Hôm nay 7/10, nhà cai trị cho thu phí trở lại ở BOT trấn lột Cai Lậy, sau 5 năm phải ngừng thu do bị dân phản đối.
Năm năm qua, họ (chính phủ, Bộ Giao thông, chính quyền địa phương, nhà tư bản đỏ) dùng đủ mọi mưu mẹo, khi dọa dẫm, lúc lý sự cùn, nhưng không đạt được mục đích bảo kê cho bọn bóc lột. Chính ông Nguyễn Xuân Phúc thời đó làm thủ tướng cũng cố lờ vụ này đi, có lẽ do nhận thấy nó quá phi lý, vô lý, sau đó đá trái banh sang người kế nhiệm là ông Phạm Minh Chính.
Ông Phúc không ra tay dẹp BOT Cai Lậy, đó là sự yếu kém của ông ấy, nhưng dẫu sao việc không cho nó hoạt động trấn lột cũng là điều đáng ghi nhận. Nay ông Chính đã không học được bài của ông Phúc, không phát huy được sự “khôn khéo” đó, lại cho phép bọn dưới làm càn, quả thực rất đáng chê trách. Người ta cười ông một thì cười cái chính phủ của ông, do ông đứng đầu mười.
Không nhiều lời, tôi chỉ vấn ông Chính vài ba câu:
– Đường tránh thị xã Tân An (giờ là thành phố Tân An) ở tỉnh Long An được đưa vào sử dụng gần 2 chục năm nay, rất hiệu quả nhưng hoàn toàn không thu phí. Không chỉ con đường mới mở này, ngay cả quốc lộ 1 xuyên qua thành phố Tân An cũng được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng để dân thuận tiện đi lại, cũng không hề thu phí. Dự án đường tránh thị xã Cai Lậy và việc sửa chữa nâng cấp quốc lộ 1 ở Cai Lậy cũng cùng tính chất, không khác gì Tân An, sao lại thu phí, lại móc túi dân? Hay là chế độ Long An khác chế độ Tiền Giang? Chả nhẽ một nước nhiều chế độ?
– Bọn “nhà đầu tư” ở Cai Lậy than thở do bị ngưng thu phí trấn lột tại BOT Cai Lậy nên phải gánh khoản nợ ngân hàng hơn 500 tỉ đồng, rồi đòi tính gộp vào chi phí đầu tư để ra mức thu phí và thời gian thu phí, nghĩa là đòi móc túi dân, bắt dân phải gánh phần thiệt hại do chính các ông và chúng nó gây ra. Nó nói thế mà các ông cũng nghe được, trong khi các ông suốt ngày ra rả nói về kinh tế thị trường?
– Chính phủ trung ương khác chính quyền địa phương là ở tầm nhìn, sự sáng suốt, thái độ dứt khoát. Nếu không được như thế, nên đi chỗ khác chơi. Tôi lấy cái ví dụ sờ sờ trước mắt bàn dân thiên hạ: Ai cũng biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện rất chật chội, cơ sở vật chất, hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn. Nhưng nó (sân bay) vốn không phải chật hẹp như thế, mà đã từng rất rộng, bị chính nhà nước cắt đất chia năm xẻ bảy.
Thủ tướng Chính cho tôi hỏi: Cái sân gôn mà các ông gọi là đất quốc phòng có còn dùng vào mục đích quốc phòng không? Gôn quốc phòng cần, hay là nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội cần? Nếu các vị bảo rằng đất quốc phòng nhạy cảm lắm, không thể nói huỵch toẹt ra được, vậy tôi xin hỏi, để một căn cứ quân sự nằm lọt thỏm vào khu dân sinh như vậy có nên không? Nếu xảy ra chiến tranh, đối phương cứ nện bom đạn vào “đất quốc phòng,” tránh sao khỏi tình trạng bom rơi đạn lạc đổ lên đầu dân. Nhìn cái ảnh kia (ảnh kèm) thấy ngay sự vô lý, nhưng chính phủ và thủ tướng dường như rất cố chấp để bảo vệ cái sai, hoặc là không thấy gì.
Có những điều những việc, giải quyết rất dễ, chỉ cần căn vào sự hợp lý chứ chưa cần phải căn vào lòng dân. Chỉ có điều, có chịu làm, thực tâm làm không thôi.
Tôi kể cho ông nghe chuyện này. Án Anh là vị tướng quốc thời Chiến quốc bên Tàu. Khi vua hỏi ông ta làm thế nào cho nước mạnh dân giàu, ông ta bảo trước hết phải giảm bớt sự hà khắc, sau nữa là xóa bớt thuế khóa. Cuộc sống dễ thở, dân bớt bị bóc lột, thì họ mới tin tưởng triều đình, mới làm cho nước mạnh được. Vua nghe lời khuyên của Án Anh, chỉ thời gian sau nước trở thành bá chủ chư hầu.
Tôi kể lại, còn ông có lắng nghe hay không thì tùy. Cứ một là, hai là, lý luận mãi, nói chẳng ai nghe ai phục đâu. Xắn tay vào mà giải quyết cái BOT trấn lột Cai Lậy đi, đừng để cái sẩy nẩy cái ung, ông ạ. Tôi còn hơi quy quý ông thì mới vấn, chứ kẻ khác thì tôi kệ.
Nguyễn Thông
Nguồn: FB Nguyễn Thông