Dân Như Cỏ Rác

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Sáng hôm nay, Thế Vận Hội Bắc Kinh, khai mạc vào lúc 8 giờ 8 phút, 8 giây, ngày 8 tháng 8 năm 08. Toàn những con số hên! Hai ngày trước, một ký giả ngoại quốc đã có mặt ở Thiên Ðàng (một địa điểm du khách tới Bắc Kinh không thể bỏ qua) để chứng kiến cảnh dân Trung Hoa chờ coi ngọn đuốc thế vận sẽ được rước từ Tử Cấm Thành tới đó.

JPEG - 56.4 kb
Banner tranh đấu cho Tây Tạng treo tại Bắc Kinh trước ngày khai mạc Thế Vận Hội.

Tóm tắt bài tường thuật này là một việc phí phạm và bất công, vì anh Mathew Engel viết rất hay, dù chỉ là một bài báo dài 550 chữ trên trang nhất nhật báo Thời báo Kinh tế bên Anh, ngày hôm qua. Nhưng trong khuôn khổ chật hẹp, ở đây đành phải tóm tắt.

Ai đã thăm Bắc Kinh đều biết Thiên Ðàng là nơi các vị hoàng đế Trung Hoa đời xưa làm lễ tế Trời, cũng như Ðịa Ðàn là nơi tế Ðất, được xây từ thời vua Gia Tĩnh nhà Minh. Ðó là một khu vực rộng gần 3 cây số vuông, ở giữa là tòa nhà cao ba lớp mái ngói xanh biếc đứng bệ vệ trên mảnh đất hình bát quái lên cao ba tầng mỗi tầng 9 bậc, trông rất uy nghiêm. Ðể chuẩn bị trạm rước đuốc này, cả khu vực Thiên Ðàng đã được đóng cửa không cho dân thường được vào, trừ những người có giấy tờ đặc biệt do ban tổ chức Thế Vận Hội cấp. Ðó là giai cấp quý tộc mới ở Trung Quốc.

Ký giả Mathew Engel cùng đám đông dân chúng Trung Hoa đứng bên lề đường chờ đoàn người rước đuốc thế vận chạy qua. Theo báo chí nhà nước loan tin thì đuốc rước đi từ Tử Cấm Thành sáng hôm đó, rồi chấm dứt ở Thiên Ðàng, trong đám lực sĩ được vinh dự cầm đuốc có cả cầu thủ Yao Ming, thuộc đội bóng rổ Rockets ở Houston, nước Mỹ. Có khoảng 25,000 đứng chờ chia sẻ niềm hãnh diện nhìn thấy ngọn đuốc thế vận, lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc. Họ không được bước vào trong Thiên Ðàng coi buổi lễ nhưng hy vọng nhìn thấy các cảnh ngọn đuốc chạy qua. Họ đứng chen chúc 10 lớp trên lề đường, dọc theo con đường dẫn vào Thiên Ðàng. Tay họ ngọn cầm ngọn cờ đỏ 5 sao và cờ thế vận trắng. Chỗ nào cũng treo cờ màu đỏ và trắng. Một bà hô khẩu hiệu “Bắc Kinh, Trung Quốc” và tất cả mọi người hô theo. Vào lúc quá trưa, không khí ở Bắc Kinh nóng và ẩm, cũng đầy khói và bụi. Một người hô lên câu nào là đám đông cũng hô theo.

Bỗng nhiên có tiếng ồn ào vang động chuyền lên từ xa tới như làn sóng. Một đoàn xe buýt chở đầy các ký giả chạy ngang qua, chỉ có thế thôi. Mọi người thất vọng. Hai mươi phút sau, lại có đoàn quảng cáo Coca Cola, cũng toàn màu đỏ và trắng. Người cổ động viên hô lớn: “Tất cả phục vụ Thế Vận Hội Bắc Kinh!” Dân chúng lại cùng hoan hô vang dậy! Ai nấy chờ ngọn đuốc thế vận sắp qua trước mặt mình.

Cô Chu Linh, một sinh viên từ tỉnh Tứ Xuyên ở tuốt miền Tây Nam đã đưa bà mẹ cô đến Bắc Kinh, hai mẹ con có mặt cạnh Thiên Ðàng chờ coi đuốc thế vận. Cô cho nhà báo biết cô đã đứng đợi 5 tiếng đồng hồ rồi. Cô sốt ruột hỏi: “Bao giờ đuốc thế vận mới qua đây? Tôi mệt quá rồi!”. Nhà báo hỏi một ông cảnh sát bao giờ đuốc thế vận sẽ đi qua, ông lắc đầu không trả lời, chỉ nói: “Bí mật!”

JPEG - 49.1 kb

Tới một lúc thì tất cả mọi người biết và bảo nhau: Ngọn đuốc thế vận đã tới rồi! Ðã được rước bên trong Thiên Ðàng cho các quan chức làm lễ và các nhiếp ảnh gia cùng ti vi quay phim, chụp hình. Nhà báo hỏi một người đàn ông: Ông có thấy gì không? Chẳng thấy gì cả! Mất công đợi ba giờ đồng hồ! Nhà báo lại hỏi một ông cảnh sát: Tại sao lại để cho mọi người đứng chờ ở đây lâu như vậy? Ông cảnh sát cười: Họ đứng chờ coi đoàn xe chạy qua! Coi xe chạy qua cũng vui đấy chứ?

Hàng chục ngàn người dân đứng chờ bên ngoài không thấy gì hết, họ cũng chẳng biết ngọn đuốc đã đi lối nào, đã được đưa vô bên trong qua ngả nào! Ðó cũng là những bí mật quốc gia nữa! Những người dân đọc báo kéo nhau tới đây chỉ là một đám đông có mặt để người ta quay phim, không có nhiệm vụ nào khác. Họ biết là họ bị lừa, hay là nhẹ dạ để cho người ta lừa!

Ký giả Mathew Engel kết luận, đám đông mấy chục ngàn người chỉ là một con số nhỏ trong số một tỷ 300 triệu người Trung Hoa. Nhưng kinh nghiệm mà anh chia sẻ với hàng chục ngàn người này cho thấy cách chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đối xử với dân chúng của họ như thế nào.

JPEG - 54.7 kb
Công an Trung Quốc ngồi chờ dưới đường hầm công trường Thiên An Môn, để sẵn sàng ra tay khi có lệnh.

JPEG - 79.7 kb
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á Mohamed Bin Hamman dừng lại chứng kiến nhân viên VFF đánh ký giả Nguyễn Văn Vinh ngay trong buổi lễ, còn công an CSVN chỉ đứng nhìn.

Phải nói là họ không quan tâm. Dân đọc báo, tưởng là được xem rước đuốc nên kéo nhau tới chờ coi. Không thấy thì đi về, có sao đâu. Nhà nước lo việc nhà nước, không cần giải thích với ai cả. Việc quan là việc trọng đại. Lôi thôi quan có thể bạt tai, giống như ký giả Nguyễn Văn Vinh đã được nếm mùi ở trung tâm quốc gia đào tạo giới trẻ tại Hà Nội. Thầy nào trò đó. Ông Engel tỏ ra rất kính trọng những người dân Trung Hoa đứng chờ mỏi cổ bên đường. Nhưng nếu là người Trung Hoa, đọc bài tường thuật trên, chắc cũng phải hổ thẹn!

Thế Vận Hội năm 2008 được trao cho Bắc Kinh từ 8 năm trước, với lời hứa hẹn là chính quyền Trung Quốc sẽ cải thiện nhân quyền, quyền sống làm người của dân chúng. Ngược lại, họ đã bắt bớ thêm nhiều người, trong đó có những người lên mạng lưới Internet ủng hộ các phụ huynh học sinh mất con ở Tứ Xuyên chỉ vì các nhà thầu xây trường cùng với các cán bộ ăn cắp.

Ngược lại với lời hứa hẹn cho dân được sống dễ thở hơn, chính quyền Bắc Kinh đã tăng cường gọng kìm kiểm soát.

Bắt đầu từ tuần này du khách tới Bắc Kinh đều biết các phòng ngủ, các hành lang khách sạn đều gắn máy nghe lén và nhiều nơi có máy chụp hình. Tất cả các đường dây điện thoại, kể cả điện thoại di động, đều có thể bị nghe lén. Chính phủ Trung Quốc nói họ cần “ngăn ngừa khủng bố” trong thời gian thế vận hội. Tất cả 70 ngàn xe taxi trong vùng thủ đô Bắc Kinh, 30 ngàn taxi ở thành phố Thẩm Dương, nơi đấu các trận bóng tròn, đều được gắn một cái máy có bộ phận để nghe lén những lời nói chuyện và điện thoại trong xe. Có cả một bộ phận định vị trí (GPS) để cho biết xe đang ở chỗ nào, không chạy đâu cho thoát. Bộ máy nhỏ này được điều khiển, cho chạy hay ngưng, từ một trung tâm của sở mật vụ. Có thể tắt động cơ, cho xe bị tê liệt luôn, nếu cảnh sát muốn.

JPEG - 79.7 kb

Chính phủ Bắc Kinh không cần giấu giếm những tin tức trên vì họ mô tả đó là những biện pháp “bảo vệ hành khách, bảo vệ tài xế.” Ngoài ra cái máy này còn giúp thông dịch từ xa những câu hỏi đáp của hành khách với người tài xế. Nhưng mục tiêu chính tất nhiên là để kiểm soát dân chúng. Các tài xế taxi đều phải cộng tác, mặc dù có người tỏ ra lo lắng không biết máy móc có chụp hình những hành khách lúc ngồi trong xe hay không! Nếu hành khách biết họ có thể bị chụp hình, quay phim, thì nhiều người sẽ không muốn dùng taxi nữa!

Sau thế vận hội chắc hệ thống kiểm soát này sẽ tiếp tục. Thế vận hội là một dịp để chính quyền cộng sản tăng cường việc kiểm soát dân chúng. Vì khi đã tập trung thêm nhiều quyền hành, người ta rất khó tự bỏ bớt! Trừ khi dân Trung Hoa không chịu được, đứng lên đòi nhà nước phải biết tôn trọng người dân. Trước khi phong trào đó nổi lên, nhà nước vẫn có thể tiếp tục coi dân như cỏ rác.

Nhưng người dân Trung Hoa dù theo truyền thống Nho Giáo suốt hai ngàn năm, cũng không phải là giống dân dễ đè nén. Nho Giáo không dạy dân chúng phải chịu nhục, chịu đè nén. Mạnh Tử nói, “Khi ông vua coi dân như cỏ và đất thì dân sẽ coi vua như đạo tặc.” Nhiều người không hiểu vẫn nghĩ rằng Nho Giáo chủ trương tôn quân, gán cho Khổng Mạnh những ý tưởng thủ cựu như “Trung thần bất sự nhị quân” (Tôi trung không thờ hai chủ)!

Hồ Thích khi giới thiệu tư tưởng Trung Quốc, đã dẫn lời trong Hiếu Kinh, Khổng Tử nói, “Khi cha làm việc bất nghĩa thì con phải chống lại, vua làm việc bất nghĩa thì quan phải chống lại.” Ngay trong Luận Ngữ, Tử Cống hỏi thầy việc Tề Hoàn Công giết công tử Củ, trung thần của công tử Củ là Thiệu Hốt đã tự vẫn theo, nhưng Quản Trọng đã từng theo công tử Củ lại quay đầu đi cộng tác với Tề Hoàn Công làm đến tướng quốc, như vậy có phải là trái với đạo Nhân hay không. Khổng Tử đã nêu lên những hành động theo đạo nhân nghĩa mà Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công làm, để khen rằng “Như kỳ nhân! Như kỳ nhân!” Ðạo Nhân của ông ta là ở đó! Ở đó! (Thiên 8, câu 16). Chính các đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam bây giờ lại đang đề cao quan niệm “Trung với Ðảng” kiểu “Trung thần bất sự nhị quân” của đám hủ bại trong Nho Giáo, ngược lại với Khổng Mạnh thật!

Chúng ta biết người dân Trung Hoa sẽ không thể nào chịu cảnh bị chính quyền coi như cỏ rác mãi. Mà người Việt Nam cũng vậy. Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội là một dịp cho một tỷ người cùng hãnh diện về quốc gia của họ. Niềm hãnh diện đó sẽ thúc đẩy họ tiến tới, đòi thay đổi tiến bộ hơn nữa, chứ không thể đi giật lùi trên con đường tiến hóa của nhân loại. Cả nhân loại đang nỗ lực tìm đến tự do dân chủ, dân Trung Quốc không thể cứ đứng bên lề đường chờ đợi mãi mà không thấy gì hết! Ngọn đuốc đã đi qua lúc nào rồi! Cứ đứng chờ mỏi cổ như vậy cũng đáng hổ thẹn, người ngoại quốc coi họ sẽ khinh thường cả một dân tộc chứ không riêng gì đám dân chúng mới bị lừa! (Người Việt; Thursday, August 07, 2008)

Ngô Nhân Dụng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Từ trái sang phải: Trương Thị Mai - người vừa bị "cho thôi giữ các chức vụ," Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và Đinh Thế Huynh. Ảnh chụp ngày 20/07/2016. Ảnh: AP - Hau Dinh

Việt Nam: Thêm một ủy viên Bộ Chính trị phải từ chức

Hôm qua, 16/05/2024, Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã bầu bổ sung 4 ủy viên sau khi một ủy viên khác là bà Trương Thị Mai phải từ chức và nghỉ việc.

Giữ chức thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 2023, bà Trương Thị Mai như vậy là ủy viên thứ 3 trong Bộ Chính trị phải từ chức chỉ trong vòng hai tháng, sau Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tháng Ba và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ trong tháng Tư.

Bà Trường Thị Mai vừa được cho thôi chức Thường trực Ban Bí thư, uỷ viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam hôm 16/5/2024. Ảnh: RFA

Đại tướng Lương Cường thay bà Trương Thị Mai làm thường trực Ban Bí thư

Đại tướng Lương Cường – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 16/5 chính thức phân công thay cho bà Trương Thị Mai làm thường trực Ban Bí thư. 

Tại Hội nghị TƯ 9, Đại tướng Lương Cường ngồi ghế chủ tọa cùng với TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là điều gây chú ý vì tại Hội nghị Trung ương 8 khai mạc hồi tháng 10/2023 có đến năm người, gồm: bà Trương Thị Mai, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ.

Quang cảnh buổi Hội thảo UPR do Việt Tân cùng các Tổ chức ACAT, Freedom House, Destination Justice, Media Defence, RSF, Hội Anh Em Dân Chủ và COSUNAM phối hợp tổ chức lúc 3 giờ chiều ngày 6/5/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Việt Tân

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 12 – 19/5/2024

Nội dung:
– Vận động quốc tế và biểu tình trước phiên Kiểm điểm Định kỳ UPR tại Geneva, Thụy Sĩ;
– Vận động bảo vệ quyền lợi của người H’Mông tại Bộ Ngoại giao Hòa Lan;
– Cựu Tù nhân Lương tâm Châu Văn Khảm gặp gỡ đồng hương tại Quận Cam, California.

Quang cảnh buổi Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ tổ chức hôm 6/5/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ - một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền VN (UPR Vietnam, 4th Cycle)

Những dấu ấn từ Hội thảo UPR ở Geneva, Thụy Sĩ

Sébastien Desfayes, luật sư, dân biểu và chủ tịch COSUNAM, nhắc lại rằng năm 2019, Việt Nam đã chấp nhận 83% các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế. Nhưng 5 năm sau (2024), tình hình đối với những người bảo vệ nhân quyền ngày càng xấu đi. LS Desfayes không tin rằng Hà Nội sẽ tự động thay đổi “trở nên tốt hơn” sau UPR 2024. Mà nhà nước Việt Nam sẽ chỉ giảm bớt đàn áp khi bị áp lực.

“Tình hình nhân quyền sẽ không được cải thiện từ phía nhà nước Việt Nam, mà sẽ phải nhờ vào sự tranh đấu của chúng ta, và điều chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam,” Luật sư Sébastien Desfayes kết luận.