Hồ Cẩm Đào Đã Nắm Trọn Ba Quyền: Đảng – Nhà Nước – Quân Đội Trung Quốc

Hồ Cẩm Đào (61 tuổi), Tổng Bí Thư Đảng – Chủ Tịch Nước – Chủ tịch Quân ủy Trung Ương.

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa triệu tập Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 16 kéo dài từ ngày 16 đến 19 tháng 9 vừa qua tại Bắc Kinh. Chủ đề được đưa ra thảo luận trong hội nghị lần này là “Diệt tham nhũng và hiệu năng hóa bộ máy chính quyền”. Trước đó hai tháng, Bắc Kinh đã tung ra chiến dịch “tăng cường khả năng lãnh đạo cán bộ các cấp chính quyền” với sự phê phán gay gắt về tình trạng yếu kém năng lực làm việc và lãnh đạo của các cấp trong chính quyền mà nguyên nhân chính là nạn tham nhũng đã hoành hành quá mức. Để ngăn chận tình trạng nói trên, Bắc Kinh đã một mặt chỉ thị cho các cấp đảng ủy phải mở các cuộc giải thích trong dân chúng về cái gọi là ’sự lãnh đạo chính thống của đảng cộng sản’ để lấy lại niềm tin trong dân; đồng thời vạch ra một số những hướng cải tổ bộ máy đảng và nhà nước liên quan đến việc thu nhận nhân viên qua thi cử, kiểm tra một cách bình đẳng đối với mọi người. Khẩu hiệu mà Bắc Kinh tung ra trong đợt cải tổ này là “xây dựng nền chính trị phục vụ dân”. Rõ ràng là ông Hồ Cẩm Đào đã có những chuyển hướng khá rõ trong việc tạo dựng hình ảnh đảng Cộng sản Trung Quốc từ “đại diện” giai cấp vô sản biến thành “phục vụ” đại chúng, như đại hội đảng kỳ thứ 16 vào tháng 11 năm 2002 đã quyết định.

Trong suốt các ngày hội nghị, lãnh đạo Trung Quốc đã tập trung thảo luận về các biện pháp chống tham nhũng và họ đã coi việc tăng cường năng lực chính quyền là nhiệm vụ trọng yếu trong thời gian trước mặt. Theo báo cáo thì trong năm vừa qua, Trung Quốc đã khởi tố 26 ngàn cán bộ tham nhũng, trong số này có đến gần 3 ngàn cán bộ giữ những trọng trách cao ở cấp trung ương. Ngoài ra, để hữu hiệu hóa bộ máy chính quyền, lãnh đạo Bắc kinh đã đưa ra 6 quy định để hướng dẫn về tuyển dụng và quản lý các quan chức trong đảng và chính phủ. Nhằm chọn ra những cán bộ trẻ và tài năng hơn. Những quy định này đã nới lỏng các hạn chế trước đây về thâm niên và kinh nghiệm làm việc. Nhằm tránh sự cạnh tranh không bình đẳng và nạn tham nhũng, các cán bộ đảng và chính phủ bị cấm không được tham gia vào bất cứ các hình thức kinh doanh nào trong khu vực mà họ làm việc trước đó, trong vòng ba năm kể từ ngày họ thôi việc.

Ngoài ra, vào ngày cuối của hội nghị, 19 tháng 9, toàn thể Trung ương đảng đã thông qua việc bổ nhiệm ông Hồ Cẩm Đào (61 tuổi), Tổng bí thư đảng (năm 2002), Chủ tịch nước (năm 2003), lên làm Chủ tịch Quân ủy trung ương, thay ông Giang Trạch Dân, 78 tuổi đã từ chức cùng ngày. Ông Giang Trạch Dân giữ chức chủ tịch Quân ủy từ tháng 11 năm 1989, khi ông Đặng Tiểu Bình xin về hưu sau khi dẹp xong phong trào dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989. Sự kiện ông Giang Trạch Dân rút lui vai trò Chủ tịch Quân ủy cho thấy là thế hệ lãnh đạo thứ ba của Trung Quốc (Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Chu Dung Cơ) đã hoàn toàn rút vào bóng tối và nhường sân khấu chính trị cho thế hệ lãnh đạo thứ tư (Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Ngọc, Ngô bang Quốc) để biến cải Trung Quốc thành một cường quốc công nghiệp vào năm 2015, như họ đã đưa thành mục tiêu phải đạt cho được trong đại hội đảng kỳ thứ 16 vào tháng 11 năm 2002.

Sau hội nghị ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới chữ ký của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Bắc Kinh đã cho phổ biến một tài liệu chống tham nhũng và cải tổ nội bộ. Tài liệu này đã cảnh cáo nghiêm khắc các đảng viên, rằng tham nhũng và bất tài có thể khiến họ bị sa thải khỏi đảng, đồng thời thú nhận rằng, nếu không giải quyết tham nhũng, quyền lực chính trị của đảng sẽ bị đe dọa. Tài liệu còn cảnh báo rằng chuyện sống còn của đảng tùy thuộc vào chuyện đảng có cải thiện được tính cách lãnh đạo hay không. Tài liệu đổ lỗi cho các đảng viên thiếu tính năng động và nội lực, nạn tham nhũng là một vấn nạn lớn.