Chuyện Về Một Làng “Thụt Lùi” …

Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đã và đang ngày càng nhân rộng hơn. Căn bệnh nghèo trầm kha của dân Việt kéo dài đến hôm nay vẫn chưa có thuốc chữa. Hà Nội cố tình bưng bít bằng mọi cách, nhất là bằng hệ thống thông tin độc quyền v.v… Báo chí chỉ được viết bài ca tụng một chiều, đánh bóng tối đa về mọi thành tích cho người dân quên đi những nghèo đói thường nhật và cho quốc tế “lòe mắt”, ngó lơ. Bên cạnh những con số mà nhà nước cộng sản Việt Nam cho là khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế, tất cả chỉ là nhằm “vẽ đường” cho quốc tế tiếp tục viện trợ tài chánh và để Hà Nội gia nhập vào tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO). Hãy đi vào nông thôn hay quan sát một vòng thành phố, ở bất kỳ nơi đâu, người ta có thể nhìn thấy những cảnh nghèo xơ xác… Do đó, tìm hiểu thêm về khía cạnh nghèo để nghiệm ra sự tắc trách trong cách quản trị đất nước của Hà Nội hiện nay cũng là điều cần thiết.

Báo Tuổi Trẻ trong nước mô tả về một làng nhỏ ven biển “bị” mang tên là: Làng “thụt lùi”. Người dân ở đây vẫn chưa quên về những thiên tai xảy ra tại một vùng gọi là 5 thôn, xã Tam Hải, quận Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, về trận mưa lũ lớn trong lịch sử của làng vào năm 1964. Cả làng bị nước lũ và sóng biển tàn phá gần hết. Cũng từ ngày này, vùng đất thuộc năm làng được dân chúng gọi là cửa Lở. Hàng trăm căn nhà vùng cửa Lở đã và đang sống trong nghèo nàn. Họ thở than cùng biển và không biết tương lai sẽ đi về đâu… vì sự cuồng nộ của đại dương bao giờ cũng chực chờ cướp đi những phần đất đai ít ỏi để mang ra khơi…

Ông Đỗ Văn Đội, nhà gần sát biển than thở, “Bà con tui ở đây có nhiều đêm không ngủ được, nằm nghe sóng biển mà lo, không biết rồi đây phải sống như thế nào khi mà đất trôi ra biển, phải dời nhà mà chạy thụt lùi…” Sau khi cửa biển mới hình thành, mỗi năm mưa bão, sóng lớn, thủy triều lên xuống rồi mưa, lũ lụt xâm thực bào mòn dần phần đất còn sót lại. Dân làng bàn nhau cùng trồng một vành đai xanh bao bọc ngôi làng nhỏ và cùng chung sống với thủy thần. Năm 1985-1986, thiên tai lại đến, toàn bộ vành đai cây xanh bị sóng dữ cuốn trôi ra biển. Nên cả làng nháo nhác bỏ làng ra đi; người dời nhà thụt lùi vào trong, người dắt nhau lên Tây Nguyên lập nghiệp. Đất bị xâm thực mỗi năm từ 50 mét đến 100 mét. Đến nay diện tích đất của 5 thôn chỉ còn khoảng 1/3.

Tại làng Tam Hải, đến cửa Lở, khung cảnh đó đây toàn là xơ xác… của 1 ngôi làng nghèo. Ông Mai Văn Nể không giấu nỗi lo lắng: “Bà con tui ở đây ai cũng nghèo, không có đất để sản xuất, cuộc sống dựa vào biển, năm được năm không, mà cũng chỉ quẩn quanh như con gà ăn quẩn cối xay, trai tráng trong làng năm mô cũng dăm người nằm lại biển khơi, cảnh mất đất, trôi nhà như ri, càng khổ nữa… Biển lở đến đâu bà con thụt lùi đến đó. Chính vì vậy mà làng ni tụi có tên là làng thụt lùi…”

Bà Ngô thị Nguyên chảy nước mắt, nói: “Tui thụt lùi nhà lần thứ ba rồi mà có yên chi mô. Sóng biển rượt đuổi mà nhà nước có giúp dân nghèo chi. Nhà nước nghe đâu ở xa quá, đâu có biết sự cùng khổ của đám dân nghèo! Làng thôn 5 có 133 căn nhà, với 390 người bây giờ coi như xóa sổ. Một số đi tới làng 1, chưa yên thân lại phải chạy nữa vào bên trong. Bốn mươi mẫu đất phải nhường cho hà bá và sóng biển. Bây giờ biển lại ung dung tiến vào thôn 1. Cho đến bây giờ hơn 3 cây số bờ biển thôn 1 bị nước cuốn trôi.”

Ông chủ tịch xã Tam Hải, Mai Dức Tục phân trần: “Bà con hết cách rồi, mấy năm liên tục bị biển rượt. Tôi không biết cách nào cho dân làng yên ổn đời sống. Tui báo cho cấp trên để nhờ giúp đỡ nhiều lắm, nhưng vẫn không thấy tâm hơi. Lúc đầu còn có vài viên chức cấp trên ở quận, tỉnh về làm bộ đo, vẽ vẽ rồi biệt tâm, nghe nói có đồ án trồng kè chắn bảo vệ làng, nhưng 6 năm ni có thấy chi mô?”

Bây giờ 363 dân thôn 1 phải chen chúc sống trên diện tích 1 mẫu rưỡi còn sót lại mà đang có nguy cơ bị biển cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ tịch xã Núi Thành, cho biết rằng quận đã lập kế hoạch che chắn bờ biển từ năm 1999 nhưng chưa làm vì không có tiền. Nhà nước hứa hẹn biến xã Tam Hải thành Khu du lịch Núi Thành. Nhà nước nói sẽ biến nơi này thành “đặc khu kinh tế mở” Chu Lai trong tương lai với diện tích có thể gồm 7 thôn, nhưng bây giờ hai thôn gần như đã xóa sổ. Dân chúng trông hoài mòn cả cổ vì những kế hoạch và hứa hẹn của nhà nước. Người dân hết nước mắt nhìn sóng biển, mưa lũ Trường Sơn cuốn trôi đất ra đại dương…từng ngày, từng ngày một.

Người dân trong làng sống đối phó với hiện thực nhọc nhằn…trong sự bất lực, còn chính quyền địa phương thì trở nên sơ cứng trước những nỗi đau của đồng bào…trong sự vô cảm. Làng “thụt lùi” lột tả một bức tranh tương phản sâu sắc về một xã hội Việt Nam trong xu thế “tiến-thoái” hỗn loạn, nạn phân chia giai cấp giàu-nghèo ngày càng trở nên trầm trọng. Trên bình diện rộng lớn hơn, làng “thụt lùi” phản ánh một quốc gia đang đánh mất khả năng chủ động đối phó với ngoại cảnh, dù là do thiên nhiên hoặc tình hình thế giới xung quanh tạo nên. Buồn thay cho làng “thụt lùi” với những đứa trẻ bụng rỗng, đứa lớn lưng trần, đứa nhỏ quần đùi rách tả tơi, cứ phải phơi mình trong nắng gắt và gió biển gầm gừ cùng những cơn sóng khắc nghiệt, vô cảm, đang giành giựt từng mảnh đất của dân làng… Chúng nhìn cha, mẹ, anh, chị, em với những mảnh áo vá khắp người đang lo lắng dời nhà, thụt lùi từng mét mà tưởng như một trò chơi trẻ con. Chúng ra biển, rồi mỗi buổi chiều trở về nhà để cùng chơi trò thụt lùi… với cả xóm! Chúng có biết rằng vào những đêm khuya khi nghe từng tiếng sóng biển ập vào, cha mẹ chúng cứ mãi âm thầm gạt đi từng giọt nước mắt…?