Dân Chủ Là Bản Lãnh Chính Trị

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 12.3 kb

Tuy là một quốc gia non trẻ, chỉ trên 200 năm, Úc đã có nền dân chủ lâu đời và bền vững. Về tự do chính trị, thì vào khoảng năm 1859, tất cả các chính quyền dân cử (hay quốc hội lập hiến) đã được thành lập tại các thuộc địa Úc, cho nên người trưởng thành đã có quyền đi bầu để chọn người đại diện cho mình. Tuy nhiên, phụ nữ vào thời đó vẫn chưa được quyền bầu cử. Đến năm 1894, Nam Úc đã mở rộng quyền bầu cử và ứng cử đến phái nữ (là nơi thứ hai trên thế giới, chỉ đi sau Tân tây lan). Về tự do ngôn luận, những tờ báo lâu đời như The Age tại Melbourne đã có từ hơn 150 năm qua, đóng đúng chức năng thông tin, giáo dục và giải trí của một cơ quan truyền thông, góp phần quan trọng đáng kể vào xây dựng xã hội và ý thức dân chủ.

Trước kỳ bầu cử liên bang 24/11/2007 vừa rồi, chính quyền tại 6 tiểu bang và các lãnh thổ chính đều do đảng Lao động cầm quyền. Riêng ở cấp liên bang thì do Liên Đảng cầm quyền từ 11 năm rưỡi qua. Mỗi kỳ bầu cử liên bang là 3 năm, trong khi tiểu bang là 4 năm. Từ nhiều năm qua, người ta đưa ra đề nghị tăng nhiệm kỳ liên bang thành 4 năm, và đề tài này sẽ được nghiêm chỉnh thảo luận trong thời gian tới. Nhiệm kỳ 3 năm thì qua rất nhanh, chưa kể việc rất tốn kém để tổ chức và vận động bầu cử, trong khi nhiều phương án chính trị mang tính lâu dài khó có thể hình thành hay thực hiện trong 3 năm như vậy. Ngoài vấn đề thời gian của nhiệm kỳ, vấn đề cộng hòa (republic) sẽ được đem ra thảo luận lại, chưa rõ sẽ trong nhiệm kỳ này hay sau đó.

Trên lý thuyết, Úc vẫn theo chế độ quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), tức giống nước Anh, Canada, Tây Ban Nha, Nhật Bản v.v… Đứng đầu nhà nước là Nữ hoàng Anh, nhưng ở Úc thì Toàn quyền sẽ đại diện Nữ hoàng trong vai trò đó (do Thủ tướng đề cử và Nữ hoàng Anh chấp thuận). Vai trò này ngày nay chủ yếu mang tính biểu tượng. Đứng đầu chính quyền là Thủ tướng, do người dân trực tiếp bầu ra, và chịu trách nhiệm điều hành và lãnh đạo mọi vấn đề chính trị của nước Úc.

Hệ thống chính trị của Hoa Kỳ, chẳng hạn, gọi là dân chủ lập hiến (constitutional democracy). Nói chung, các hệ thống chính trị dân chủ tại đa số các quốc gia ở châu Âu, đặc biệt là Tây Âu, và Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan v.v… đều được xem là dân chủ đại diện (representative democracy) hoặc dân chủ phóng khoáng (liberal democracy). Tại Hoa Kỳ, Tổng thống do dân trực tiếp bầu ra mỗi 4 năm, cùng lúc đó toàn hạ viện (nhiệm kỳ 2 năm) và một phần ba thượng viện (nhiệm kỳ 6 năm) phải được bầu lại. Tổng thống có quyền bổ nhiệm tất cả thành viên trong nội các mình (tuy phải được thượng viện phê chuẩn), mà đa số là những lãnh đạo hay chuyên gia hành chánh, hay lãnh đạo các công ty, các học viện v.v…, không phải là thành viên từ quốc hội. Nói chung, vấn đề tam quyền phân lập- lập pháp, hành pháp, tư pháp- ở Hoa Kỳ được tách biệt rất là rõ ràng.

JPEG - 23.3 kb
Quốc Hội Úc Châu.

Trong khi đó, tuy mang tên là quân chủ lập hiến, hệ thống chính trị của Úc chính là dân chủ nghị viện (parliamentary democracy), xuất phát từ hệ thống Westminster của Anh. Toàn bộ nội các chính phủ đều phải là thành viên của Quốc hội Úc, do người dân trực tiếp bầu ra. Hạ viện Úc có 150 thành viên (Member of Parliament, tức dân biểu), và Thượng viện có 76 thành viên (Senator, tức thượng nghị sĩ). Mỗi tiểu bang có 12 thượng nghi sĩ, và 2 lãnh thổ có 2 thượng nghị sĩ, tổng cộng là 76. Thượng nghị sĩ Úc cũng có nhiệm kỳ 6 năm, và cứ 3 năm, khi bầu lại Hạ viện thì cũng bầu lại một nửa Thượng viện. Tuy nhiên, chính phủ được thành lập dựa hoàn toàn trên số ghế đa số tại hạ viện. Nghĩa là đảng nào có 76 ghế hay hơn tại hạ viện là có thể thành lập chính phủ. Người đứng đầu đảng thắng cử sẽ là Thủ tướng điều hành chính phủ. Thủ tướng có quyền tự chọn, nhưng thường chịu một số ảnh hưởng của đảng, thành phần nội các từ các dân biểu và thượng nghị sĩ trong Quốc hội, để thành lập chính phủ. Người đứng sau Thủ tướng là Bộ trưởng Ngân khố (treasurer), trách nhiệm là quản lý điều hành nền kinh tế quốc gia.

Một trong những điểm khá đặc biệt của hệ thống chính trị Westminster là vai trò của phía đối lập. Đây là một thực thể đóng vai trò quan yếu trong việc cân bằng quyền lực phía hành pháp. Tại Úc, phía đối lập không chỉ có thủ lãnh đối lập mà còn có nguyên một thực thể đối lập, trong đó thành phần cấu tạo gần giống hoàn toàn với nội các của chính phủ thực thụ. Nghĩa là có người trách nhiệm về ngân khố, ngoại giao, quốc phòng v.v…, nhưng ở thế đối lập. Thủ tướng và các thành viên trong nội các chính phủ phải thường xuyên tranh luận với thủ lãnh đối lập và các thành viên đối lập, luôn được phía đối lập thách thức, chất vấn trước quốc hội hay trên các diễn đàn công luận, về mọi đường lối chính sách cũng như kết quả của các chính sách này hay trách nhiệm của những người đang điều hành nó. Quan niệm chung từ lâu nay là cần một chính phủ giỏi và mạnh để lãnh đạo đất nước, nhưng cũng cần luôn cả một thực thể đối lập vững để kiểm soát và nhất là thách thức phía cầm quyền. Bởi phía đối lập yếu thì phía cầm quyền có thể áp đảo và đề ra những chính sách chưa chắc gì có lợi cho đại đa số người dân. Vai trò của phía đối lập là cái còi và cái thắng, và vì họ luôn là người nắm rõ nhất phía đối thủ của mình nên trở thành cơ quan giám sát chính phủ hữu hiệu nhất, cùng với truyền thông. Ngoài ra, có khi đang nắm chính quyền, nếu thất bại sau cuộc bầu cử chính phủ đột nhiên trở thành đối lập, nhưng ở thế đối lập với nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, những nhân sự này có thể tạo khá nhiều áp lực và thử thách đối với phía cầm quyền. Vì cân bằng và kiểm soát nhau chặt chẽ như thế, vấn đề trong sáng minh bạch chính trị, hành chánh và tài chánh tương đối được bảo đảm cao, và tham nhũng tuy không thể tránh hoàn toàn nhưng rất hiếm xảy ra. Trong suốt thời gian giữ vai trò đối lập, những nhân sự này tranh thủ hậu thuẫn của quần chúng và thuyết phục rằng họ có khả năng và sẵn sàng điều hành đất nước. Tóm lại, sự thay đổi chính quyền tại Úc, từ đối lập thành chính phủ, hay từ chính phủ thành đối lập, là khá bình thường: có khi xảy ra trong một nhiệm kỳ (như thời Gough Whitlam 1972-1975); có khi 3 nhiệm kỳ (như thời Malcolm Fraser 1975-1983); có khi 4 nhiệm kỳ (như thời John Howard 1996-2007); và có khi 5 nhiệm kỳ (như thời Bob Hawke và Paul Keating 1983-1996) v.v…

JPEG - 53.9 kb
Thủ tướng John Howard.

Dân chủ tuy nói dễ nhưng làm khó. Khó, chủ yếu là vì phía cầm quyền phải phân chia quyền lực với nhau và với bao nhiêu thành phần khác trong xã hội (cho nên không một ai nắm trọn quyền hành quyết định trong tay, bởi càng có nhiều quyền hành thì lại càng mang trách nhiệm lớn). Nguyên tắc phân chia để cân bằng và kiểm soát quyền lực là nền tảng được áp dụng trong mọi định chế của các xã hội dân chủ. Tuy các thể chế dân chủ vẫn còn độc quyền trên một số lãnh vực như an ninh quốc phòng (cảnh sát, quân đội, vũ khí, tình báo…) hay một vài địa hạt thương mại (viễn thông, bưu chính…), hầu hết các lãnh vực còn lại đều được thị trường hóa, tư nhân hóa hay nói chung là được tự do cạnh tranh trên một sân chơi tương đối bình đẳng. Tự do cạnh tranh chính yếu của nền dân chủ là chính trị, nghĩa là tự do hoạt động đảng phái, tự do tham chính (bầu cử, tranh cử), tự do thông tin ngôn luận v.v… Nói chung, xây dựng nền tảng dân chủ có nghĩa là phải làm sao để không có bất cứ một cá nhân, tổ chức, đảng phái, hay thực thể nào có quá nhiều quyền lực, vì như Lord Aston (một lý thuyết gia người Anh) nói: quyền lực sẽ dẫn đến tham nhũng thối nát, và quyền lực tuyệt đối thì đưa đến thối nát tuyệt đối. Vì thế, nhiệm vụ của một công dân trong xã hội dân chủ là phải biết sử dụng, một cách có trách nhiệm, lá phiếu của mình để không chỉ bầu cho người đại diện hay đảng chính trị mình tin tưởng hay ưa thích mà còn phải làm sao để cân bằng và kiểm soát được quyền lực của nhau. Những ai không hiểu rõ nguyên lý căn bản này hoặc không tôn trọng nguyên tắc “phân chia quyền lực” (separation of powers), mà chỉ muốn thâu tóm quyền lực vào một nhóm người hay một đảng chính trị để dễ bề kiểm soát hay cai trị, thì những lời nói hoa mỹ của họ không đáng được tin cậy.

Cũng vì phải phân chia quyền lực với người khác, đảng khác như thế nên vấn đề nắm quyền đó rồi lại mất quyền đó là điều khá bình thường trong xã hội dân chủ. Chấp nhận nguyên lý dân chủ, vì thế, đòi hỏi phải có tinh thần thượng tôn hiến pháp, pháp luật, và sân chơi bình đẳng, điển hình là phải có bản lãnh để chấp nhận kết quả bầu cử, dù xấu cỡ nào. Khi đa số người dân bỏ phiếu cho đảng khác, dù với bất cứ lý do không chính đáng nào, không có một đảng nào dám biện luận rằng người dân đã phản bội mình hay ngây thơ khờ khạo chọn phía khác. Khi ý thức dân chủ cao, đa số mọi người hiểu rằng cuộc thi đua nào cũng có kẻ thắng người thua. Tuy thế, thắng chưa hẳn là được tất cả, và thua chưa hẳn là mất tất cả. Trong chính trị, cũng như nhiều lãnh vực khác, có khi thua mà lại thắng, hay thua nhưng để chuẩn bị thắng sau này; và cũng có khi thắng mà lại thua, hay thua trên cuộc đua đường dài. Dân chủ có khi đưa đến những kết quả bất ngờ, hoặc không lường được, bởi vì nguyện vọng của người dân vào lúc đó là như thế (tất nhiên, tác động của giới trí thức, nhất là vai trò của truyền thông, trong việc ảnh hưởng lên quyết định của lá phiếu, là rất cao). Kết quả bất ngờ đó có khi mang đầy đặc tính khắc nghiệt.

Cuộc bầu cử liên bang Úc 24/11 vừa qua là một thí dụ về tính khắc nghiệt của chính trị trong thể chế dân chủ.

Khắc nghiệt, bởi vì sau 11 năm rưỡi cầm quyền, tuy công lao của Thủ tướng John Howard và Bộ trưởng Ngân khố Peter Costello rất lớn trong việc phát triển kinh tế, duy trì nạn thất nghiệp và lạm phát thấp, và dù uy tín về khả năng quản trị kinh tế của Liên Đảng được đánh giá cao hơn đảng Lao động, đa số người dân vẫn bầu cho Lao động, vì nhiều lý do ngoài kinh tế.

JPEG - 14.2 kb
Bộ trưởng Ngân khố Peter Costello.

Khắc nghiệt, vì Liên Đảng đang ở thế cầm quyền vững mạnh như thế, tưởng như còn lâu mới thay đổi chính quyền, thế mà chỉ một ngày sau, cán cân quyền lực chuyển hẳn sang phía đối lập. Thứ nhất, thủ lãnh Howard thì gần như chắc chắn sẽ mất ghế (đến ngày 1/12 mới có kết quả chính thức- Lao động hơn Tự do chỉ 2100 phiếu vì số phiếu hai bên sát nút). Cho đến nay, Liên Đảng đã mất khoảng 24 ghế về tay Lao động, trong đó có một số ghế bộ trưởng. Thứ hai, trong khi mọi người trông đợi vào ông Costello (vì Howard đã mất ghế) để lãnh đạo Liên Đảng vào 3 năm tới trong thế đối lập thì chính ông cũng xin từ chối vai trò này luôn. Nhìn lại, từ nhiều năm qua, ông Costello có khả năng và tham vọng làm thủ tướng thay ông Howard và nhiều lần đề nghị Howard nhường ghế cho mình nhưng việc đó không thành. Kỳ bầu cử này, ông Howard tuyên bố sẽ nhường ghế cho ông Costello, không nêu rõ thời gian lúc nào, nhưng ám chỉ vào khoảng giữa nhiệm kỳ gì đó. Như thế, cuộc vận động bầu cử của Liên Đảng kỳ này chủ yếu là một đội (team) thay vì tính cách cá nhân như trước đây. Thế nhưng sau khi thất cử vào tối 24/11, thì trưa thứ hai 26/11, ông Costello tuyên bố sẽ không nhận vai trò thủ lãnh Tự do (hay Liên Đảng) nữa. Sự từ chối của ông đã làm nhiều người thất vọng và căm phẫn. Cái bất ngờ của chính trị là như thế đó. Thứ ba, vừa mất nhiều ghế vừa thiếu nhân sự gạo cội để lãnh đạo đã tạo nên hình ảnh Liên Đảng bất an và lung lây. Nói cách khác, tình hình chính trị của Liên Đảng trong những ngày sau 24/11 trông thật thê thảm, và khó ai có thể tưởng tượng chỉ vài ngày trước uy vũ như thế mà sau lại ra nông nổi đó.

Dầu sao thì mọi chuyện cũng được ổn định lại sau một thời gian ngắn chao đảo, bởi vì tinh thần chung của người Úc là phải tiến tới (we have to move on), và thua không phải là vấn đề tận thế gì. Ông Howard chắc hẳn là cay đắng, nhưng đã phát biểu chúc mừng ông Rudd, và vẫn bày tỏ niềm tự hào và tự tin vào những thành quả đã đạt được trong gần 12 năm qua. Ông Costello chắc cũng cay đắng, nhưng hứa sẽ ở sử dụng kinh nghiệm của mình để hướng dẫn những nhân sự mới hay trẻ trong đảng và quốc hội, và vui vẻ ngồi ở hàng ghế sau (back bench) để các nhân sự mới của phe đối lập thi thố tài năng ở hàng ghế trước (front bench). Ông Alexander Downer, nguyên Ngoại trưởng Úc gần 12 năm qua, cũng ngồi chung hàng ghế sau với ông Costello. Hai nhân sự chịu đứng ra tranh cử cho vai trò tân thủ lãnh, đó là cựu bộ trưởng quốc phòng, và trước đó là giáo dục, Brendan Nelson, và cựu bộ trưởng môi trường Malcolm Turnball. Vào ngày 29/11, ông Nelson chính thức được đảng viên Tự do chọn, từ đó trở thành thủ lãnh đối lập, và ông Turnball, một nhà thương gia triệu phú, chỉ mới bước vào con đường chính trị vài năm nay, đã trở thành người trách nhiệm về ngân khố ở thế đối lập. Tóm lại, chính quyền Rudd có nhiều nhân sự mới, trẻ, và đầy năng lực, và phía đối lập cũng thế. Một sự chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo rất hào hứng, năng động, và ngoạn mục, nhưng cũng rất suôn sẻ, nghĩa là không có gì bất ổn diễn ra cả.

Chấp nhận trò chơi hay nguyên tắc dân chủ, như tại Úc chẳng hạn, đòi hỏi cả một nếp suy nghĩ và hành động bằng ý thức và tinh thần dân chủ cao. Ý thức hay tinh thần đó cần phải thấm vào máu, và trở thành một nếp sống, suy nghĩ, hành xử của văn hóa dân chủ. Thêm vào đó, người thể hiện ý thức hay tinh thần dân chủ cao phải có một sự tự trọng cao để không làm điều gì quá đáng hay thiếu văn hóa mà người khác có thể cười cợt hay khinh dể mình. Tóm lại, muốn có và thể hiện tinh thần dân chủ đòi hỏi nhiều thử thách lẫn bản lãnh chính trị để chấp nhận những vấn đề khó nghe, những đối nghịch khó ưa, những kết quả khó ngờ, và cả những trò vu khống chụp mũ dơ bẩn không thiếu trong xã hội dân chủ (và đầy dẫy trong xã hội phi hay thiếu dân chủ).

Nền tảng dân chủ, sau một thời gian áp dụng, có khả năng dung chứa nhiều thành phần khác nhau và nhiều tư tưởng ý kiến khác nhau, và nếu biết tôn trọng trò chơi dân chủ thì tuy bất đồng nhưng không nhất thiết đưa đến bất hòa; mà cho dầu bất hòa đi nữa thì cũng không đến nỗi thanh toán, tiêu diệt nhau.

Dân chủ là thế đó: nắm quyền đó, rồi lại mất quyền đó. Ngay cả khi được xem là thành công và tài giỏi, cống hiến nhiều lợi ích cho dân tộc, mang lại một nền kinh tế thịnh vượng cho đất nước, nhưng khi nguyện vọng người dân muốn thay đổi và nếu có đủ túc số (đa số) thì sẽ thay đổi được. Không ai dám cho rằng dân chủ là một thể chế toàn hảo, nhưng nó dựa trên nguyên tắc cân bằng quyền lực, và vì độc tài chủ yếu phục vụ thiểu số, trong khi dân chủ chủ yếu phục vụ đa số, nên dân chủ có cơ hội tồn tại lâu dài và phát triển. Thời đại này, và qua bao nhiêu kinh nghiệm lịch sử xương máu, người dân khắp nơi hẳn thấu hiểu rằng không thể trao quyền quyết định tuyệt đối vận mạng của mình và của đất nước mình cho bất kỳ ai, nhất là nếu không có khả năng kiểm soát và cân bằng quyền lực của giới cầm quyền.

JPEG - 53.1 kb

Nếu so sánh giữa dân chủ và độc tài, thì các chính quyền dân chủ có nhiều rủi ro hơn chính quyền độc tài, bởi độc tài thường không cần phải cạnh tranh với ai mà chủ yếu “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Độc tài không dám chấp nhận trò chơi dân chủ vì muốn một mình quyết định mọi thứ, hay những thứ quan trọng nhất. Độc tài muốn độc quyền kiểm soát người khác nhưng không chấp nhận để ai kiểm soát mình. Độc tài không chỉ muốn cân bằng quyền lực đối thủ mà muốn triệt hạ quyền lực của đối thủ. Vì thế nên những ai đam mê quyền lực (gần như) tuyệt đối thì sẽ không có hy vọng gì tôn trọng nguyên tắc dân chủ. Trong khi đó, sự cạnh tranh chính trị là cần thiết, chính đáng và hợp lý, bởi không có cạnh tranh thi thố tài năng thì không thể tuyển chọn được những người xứng đáng nhất vào vai trò lãnh đạo đất nước. Do đó, chấp nhận trò chơi dân chủ- dù biết cử tri chưa chắc đã trung thành với mình, nhưng tự tin rằng nếu mình xứng đáng và khả tín thì xác xuất thành công sẽ cao- đòi hỏi bản lãnh chính trị. Có bản lãnh chính trị để bước vào con đường thi thố tài năng, tranh đua trên một sân chơi bình đẳng, thì xác xuất lãnh đạo thành công sẽ cao bởi nó sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách để lèo lái con tàu đất nước. Chấp nhận phe đối lập thường xuyên giám sát các hành động hay thách thức các chính sách đòi hỏi phía cầm quyền phải có bản lãnh chính trị để đối phó. Ngược lại, không chấp nhận và không tôn trọng trò chơi dân chủ chỉ chứng tỏ sự yếu kém của mình, mà yếu kém bất tài thì không có hy vọng gì để đem lại những thành quả tốt đẹp cho đất nước dân tộc.

Tóm lại, thể hiện tinh thần dân chủ và tôn trọng trò chơi dân chủ là một trong các thước đo quan trọng về bản lãnh của người làm chính trị. Xin bạn hãy dùng một số thước đo chuẩn mực để xem lãnh đạo Việt Nam có bản lãnh chính trị, có ý thức hay tinh thần dân chủ, ra sao nhé!

Phạm Phú Đức
Melbourne, 8/12/2007

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Quang cảnh buổi Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ tổ chức hôm 6/5/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ - một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền VN (UPR Vietnam, 4th Cycle)

Những dấu ấn từ Hội thảo UPR ở Geneva, Thụy Sĩ

Sébastien Desfayes, luật sư, dân biểu và chủ tịch COSUNAM, nhắc lại rằng năm 2019, Việt Nam đã chấp nhận 83% các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế. Nhưng 5 năm sau (2024), tình hình đối với những người bảo vệ nhân quyền ngày càng xấu đi. LS Desfayes không tin rằng Hà Nội sẽ tự động thay đổi “trở nên tốt hơn” sau UPR 2024. Mà nhà nước Việt Nam sẽ chỉ giảm bớt đàn áp khi bị áp lực.

“Tình hình nhân quyền sẽ không được cải thiện từ phía nhà nước Việt Nam, mà sẽ phải nhờ vào sự tranh đấu của chúng ta, và điều chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam,” Luật sư Sébastien Desfayes kết luận.

Sư Minh Tuệ. Ảnh: Internet

Sư Minh Tuệ và pháp hành dưới góc nhìn Phật Giáo

Đến hôm nay, sư Minh Tuệ được rất nhiều người biết tới (tôi không thích dùng từ “nổi tiếng” đối với một bậc tu hành) và có sức lan toả rộng khắp, vượt ra cả biên giới quốc gia. Và câu chuyện về sư Minh Tuệ trở nên nóng hơn bao giờ hết, khắp mạng xã hội tràn ngập những video và hình ảnh về ông. Theo đó là rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Kính phục, ngưỡng mộ… có; chê bai, miệt thị … có. Muôn nẻo trần ai!

Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền. Ảnh: RFA

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản

Bà Uzra Zeya – Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền nói sẽ tiếp tục tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản, trả tự do cho hơn 180 tù nhân chính trị và chấm dứt tình trạng đàn áp xuyên biên giới.

Bà Uzra Zeya còn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi Hà Nội tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với tất cả các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do tôn giáo… hay điều kiện giam giữ hà khắc đối với các tù nhân chính trị bị kết án một cách bất công.

Phái đoàn đảng Việt Tân, Ủy Ban Thuỵ Sĩ-Việt Nam (Cosunam), Freedom House và Hmong Human Rights Coalition vận động Phái bộ Thường trực Na Uy tại LHQ, Geneva trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 2024. Ảnh: Việt Tân

Vận động quốc tế trước phiên kiểm điểm định kỳ tình hình nhân quyền VN đã diễn ra thế nào?

Trong hai ngày 2 và 3/5/2024, vài ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 7/5/2024 trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (UPR – Vietnam, 4th Cycle), một phái đoàn gồm đại diện của đảng Việt Tân, Ủy ban Thụy Sĩ – Việt Nam (COSUNAM), Freedom House và Liên minh Nhân quyền H’mong (Hmong Human Rights Coalition) đã đi vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Phái đoàn đã gặp đại diện của Văn phòng Phái bộ Thường trực tại LHQ của 8 quốc gia thành viên LHQ, 4 nhóm làm việc, đại diện đặc sứ của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền phi chính phủ. Các quốc gia tiếp đón phái đoàn vận động là Văn phòng Phái bộ Thường trực Na Uy, Anh Quốc, Luxembourg, Mỹ, Hoà Lan, Đan Mạch và Thụy Sĩ.