Miền Nam Việt Nam trước thảm họa môi sinh và xã hội

Tân Phong

Cảnh ngập lụt thường xảy ra ở TP.HCM và các đô thị khác. Ảnh: Internet

Gần đây, tổ chức Climate Central công bố nghiên cứu về vấn đề nước biển dâng và triều cường sẽ khiến cho hầu hết diện tích đồng bằng miền Nam Việt Nam ngập sâu vào năm 2050. Trước thông tin này, Bộ Tài Nguyên Môi Trường của nhà cầm quyền CSVN phản bác kết quả giới khoa học quốc tế, dư luận công chúng lo ngại về một tương lai không xa khi vùng đồng bằng quan trọng và rộng lớn nhất của Việt Nam sẽ biến mất. Viễn cảnh đen tối này nếu thực sự diễn ra, sẽ khiến cho hơn 20 triệu dân mất nơi ở và sinh kế.

Có thể, những biện pháp khoa học và hạ tầng sẽ được đầu tư nhằm đối phó tình trạng trên, nhưng khoảng cách giữa “quyết tâm chính trị” và thực tế mới là vấn đề đáng quan tâm. Tình trạng bi đát của vùng đồng bằng Cửu Long và TP.HCM hiện nay khi liên tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt mỗi khi có mưa và triều cường mà nguyên nhân của nó không chỉ vì lý do “biến đổi khí hậu” đã là một câu trả lời phủ định về năng lực nhà nước CSVN đối với những thách thức về biến đổi khí hậu cũng như các thảm họa môi trường đang không còn là câu chuyện của tương lai xa vời.

Chính sách “lấy miền Nam, xây miền Bắc”, “lấy miền xuôi, nuôi miền ngược”

4 thập kỷ sau chiến tranh, dân số của TP.HCM tăng gấp 4 lần, nhưng hạ tầng đô thị cơ bản không thay đổi nhiều so với thời điểm trước 1975 ngoài một vài tuyến đường vành đai, các khu công nghiệp, rất nhiều building cao tầng của các dự án bất động sản chồng chất thêm áp lực đối với hạ tầng đã bị quá tải từ lâu. Hạ tầng các đô thị miền Nam phần lớn chỉ được tu bổ, chắp vá và thiếu nguồn vốn để đầu tư mở rộng cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là chính sách “lấy miền Nam, nuôi miền Bắc”, “lấy miền xuôi, nuôi miền ngược” khi hầu hết nguồn thu ngân sách bị nộp về trung ương như trường hợp của TP.HCM chỉ được giữ lại 18% thu ngân sách để chi tiêu và đầu tư công. Dù là đầu tàu kinh tế nơi đóng góp 1/3 GDP quốc gia và 60% kiều hối cả nước nhưng TP.HCM cũng như các đô thị lớn miền Nam đều không có được nguồn đầu tư tương xứng là một trong những nguyên nhân chính khiến hạ tầng đô thị phần lớn xuống cấp, quá tải trầm trọng.

Đầu tư vào hạ tầng giao thông, cầu cống, nước sạch, viễn thông, điện lưới, y tế, giáo dục… vào các tỉnh miền Bắc (phía trên vĩ tuyến 17) gấp 15 lần so với đầu tư hạ tầng vào đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM trong vòng 44 năm qua.

Trong khi miền Bắc có những con đường được đầu tư 839 tỷ đồng chỉ để 5-6 lượt người đi mỗi ngày như tỉnh lộ 134, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu hay nhà ga Cái Lân, Quảng Ninh 1.510 tỷ đồng chỉ để chở 1 chuyến tàu trong suốt 5 năm đi vào hoạt động thì đồng bằng sông Cửu Long – nơi sản xuất lương thực nuôi sống cả nước – có hạ tầng đô thị và công ích tệ hại nhất toàn quốc.

TP.HCM là trung tâm kinh tế số 1 quốc gia nhưng hiện chỉ có 90,9km đường cao tốc là Long Thành – Dầu Giây dài 54,9km và TP.HCM – Trung Lương dài 40km. Sáu cao tốc được qui hoạch hiện chưa biết đến khi nào được khởi công vì không có nguồn kinh phí phân bổ. Đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58km vật vã không có nổi 2.000 tỷ đồng ngân sách tạm ứng cho nhà đầu tư nhiều năm qua trong khi thành phố Hà Nội thừa tới 31.277 tỷ đồng ngân sách xây dựng cơ bản trong năm 2019 chưa được giải ngân.

Hà Nội có tới 9 đường cao tốc đã hoàn thiện nối với các tỉnh miền Bắc có chiều dài 687 km với tổng kinh phí lên tới 128.000 tỷ đồng. Chỉ riêng các dự án phục vụ cho một kỳ lễ hội nghìn năm Thăng Long năm 2010 đã tiêu hết 4,5 tỷ USD… Ai cũng hiểu đằng sau những dự án tỷ dollar này là việc chia chác của những phe nhóm chóp bu Ba Đình nhưng nó còn cho thấy sự bất công trong cách thức phân chia quyền lợi theo vùng miền của băng đảng mafia đỏ CSVN.

9 đường tuyến cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Một đoạn cao tốc của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh việc thiếu hụt ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng ở các đô thị miền Nam, việc qui hoạch vô tội vạ theo kiểu “tư duy theo m²” để bán đất kiếm tiền cho quan chức địa phương và các nhóm lợi ích góp phần khiến cho các TP.HCM, Biên Hòa, Đà Lạt… sau 1975 phát triển hết sức tự phát, manh mún, chắp vá. Không những qui hoạch đô thị bị phá nát, mà hạ tầng cũng bị biến thành một ma trận tồi tệ khó tưởng tượng nổi. Nó khiến cho mọi nỗ lực sửa đổi về sau phải trả một cái giá cực đắt. Nan đề này không có lời giải đối với thể chế bất tài và tham nhũng hiện nay. Hai đô thị như TP.HCM và Hà Nội sẽ là gánh nặng rất lớn cho xã hội và sự phát triển quốc gia trong tương lai không xa.

Một khu dân cư ở TP.HCM nhìn từ trên không.

Không cần đợi tới 2050, mà chỉ 30 năm nữa quận 1 thành Hồ sẽ là Venice

Từ một quốc gia thừa thãi tài nguyên nước ngọt, Việt Nam đang trở thành một quốc gia nghèo và khan hiếm tài nguyên nước ngọt chỉ trong vòng 2 thập kỷ gần đây. Việc này có liên quan tới sự hình thành chuỗi đập thủy điện dọc trên thượng nguồn sông Mekong ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Cambodia khiến cho 95% lượng phù sa dòng sông bị chặn lại và 60% nguồn nước bị điều tiết cho hệ thống thủy lợi cho các quốc gia phía trên thượng nguồn phục vụ cho mục đích nông nghiệp, khiến cho hạ lưu Mekong thường xuyên thiếu nước trầm trọng.

Nguyên nhân gia tăng tình trạng khan hiếm này còn do mức hao hụt lớn và quản lý kém nguồn tài nguyên nước ngọt. Mỗi ngày, người Việt sử dụng khoảng 2 triệu m³ nước sạch chỉ để …xả bồn cầu và hơn 99% nước thải không được xử lý mà đổ thẳng vào hệ thống sông, hồ, biển… khiến cho những nguồn nước ô nhiễm đến mức không còn đủ tiêu chuẩn để cấp cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt. Nguồn nước cấp cho các nhà máy nước hiện nay tại Việt Nam đều không đảm bảo các chỉ tiêu hóa lý, sinh học…

Tình trạng khan hiếm nước ngọt trong sinh hoạt và tưới tiêu khiến việc khai thác nước ngầm quá mức, làm mực nước ngầm tụt nhanh chóng. Trong một số khảo sát cho thấy mức khai thác nước ngầm đã tăng 500% trong vòng 10 năm qua. Theo quan sát của nhóm nghiên cứu chúng tôi cho thấy mức nước ngầm ở nhiều nơi khu vực TP.HCM, Biên Hòa, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long, Gò Công, Sóc Trăng… đã tụt từ mức 5m xuống tới 60m ở một số nơi trong vòng 20 năm! (Có những báo cáo cho thấy mức nước ngầm ở Hà Nội giảm tới 35m, nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều.)

Một thực tế rằng TP.HCM nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang chìm nhanh hơn tất cả các tính toán mô phỏng của các nhà khoa học. Đồng bằng không được bồi đắp bởi phù sa hàng năm và lượng nước ngầm bị mất không được bổ sung, cùng với nước biển dâng cao khiến cho một số khu vực ở TP.HCM đang chìm với tốc độ có thể nhìn thấy bằng mắt thường như ở đường Nguyễn Đức Cảnh, TP.HCM.

Cao độ mặt bằng của các đô thị đang bùng nổ dân số, nơi các cao ốc mọc lên như nấm, đang bị thay đổi nhanh hơn so với mức lún trung bình theo tính toán của Dr. Piet Hoekstra – Trưởng Dự án Rise and Fall Đại Học Utrocht Utrecht là 2,5 cm/năm rất nhiều. Với kết quả đo đạc gần đây của nhóm nghiên cứu ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud thì độ cao trung bình của đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn cách mực nước biển 0,8m. Như vậy, thì chỉ cần đến 2030, phần lớn diện tích thành phố và đồng bằng sông Cửu Long đã nằm dưới mực nước biển.

Giới khoa học gia lĩnh vực thủy văn, môi trường trong nước như Tiến Sĩ Nguyễn Kỳ Phùng, Trần Thục, Hoàng Đức Cường…  cũng đã có những nghiên cứu và khuyến cáo nghiêm trọng về vấn đề biến đổi môi trường trong những năm 2012, 2013. Trung Tâm Dự Báo Thời Tiết Khu Vực Phía Nam đưa ra dự đoán, thủy triều sẽ còn cao hơn tới 1,63m vì hiện nay mức nước ở các sông rạch quanh Sài Gòn tăng đều 1,5 cm/năm, còn tại Vũng Tàu, thủy triều biển tăng 0,8cm/năm.

Phân viện Khí Tượng Thủy Văn Phía Nam cũng kêu gọi giảm bớt việc xây dựng cao ốc, gia tăng các khu sinh thái, đặc biệt là bán đảo Thanh Đa thuộc quận Bình Thạnh đang cần chống nạn xói mòn một cách trầm trọng, trước viễn ảnh 38.000 hecta đất nông nghiệp của thành phố sẽ biến mất vào năm 2025, để nhường chỗ cho các công trình xây cất… Với những dữ liệu cơ sở khoa học và thực trạng hiện nay, thì tương lai quận 1 thành Hồ trở thành “Venice phương Đông” với những con đường biến thành các dòng kênh đen ngòm nước thải không phải là xa vời nữa.

Tình trạng lụt lội, ô nhiễm thường xuyên ở TP.HCM.

Thảm họa sinh thái đồng bằng sông Cửu Long

Những tính toán và quan sát về sự biến đổi nhanh chóng của hệ sinh thái phía hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long cho thấy một diễn thế sinh thái đang diễn ra nhanh chóng. Nó là một cuộc hủy diệt môi sinh trên bình diện quốc gia và khu vực ở vùng hạ lưu Mekong khi không còn lũ tự nhiên, nước mặn xâm nhập, phù sa suy kiệt và dòng chảy bị thay đổi quá nhanh. Tình trạng khai thác cát, san lấp kênh rạch tràn lan và xả thải không kiểm soát của các nhà máy, khu công nghiệp và đô thị dọc hệ thống sông khiến cho nó trở thành con sông chết không còn là câu chuyện tương lai.

Những nghiên cứu về dòng sông này đã được tác giả Ngô Thế Vinh đưa ra cảnh báo xác đáng qua loạt ký sự “Mekong, dòng sông nghẽn mạch” hay “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” cách đây gần 20 năm trước, nhưng giờ đang diễn ra với gia tốc và mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Không cần phải đợi thêm 1 thế kỷ nữa nền văn minh Miệt vườn sẽ bị xóa sổ ở vùng châu thổ trù phú bậc nhất Châu Á đang nuôi dưỡng cả quốc gia Việt Nam. Kết cục đó đang tới ngay trong nửa đầu của thế kỷ 21 và những nhận định lạc quan như của nhà nông học GS Võ Tòng Xuân cũng chỉ là hy vọng hão huyền khi thiếu vắng vai trò của nhà nước.

Nằm ở vị trí thấp nhất trong lưu vực sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long chịu toàn bộ các ảnh hưởng tiêu cực bởi các chính sách phát triển kinh tế hẹp hòi của các quốc gia thượng nguồn. Chiếm tới 70% sản lượng nông thổ sản, thủy sản xuất khẩu, 90% lúa gạo, trái cây các loại, vai trò của khu vực đồng bằng này đối với nền kinh tế quốc dân và an ninh lương thực là quá mức quan trọng.

Tuy rằng, sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ nào đó nó giảm chậm tác động về ảnh hưởng kinh tế nhưng không giảm chậm được mức phá hoại môi trường tàn khốc của hệ thống 14 đập thủy điện bậc thềm khổng lồ ở vùng thượng nguồn của Trung Quốc và hàng trăm các đập thủy điện, kênh lấy nước lớn nhỏ ở các nhánh phụ lưu sông Mekong tại các quốc gia như Thái Lan, Lào, Cambodia. Diễn thế sinh thái ở khu vực này có thể xóa bỏ những vựa lúa gạo, cá, tôm, rau quả, trái cây đang nuôi sống 96 triệu dân chỉ trong vòng 15 năm tới đây.

Ô nhiễm đô thị và sự sụp đổ các hệ thống công ích xã hội

Vấn đề ô nhiễm đô thị tiếp diễn với mức độ ngày một tồi tệ trong đó có hai vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng là ô nhiễm nước sinh hoạt đô thị và ô nhiễm không khí bên cạnh hiểm họa thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại. Sự kiện nhà máy nước sông Đà vừa qua bị nhiễm dầu cặn, ô nhiễm nguồn nước sinh sống cho hơn 1 triệu dân cư Hà Nội cho thấy sự quản lý lỏng lẻo và chất lượng nước cấp cho đô thị Việt Nam hiện nay chứa đựng rủi ro rất lớn. Trong khi đó, nguồn nước cấp chủ yếu cho đô thị TP.HCM và Biên Hòa… các đô thị lớn ở miền Nam đang sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Ba…cũng ô nhiễm nặng.

Những rủi ro này có thể biến thành thảm họa bất cứ lúc nào và chưa có phương án giải quyết khi hệ thống dịch vụ công ích đang nằm trong tay các tập đoàn mafia đỏ. Chất lượng không khí của Hà Nội và HCM liên tục ở mức độ nguy hại, nằm ở top đầu những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của AQI. Ô nhiễm nước sinh hoạt, không khí đô thị và lụt lội sẽ là yếu tố ô nhiễm gây bệnh tật hàng đầu đối với dân cư đô thị ở các đô thị Việt Nam trong khi hệ thống y tế cộng đồng vô cùng thiếu thốn, xuống cấp, quá tải. Điều này đặc biệt nghiêm trọng tại miền Nam Việt Nam.

Bức tranh đen tối của xã hội Việt Nam trong thời gian 10, 15 năm tới đây là hệ thống cầm quyền biến thành những băng đảng cướp bóc hỗn loạn, đồng bằng sông Cửu Long ngập lụt nhiễm mặn, ngành nông ngư nghiệp bị hủy hoại, quốc gia vỡ nợ, các khu đô thị lớn trở nên ô nhiễm tới mức không thể sống nổi. Một kết cục không khác mấy so với các quốc gia Nam Mỹ như Argentina, Bolivia và Venezuela.

Nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ không tới mức bới rác mà ăn như dân Venezuela vì có hệ thống nông nghiệp tư nhân thích ứng nhanh với nhu cầu xã hội, mức “kiều hối”/đầu người cao nhất thế giới và trong chừng mực nào có thể nhập khẩu thực phẩm “rác” giá rẻ của Tàu để đáp ứng nhu cầu lương thực cấp bách.

Luận điệu này khá chủ quan vì tuy rằng hiện nay ngành nông nghiệp vẫn cung ứng đủ nhu cầu nội địa và dư xuất khẩu lúa gạo, café, cao su, trái cây… nhưng trong tương lai không xa, khi hệ sinh thái bị phá hủy, thị trường bị lũng loạn bởi các nhóm lợi ích và băng đảng thì tất cả những “ưu thế” đó sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ.

Thảm trạng mà chúng tôi đề cập trên đây sẽ dẫn đến điều gì trong 10, 15 năm nữa? Trong khoảng thời gian đó, chế độ CSVN ngày một tồi tệ hơn và chắc chắn xảy ra biến loạn. Đó là thời điểm mà sự sụp đổ cả về thể chế chính quyền cho đến thảm họa môi sinh, xã hội diễn ra gần như cùng thời điểm, sớm hơn rất nhiều so với cái mốc 2030 hay 2050.

Tình trạng vô chính phủ trong khi xảy ra thảm họa sinh thái, môi sinh trên qui mô rộng lớn, dễ dàng trở thành một khủng hoảng nhân đạo ở tầm quốc gia và khu vực. Đừng mong đợi gì vai trò của thể chế cộng sản độc tài, tham tàn. Nếu chúng còn tồn tại cho tới thời điểm đó thì chúng sẽ chỉ trục lợi trên sinh mạng của người dân và tàn hại dân tộc thê thảm hơn mà thôi. Vấn đề đặt ra cho tất cả chúng ta, cá nhân, cũng như những tổ chức tự nhận lãnh trách nhiệm trước sự sinh tồn quốc gia Việt Nam là giải pháp đối phó những thảm họa đang ngày một hiện hữu rõ ràng trước mắt.

Tân Phong