Kỳ I: Tại sao đấu tranh bất bạo động cần thiết cho dân chủ hóa VN?

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Diễn Đàn Pal Talk: “Tìm Hiểu và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động”

Ngày 20/11/2010 lúc 12 giờ trưa giờ Việt Nam; 4 giờ chiều giờ Sydney, Úc Châu; 6 giờ sáng giờ Paris, Âu Châu; và 9 giờ tối giờ California ngày 19 tháng 11 năm 2010

Xin bấm vào đây để lấy tập tin âm thanh buổi trao đổi của Kỳ 1: http://www.viettan.org/audio/101119-paltalk-1.mp3

Bài 1: Đấu Tranh Bất Bạo Động Là Gì? Tại Sao Đấu Tranh Bất Bạo Động Cần Thiết Cho Công Cuộc Dân Chủ Hóa Việt Nam Hiện Nay?

Diễn Giả:
Ông Lý Thái Hùng (Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân)
Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Ủy viên Trung Ương Đảng Việt Tân)

Kính chào toàn thể quý vị,

Trong bài trình bày mở đầu cho “Diễn Đàn Tìm Hiểu và Thảo Luận về Đấu Tranh Bất Bạo Động” ngày hôm nay, chúng tôi xin chia làm hai phần.

Phần một, đề cập những nét tổng quát về đấu tranh bất bạo động để chúng ta có cùng một cái nhìn giống nhau về phương pháp đấu tranh này trước khi đi sâu vào những đặc tính và các nguyên tắc căn bản. Phần này do tôi (Lý Thái Hùng) trình bày.

Phần 2, đề cập về lý do tại sao phương thức đấu tranh bất bạo động rất cần thiết cho công cuộc đấu tranh hiện nay tại Việt Nam để chấm dứt ách độc tài cộng sản giành lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Phần này sẽ do Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo trình bày.

Kính thưa quý vị,

Trước hết, đấu tranh bất bạo động là một phương pháp đấu tranh bằng mọi phương tiện — ngoại trừ súng ống và những hành động mang tính giết người, bạo loạn — để đạt một mục tiêu nào đó. Nó không phải là một chủ thuyết chính trị như chủ nghĩa Mác Lê-nin mà cũng không phải là một chủ thuyết kinh tế.

Ngoài ra, đấu tranh bất bạo động không phải là phương pháp dựa trên những lý thuyết hay suy nghiệm của một cá nhân mà là một tổng hợp kinh nghiệm đấu tranh của nhiều dân tộc ở các nơi, qua nhiều thời kỳ. Do đó, việc sử dụng phương pháp đấu tranh này tuỳ thuộc vào những người áp dụng nó. Có nơi dùng để đấu tranh giành độc lập. Có nơi dùng để xóa bỏ kỳ thị chủng tộc. Có nơi dùng để đòi hỏi chính quyền tôn trọng các quyền tự do dân chủ.

Ngày nay, khi nói đến đấu tranh bất bạo động người ta thường liên tưởng đến những cuộc đấu tranh như cuộc chiến giành độc lập cho Ấn Độ do Thánh Gandhi lãnh đạo vào thập niên 40 của thế kỷ 20. Cuộc đấu tranh dân quyền tại Hoa Kỳ do Mục sư Martin Luther King lãnh đạo vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Phong trào dân chủ tại Ba Lan do ông Lech Walesa lãnh đạo vào thập niên 80 của thế kỷ 20. v.v…

Từ sau khi Phong trào dân chủ tại Ba Lan thành công đưa đến sự tan rã hàng loạt các chế độ độc tài cộng sản tại Đông Âu và tại Liên Bang Xô Viết vào thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, những cuộc Cách mạng Màu bùng nổ đưa đến sự tan rã hàng loạt các chế độ tài tại Cộng Hòa Serb (2000), Cộng hòa Georgia (2003), Cộng Hòa Ukraine (2004) và Cộng Hòa Kyrzystan (2005) vào đầu thế kỷ 21, cho người ta thấy rằng sức phản kháng đông đảo của quần chúng, không bằng vũ lực mà bằng những thái độ bất hợp tác và bất tuân phục một cách tiệm tiến, sẽ đẩy chế độ độc tài đến lằn ranh sụp đổ. Nghĩa là thay vì dùng súng đạn, dao búa – vô tình tạo lý cớ cho kẻ độc tài đàn áp, người dân sẽ dùng các hình thức biểu tình, đình công, lãng công, bãi thị, cầu nguyện tập thể, vận động chữ ký, tẩy chay,… để tạo áp lực và nhất là gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho chính chế độ độc tài trong cách đối phó.

Khi số đông quần chúng quyết tâm đối đầu công khai ôn hòa để chấm dứt ách độc tài và sẵn sàng chịu đựng những cảnh đàn áp trong thời kỳ đầu, thì trong lâu dài, sức mạnh của chính quyền – kể cả bộ máy bạo lực bảo vệ nó – không thể nào tiếp tục duy trì guồng máy độc tài mà lòng dân đang chán ghét, ngay cả khi nó được sự trợ giúp hay bảo hộ của ngoại bang. Từ đó người ta đã kết luận rằng: không ai đẩy nổi một dân tộc phản kháng lùi trở lại tình trạng vâng lời và tuân phục vĩnh viễn một chế độc tài, khi số đông bắt đầu bày tỏ thái độ phản kháng. Vậy mục tiêu của đấu tranh bất bạo động là?

Thứ nhất, từng bước làm soi mòn quyền lực thống trị của chế độc tài và gia tăng quyền lực về phía quần chúng.

Thứ hai, xây dựng một xã hội dân sự để ngăn chận sự trở lại của bất cứ chế độ độc tài nào sau đó.

Tóm lại: Mục tiêu của đấu tranh bất bạo động là nhằm xóa bỏ độc tài và thiết lập dân chủ bền vững bằng cách từng bước chuyển cán cân quyền lực từ tay chế độ sang tay dân chúng.

Ví dụ: phê phán những chính sách đàn áp tôn giáo hay chống đối những đạo luật ngăn cấm các hoạt động truyền giáo là chưa đủ, mà còn phải tiến đến những nỗ lực đòi hỏi các chế độ độc tài phải tôn trọng quyền tự do hoạt động độc lập của các tôn giáo. Nói cách khác là bên cạnh việc đấu tranh chống lại các chính sách khống chế, kiểm soát tôn giáo; phải đòi chế độ độc tài từ chỗ ngưng can thiệp vào sự điều hành nội bộ của các Giáo hội tiến đến chỗ các Giáo hội không còn nằm trong sự chi phối của ban tôn giáo chính phủ trung ương.

Ví dụ nữa là ký tên vào kiến nghị để yêu cầu quốc hội ra Nghị Quyết đòi chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngưng khai thác Bauxite tại Tây Nguyên là chưa đủ, mà còn phải vận động quốc hội ra quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc khai thác Bauxite Tây Nguyên hầu xác định nguyện vọng của dân chúng về vấn đề này. Lý do Quốc hội chỉ là một cơ chế nắm dưới sự quyết định tối cao của đảng, do đó đề nghị quốc hội làm công việc yêu cầu chính phủ ngưng rất khó; nhưng ra Nghị Quyết tổ chức trưng cầu dân ý sẽ là cơ hội xác định vị trí quyền lực về tay quần chúng.

Từ những định nghĩa nói trên, đấu tranh bất bạo động là cuộc đấu tranh của người dân, do người dân và vì người dân.

– Của người dân là vì những phương thức như biểu tình, đình công, cầu nguyện tập thể, tẩy chay… là vũ khí đấu tranh căn bản, do chính người dân xử dụng để bày tỏ thái độ bất phục tùng, bất hợp tác của họ đối với những hành xử vô lối của một chế độ độc tài.

– Do người dân là vì những nỗ lực tranh đấu không thể do những áp đặt từ một cá nhân hay một nhóm người nào mà phải xuất phát từ những ước muốn thay đổi, những khát vọng được sống một cuộc đời tự do, dân chủ trong xã hội công bằng và công lý của chính mỗi người dân, gom lại thành một sức mạnh tổng hợp.

– Vì người dân là bởi những nỗ lực tranh đấu không nhằm phục hồi một chế độ hay một chính thể nào mà là để chính người dân bằng lá phiếu của mình, chọn lựa một thể chế mới, một chính quyển mới nhằm xây dựng một trật tự mới, phục vụ hiệu quả cho những nguyện vọng của chính người dân.

Khi cuộc đấu tranh dựa trên ý chí của người dân, tất nhiên đây là cuộc chiến đấu có chính nghĩa. Nhờ có chính nghĩa nên mới huy động được nhiều người tham gia, tạo thành một cuộc đối kháng của số đông. Vì thế, yếu tố đầu tiên và then chốt nhất của phương thức đối đầu bất bạo động bắt buộc phải có sự tham dự của số đông. Số đông là sức mạnh then chốt không những cần thiết trong giai đoạn làm tê liệt khả năng trấn áp của guồng máy độc tài mà còn rất quan trọng trong giai đoạn bảo vệ những thành qủa mà quần chúng đã đạt được để không rơi vào tay một nhóm độc tài nào khác.

Đương nhiên, khởi đầu của mọi cuộc đối kháng đều do một thiểu số can đảm xướng xuất; nhưng sau đó, nếu không thu hút sự đồng lòng ủng hộ của nhiều người và không lôi cuốn được sự hăng hái tham gia của số đông thì cuộc đối kháng trước sau gì cũng bị tàn lụi. Ngược lại, khi người dân bất chấp những đàn áp, tích cực vận động nhau tham gia các cuộc phản đối ôn hoà và công khai để đẩy chế độ độc tài rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan kéo dài, thoạt đầu các chỉ dấu về kết quả không rõ ràng và chắc chắn nhưng sau đó sự xuống dốc quyền lực của chế độ sẽ hiện rõ. Theo thời gian, sự tê liệt của bộ máy bạo lực sẽ gia tăng theo mức độ nhập cuộc ngày một đông đảo của quần chúng xuyên qua các cuộc biểu tình, đình công, lãng công… diễn ra ngay trên các đường phố.

Tóm lại, tinh thần căn bản trong đấu tranh bất bạo động có thể tóm lược như sau:

1/ Không ngồi yên chờ đợi chế độ độc tài tự thay đổi và tự bước ra khỏi vị trí quyền lực. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Sự bất hợp tác, không tuân phục của quần chúng tạo sức mạnh tổng hợp làm suy yếu và tan rã giới cầm quyền.

2/ Kiên quyết đấu tranh để không chỉ xóa bỏ độc tài hiện tại mà còn xây dựng một môi trường và tập quán sinh hoạt chính trị mới không để cho bất cứ thế lực độc tài nào khác có thể nổi lên độc chiếm quyền lực.

3/ Chọn lựa tinh vi các kế hoạch và lãnh vực đấu tranh để chế độ độc tài khó có thể sử dụng sở trường bạo lực của họ nhằm đàn áp người dân.

4/ Liên tục sáng tạo ra những hình thức đấu tranh mới nhằm soi mòn Thế và Lực của chế độ với tối thiểu rủi ro cho những người tham gia.

5/ Duy trì kỹ luật bất bạo động và tinh thần hy sinh để đánh động vào lương tâm của đối phương, quần chúng và thế giới.

6/ Thuyết phục và tách rời các bộ phận trực thuộc có nhiều lỗ hổng của chế độ để làm tan rã guồng máy bạo lực.

7/ Mở rộng vào liên kết với các thành phần dân tộc có cùng mục tiêu xóa bỏ chế độ độc tài và xây dựng dân chủ bền vững cho đất nước.

Điều nhận thức sau cùng là đấu tranh bất bạo động không đơn giản, dễ dàng và an nhàn hơn đấu tranh bạo lực, vũ trang. Đây không phải là lối đánh tự nhiên có thể áp dụng ngay mà phải trải qua một tiến trình huấn luyện về các lý thuyết căn bản; đồng thời thao dợt các kỹ thuật để làm sao tổ chức thành công từ một nhóm người nhỏ trở thành một đám đông hàng trăm ngàn người, đẩy chế độ độc tài rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Do đó, nếu trong đấu tranh vũ trang người ta cần huấn luyện về các kỹ thuật sử dụng súng đạn, vũ khí và đòi hỏi tinh thần dũng cảm và kỹ luật; thì trong đấu tranh bất bạo động, tinh thần dũng cảm và chấp hành kỹ luật được đòi hỏi phải cao gấp bội. Và mọi người phải được trang bị các kỹ thuật vượt thắng sự sợ hãi, đối phó các khiêu khích bạo lực của đối phương, và những phương pháp phản kháng.

Tôi xin tạm ngừng phần trình bày dẫn nhập về Đấu Tranh Bất Bạo Động là gì. Sau đây là phần trình bày của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo về Tại sao Đấu Tranh Bất Bạo Động cần thiết cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam hiện nay.

Kính thưa quý vị,

Hơn 2 thập niên vừa qua, đảng Cộng sản Việt Nam nhân danh cái gọi là “đổi mới” nhưng chỉ tiến hành những biện pháp thay đổi nằm trong khuôn khổ tiếp tục duy trì quyền lực độc tôn của thiểu số lãnh đạo. Nói một cách khác là đảng Cộng sản Việt Nam vì tình trạng kiệt quệ kinh tế, không còn khả năng bao cấp nên đã phải mở cửa thị trường, cho người dân tự buôn bán làm ăn và thu hút đầu tư từ bên ngoài; nhưng vẫn tiếp tục duy trì sự chi phối của đảng trên mọi lãnh vực.

Chính lề lối thay đổi nửa vời như vậy, sự phát triển của Việt Nam trong 20 năm qua hoàn toàn nghiêng lệch, đầy phí phạm và chỉ làm lợi cho một thiểu số quyền lực được mệnh danh là giai cấp đỏ. Giai cấp đỏ này sẵn sàng hy sinh mọi giá trị khác để nắm giữ quyền lực, kể cả việc giới hạn dân trí, huỷ diệt môi sinh và cấu kết với ngoại bang bán từng phần đất thân yêu của tổ quốc.

Chấm dứt chế độ độc tài cộng sản hiện nay trên đất nước Việt Nam không chỉ là nhu cầu đấu tranh giành lại tự do dân chủ cho Việt Nam mà quan trọng hơn là bảo vệ sự độc lập và tự chủ của đất nước trước nguy cơ xâm lấn của Bắc Kinh qua sự đồng lõa của 15 ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, với quá khứ đổ nát của chiến tranh và sự chia cắt dân tộc qua các các cuộc chiến trong hai thế kỳ 19 và 20, hơn lúc nào hết, người Việt Nam sẽ không thể làm thiệt hại thêm tiềm năng vươn lên của đất nước, mà phải tìm những phương thức đấu tranh vừa huy động được sức mạnh tổng hợp dân tộc, vừa giới hạn những đổ vỡ.

Để chấm dứt tình trạng cai trị độc tài hiện nay, liệu có giải pháp nào khác hữu hiệu hơn bạo lực và chiến tranh hay không?

Đảng Việt Tân quan niệm phương thức Đấu Tranh Bất Bạo Động là phương thức rất cần thiết cho công cuộc dân chủ hóa hiện nay.

Phương thức này ôn hòa, không dùng tới súng đạn, dao búa, vũ khí giết người nên không tạo thêm thiệt hại về sinh mạng hay gây thêm hàng loạt đổ vỡ tiềm lực đất nuớc.

Phương thức này không tạo thêm rạn nứt giữa lòng dân tộc. Ngược lại tạo cơ hội xóa dần những dị biệt, mọi thành phần dân tộc được mời gọi tham gia vào nỗ lực gỡ bỏ gông xiềng chung và cùng góp phần quyết định tương lai đất nước.

Phương thức này không cho phép nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sử dụng sở trường về đàn áp bằng bạo lực của họ để mãi mãi khống chế người dân.

Phương thức này phù hợp với bối cảnh chống khủng bố của thế giới, đồng thời nối kết được các nỗ lực của người Việt trong nước, người Việt hải ngoại và các nguồn hỗ trợ quốc tế.

Đặc biệt là với phương thức đấu tranh này, khối quần chúng bất mãn có hàng trăm cách tranh đấu trong khi chế độ độc tài chỉ có một cách duy nhất là trấn áp bằng bạo lực. Theo Tiến sĩ Gene Sharp, tác giả của nhiều tập sách nghiên cứu về kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động đã chỉ ra hơn 200 phương thức đấu tranh dựa trên 3 nền tảng: 1/Phản đối công khai; 2/Bất hợp tác; 3/Trực diện đối kháng.

Với hàng trăm phương thức phản kháng bất bạo động như vậy, người dân Việt Nam sẽ có thể cùng nhau:

Thứ nhất là kéo dần các thẩm quyền quyết định trong xã hội về tay người dân dù chế độ độc tài có chấp nhận hay không.

Ví dụ, trước đây chúng ta thấy là Hà Nội kiểm soát thông tin và truyền thông 100%; nhưng kể từ ngày có Internet với sự xuất hiện của các trang mạng, blog, facebook thì những thông tin ngoài luồng ngày một nhiều hơn. Những thông tin ngoài luồng đã gây ra những bức xức của dư luận với hàng loạt các ý kiến phê phán chế độ từ dân chúng, khiến cho chế độ không còn dám hành xử tùy tiện như trước. Đây là một hình thức nâng thẩm quyền của người dân về mặt truyền thông.

Thứ hai là áp dụng nhiều hình thức bất hợp tác từ kinh tế, chính trị, văn hóa đối với chế độ để giảm thiểu và sau cùng cắt đứt các nguồn lực đang nuôi sống chế độ độc tài.

Ví dụ, Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) thành lập vào cuối năm 2007, quy tụ 16 trí thức do Tiến sĩ Nguyễn Quang A làm viện trưởng đã ra quyết định tự giải thể để phản đối quyết định mang số 97 của Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ký vào ngày 24 tháng 7 năm 2009 nhằm ngăn chận những phản biện của giới trí thức về các đường lối chính sách của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Việc IDS tuyên bố tự giải thể đã biểu hiện thái độ bất hợp tác của giới trí thức Việt Nam đối với nhà nước Cộng sản Việt Nam và thái độ này sẽ gây bất lợi cho đảng Cộng sản Việt Nam trong việc quy tụ giới trí thức về lâu dài.

Thứ ba là soi mòn các trụ cột quyền lực đang chống đỡ chế độ bằng nhiều cách nhằm cảm hóa từng con người còn lương tâm đối với đất nước và cô lập tửng cá nhân ác ôn trong guồng máy độc tài.

Ví dụ, trước đây mỗi lần tụ họp để đưa thư kêu cứu lên cấp chính quyền, dân oan thường hay chửi và đánh trả lại công an khi bị họ giải tán. Từ ngày bà con dân oan hiểu biết một số nguyên tắc đấu tranh bất bạo động, coi công an cũng là những nạn nhân phải phục vụ chế độ nên đổi thái độ, thay vì chửi bới, đánh trả lại mà tìm cách nói chuyện và yêu cầu công an thông cảm cho phép tụ họp đưa thư kêu cứu và giữ trật tự thì công an không còn có cớ đàn án và để cho tụ tập. Đây là một loại cảm hóa sự đồng tình của công an đối với những hoàn cảnh bị cướp nhà cướp đất của bà con dân oan.

Khi số người được vận động tham gia đầy đủ, ba hướng tiến công nói trên chắc chắn sẽ đẩy chế độ độc tài cộng sản đến lằn mức tê liệt và tan rã.

Ví dụ nhìn vào diễn tiến của cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan vào khoảng thời điển từ 1987 đến năm 1989 là năm đảng Cộng sản Ba Lan tan rã, thì phải nói là trong các năm trước đó, Công Đoàn Kết Ba Lan đã biết khai thác ba mũi tiến công như trình bày bên trên để áp lực đảng Cộng sản Ba Lan phải công nhận tính hợp pháp của Công Đoàn Đoàn Kết và đòi thay đổi chính quyền tham nhũng của Thủ Tướng Jaruzelski.

Tháng 5 năm 1987, mặc dù đảng Cộng sản Ba Lan chưa công nhận tính hợp pháp của Công Đoàn Đoàn Kết nhưng đã phải thay thế Thủ tướng Jaruzelski, một nhân vật bảo thủ, cứng rắn bởi Thủ Tướng Mesnel, ôn hòa trước sức ép của dư luận. Ông Lech Walesa và Công Đoàn Đoàn Kết đã khai thác bước lùi này của chính quyền Ba Lan liền tung một cú đánh ngoạn mục là kêu gọi toàn quốc bất hợp tác với đảng và nhà nước Cộng sản Ba Lan, đưa công nhân từ các địa phương về Thủ độ Warsaw biểu tình cho đến khi nhà nước Ba Lan công nhận Công Đoàn Đoàn Kết là tổ chức hợp pháp.

Cuộc biểu tình xảy ra hàng tuần, khởi đầu từ cuối tháng 8 năm 1987. Lúc đầu chỉ có khoảng 5 ngàn công nhân tham dự, tuy bị công an đàn áp hay bị mật vụ tìm cách đe dọa, ngăn cản ở các địa phương để không ai dám về thủ đô Warsaw; nhưng nhờ tổ chức và điều hành khôn ngoan và can đảm, những cuộc biểu tình của Công Đoàn Đoàn Kết sau đó vẫn thu hút số người tham gia. Từ đầu năm 1988 khi lực lượng Công nhân hầm mỏ, Công nhân xe tải, Lực lượng tiểu thương, lực lượng giáo chức, lực lượng Văn Nghệ sĩ, Tổng Hội Thanh Niên Sinh Viên Toàn Quốc lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của ông Lech Walesa thì số người tham gia đã tăng lên 100 ngàn người mỗi tuần. Đến tháng 8 năm 1988, các cuộc biểu tình hầu như diễn ra hàng ngày.

Khi số người tham gia biểu tình lên đến 400 ngàn người làm tê liệt mọi sinh hoạt trong thủ đô Warsaw, Bộ trưởng bộ công an Ba Lan đã phải xin gặp riêng ông Leach Walesa vào ngày 31 tháng 8 năm 1988 để yêu cầu ngưng cuộc đình công; đồng thời đưa đề nghị chính thức mời Công Đoàn Đoàn Kết ngồi vào bàn Hội nghị nhằm thảo luận về các tiến trình dân chủ hóa Ba Lan. Tháng 1 năm 1989, Hội nghị bàn tròn bắt đầu với kết quả là đảng Cộng sản Ba Lan chấp nhận yêu sách của Công Đoàn Đoàn Kết tổ chức Tổng Tuyển Cử Tự Do vào tháng 6 năm 1989. Đảng Cộng sản Ba Lan thảm bại trong cuộc Tổng Tuyển Cử và cáo chung vào tháng 1 năm 1990 với một tên mới là Đảng Dân Chủ Xã Hội.

Kính thưa quý vị,

Trái với một số ấn tượng thông thường nơi nhiều người rằng chế độ độc tài KHÔNG phải là khối thuần nhất và KHÔNG có sức mạnh vĩnh viễn. Nó là một cấu trúc gồm nhiều bộ phận khác nhau.

Chế độ độc tài củng cố được thế lực là do tâm lý vâng phục của quần chúng (dù tự nguyện hay cưỡng ép), tài năng và kiến thức của khối nguời hợp tác (dù tự nguyện hay cưỡng ép), các nguồn tài nguyên quốc gia, các huyền thoại quá khứ, các biện pháp trừng phạt bằng bạo lực vân, vân… Các nguồn thế lực này được thâu tóm và kiểm soát bằng các định chế xã hội.

Do đó quyền lực của chế độ bắt buộc phải dựa trên một số trụ cột hay định chế nhất định như Công an, Quân đội, hệ thống Tư pháp, guồng máy Tuyên truyền, đội ngũ Hành chánh các cấp, các Công ty quốc doanh vân, vân… Mỗi trụ cột này được kết thành bỏi nhiều vòng nhân sự. Mỗi vòng nhân sự như vậy có những mức độ trung thành với chế độ khác nhau và mỗi nhân sự đều có nhu cầu, quyền lợi và quan hệ xã hội khác nhau.

Nếu Phong Trào Dân Chủ Việt Nam biết tác động được vào đúng mục tiêu, đúng cách thức và đúng lúc thì các nhu cầu, quyền lợi và quan hệ của mỗi con người sẽ thay đổi, làm thay thay đổi ức độ trung thành với chế độ và từ đó sẽ làm lung lay quyền lực của chế độ độc tài.

Sau cùng, thưa quý vị, đấu tranh bất bạo động không phải là con đường an toàn không có tổn thất. Khi chế độ bị dồn vào thế cùng, giới lãnh đạo có thể tung ra những biện pháp trấn áp dã man bằng bạo lực để mở đường máu. Những cuộc đàn áp loại này rõ ràng là chế độ rơi vào thế suy yếu cùng cực do đó mà phong trào phản kháng phải khai thác mạnh mẽ sự lên tiếng áp lực của thế giới và nhất là kích động quần chúng tham gia vào một cuộc tổng phản công quy mô trên toàn quốc, làm tê liệt toàn bộ xã hội cho đến khi chế độ độc tài thoái lui nhượng bộ.

Để đạt hiệu năng tối đa, trong đấu tranh bất bạo động, các phong trào phản kháng ưu tiên chọn các hình thức lôi kéo hơn là tấn công. Nhưng nếu phải tấn công thì ưu tiên chọn mục tiêu nhỏ và cụ thể hơn là các mục tiêu lớn. Và khi đã tấn công thì ưu tiên chọn những hình thức khả dĩ đẩy được chế độ vào thế tiến thoái lưỡng nan. Đây là những nguyên tắc đấu tranh rất quan trọng mà chúng ta sẽ có dịp đào sâu trong những bài trình bày kế tiếp.

Cùng lúc, để hóa giải những đàn áp của chế độ độc tài lên các cuộc tụ họp của quần chúng, chúng ta phải làm sao nhanh chóng công bố các thủ đoạn đàn áp đó trước công luận và vận động chính giới, các NGO, các cơ quan truyền thông quốc tế lên tiếng tạo những áp lực lên chế độ Hà Nội. Muốn làm được điều này hiệu quả phải có sự tiếp tay tích cực của các đoàn thể, cá nhân trong Cộng đồng người Việt hải ngoại. Nói cách khác, Cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ không chỉ hỗ trợ các phương tiện đấu tranh cho các lực lượng dân chủ tại quốc nội mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc hóa giải và ngăn chận những cuộc đàn áp của CSVN; giúp cho phong trào đối kháng bất bạo động ở trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Tổng kết lại, đấu tranh bất bạo động là một phương pháp đấu tranh ôn hòa dành cho đại khối quần chúng không có một vũ khí trong tay nhưng sẽ quật ngã thiểu số lãnh đạo bất chính bằng cách rút lại sự phục tùng của họ đối với thiểu số cai trị. Đây là phương pháp hiệu quả nhất và phù hợp nhất cho công cuộc đấu tranh hiện nay tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng là qua cuộc hội luận “Tìm hiểu và Thảo luận về Đấu Tranh Bất Động” sẽ giúp cho chúng ta cùng nhau học hỏi đa chiều, rút ra những kinh nghiệm quý báu để ứng dụng thành công trên con đường dân chủ hóa Việt Nam.

Xin kính chào toàn thể quý vị.

— –

Ông Lý Thái Hùng

JPEG - 28.9 kb

Ông Lý Thái Hùng sinh năm 1952 tại An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau khi tốt nghiệp Trung học tại trường Trung Học Cường Để Quy Nhơn, ông đã đi du học tại Nhật Bản vào tháng 12 năm 1971. Sau một năm học Nhật Ngữ, ông đã nhập học và tốt nghiệp kỹ sư công chánh tại đại học Eihime vào năm 1978 và cao học công chánh tại đại học Tokyo Metropolitan vào năm 1980.

Sau năm 1975, ông tham gia và trở thành một trong những thành viên lãnh đạo của Tổ Chức Người Việt Tự Do, một tổ chức đấu tranh đầu tiên của người Việt tại hải ngoại sau năm 1975.

Ông tham gia Đảng Việt Tân từ năm 1982 và được đề cử giữ trách vụ Tổng Bí Thư Đảng từ năm 2001 đến nay.

Ngoài trách vụ trong đảng Việt Tân, ông Lý Thái Hùng còn chuyên viết các bài bình luận thời sự Việt Nam và Thế giới cho các tờ báo và đài phát thanh của người Việt tại hải ngoại. Ông cũng là tác giả tập biên khảo chính trị “Đông Âu tại Việt Nam” phát hành vào đầu năm 2007. Đây là tập biên khảo mà ông đã dành hơn 10 năm nghiên cứu và biên soạn về sự tan rã của khối cộng sản quốc tế qua những nỗ lực tranh đấu của phong trào dân chủ tại Đông Âu.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo

JPEG - 17.3 kb

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo sinh năm 1956, du học tại Pháp năm 1974. Ông tốt nghiệp kỹ sư Cao Đẳng Công Nghệ (Ecole Centrale de Paris) năm 1980. Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris từ 1982 – 1985.

Ông tham gia đảng Việt Tân từ năm 1982 và được tín nhiệm vào nhiều trách nhiệm tại Âu Châu. Ông được đề cử làm Ủy viên Trung Ương đảng từ năm 2001 cho đến nay.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo đã làm việc hơn 10 năm về lãnh vực an ninh thông tin, hiện đang trách nhiệm về an ninh hệ thống thông tin tại một hãng tại Pháp và là hội viên Hội Chuyên Gia Việt Nam.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.

Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành tổng bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

… Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.

Sau Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ trong hàng "tứ trụ" đã "xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.” Ảnh: Nhac Nguyên/ AFP

Còn ai liêm khiết?

Hiện trạng chính trị tại Việt Nam là sự thối rữa từ các cấp. Lũng đoạn và thao túng chính trị luôn hiện diện, bất chấp pháp luật. Các thế lực ngầm tồn tại như loạn Sứ quân. Họ hùng cứ một cõi, cho đàn em tung hoành và quấy nhiễu!

Thông tin bị nhiễu loạn. Đấu đá nội bộ nhằm tranh giành ảnh hưởng trong bộ máy cầm quyền nên mới có chuyện các lãnh đạo chủ chốt trước khi bị trảm nhưng thông tin đã rò rỉ, ngập tràn mạng xã hội, từ trong và ngoài nước.

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 22 – 28/4/2024

Nội dung:

– Tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương tại thành phố Hamburg, Bắc Đức;
– Kêu gọi tham gia biểu tình và văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR tại Genève, Thụy Sĩ;
– Mời tham dự và đón nghe: i) Hội luận “49 năm sau biến cố 30/4/1975 – Tại sao hòa giải với Mỹ mà không với Dân tộc?;” ii) Chương trình văn nghệ gây quỹ Hát Cho Đồng Bào Tôi với chủ đề “Tháng Tư thắp nén hương trầm;” iii) Hội luận “UPR – Tường trình đến quốc tế việc nhà nước CSVN đàn áp tôn giáo;”
– Quan điểm của Việt Tân về tình hình đất nước trước những biến động chính trị trong nội bộ đảng CSVN.

Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong khóa họp Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/10/2023. Ảnh: AFP - STR

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ phải từ chức

Hãng tin Anh Reuters cho rằng việc chủ tịch Quốc hội Việt Nam phải từ chức lại càng làm dấy lên nhiều nghi vấn về ổn định chính trị tại Việt Nam nhất là sau vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhanh chóng bị cho thôi các chức vụ hồi tháng 3/2024. Ông Thưởng là chủ tịch nước thứ nhì bị cách chức trong vòng một năm, sau ông Nguyễn Xuân Phúc.