Blogger trực tính bị tước quốc tịch Việt Nam

RSF

THÔNG CÁO BÁO CHÍ
17.06.2017

Phạm Minh Hoàng, một vị giáo sư đại học và là một blogger trực tính, tranh đấu cho tự do ngôn luận, có song tịch Pháp-Việt, đang đối diện với nguy cơ bị trục xuất khỏi quê hương vì nhà cầm quyền Việt Nam đã tước quốc tịch Việt Nam của ông.

Ông Hoàng, 62 tuổi, hiện đang cư ngụ tại Tp.HCM, có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào sau khi có sắc lệnh ngày 17 tháng Năm của Chủ tịch nước Việt Nam tước quốc tịch của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với RSF, ông Hoàng cho biết trong sự xúc động, “Tôi không biết tình trạng pháp lý của tôi ra sao”. Trả lời phỏng vấn từ khu xóm nghèo ông đang cư ngụ, ông cho biết là vẫn còn sửng sốt với quyết định của chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của ông, một biện pháp mà ông và luật sư bảo vệ cho là “hoàn toàn bất hợp pháp”.

Ông chia sẻ là đang sống trong tình trạng luôn phập phồng vi có thể bị bắt thảy lên máy bay đi Pháp, “tôi bước ra ngoài là có công an theo đuổi”.

Virginie Dangles, chủ bút RSF, nhận định, “Việc tước quốc tịch của một công dân nhằm mục đích duy nhất là bịt miệng họ là một hành vi bất hợp pháp và không thể chấp nhận được. Chính quyền Pháp phải từ chối việc trục xuất này, mà chẳng qua chỉ là một đòn bịt miệng đối kháng của nhà cầm quyền Việt Nam”.

Ông Hoàng nói với RSF là “tôi muốn sống và chết tại Việt Nam bằng mọi giá,” và ông cho biết thêm là chẳng những để sống với gia đình mà còn tiếp tục phục vụ người dân Việt Nam. Ông viết blog dưới bút hiệu Phan Kiến Quốc. Ông cho biết cảm giác bị cô lập vô cùng tuy có được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. “Tại Việt Nam, truyền thông nhà nước không đề cập đến trường hợp của tôi. Giới bạn bè đấu tranh tìm cách báo động trên các mạng xã hội nhưng rất ít người biết chuyện gì đang xảy ra với tôi. Tôi không còn gặp gỡ ai nữa.”

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hoàng, một thành viên của tổ chức đấu tranh cho dân chủ Việt Tân, bị sách nhiễu về mặt tâm lý và pháp lý.

Các bài viết trên blog của ông về giáo dục, môi trường và mối đe dọa chủ quyền Việt Nam từ Trung Quốc đã khiến ông bị tù 17 tháng và ba năm quản chế vào năm 2011 – một bản án được rút ngắn lại nhờ sự vận động của các tổ chức bảo vệ nhân quyền và chính phủ Pháp. Đến năm 2014 ông và gia đình lại bị tiếp tục hăm dọa.

Việt Nam được xếp hạng rất thấp trong Bản phúc trình hàng năm của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới 2017 (RSF), hạng 175 trên tổng cộng 180 nước được khảo sát.

Nguồn: RSF