Đa số dân Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO

Thu Hằng - RFI

Lực lượng vũ trang Thụy Điển ở vùng biển Baltic. Ảnh: Joel Thungren/ AP (do quân đội Thụy Điển cung cấp ngày 25/08/2020

Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, ngừng mở rộng sang phía Đông. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công Ukraine dường như gây phản tác dụng. Sau khi Ukraine, Gruzia và Moldova chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đa số người dân Thụy Điển và Phần Lan, hai nước Bắc Âu trung lập, ủng hộ việc gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương [NATO].

Thông tín viên RFI Frédéric Faux tại Stockholm tường trình:

“Đây là hệ quả đầu tiên của chiến tranh Nga tại Ukraine. Người dân Thụy Điển và Phần Lan, trước đó vẫn phản đối gia nhập NATO, giờ đã có hơn một nửa dân số ủng hộ. Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến công bố thứ Sáu (04/03), có đến 51% dân số Thụy Điển ủng hộ. Tỉ lệ người phản đối chỉ còn 27%, có nghĩa là đã giảm 10 điểm.

Người dân Phần Lan, quốc gia có hơn 1.300 km đường biên giới với Nga, cũng có tâm trạng tương tự. Hiện giờ, có đến 53% dân số muốn gia nhập NATO. Đây là tỉ lệ cao chưa từng có. Tạm thời, Thụy Điển và Phần Lan loại bỏ ý định trở thành ứng viên, nhưng cuộc tranh luận về vấn đề này đã được khởi động.

Dù là đối tác của NATO từ những năm 1990, nhưng cả Phần Lan và Thụy Điển đều là hai nước không liên kết và muốn duy trì nguyên trạng. Trước áp lực của công luận, lãnh đạo của hai nước này đã quyết định gửi vũ khí cho Ukraine. Và áp lực có thể sẽ còn gia tăng theo đà tiến quân của Nga.”

Thụy Điển, Phần Lan tập trận trung với 8 nước NATO ở biển Baltic

Ngày 04/03, Thụy Điển và Phần Lan tham gia tập trận chung trong khuôn khổ JEF (Joint Expeditionary Force) ở biển Baltic với 8 nước ở Bắc Âu. Cuộc tập trận chung do Anh điều phối. Theo AFP, cuộc tập trận, được lên kế hoạch từ trước với mục đích “thể hiện tự do hành động,” xuất phát từ Copenhagen (Đan Mạch) vào lúc Nga tiếp tục oanh kích Ukraine.

Nội dung cuộc diễn tập không được tiết lộ, nhưng theo Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace, đây là một thông điệp gửi đến tổng thống Nga rằng “chúng tôi đoàn kết, dù là thành viên của NATO hay không, chúng tôi sát cánh vì những giá trị chung của mình.”

JEF được thành lập vào năm 2012, gồm 8 nước thành viên NATO (Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Estonia, Iceland, Latvia và Lithuania) cùng với hai nước đối tác là Thụy Điển và Phần Lan.

Thu Hằng

Nguồn: RFI

XEM THÊM: