Chiến tranh Nga – Ukraine có thể diễn ra theo những kịch bản nào?

Ảnh: Alamy
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nguồn: As war looms larger, what are Russia’s military options in Ukraine?”, The Economist, 21/01/2022.

Biên dịch: Phan Nguyên

“Những gì chúng ta đang đối mặt, có thể chỉ còn vài tuần nữa sẽ xảy ra, là một cuộc chiến tranh ngang hàng đầu tiên giữa hai quân đội hàng đầu, được công nghiệp hóa, số hóa, diễn ra trên lục địa này trong nhiều thế hệ qua.” Đây là cảnh báo vào ngày 19 tháng 1 của James Heappey, Bộ trưởng Quân lực Anh, khi nói về việc Nga đang tăng cường hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine. “Hàng chục nghìn người có thể chết.” Bộ trưởng Quốc phòng Estonia lặp lại lời cảnh báo. Ông nói: “Mọi thứ đang tiến tới xung đột vũ trang.”

Sergei Lavrov, ngoại trưởng Nga, sẽ gặp Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, tại Geneva vào ngày 21 tháng 1. Nhưng triển vọng ngoại giao là rất mờ mịt. Vào ngày 19 tháng 1, Sergei Ryabkov, một trong những cấp phó của ông Lavrov, nói rằng ngay cả quyết định đóng băng trong 20 năm đối với việc xem xét tư cách thành viên NATO của Ukraine cũng sẽ không làm Nga hài lòng. Trong những tuần gần đây, Nga đã điều động quân dự bị và triển khai binh lính và tên lửa từ tận biên giới Triều Tiên đến khu vực này.

Các nước phương Tây đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Hôm 17 tháng 1, Anh bắt đầu vận chuyển hàng nghìn tên lửa chống tăng tới Ukraine. Vài ngày trước đó, Thụy Điển đã cho xe bọc thép tới đảo Gotland khi ba tàu đổ bộ Nga đi qua Biển Baltic, không rõ điểm đến. Cùng ngày, Ukraine bị tấn công mạng, trong đó các trang web của chính phủ bị đổi giao diện và máy tính của các cơ quan nhà nước bị khóa. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết họ có thông tin tình báo cho thấy Nga đang lên kế hoạch dàn dựng các hành động phá hoại chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Nga ở miền đông Ukraine để lấy cớ tấn công nước này.

Một cuộc tấn công như vậy có thể có nhiều hình thức. Một khả năng là Nga sẽ chỉ tiến hành một cách công khai những gì họ đã làm trong bảy năm qua: Đưa quân vào các “nước cộng hòa” Donetsk và Luhansk, các lãnh thổ ly khai ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, hoặc để mở rộng ranh giới về phía tây, hoặc để công nhận chúng là các quốc gia độc lập, như họ đã làm sau khi Nga đưa quân vào Abkhazia và Nam Ossetia, hai khu vực của Gruzia, hồi năm 2008.

Một kịch bản khác, được thảo luận rộng rãi trong những năm gần đây, là Nga có thể tìm cách thiết lập một hành lang đường bộ tới Crưm, bán đảo mà nước này sáp nhập vào năm 2014. Điều đó buộc Nga phải chiếm một dải đất dài 300 km dọc theo Biển Azov, bao gồm cả hải cảng quan trọng của Ukraine, cảng Mariupol, kéo dài đến sông Dnieper.

Việc chiếm những vùng đất hạn chế như vậy sẽ nằm trong khả năng của các lực lượng được tập hợp ở miền tây nước Nga. Điều chưa rõ ràng là liệu họ có nhằm phục vụ mục tiêu chiến tranh của Điện Kremlin hay không. Nếu mục tiêu của Nga là khiến Ukraine phải quỳ gối và ngăn nước này gia nhập NATO, hoặc thậm chí ngăn Ukraine hợp tác với liên minh này, thì việc chỉ củng cố quyền kiểm soát đối với Donbas hoặc chiếm một dải đất nhỏ ở miền nam Ukraine là không đủ để giúp đạt được mục tiêu này.

Để làm như vậy, Nga phải buộc chính phủ Kyiv chịu những tổn thất lớn, cho dù bằng cách làm suy yếu các lực lượng vũ trang Ukraine, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng, hay lật đổ hoàn toàn chính phủ nước này. Một lựa chọn là Nga sẽ sử dụng vũ khí mà không cần triển khai quân đội trên bộ, mô phỏng cuộc không kích của NATO chống lại Serbia năm 1999. Các cuộc tấn công bằng rocket và tên lửa sẽ gây tàn phá cho Ukraine. Những vũ khí này có thể được bổ sung bằng các vũ khí kiểu mới hơn, chẳng hạn như các cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine giống như những cuộc tấn công làm gián đoạn lưới điện của nước này hồi năm 2015 và 2016.

Vấn đề là các chiến dịch trừng phạt như vậy có xu hướng kéo dài hơn và tỏ ra khó khăn hơn so với suy nghĩ ban đầu. Nếu chiến tranh xảy ra, các cuộc không kích có nhiều khả năng chỉ là màn dạo đầu và chuẩn bị cho một cuộc chiến trên bộ hơn là một biện pháp thay thế cho nó. David Shlapak, đến từ Rand Corporation, một viện nghiên cứu chính sách, nói rằng: “Tôi không thấy có nhiều trở ngại có thể ngăn cản người Nga.”

Mục đích có thể là làm tổn thương Ukraine chứ không phải chiếm đóng nước này. Đất nước này rộng lớn và đông dân ngang Afghanistan, và kể từ năm 2014, hơn 300.000 người Ukraine đã tích lũy được một số kinh nghiệm quân sự; hầu hết đều sở hữu hoặc có thể tiếp cận vũ khí. Các quan chức Mỹ đã nói với các đồng minh rằng cả Lầu Năm Góc lẫn CIA đều sẽ hỗ trợ một cuộc kháng chiến có vũ trang [chống lại quân Nga].

Shlapak nói, Nga có thể cân nhắc điều mà quân đội Mỹ gọi là một “cuộc tấn công sấm sét” (“thunder run”), tức một cuộc tấn công nhanh và thọc sâu trên một mặt trận hẹp, nhằm gây sốc và làm tê liệt kẻ thù, chứ không nhằm chiếm đóng lãnh thổ. Và một cuộc tấn công như vậy không nhất thiết phải đến từ phía đông.

Vào ngày 17 tháng Giêng, binh sĩ Nga, một số đến từ vùng Viễn Đông, bắt đầu tập trung vào Belarus, bề ngoài là để tham gia các cuộc diễn tập quân sự được lên lịch ​​vào tháng Hai. Nga cho biết họ cũng sẽ gửi 12 máy bay chiến đấu và hai hệ thống phòng không S-400. Một cuộc tấn công từ phía bắc, thọc qua biên giới Belarus-Ukraine, sẽ cho phép Nga tiếp cận và bao vây thủ đô Ukraine từ phía tây.

Shlapak đặt câu hỏi: “Một khi lực lượng này đã vào đến một khu vực mà từ đó có thể phóng rocket vào trung tâm thành phố Kyiv, thì đó có phải là tình huống mà người Ukraine muốn sống chung hay không?” Ngay cả khi Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, sẵn sàng chấp nhận đối đầu với cuộc bao vây, Nga có thể đánh cược rằng chính phủ của ông sẽ sụp đổ, và họ có thể sử dụng gián điệp, lực lượng đặc biệt và các chiến dịch tin giả để đẩy nhanh quá trình đó.

Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh thường diễn ra theo những cách không thể đoán trước. Nga đã không tham gia một cuộc tấn công quy mô lớn nào có sử dụng bộ binh, thiết giáp và không quân kể từ sau các trận chiến đỉnh cao thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các quốc gia bị tấn công cũng có thể dễ dàng đứng vững hoặc sụp đổ. Ivan Timofeev đến từ Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga cảnh báo về một “cuộc đối đầu kéo dài và tiêu hao,” làm chính nước Nga cũng gặp nhiều bất ổn.

Ngay cả nếu Nga giành chiến thắng, họ cũng sẽ phải trả giá đắt. Peter Zwack, một vị tướng hồi hưu và từng là tùy viên quốc phòng của Mỹ tại Moscow thời điểm Nga xâm lược Ukraine lần đầu hồi năm 2014, nói rằng “Người Ukraine sẽ chiến đấu và gây những tổn thất lớn cho người Nga. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn của Nga, và về cơ bản họ chỉ có một mình.” Cùng với mối đe dọa bị áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề mà Mỹ và các đồng minh châu Âu đang chuẩn bị, cùng với sự vắng bóng bất kỳ sự ủng hộ nào từ người dân trong nước cho một cuộc phiêu lưu mới, tất cả những điều này, ngay cả bây giờ, cũng có thể khiến Putin phải tạm dừng để suy nghĩ.

Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam ngày 02/03/2023 trước Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: AP - Nhan Huu Sang

Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền?

Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. (TS Benoît de Tréglodé, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp – IRSEM)

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27 tháng 11 năm 2023. Ảnh: AP

Các nhà phân tích: Việc chủ tịch nước Việt Nam từ chức cho thấy đấu đá trong nội bộ đảng

Các nhà phân tích cho rằng việc Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức trong tháng này, chỉ sau một năm trong nhiệm kỳ 5 năm, cho thấy sự đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản và tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Người dân Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện... hôm 17/3/2024 tại TP. Santiago. Ảnh chụp màn hình video Aljazeera.com

Cuba

Trong 2 ngày 17 – 18/3 (2024) vừa rồi, truyền thông thế giới đưa tin hàng nghìn người, rồi cả vạn người dân Cuba đổ ra đường biểu tình.

… Họ, người Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện. Trước đó mấy ngày, dân chúng cũng biểu tình sau khi nhà nước đột ngột tăng giá xăng đến… 500%. Họ không hô “tự do hay là chết” nữa, mà hô “dân chủ hay là chết,” “quyền sống hay là chết,” “lương thực hay là chết.”