phóng viên đài truyền hình Komo thuộc hệ thống ABC tại Seattle về việc ông thủ tướng nghĩ gì về những người Việt Nam ở Hoa Kỳ đang biểu tình ở bên ngoài, thì sau đó, Mục sư Huỳnh Quốc Bình đại diện cho hãng thông tấn Vietnam Network News đứng lên đặt câu hỏi về tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam, đã làm cho ông Khải bất ngờ lúng túng. Do sự chối quanh không có đàn áp nhân quyền, đàn áp tôn giáo tại Việt Nam của ông Khải, khiến cho Mục sư Huỳnh Quốc Bình phải đứng dậy phản đối và đã chỉ vào mặt ông Khải nói rằng ’you are liar’ (ông là người nói láo). Mục sư Bình đã bị một số người trong ban tổ chức mời ra khỏi phòng họp báo, khiến cho Tiến Sĩ Trần Diệu Chân, đi cùng phái đoàn của Tuần báo Eastern News đã đứng lên phản đối và phát biểu một số điều công kích chính sách cai trị độc tài của ông Khải và đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tình thế hỗn loạn nói trên, ông Khải đành phải tuyên bố chấm dứt cuộc họp báo trong khi đó ở bên ngoài có gần 600 đồng báo Việt Nam biểu tình chống đối phái đoàn Phan Văn Khải.

Tuy bị quê mặt trong cuộc họp báo tại Seattle, nhưng trong chuyến đi Mỹ của Phan văn Khải lần này, trọng tâm chính là ngày 21 tháng 6 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Vì trong ngày này, Phan Văn Khải và đoàn tùy tùng đã có đến gần 10 cuộc hẹn khác nhau nào là đến tòa Bạch ốc gặp Tổng thống Bush và họp báo; thăm bộ thương mại; dự lễ ký trao giấy phép cho một số công ty; thăm bộ trưởng quốc phòng, dự lễ ra mắt của hội đồng tư vấn cao cấp Mỹ- Việt về khả năng cạnh tranh ở Việt Nam, dự tiệc chiêu đãi của phía Hoa Kỳ, tiếp xúc một số bộ trưởng Mỹ và các cơ quan chính phủ… Nhưng đặc biệt nhất là Phan Văn Khải và đoàn tùy tùng có ba cuộc hẹn quan trọng tại Tòa Bạch Ốc lúc 9 giờ sáng với Tổng thống Bush; Hội thảo về đầu tư tại khách sạn MayFlower lúc 2 giờ chiều và dạ tiệc chiêu đãi lúc 6 giờ chiều cũng tại khách sạn MayFlower. Để tố cáo hành động vi phạm nhân quyền của Phan Văn Khải trước công luận, hàng ngàn đồng bào và đại diện các đoàn thể, đảng phái, cộng đồng người Việt khắp các nơi đã tụ tập về Hoa Thịnh Đốn vào ngày 21 tháng 6 để biểu tình tại công viên Lafayet trước Tòa Bạch Ốc và trước khách sạn MayFlower để phản đối.

Trong thành phần tham dự đoàn biểu tình, ngoài các phái đoàn người Việt đến từ Boston, Philadelphia, Atlanta, Houston, Chicago…. còn có đông cộng đồng người Lào, người Thượng, người Hoa và các cựu chiến binh Hoa Kỳ. Trước khí thế biểu tình rầm rộ của đồng bào tại công viên LaFayet, mặt tiền của Tòa Bạch Ốc, khiến đoàn xe của phái đoàn Khải đã phải đi vào cổng sau của toà Bạch Ốc. Phan Văn Khải đã không được Hoa kỳ tiếp đón như một vị quốc khách. Đã không có 21 phát súng đại bác dàn chào, không treo cờ đỏ sao vàng và cũng chẳng có thảm đỏ. Ngược lại Khải đã ngượng ngùng, lầm lũi đi trong sự phản đối mãnh liệt của cộng đồng người Việt. Điều lý thú nhất là phái đoàn Phan Văn Khải đã được chính TT Bush dẫn ra ngoài để nhìn thấy tận mắt đoàn biểu tình và chứng kiến sự phẫn nộ của người dân trong vài phút. Những tiếng hô đả đảo vang đội đã như những cái tát mạnh vào mặt chính quyền Hà Nội mà Khải là đại diện.