(24h) – Bộ Y tế Malaysia vừa cấm 16 nhãn hiệu trái cây sấy khô nhập từ Trung Quốc Đại lục, đảo Đài Loan và một số nước châu Á khác do có dư lượng chì vượt mức cho phép tới 15 lần. Các chuyên gia cảnh báo nếu ăn các sản phẩm này có thể gây tổn thương gan, thận, não và dẫn tới tử vong.
Tỷ lệ mắc bệnh ở não do nhiễm độc chì ở trẻ em là 50%; tỷ lệ di chứng thần kinh là 30%. Có những trẻ không có triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc chì nhưng sau đó vẫn bị di chứng thần kinh.
Sấy khô, lượng chì càng cao
Việc kiểm tra trái cây sấy khô được Bộ Y tế Malaysia tiến hành sau khi Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo người tiêu dùng về trái cây sấy khô có dư lượng chì vượt mức cho phép.
Kết quả, trái cây sấy khô, trong đó, có nho và mận khô chứa hàm lượng chì từ 0,11 – 30,3mg chì mỗi kg.
Bộ Y tế Malaysia đã đặt các sản phẩm này ở mức cảnh báo 5 (mức cảnh báo cao nhất là 6). Thậm chí, nếu bị buộc tội theo mục 13 luật thực phẩm của Malaysia khi bán các sản phẩm này có thể bị phạt 100.000 ringit (29.000USD) hoặc phạt 10 năm tù hoặc cả hai.
TS Nguyễn Duy Lâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm (Viện Cơ địa nông nghiệp và Sau thu hoạch) khẳng định, sản phẩm khô có hàm lượng chì cao là do quả tươi bị nhiễm chì. Khả năng trong quá trình sản xuất trước thu hoạch, các loại quả này đã được trồng ở những nơi không đảm bảo, có nguồn đất, nguồn nước… bị nhiễm độc chì.
Hoặc cũng có thể, quả bị ô nhiễm do bón phân, phun thuốc, tưới nước. Khi sấy khô, hàm lượng nước bị mất đi, nhưng lượng chì không mất lại được cô đặc khiến cho hàm lượng chì trong quả khô càng cao. Trong thực phẩm, hàm lượng chì được cho phép là 2mg/kg, vượt quá ngưỡng này là không đảm bảo cho sức khoẻ và bị cấm sử dụng.
Do đó đối với bất kỳ loại thực phẩm nào, có hàm lượng chì quá ngưỡng đều bị cấm sử dụng.
Ngộ độc chì dễ tử vong
TS Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chì là chất độc, khó thải loại. Vào cơ thể, chì theo máu và gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ…
Các triệu chứng của nhiễm độc chì là ăn không ngon, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn, bị “chuột rút”… Về lâu dài, nhiễm độc chì sẽ gây ra các bệnh về thận, tổn hại cho não và gây ra bệnh thiếu máu.
Ngộ độc chì thường xuất hiện âm thầm, khó phát hiện được. Ngộ độc cấp tính thường xuất hiện khi một lượng lớn chì được đưa vào cơ thể (nồng độ chì trong máu 4mcrg/100ml hoặc lượng chì trong nước tiểu trên 50mcrg/lít/24 giờ).
Khi đó, người bệnh thấy buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, tiêu phân xám đen, đau bụng từng cơn, có khi đau dữ đội, tê buốt, đau mỏi các bắp thịt, đi lại khó, có thể có cơn tam máu cấp, gây tiểu huyết sắc tố.
Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Khi nhiễm độc các mạch máu về thận bị co thắt, lưu lượng máu đến thận ít, gây suy thận cấp.
Đối với trẻ em, khi ăn phải các sản phẩm bị nhiễm độc chì các em trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, lên cơn kinh phong.
Trường hợp mạn tính, các em có dấu hiệu hay gây gổ, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn… nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong.
Mực khô “ngậm” kim loại có trong quặng kẽm
Điều tra của Hiệp hội người tiêu dùng bang Penang (Malaysia) cũng phát hiện mực khô chứa một hàm lượng độc tố cadmi khá cao.
Cadmi là một kim loại chuyển tiếp, có tính độc, tồn tại trong các quặng kẽm. Nguyên tố này và dung dịch các hợp chất của nó là những chất cực độc thậm chí chỉ với nồng độ thấp. Cadmi có thể tích lũy sinh học trong các hệ sinh thái và khi được hấp thụ vào cơ thể người, chúng có thể gây ngộ độc, hoặc tích tụ lại gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và đặc biệt là nguy cơ ung thư.
Theo PGS.TS Phạm Quốc Long, Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện KH&CN Việt Nam), các hóa chất này có thể “ngấm” vào cơ thể sinh vật do tác động từ môi trường sống hoặc các nguồn thức ăn.
Những mẫu mực được kiểm tra có nhiễm hàm lượng cadmi cao, vượt quá mức cho phép đó là do những con mực này đã hấp thụ cadmi qua nguồn thức ăn là các động vật phù du, hay các loại tảo độc, hoặc do sống trong môi trường có trầm tích.
Lời khuyên chuyên gia
Tuyệt đối không nên ăn các sản phẩm có hàm lượng chì vượt quá ngưỡng quy định. Để tránh lượng chì đưa vào cơ thể, thường xuyên rửa tay trước khi ăn và trước khi đi ngủ, đặc biệt là với trẻ em chơi dưới đất…
Người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm nghiệm và có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh nguy cơ nhiễm độc hay ung thư do hấp thụ hàm lượng lớn hóa chất độc hại vào cơ thể.
— –
Các sản phẩm bị Malaisia cấm
Nho khô nhãn hiệu The Original Chinese Candy, mận khô Saladitos của Almax International của Mỹ, Saladitos 6 Count của Bolner’s Fiesta Products, mận muối Saladitos của Casa De Dulce và một số nhãn hiệu khác như Kam Tai Hong, Sanh Yuan, Tang Hoi Moon, Wan Tom Food.
Khảo sát một số nơi chuyên kinh doanh buôn bán các sản phẩm loại này như chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Điếu…và một số các shop bán bánh kẹo, siêu thị trên địa bàn Hà Nội không phát hiện được các nhãn hàng như Bộ Y tế Malaisia thông báo.
Nguồn: 24h