Hoa Thịnh Đốn Tưởng Niệm Hải Chiến Hoàng Sa

Tưởng niệm năm thứ 34 (19/1/1974 – 19/1/2008) trận hải chiến Hoàng Sa, 200 đồng hương Việt Nam tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận chiến này.

Đồng thời, ban tổ chức lễ tưởng niệm đã mở một cuộc thảo luận ngay tại khách sạn về những tham vọng gần đây của Trung Quốc đối với Biển Đông và thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam trước việc lãnh thổ và lãnh hải bị xâm lấn. Chương trình lễ tế trang nghiêm và xúc động với đủ các nghi thức tôn giáo đại diện cho 58 linh hồn tử sĩ đã bỏ mình trong cuộc hải chiến với hải quân Trung Quốc.

Sau các nghi thức quân kỳ và lễ bái, cựu đề đốc hải quân Đinh Mạnh Hùng đã lên nhắc lại một số tư liệu về chiến sự Hoàng Sa và thân thế những chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa tử trận. Ký giả Phạm Trần trong phần nói nói chuyện đã tự giới thiệu với quan khách rằng ông đã dành rất nhiều thì giờ để có nghiên cứu sâu rộng về vấn đề biên giới Việt Trung và cả khối Hoa Kiều định cư tại miền Bắc.

Ông quả quyết rằng sự phân chia biên giới đã đem lại cho Việt Nam một sự mất mát lớn. Luật sư Trịnh Quốc Thiên, tác giả cuốn sách “Những Biến Cố Mất Lãnh Thổ Lãnh Hải Việt Nam…” cũng cho rằng vấn đề thiệt thòi về thác Bản Giốc và Ải Nam Quan có thể là do hạn chế về chuyên môn của các nhà đàm phán Việt Nam. Một chuyên viên đàm phán có trách nhiệm không thể để mất hẳn một ngọn thác quá đồ sộ lớn hàng bậc nhất của châu Á mà vốn đã có ký ức lịch sử bằng hình ảnh. Họ không thể biện hộ cho đó là vấn đề tỉ lệ bản đồ và hạn chế về thực địa.”

Ông Lý Văn Phước, chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn cũng có nhận định rằng không những về Hoàng Sa và Trường Sa, cho đến hôm nay, nhà cầm quyền Việt Nam cũng úp úp mở mởi không rõ ràng về quy mô của cái thác này. “Có lẽ không lâu sau họ sẽ nói là thác Đức Thiên (theo tên gọi của Trung Quốc) và thác Bản Giốc là hai cái to nhỏ khác nhau.” Ông Phước nói.

Phần thảo luận kết thúc, rồi như chương trình đã định một số tham dự viên lên xe bus và hướng về hai tòa đại sứ Trung Quốc và cả Việt Nam để biểu tình. Cuộc biểu tình bắt đầu từ tòa đại sứ Trung Quốc với những tiếng hô đả đảo tố cáo Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Những vị nữ biểu tình viên còn mặc nguyên áo dài lễ phục từ buổi lễ tưởng niệm đứng cầm khẩu hiệu giữa trời giá lạnh. Những cụ già và cả những em bé đều ở trong bầu không khí phẫn nộ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc….

Sau đó mọi người chuyển về tòa đại sứ CSVN cách đó khoảng hai dặm, tiếp tục biểu tình với những khẩu hiệu được hô vang tố cáo nhà cầm quyền CSVN át cả tiếng xe cộ trên đường. Một cuộc biểu tình vất vả trong giá rét nhưng tràn đầy nhiệt huyết và phẫn nộ khi hay tin từ trong nước cuộc biểu tình và tưởng niệm vừa nhen nhúm đã bị khống chế. “Mất Hoàng Sa cũng giống như người thân chết mà cũng cấm không được khóc,” một cụ bà phát biểu. (Trần Đông Đức)