CTM phỏng vấn Luật sư Cù Huy Hà Vũ về đơn kiện ông Nguyễn Tấn Dũng

CTM

Nguyễn Vũ: Kính thưa quý thính giả, hôm 11-06-2009 vừa qua, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ đã nạp đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc phê chuẳn quyết định số 167/2007 để triển khai quy hoạch, phân vùng và khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên, mà theo Ls. Vũ là trái với pháp luật hiện hành của Việt Nam. Sự kiện này đã thu hút mối quan tâm dư luận rộng rãi trong và ngoài nước liên quan tới vấn đề Bô-xít, tiếp theo những làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ của mọi giới trong nước. Khởi đầu từ các nhà khoa học và hoạt động xã hội qua các phản biện và phân tích, rồi đến đội ngũ trí thức lên tiếng, trong đó phải kể đến 3 lá thư kiến nghị của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Và đây cũng là lần đầu tiên có một công dân Việt Nam đã viết đơn khởi kiện một nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Chính Phủ, đó là Thủ Tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam (CHXHCN/VN), một việc chưa có tiền lệ. Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã liên lạc với Ls. Cù Huy Hà Vũ, mời quý thính giả cùng theo dõi.

Xin kính chào Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chúng tôi là Nguyễn Vũ của đài Chân Trời Mới. Thưa Tiến sĩ, trong những ngày vừa qua, Tiến sĩ đã nạp đơn để khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của nước CHXHCN/VN. Nguyên nhân nào đã đưa đến việc Tiến sĩ đi kiện Thủ tướng nước CHXHCN/VN trước Toà Án Nhân Dân thành phố Hà Nội?

Ts. Cù Huy Hà Vũ: À, cái chuyện này thì nó cũng bình thường thôi. Tức là những người nào có những hành vi vi phạm pháp luật, được nhắc nhở nhiều lần mà không sửa, mà xét đến tính nghiêm trọng của hành vi đó, không nghe những lời khuyên của người khác mà chấm dứt, thì chủ thể của hành vi đó sẽ là đối tượng bị khởi kiện ra tòa. Đó là chuyện bình thường ở nước nào cũng vậy. Thế thì, nói lại cách cụ thể về trường hợp liên quan đến Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, ngày 11-11-2007, Thủ tướng đã ra quyết định số 167 phê duyệt quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác và xử dụng quặng Bô-xít trong giai đoạn 2007-2015 và có thể sẽ đến 2025. Quy hoạch này kèm theo đó là các dự án đã và đang được triển khai tại Tây nguyên, đã đã dấy lên ở trong cũng như ở ngoài Việt Nam, những sự phản đối rất mạnh mẽ. Ngay ở trong nước là những vị tiền bối của chế độ hiện hành, như là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, cũng như rất nhiều nhà trí thức tên tuổi và mọi tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, kể cả những người không có công ăn việc làm, cũng đều tham gia phản đối việc khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên vì những lý do mà có lẽ mọi người cũng đã rõ, là do môi trường, hiệu quả kinh tế thực tế chưa rõ ràng, rồi liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng của Tây Nguyên từ trước đến nay vẫn được coi như là một yết hầu của Việt Nam trong chiến lược phòng thủ. Ý kiến của mọi người trong hàng tháng nay đã dấy lên rất nhiều… Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đả 3 lần gửi thư cho lãnh đạo đảng và nhà nước, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thế mà bản thân ông cũng không hồi âm; kiến nghị của hàng nghìn nhà trí thức ở khắp nơi gửi cho Quốc Hội, gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng không được hồi âm.

Thực tế thì với tính cách là một công dân, tôi vừa ủng hộ đồng thời vừa theo dõi, và tôi cũng nghĩ rằng đến một lúc nào đó thì Thủ tướng cũng như Ban lãnh đạo VN phải nhận ra đây là một sai lầm chiến lược, thậm chí, đây là một sai lầm có tính lịch sử, một khi sai là có thể không bao giờ chuộc lại được nữa. Những lợi ích của Dân Tộc VN đã phấn đấu cả nghìn đời, nay có thể sẽ bị hô biến trong một thời gian rất ngắn. Tôi nghĩ là nếu phân tích được như vậy và nếu thực sự vì lợi ích của Nhân dân VN, của Tổ quốc VN, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải chấm dứt ngay cái quyết định đó đi, chấm dứt cái việc triển khai Bô-xít tại Tây Nguyên và sau này ở nhiều nơi nữa. Tôi cũng nghĩ rằng cái việc mà những quan chức đưa ra những quyết định hành chính sai lầm cũng là… tôi không muốn nói là bình thường, nhưng cũng xảy ra – vấn đề là sai thì sửa thôi; đấy là quan điểm theo tôi là như thế, chứ không thể nói là một khi ta đã lên cầm quyền thì cái gì ta cũng làm đúng, thì cái chuyện đó không có đâu! Vấn đề là sai thì phải sửa, và một khi đã nhận thức là sai thì phải kiên quyết sửa, sửa gấp và sửa một cách triệt để. Thế thì trong trường hợp này, tôi nghĩ chắc là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như Ban lãnh đạo VN, trước sự phản ứng của đông đảo nhân dân VN, kể cả những người uy tín nhất như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì phải chấm dứt thôi!

Cù Huy Hà Vũ, mặc dù với tính cách là người làm luật, cũng là một con dân VN. Tôi thấy cái việc ấy sai nhưng mà tôi tin rằng sự phản ứng sẽ chấm dứt. Thế nhưng, cho đến kỳ họp Quốc Hội này, tôi thấy thái độ của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng cũng như Ban lãnh đạo VN là cứ tiếp tục tiến hành mà không đếm xỉa đến công luận. Thế thì trong trường hợp này phải có hành động dứt khoát và mạnh mẽ ngay lập tức; và với tư cách người làm luật thì có lẽ phương cách đối với tôi, thích hợp nhất là dùng biện pháp Tư Pháp, tức là khởi kiện cái chủ thể có quyết định trái pháp luật, gây hại đến quyền lợi của dân tộc, của đất nước VN nói chung tại vùng Tây Nguyên. Trên tinh thần đó tôi đã gửi đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là chủ thể, người đã ký quyết định sai trái gây hại cho đất nước VN ra tòa. Để ông Tòa, đại diện công lý, hủy bỏ cái quyết định trái pháp luật đó đi. Tóm lại là tôi đâm đơn kiện Thủ tướng là tôi cũng chẳng mong Thủ tướng phải ra tòa, vì kể ra cũng xấu hổ chứ? Nếu ở các nước khác thì chuyện lãnh đạo ra tòa thì cũng không phải là điều gì quá bất thường. Thế nhưng ở VN, dù sao mà nói, thì lãnh đạo vẫn được mọi người coi là rất quan trọng, mà phải ra tòa thì kể ra cũng không phải là điều hay. Cho nên tôi đâm đơn ra toà, cũng chỉ mong Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghĩ lại, trước biện pháp quyết liệt của tôi mà bàn bạc lại với ban lãnh đạo, rút quyết định này đi thì sẽ không có phiên tòa nữa. Trong trường hợp đấy thì tôi rất vui mừng. Tôi đâm đơn kiện không phải để cùng ra tòa mà đối đáp nhau làm gì, vấn đề là có sai thì sửa; nếu ngay trong phiên tòa mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rút đơn, thì tôi cũng rất là vui.

Nguyễn Vũ: Dạ thưa Tiến sĩ, khi mà Tiến sĩ nạp đơn trước Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội (TAND TP Hà Nội) thì TAND Hà Nội có một thái độ nào trước sự kiện này, và họ có chấp nhận đơn của Tiến sĩ hay không?

Ts. Cù Huy Hà Vũ: Về mặt thủ tục thì ít nhất sau hơn 10 ngày tòa mới có thể xét đến và thông báo thụ lý hay không thụ lý, hay là họ thông báo mới bắt đầu xét đơn tôi, nên quá trình cũng tương đối dài, và có thể kéo dài hơn nữa, thì đấy là thời gian mà để tôi biết tòa có thụ lý hay không thụ lý; nhưng ngay về phần tôi thì tôi cho rằng tôi đã có đầy đủ cơ sở để kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bởi quyết định nói trên, bởi vì quyết định này tôi cho rằng trái với 4 Luật: trái Luật Bảo vệ Môi trường; trái Luật Quốc phòng; trái Luật Di sản Văn hóa và trái Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật.

Thế thì luật cho phép là những chủ thể mà có những văn bản, hành vi hành chính mà trái với luật ấy thì đều có thể bị kiện ra tòa, mà trong trường hợp này là kiện ra tòa hành chính, thế thì tôi nghĩ rằng là tòa trước sau cũng phải thụ lý, còn nếu mà họ cố tình thoái thác hay tìm mọi lý do nào đó họ không thụ lý thì họ phải có công văn gửi lại tôi, và giải thích tại sao tòa không thụ lý, và lúc ấy tôi tiếp tục hóa giải tiếp những vấn đề họ nêu. Vì tôi tin tưởng những cơ sở pháp lý tôi nêu ra thì tòa bắt buộc phải thụ lý, họ có trốn tránh thì cũng là chuyện rất bình thường, những người có lỗi hay là thực tế tòa án trong một chừng mực nhất định ở Việt Nam không độc lập với những người lãnh đạo. Có thể là nói như thế vì ở Việt Nam, thì các cơ quan nói chung vẫn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, mà Bộ Chính Trị đã quyết định triển khai dự án Bô-xít và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thể hiện ra bằng những quyết định hành chính cho phép triển khai dự án Bô-xít, như thế làm sao tòa án có thể chống lại Đảng, và chống lại Thủ tướng được.

Thế thì đây là một bài toán vô cùng khó khăn đối với ban lãnh đạo Việt Nam nói chung và đối với tòa án nói riêng. Thế thì tôi vẫn tiếp tục chờ đợi thôi, nhưng bằng biện pháp khởi kiện ra tòa thì nó có cái hay là, kiểu gì tòa án cũng phải trả lời tôi, bởi vì đấy là tố tụng; anh có quyền bác bỏ đơn của tôi cũng được, thì chúng ta tiếp tục đấu tiếp, nhưng mà nếu như mọi người như bình thường, kể cả các vị có uy tín đất nước mà gửi thư, hoặc là các nhà trí thức gửi đơn kiến nghị thì các cơ quan hành pháp như là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, họ coi là một loại tham khảo, ý kiến tham khảo, có thể nghe, có thể không, và như mọi người đã thấy, tất cả các ý kiến tâm huyết của mọi người dân Việt Nam yêu nước đều bị bỏ ngoài tai.

Thế tôi thì bằng biện pháp tư pháp là khởi kiện thì họ bỏ ngoài tai cũng được, nhưng mà đúng luật tố tụng, thì tòa án bắt buộc phải thông báo thụ lý hay không thụ lý cho tôi, lúc đó ta tính tiếp.

Nguyễn Vũ: Dạ thưa Tiến sĩ, trên nguyên tắc phân quyền, Tư pháp và Hành pháp, Lập pháp độc lập với nhau, như Tiến sĩ vừa trình bày, thì có thể là tòa án, tức là cơ quan tư pháp, sẽ có những khó khăn trước quyết định của cơ quan hành pháp, trong trường hợp này Tiến sĩ có nghĩ rằng, giữa hai quyền hành pháp và tư pháp sẽ có những khó khăn khi đối đầu trong vấn đề đơn kiện của Tiến sĩ không, thưa Tiến sĩ?

Ts. Cù Huy Hà Vũ: Đấy là về mặt lý thuyết thì có thể nói là mọi người đều rất mong muốn chuyện đó, ngay cả chính thể hiện hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng tuyên bố rất hùng hồn bằng văn bản cũng như thông qua những lời phát biểu của lãnh đạo thì người ta đều nói là phải xây dựng Nhà nước Pháp quyền. Nhà nước Pháp quyền là gì? Nhà nước Pháp quyền là phải bảo đảm tính độc lập của các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp, người ta không dám nói thẳng ra là cần phải tam quyền phân lập vì rất nhiều người vẫn còn sợ các từ tam quyền phân lập, bởi vì là còn dưới sự lãnh đạo chung của Đảng Cộng Sản thì làm thế nào mà anh hoàn toàn độc lập với nhau được, tuy nhiên cũng vẫn phải khẳng định cần có sự độc lập tương đối nào đó giữa ba cơ quan này.

Thế thì giữa Hành pháp và Tư pháp ở Việt Nam có thực sự, cho đến bây giờ có độc lập tương đối không? Theo nhận thức của tôi, ngay đến giờ tôi có thể gần như khẳng định sự độc lập đó cũng có thể có, nhưng chỉ có ở phạm vi địa phương hay có ở phạm vi có thể nói là hạn hẹp nào đó thì được. Nhưng nếu mà những vấn đề thật sự có tính chất liên quan đến quốc gia, liên quan đến những quan chức cao cấp của chính phủ hay của cả bên Đảng đi chăng nữa thì lúc ấy đều có sự chỉ đạo và Hành pháp trên thực tế sẽ lấn áp Tư pháp, Tư pháp chỉ là xử theo cái mà Hành pháp đồng ý, thậm chí nếu Hành pháp không đồng ý, Tư pháp sẽ không thể xử nổi, thì đấy là cái thực tế đáng buồn hiện nay ở Việt Nam. Nói là thực tế đáng buồn nhưng không có nghĩa là không cải thiện được. Tôi với tư cách là cá nhân, một công dân thì tôi tin rằng mặc dù có sự thật đáng buồn như thế, tôi có thể góp phần cải thiện được tình hình này, bằng rất nhiều vụ việc rồi, tôi làm ở văn phòng luật sư mang tên tôi – Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ – chúng tôi đã cũng tham gia nhiều vụ kiện kể cả liên quan đến chính quyền các cấp rồi, và trong vụ việc hiện nay là việc tôi đâm đơn kiện Thủ tướng, thì tôi muốn chứng minh là ở Việt Nam không ai đứng trên pháp luật được, và tiếp theo cũng để chứng minh là tòa án dù có xin ý kiến chỉ thị của ai đi chăng nữa cuối cùng cũng phải dựa trên pháp luật mà xử lý vấn đề tôi nêu ra, chứ không thể dựa trên ý kiến cá nhân của Thủ tướng hay là những người khác, hoặc là tìm cách thoái thác vụ án, hoặc là xử để gọi là cho lấy lệ mà không dựa vào luật pháp. Tôi muốn chứng minh là luật pháp vẫn là cơ bản, luật pháp là nền tảng cho sự tồn tại của ngay chính chế độ hiện hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nguyễn Vũ:
Thay mặt cho thính giả của Đài Chân Trời Mới, xin cám ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Xin bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn