Giải Phóng Các Lực Lượng Sản Xuất

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Ở Montréal có một khu xóm nghèo nổi tiếng gọi là Point Saint Charles, hồi ở đây gần 30 năm tôi chưa bao giờ sống trong khu đó, năm nay mới có dịp. Buổi trưa trên đường đi ra trạm xe điện ngầm thấy những bức tường đầy các chữ viết, vẽ loạn lên; cũng giống như khu phố nghèo ở New York, Paris, London hay Los Angeles. Nhưng trong số các tác phẩm bích họa có nhiều khẩu hiệu chính trị – dân Québec ham chính trị như người Mỹ ham bóng chầy. Một câu: “It’s right to rebel!” (Nổi loạn là phải! – là chính nghiã!) Kế đó: “Vive la Révolution Communiste!” (Cách mạng cộng sản muôn năm!) “Oprressé-es, Révolté-es et Organisé-es!” (Những người bị áp bức, những người nổi lọan, và có tổ chức!) Sau mỗi khẩu hiệu có lý tên: PCR, tên Đảng Cộng Sản Cách Mạng – để phân biệt với mấy đảng Cộng sản khác còn hoạt động ở Canada.

Khi bước lên chuyến xe điện vào trung tâm thành phố, tôi thấy một đám thanh niên, phần lớn có vẻ học sinh Trung học, người da đen. Mấy cậu mặc đồ thể thao ngồi chật nửa toa tàu, không còn một chỗ. Một cậu ôm quả bóng bầu dục cứ lăn tròn quả bóng trong tay không nghỉ, lâu lâu nhớm đứng lên. Tôi đứng nhìn cậu, làm bộ cuối khom xuống, đưa hai tay như muốn đở quả banh. Cậu bé giơ cao tay giả vờ sắp thẩy trái bóng lên trời, rồi nhoẻn miệng cười. Răng trắng nhởn. Coi cậu không có vẻ gì đang muốn làm cách mạng. Các nhà cách mạng thường phải có bộ mặt nặng nề trầm trọng lắm. Đếm trạm sau, một bà già người Trung Hoa lễ mễ xách mấy cái giỏ ni lông bước vào toa tầu. Một cậu bèn đứng dậy nhường chỗ. Như vầy thì chắc chắn đây không phải là những nhà cách mạng rồi. Hôm nay tác giả của những khẩu hiệu hô hào cách mạng vô sản toàn thế giới chắc còn ngủ chưa dậy. Vive La Révolution! Nhưng trước khi làm cách mạng ai cũng phải ngủ ngon cái đã.

Ngày xưa, thấy ai hô khẩu hiệu đó, người ta sẽ bảo: Sao không sang Liên Xô sống cho thỏa chí tang bồng? Bây giờ đảng Cộng sản Liên xô đã giải tán rồi, nước Nga đang trên đường xây dựng kinh tế tư bản và một chế độ dân chủ tự do. Mời họ đi Bắc Triều Tiên hay Cuba để hưởng nỗi hạnh phúc sống trong thế giới cộng sản, chắc họ sẽ nổi giận đánh mình vì tội xúi dại. Họ đang sống yên ổn ở một xứ bình an, tháng tháng lãnh trợ cấp xã hội, ngoài những giờ họp chi bộ, vẽ khẩu hiệu làm cách mạng thì họ chỉ ngồi nhà coi TV uống la de và hút thuốc. Ai dại gì sang những xứ mà mỗi người phải có hộ khẩu, có tem phiếu mới có ăn? Bảo họ sang Trung Quốc hay Việt Nam chắc cũng không được. Vì các nước này bây giờ họ sợ nhất là có người hô hào dân chúng cách mạng! Hô cách mạng vô sản càng nguy hiểm. Vì trong các nước đó vẫn còn nhiều người tin chủ nghĩa Cộng sản, lỡ dại dột nghe theo lời đường mật thì càng nguy hơn!

Nhìn những khẩu hiệu trên tường, tôi chợt nghĩ: Thử đem viết những khẩu hiệu này lên tường ở đường phố Hà Nội hay Sai Gòn coi được không? Chắc thế nào công an cũng tìm cho ra tung tích thủ phạm rồi cho đi cải tạo sớm! Có ai muốn thử không?

Chắc không ai muốn thử. Không phải vì người ta sợ chế độ công an, nhưng vì chính người dân ở nước ta bây giờ nghe thấy hai tiếng “cách mạng” là sợ hết hồn. Họ đã nghe nói đến hai chữ cách mạng ra rả mấy chục năm trước, bây giờ giống như con chim sợ cây cong vậy. Giờ đảng lại cho phép các đảng viên buôn bán phát tài, nếu làm ăn giỏi đảng viên sẽ biến thành các nhà tư sản hết.

Khi cho các đảng viên làm ăn riêng và thâu nhận các nhà kinh doanh tư vào đảng, đảng Cộng sản Việt Nam cũng như đảng Cộng sản Trung Quốc không còn là những “đảng cộng sản” nữa. Đáng lý họ phải đổi tên đi. Các nhà lãnh đạo hai đảng này đã cố gắng biện minh bằng những lý luận như “Đảng phải là đại biểu của lực lượng sản xuất tiến bộ nhất trong xã hội Trung Quốc” (lý thuyết Giang Trạch Dân) hoặc đảng phải “giải phóng sức sản xuất” (dự thảo báo cáo chính trị đại hội X, đảng Cộng sản Việt Nam). Quả thực là, trong xã hội Trung Hoa hay Việt Nam bây giờ, giai cấp tư sản đang thành hình là lực lượng sản xuất tiến bộ nhất.

Khi Karl Marx quan sát sự chuyển biến từ thời kỳ phong kiến sang thời kỳ tư bản, ông cũng thấy giai cấp tư sản lúc đó là lực lượng sản xuất tiến bộ nhất. Trong giai đọan bắt đầu hiện đại hóa đó, giới tư sản góp công giải phóng sức sản xuất trong xã hội loài người. Trong thực tế, xã hội Trung Hoa và Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều di sản của thời phong kiến, cần tự giải phóng khỏi những trói buộc thời phong kiến thì mới tiến được. Đảng Cộng sản công nhận sự đóng góp của giai cấp tư sản, thúc đẩy cho cuộc chuyển hoá nhanh hơn. Đó là một quyết định đáng được hoan nghênh.

Sau khi đón nhận quyết định lịch sử trên với thiện chí và tinh thần cởi mở, chúng ta vẫn phải đặt một câu hỏi. Câu hỏi là: Tại sao quý vị lãnh đạo trong các đảng Cộng sản ở Trung Hoa và ở Việt Nam không thành thật một lần trong đời, bằng cách tuyên bố thẳng rằng từ nay trở đi họ thôi, ngưng, stop, xả, bỏ, không theo chủ nghiã Mác Lê nin nữa?

Phục Hồi Chữ Tín

Khi một ông vua hay một đảng cầm quyền nói một đàng, làm một nẻo hết năm này sang năm khác, thì cả xã hội sẽ lấy đó làm gương, chữ Tín không còn được ai tôn trọng nữa. Không lấy chữ Tín làm căn bản của mọi tương quan, mọi giao tế giữa mọi người, thì xã hội đó không giữ được một hệ thống giá trị để chia sẻ cùng nhau nữa. Con không tin cha, vợ không tin chồng; chỉ vì nền luân lý không đề cao chữ Tín. Hơn thế nữa, chữ Tín là nền tảng của luật pháp. Không có chữ Tín thì không thể phát triển tin thần tôn trọng luật pháp, là cái khung cần thiết của mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị trong thế giới hiện đại. Nước ta đang thay đổi mọi mặt, cái gốc chữ Tín càng cần thiết. Đảng Cộng sản đã thay đổi trong đường lối căn bản, là do sức ép của những biến chuyển lớn. Về mặt chính trị, chế độ toàn trị (totalitarian) đã biến dần sang một chế độ độc tài (authoritarian) bình thường hơn. Guồng máy của đảng và nhà nước không kiểm soát toàn diện cuộc sống nữa. Xã hội đã tách khỏi chính trị.Giới lãnh đạo đảng đã nhận thức được giới hạn của quyền lực. Đời sống mỗi cá nhân được giải phóng phần nào, không còn hoàn toàn tùy thuộc vào sự xếp đặt của đảng và nhà nước nữa.

Nhưng trong diễn trình chuyển hoá trên, giới lãnh đạo đảng Cộng sản không đóng được vai trò chủ động như trước khi đổi mới. Họ vẫn còn khả năng kìm hãm không cho biến chuyển nhanh; nhưng không có khả năng hướng dẫn. Cứ như vậy, công cuộc đổi mới càng tiến thì họ càng bị tụt hậu.

Ở các nước như Ba Lan, Tiệp, Slovack, Hungary, những đảng viên Cộnng sản góp phần chủ động thúc đảy cuộc “cách mạng nhung” để thiết lập thể chế mới, dù chính vì thế họ phải rời khỏi chính quyền. Nhưng sau đó, nhờ thay đổi toàn diện không ngần ngại, sau mười năm, kinh tế các nước này đã tiến rất nhanh. Các đảng viên Cộng sản cũ đã trở lại nắm quyền hành dưới ngọn cờ khác, thí dụ, các đảng viên Dân Chủ Xã Hội. Ở Trung Quốc và Việt Nam thì không như vậy. Giới lãnh đạo Cộng sản không dám hy sinh rút khỏi chính quyền, họ tự mò mẫm con đường đổi mới từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Riêng đảng Cộng sản Việt Nam thì còn dè dặt hơn, đợi Trung Quốc thí nghiệm trước rồi mới theo sau.

Nhưng có những vấn đề mà chính đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không giải quyết nổi. Vấn đề lớn là guồng máy quản lý xã hội cũ vốn được vạch ra để cai trị trong một hệ thống máy móc, đơn giản, có cấp bật trên dưới rõ ràng; bây giờ không còn thích hợp để cai quản một xã hội phức tạp, các tương quan cũ xã hội bị đứt, vỡ và các tương quan mới nẩy sinh. Tương quan cũ dựa trên hệ cấp quyền hành, bây giờ thêm những tương quan đặt trên tiền bạc, lợi lộc. Đảng Cộng sản không dám xóa bỏ hệ cấp quyền hành, trong lúc đó phải công nhận hệ thống tương quan duy lợi. Hệ cấp quyền hành dựa trên tổ chức đảng, trên tương quan quyền lực cá nhân. Hệ thống duy lợi dựa trên tiền. Nhưng mới sơ khai, không có các luật lệ ràng buộc để giới hạn lòng tham, như trong các nước tư bản lâu đời. Hai mạng lưới đó chồng chéo lên nhau, vừa thích tiền lại vừa sợ quyền lực; tất nhiên đẻ ra tham nhũng. Đó là một hiện tượng làm uy tín của đảng cầm quyền bị ở Trung Quốc và Việt Nam suy sụp.

Kể từ khi thành lập, nhất là khi chiếm được chính quyền, các đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã tìm cách xóa bỏ giềng mối của xã hội cổ truyền. Những đức tính mà mọi cá nhân trong xã hội cũ phải học tập, những tương quan phải tôn trọng, những lý tưởng của thanh niên, cho đến niềm tin tôn giáo cuả các cụ già, tương quan vợ chồng, cha con v.v, các giá trị cũ đều bị xóa bỏ để xây dựng xã hội mới. Các đảng Cộng sản Trung hoa và Việt Nam đã thành công nhiều phần trong công tác xóa bỏ quá khứ. Nhưng sau đó, việc xây dựng xã hội mới, con người mới cuả họ chỉ là những thí nghiệm bất thành, có những khẩu hiệu nói ra rất hay nhưng không biến thành sự thật được. Nhưng kể từ khi đổi mới kinh tế, thì ngay cả công trình xây dựng xã hội mới, con người mới cũng được quên dần, coi như bỏ. Chúng ta đang đứng trước một xã hội chông chênh. Đã mất nền tảng đạo lý cũ, lại mất luôn cả nền tảng mới đang xây chưa thành. Có thể đưa tới một thảm họa cho nhiều người: Vô pháp, Vô thiên. Không có quy tắc đạo lý nào để bảo nhau, cũng không tin tưởng ở sự thưởng phạt của thần linh nữa. Các thần linh có thể tự động trở về ngôi vị cũ cho người ta vái lạy cầu xin; nhưng muốn tái lập các quy tắc đạo lý thì cần nhiều thời gian hơn.

Hiện nay, cuộc đổi mới kinh tế đang phục hồi tinh thần duy lợi và vị kỷ. Phục hồi những thứ đó không khó gì cả, chỉ cần thả lỏng ra là chúng tự biết phải bay nhẩy thế nào. Những khẩu hiệu hô người ta hy sinh vì tập thể, vì đại nghiã, bây giờ vô nghiã. Cuốn nhật ký của cô Đặng Thùy Trâm, một liệt sĩ chết trong khi đang tận lực làm việc nghiã, đang được giới thanh niên trong nước tìm đọc. Đó là một dấu hiệu đáng khích lệ: Thanh niên bao giờ cũng muốn sống có lý tưởng. Nhưng ngọn lửa ngầm cháy trong tâm tư các thanh niên phải được khung cảnh xã hội nuôi dưỡng. Hoặc ít nhất không hủy hoại.

Trong lịch sử loài người, óc duy lợi và tính ích kỷ luôn luôn phải được một hệ thống các quy tắc luân lý hoặc giáo lý hướng dẫn và luật pháp kiềm chế. Kinh tế tư bản phát sinh vào thế kỷ 18, 19 trong những xã hội đã có một nền luân lý cổ truyền và tinh thần trọng pháp đang thành hình. Chính các truyền thống đó giúp kiềm chế óc duy lợi, ích kỷ, để lái động lực tìm lợi lộc, không cho phá hoại các giá trị tinh thần. Khi kinh tế tư bản được buông thả trong một xã hội mà nền tảng đạo lý đang tan rã, thì những yếu tố xấu xa nhất của lối làm ăn đó tha hồ nẩy nở và tung hoành. Đó là hoàn cảnh nước ta và Trung Quốc bây giờ.

Muốn lập lại chữ Tín trong xã hội Việt Nam bây giờ, chính nhừng người có trách nhiệm, tức là giới lãnh đạo đảng cs phải nói thẳng, nói thành thật với mọi người: Chúng tôi từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản. Điều đó không có gì xấu, không có gì phải che đăy hoặc trì hoãn.

Các nền văn minh của nhân loại cũng có sinh, có tử, như Paul Valéry nói, thì các chủ nghĩa cũng vậy. Ngày nay không có mấy người tự nhận là theo đuổi các lý thuyết của Épicure, của Zenon, của Trang Châu hay Mạc Tử nữa, nhưng các bật hiền triết đó vẫn là những vĩ nhân mà hiện nay họ cũng vẫn mang lại hứng khởi cho bao nhiêu con người đi tìm lẽ sống. Marx, Lenin cũng có thể được xếp lên bàn thờ, vào thư viện như bao nhiêu danh nhân lịch sử khác.

Trong lịch sử Trung Quốc và lịch sử Việt Nam, đã có những thời kỳ một ý thức hệ chính thống bị đào thải. Các nhà Nho ở 2 nước này, từ thế kỷ 19 đã đặt câu hỏi về giá trị của hệ thống tư tưởng, xã hội và chế độ chính trị đặt trên Khổng Giáo. Nhiều người đã dứt khoát từ bỏ những khẩu hiệu “tam cương, ngũ thường” để đi tìm con đường thích hợp với thời đại mới, mặc dù họ cũng vẫn giữ những lý tưởng là nguồn gốc các khẩu hiệu đó. Từ Phan Châu Trinh đến Phan Khôi, chúng ta không thiếu những tấm gương như thế. Vì vậy, còn chờ gì nữa mà 2 đảng Cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam không đổi tên đảng của họ đi khi chính trong hàng ngũ đảng viên cũng có nhiều người nêu lên ý kiến đó?


Nhiều tiền, không chắc là “tư bản”

Trong một xã hội có luật lệ, những người làm giầu không bị coi khinh. Dân Mỹ rất kính trọng các tỷ phú giầu nhất nước như Bill Gates, Warren Buffett – ở Việt Nam cũng có nhiều thanh niên coi ông Gates là thần tượng. Còn ở nước chậm tiến thì khác.

Năm 1968, ông Hồ Chí Minh nói chuyện với các cán bộ, nhà văn, nhà báo ở Hà Nội, ông đã phê bình những người ham giầu: “Đã có xe rồi, lại ’phấn đấu’ để có chiếc xe đẹp hơn, chiếm mất phần của người khác. Đã có nhà ở rồi, lại, ’phấn đấu’ theo kiểu như thế để có nhà đẹp hơn.” (báo Cứu Quốc ngày 1 tháng 3 năm 1970).

Nhiều người suy nghĩ như vậy: Ai giầu hơn tức là đã “chiếm mất phần của người khác.” Quan niệm này phát xuất từ thói quen sống trong kinh tế nông nghiệp cổ truyền. Tài nguyên chính là ruộng đất thì có giới hạn, kỹ thuật canh tác đã tận lực, năng suất không thể cao hơn được nữa. Trong cảnh thiếu thốn như vậy, người nào ăn thêm một chén cơm tức là người khác phải bớt ăn một chén cơm. Trong ngôn ngữ toán học, người ta gọi đó là một trò chơi có ăn phải có thua, “zero-sum game”, một cuộc chơi ăn bù thua, cộng lại thành số không. Kinh tế bây giờ là một cuộc chơi khác, những người tham dự đều có thể thắng cả, cộng lại thành số dương “positive-sum game”.

Quốc định của các đảng Cộng sản ở Trung quốc và Việt nam thu nhận các nhà kinh doanh tư vào đảng là một tiến bộ. Giới kinh doanh là một thành phần thiết yếu trong việc phát triển kinh tế. Cấm một số người không cho họ kinh doanh, chỉ vì họ là đảng viên, là làm thiệt hại chung cho quốc gia. Khuyến khích mọi người năng nổ kinh doanh, là giúp kinh tế quốc dân phát triển.

Tuy nhiên, phải phân biệt giữa “làm giầu” và “kinh doanh”. Vì có nhiều cách làm ra tiền, rất nhiều tiền nhưng không phải kinh doanh. Phải phân biệt của cải với tư bản, vì không phải cứ nhiều tiền nhiều của là tạo thành tư bản.

Trước khi có cuộc cách mạng nông nghiệp, các ông hoàng, bà chúa chỉ biết đem của cải ra trưng bày xa xỉ nhưng họ không dùng làm vốn. Chỉ khi nào người ta biết dùng tiền làm của vốn tạo ra sản vật mới, tạo công việc làm mới, tạo ra lợi nhuận, lúc đó tiền bạc mới trở thành vốn, vốn tức là tư bản.

Cũng giống như vậy, một người có thể kiếm ra rất nhiều tiền nhưng không phải là nhà kinh doanh. Bán buôn quyền lực còn làm giầu nhanh mà không vất vả như kinh doanh. Đầu cơ tích trữ để chờ lên giá mà kiếm lợi cũng không phải là kinh doanh. Hiện nay ở Việt Nam có nhiều người làm giầu nhờ tình trạng đổi mới nửa trăng nửa đèn. Khi kiếm ra tiền rồi họ làm gì? Họ cũng không biến tiền thành vốn, không dùng tiền để kinh doanh, mà còn chuyển ra ngoại quốc. Rất nhiều người giầu có ở Việt Nam đã mua nhà hàng triệu đô la Mỹ, mua đất ở California. Đó là góp vốn cho các nhà tư bản Mỹ sử dụng, tích lũy tư bản cho người Mỹ kinh doanh, người Việt Nam không được hưởng gì cả.

Việc thâu nhận các nhà “kinh doanh” giả, cho phép đảng viên “kinh doanh” bằng quyền lực, có thể chỉ nuôi dưỡng và kéo dài guồng máy làm xã hội tiến chậm hơn. Trong guồng máy đó, những người kinh doanh thật sẽ bị thiệt thòi, rồi nản chí, vì họ phải đá banh trên một sân chơi nghiêng lệch! Như vậy thì chỉ kéo dài tình trạng chậm phát triển thêm hàng chục năm nữa.

Cần tạo ra tư bản thật

Vậy khi nào tiền của biến thành tư bản thật? Trong cuốn “The Mystery of Capital” (Niềm Bí Mật của Tư Bản) của Hernando de Solo, xuất bản năm 2000, nhà kinh tế xứ Peru ví việc biến tiền của thành tư bản cũng giống như biến đổi một hồ nước trên rặng núi Andes thành điện lực. “Tiền bạc giúp việc mua bán, nhưng tự nó không phải là tư bản để tạo thêm sản xuất,” de Soto viết. Ông nhận thấy ở những nước đang mở mang và các nước cựu cs, “không thiếu các nhà kinh doanh”. Người ta thiếu một hệ thống pháp lý về quyền tư hữu, một hệ thống giấy tờ, bằng khoán để xác định cái gì là tài sản và thuộc về ai. Như vậy mới có thể biến tài sản thành tư bản, đi với sản xuất.

Nhà kinh tế người Peru đã tả sự biến chuyển từ “tiền của” thành “tư bản” trong các xã hội Âu Tây và Mỹ trong mấy trăm năm; bây giờ các nước chưa mở mang phải thực hiện trong mấy chục năm. Một định chế không thể thiếu được là hệ thống pháp luật bảo đảm quyền sở hữu và định danh quyền sở hữu một cách rõ ràng. Có được hệ thống đó mới tránh được cái cảnh trong một nước có hai loại người, một loại làm ăn có giấy tờ, trong vòng pháp luật; và một loại đứng bên lề. Chưa có hệ thống pháp luật như vậy thì của cải sẽ chỉ là những “vốn chết”, dead capital.

Theo ông de Solo tính, vào năm 1999 tổng số những tài sản về địa ốc coi là “tư bản chết”, ở các nước đang mở mang và các nước cựu Cộng sản, có giá trị đến hơn 9 ngàn tỷ Mỹ kim, nghĩa là gần bằng tổng sản lượng nội địa của nước Mỹ trong năm đó. Gọi là tư bản chết, vì tình trạng giấy tờ không hợp lệ khiến các tài sản đó không thể đem thế chấp mà vay nợ, không thể dùng hệ thống tài chánh tư bản biến tài sản thành vốn liếng. Luật pháp và thủ tục hành chánh ở các nước này không thay đổi kịp với những biến chuyển nhanh chóng trong đời sống kinh tế, xã hội. Vì thế, đã ngăn cản sự phát triển kinh tế. Không thể giải phóng sức sản xuất được, vì chưa đổi mới toàn diện! Khi công nhận sức sản xuất do tư bản tạo ra, cần thay đổi cả hệ thống pháp lý và guồng máy hành chánh để khuyến khích tư bản thành hình thật sự.

Nhưng làm sao vẫn theo chủ nghĩa Mác, đồng thời vẫn khuyến khích các đảng viên làm kinh tế tư bản? Năm ngoái ông Lê Đăng Doanh ở Hà Nội tìm ra một công thức mới để giải thích Karl Marx. Marx nói cuộc cách mạng vô sản sẽ khiến quyền sở hữu các phương tiện sản xuất thuộc về giới lao động, tất là thuộc về tất cả nhân dân. Ông Lê Đăng Doanh nói ở Mỹ người ta đang thực hiện điều đó thật, qua hệ thống thị trường chứng khoán. Khi các công nhân làm chủ cổ phần của xí nghiệp, tức là cũng làm chủ các phương tiện sản xuất.

Điều này có thể hiểu được. Hãy coi công ty Microsoft chẳng hạn. Họ được tiếng là xí nghiệp tạo ra nhiều nhà triệu phú nhất nước Mỹ. Vì các công nhân và nhân viên được tặng hứa phiếu (option), tức là quyền mua các cổ phần của công ty với giá cố định, trong một khoảng thời gian định trước. Giới vô sản làm công cho công ty chỉ việc chờ, coi lúc nào giá cổ phần lên cao hơn giá cố định hứa hẹn thì đem thi hành những hứa phiếu đó. Họ trở thành triệu phú vì giá cổ phần lên. Họ làm chủ một phần những phương tiện sản xuất của công ty! Mà “phương tiện sản xuất” chủ yếu của các công ty tin học là gì? Chính là trí tuệ của các công nhân, nhân viên. Khi một nhân viên nghỉ việc, họ mang theo cả phương tiện sản xuất!

Ở nước Mỹ, ngay cả những người không làm cho Microsofl, ngay cả những công nhân và nhân viên không làm chủ cổ phần của xí nghiệp, thì họ vẫn làm chủ cổ phần các công ty khác, theo con đường khác. Họ để dành tiền qua những quỹ tiết kiệm hưu bổng công và tư do họ đóng góp. Ròi những quỹ này cũng mua các cổ phần trên thị trường chứng khoán, khi về hưu các công nhân được hưởng. Tức là các công nhân đó cũng gián tiếp làm chủ các phương tiện sản xuất ở khắp nơi! Hiện nay hơn một nửa dân số Mỹ đang làm chủ cổ phần của các công ty, trực tiếp hoặc gián tiếp như thế.

Ông Lê Đăng Doanh nói có lý. Karl Marx chỉ nói đến viễn tượng khi nhân dân thành chủ nhân các phương tiện sản xuất; nhưng Marx không biết họ làm chủ dưới hình thức như thế nào. Phải có một định chế nào cho phép nhiều người cùng làm chủ nhiều thứ như vậy. Những mảnh giấy ghi người nào làm chủ bao nhiêu cổ phần của công ty nào, bây giờ giấy cũng biến đi chỉ còn các tín hiệu trong máy điện toán; đó là một phần của hệ thống xác định quyền sở hữu. Thiếu hệ thống đó thì khó biến tiền thành tư bản.

Nhưng trước khi nói đến những quyền sở hữu trừu tượng đó, hãy bắt đầu bằng việc trả lại quyền làm chủ ruộng đất cho dân đi đã. Khi người dân đã có giấy tờ xác định quyền làm chủ mảnh đất mình đang ở, hay đang cầy cấy, thì họ mới yên tâm tính chuyện làm ăn lâu dài, không đến nỗi những kẻ có tiền đem đổi lấy đô la đi mua nhà, mua đất ở Cali fornia! Nhừng vấn đề như thế bao giờ được giải quyết? Người dân Việt Nam có quyền thảo luận về những vấn đề đó hay không? Ai nắm quyền quyết định coi hệ thống sở hữu nào thích hợp nhất để giải phóng các lực lượng sản xuất ở nước ta? Ai dám bàn đến những ưu, khuyết điểm của từng phương pháp, từng hệ thống sở hữu? Hiện nay, người Việt Nam ở trong nước không có quyền bàn cãi đó. Vì báo chí không được tự do. Một dân tộc 83 triệu người cứ ngồi đó chờ các ông bà trong trung ương đảng họp trong phòng kín quyết định số phần của mình mãi hay sao?

Một thí dụ là các thủ tục hành chánh. Cải tổ mãi cũng chưa thấy khai thông. Chính guồng máy hành chính đẻ ra những thủ tục để tạo ra việc cho các công chức có việc làm để lãnh lương, và có thêm quyền hành hạ người dân. Ông de Solo kể tiếp khi mới thiết lập Viện Nguyên Cứu Tự Do và Dân Chủ ở Peru, ông và các đồng nghiệp tự mang mình làm thí nghiệm. Họ mở một xí nghiệp may nhỏ ở ngoại ô thủ đô Lima, sẽ chỉ có một công nhân thôi. Họ đến xếp hàng ở các công sở, điền vào các mẫu đơn, đi xin các thứ giấy chứng nhận, thị thực giấy tờ v.v… Cứ như vậy, họ dành sáu giờ mỗi ngày cho việc này, kể cả những giờ đi xe buýt vào thành phố; và xí nghiệp chỉ được chính thức ra đời sau 289 ngày! Chi phí giấy tờ tất cả bằng 1,231 mỹ kim, bằng 31 lần lương tháng của một công nhân lãnh lương tối thiểu.

Ông Soto cũng kể muốn xây một ngôi nhà trên mảnh đất của nhà nước bỏ trống thì phải mất 6 năm 11 tháng, đi qua 52 cơ quan chính phủ, làm đủ 207 thủ tục! Muốn được lái xe taxi hay xe buýt trên một lộ trình nào đó thì phải mất 26 tháng đi qua các thủ tục! Với một hệ thống hành chánh như vậy, ai có thể trở thành nhà tư bản, ai có thể dùng vốn để sản xuất, kiếm lời, nếu khôngphảilà một thiểu số ưu đãi? Trong khi đó thì ở các nước nghèo đến đâu chúng ta cũng thấy một đạo quân những người buôn thúng bán mẹt quyết tâm cải thiện đời sống cuả họ. Họ là những nhà kinh doanh tương lai nếu có cơ hội làm ăn. Nhưng với thủ tục, luật lệ chằng chéo thì họ không có đường nào khác, đành chọn “vỉa hè là của nhân dân anh hùng!” Ông de Soto kể thêm tình trạng ở các nước khác, từ Ai Cập đến Haiti, Phi Luật Tân v.v…Muốn biết một nước có giải phóng được các lực lượng sản xuất hay không, hãy thử đo để biết một người muốn mở cửa hàng, muốn lập xí nghiệp thì phải mất bao nhiêu thời gian, đi qua bao nhiêu cửa.

Trong khi đó, những nhà cách mạng Cộng sản ở Canada vẫn có quyền viết khẩu hiệu Viva La Révolution Communiste! Viva La Revolution! Thanh niên bao giờ cũng có quyền mơ mộng. Khi trưởng thành thì sẽ thấy rằng việc phá đổ một trật tự xã hội dễ hơn, việc xây dựng lại xã hội đã đổ vỡ khó hơn.

Công nhận sự đóng góp của giới tư sản vào kinh tế quốc gia là một bước tiến bộ. Nhưng nếu không thiết lập hệ thống pháp lý thích ứng, xã hội sẽ đi vào con đường mà Karl Marx mô tả: Một thiểu số tư bản làm chủ các phương tiện sản xuất, họ làm chủ cả hệ thống pháp luật và họ có đặc quyền vượt qua những thủ tục. Trong khi đó, nhân dân anh hùng sẽ tiếp tục đứng ngoài hệ thống, chờ ngày làm cách mạng giải phóng các lực lượng sản xuất vậy!

Ngô Nhân Dụng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Giá tính thuế tài nguyên

Tít bài báo trên nên đổi lại: “UBND tỉnh tăng giá tính thuế tài nguyên, doanh nghiệp xin trả lại mỏ cát.”

Doanh nghiệp đấu giá mỏ cát năm 2023, lúc mà giá tính thuế là 150 ngàn đồng/khối. Cuối 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng giá tính thuế lên 230 ngàn đồng/khối. Doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm 13,9 tỷ đồng nếu tiếp tục khai thác. Họ đã quyết định xin trả lại mỏ.

Ra mắt Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở hôm 1/7/2024 - Bộ máy phình to, chi phí ngân sách nhà nước tăng mạnh. Ảnh: FB Kim Van Chinh

Bộ máy phình to và chi phí ngân sách nhà nước tăng mạnh

Bộ máy ăn lương ngân sách nhà nước ở cấp xã, thôn phình to có nguy cơ tăng chi NSNN là tất yếu.

Gần đây ngành công an lại triển khai cán bộ công an chuyên trách xuống các xã. Tổng cộng có gần 10.000 xã, mỗi xã có 3 cán bộ công an thành ra tăng 30.000 biên chế công an ăn lương.

Chưa hết, mới đây nhất (1/7/2024), các địa phương (theo chỉ đạo chung) chính thức ra mắt Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở (thường gọi là dân phòng). Theo con số chưa chính thức… cả nước sẽ có khoảng 300.000 dân phòng chính thức được ăn phụ cấp.

Một căn cứ cưỡng bức lao động lừa đảo qua mạng tại Cambodia năm 2022. Ảnh: Reuters

Đường dây lừa đảo trực tuyến liên quan Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có số người dùng mạng xã hội thuộc hàng đầu trên thế giới và đang dần trở thành một trung tâm lớn về tin giả và lừa đảo tuyển dụng qua không gian mạng.

Đây là nội dung được nêu ra trong buổi hội thảo trực tuyến về nội dung “Lừa đảo qua mạng và buôn người ở Campuchia và Việt Nam,” do Viện Hòa Bình (USIP), có trụ sở tại Hoa Kỳ, tổ chức hôm 2/7/2024.

Ảnh: FB Manh Dang

Hướng đến mối an toàn của sư Minh Tuệ và sự tự do thực hành tôn giáo của ông

Điều quan tâm lớn nhất lúc này nên là sự hướng đến mối an toàn của sư Minh Tuệ, và tiếp theo là sự tự do thực hành tôn giáo của ông. Việc “tìm kiếm” sư Minh Tuệ, tốt nhất cũng nên dừng lại ở đó, chứ không phải là để đi theo, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và con đường thanh tu của sư.

Cái chúng ta cần biết là sư vẫn an toàn và được tự do đi khất thực trong bình an…