Hạn chế xe gắn máy hai bánh ở đô thị vẫn là nan đề

VOA

5 thành phố trực thuộc trung ương được yêu cầu nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy. Ảnh chụp màn hình Youtube VOA

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 48 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn năm 2022 đến năm 2025. Theo đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương được yêu cầu nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy.

Ông Văn Linh, nhân viên hãng Shopee nêu ý kiến về chuyện hạn chế xe máy hai bánh này.

“Nếu mà việc hạn chế xe máy thì phải có một kiểu phải có một phương tiện gì đó kiểu lấp vào giống như là xe điện hay là những xe mà không xài xăng gì đó thì em thấy là nó sẽ hợp lý hơn là nếu mà cấm không. Hoặc là phải có nhiều phương tiện công cộng như xe buýt gì đó cho mọi người.

(Video:  Youtube VOA)

Hạn chế xe máy thì chắc em cũng không biết nữa, chắc phải đi bằng mấy phương tiện công cộng hoặc là đi nhờ gì đó, chứ em cũng chỉ có xe máy thôi. Là kiểu cần câu cơm của em nên nên kiểu giờ mà kiểu cấm xe máy thì em thấy cái chắc phải đổi sang một công việc khác hoặc là gì đó không sử dụng tới xe máy. Chứ nếu mà vậy thì cũng không có xài xe máy được nhiều.”

Với cư dân ở các đô thị thì xe gắn máy hai bánh không chỉ để đi lại, mà còn là phương tiện của mưu sinh.

Ông Phạm Đăng Lễ, một lao động tự do đặt hàng loạt câu hỏi quanh chuyện hạn chế này.

“Sống ở thành phố mà không có xe như cùi chân, đâu làm ăn được gì hết. Muốn đi đâu đó thì đi đâu, đi bộ hả? đi xe đạp? đi xe đạp đâu chở được. Còn đi xe buýt, ví dụ đợi chờ mệt nữa, đủ có đúng tới nơi tới chốn đâu. Đi, nhiều khi cái tuyến đường này đó phải đi mấy chặng xe rồi hơn nữa không có thời gian nữa, nhiều khi người ta cần cấp người ta phải đi. Xe máy là phương tiện là quan trọng nhất thôi, của người dân thôi.”

Phương tiện xe gắn máy hai bánh còn thuận tiện ở chỗ là dễ dàng cho việc đi lại mọi lúc mọi nơi trên đường phố.

Ông Văn Linh cho rằng với cư dân đô thị thì xe gắn máy gần như là một hàng hóa thiết yếu.

“Phải gặp nhiều vấn đề lắm chứ tại vì người dân hiện tại của Việt Nam thường là em thấy ai kiểu nhà nhà cũng đều có xe máy, chứ kiểu ô-tô thì chỉ có những người họ có tiền nhiều họ mới có được thôi.”

Cư dân đô thị như Sài Gòn hầu hết có ý thức về luật lệ giao thông, nên với thực tế là hệ thống xe công cộng nói chung còn hạn chế, hơn nữa đặc điểm đô thị thường có nhiều hẻm hóc, đường sá nhiều nơi còn nhỏ hẹp nên người dân tiếp tục chọn xe gắn máy hai bánh là điều dễ hiểu.

Ông Văn Linh diễn giải tiếp về điều đó.

“Em nghĩ là nó vẫn chưa đáp ứng được, tại vì mấy cái phương tiện đó kiểu vẫn chưa có phổ biến với người dân nhiều đó, kiểu xe điện hoặc là xe buýt điện hiện tại giờ nó cũng ra nhiều nhưng mà nó kiểu cũng người dân người ta cũng chưa có mua và sử dụng được nhiều đó, cũng có nhiều người mua nhưng mà cũng có người giờ vẫn còn chạy xe máy.”

Xe gắn máy chạy điện rất hiếm hoi trên đường phố. Chuyện ô nhiễm khói xe là thực tế ghi nhận và có thể giảm thiểu.

Theo ông Phạm Đăng Lễ thì chỉ cần bảo dưỡng xe máy cho tử tế.

“Nói chung là ô nhiễm môi trường là ăn thua mình chạy cẩn thận, thay nhớt đồ đổ đủ đàng hoàng thôi, đừng có để xe mà xịt khói gây ra ô nhiễm thôi. Đó, máy móc mình chạy có trục trặc mình thay sửa đàng hoàng cho đỡ. Nhớt nhao hay gì đầy đủ là nó không ra khói. Chứ mình hạn chế người dân đi qua lại, đó là phương tiện làm ăn nhất. Ba cái xe cũ đó thì dẹp đúng rồi. Còn xe bình thường, người ta đi bình thường đâu có gì. Đúng không, xe cũ người ta phải tu sửa đàng hoàng, đi đàng hoàng, đó đừng để xe cũ quá tải mà đi thôi nó ô nhiễm, đó là đúng.”

Với thực tế xe gắn máy như vậy trong bối cảnh như tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên của Sài Gòn chưa biết bao giờ có thể đưa vào khai thác, cho thấy trong hoạch định chính sách về hạn chế xe gắn máy hai bánh sẽ tiếp tục còn nhiều ý kiến trái chiều.

Nguồn: VOA