Mỏ Dầu Lửa Dân Trí

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Trước đây tôi làm nghề dạy học ở Montréal, Canada, nhiều người ngoại quốc tới trường tôi trình bày những bài nghiên cứu của họ. Có một giáo sư từng được thỉnh giảng ở Israel, trong lúc ăn trưa đã kể một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Ðó là chuyện “Mỏ dầu lửa của Israel.”

Tôi chưa tới xứ Israel bao giờ, thắc mắc là một nước Israel mấy triệu người, không có tài nguyên thiên nhiên nào làm vốn, nếu không được Mỹ giúp thì làm sao trong tương lai lâu dài họ có thể đương cự được khối dân Á Rập chung quanh, với mấy trăm triệu người và những mỏ dầu lửa lớn nhất thế giới?

Ðồng nghiệp người Mỹ kể, anh ta cũng có lần nêu lên thắc mắc đó khi đang làm việc ở Tel Aviv. Trong lúc ông khoa trưởng dẫn anh đi thăm trường, đi qua một cánh cửa lớn, ông mở cửa ra, chỉ tay, “Ðây là mỏ dầu lửa của chúng tôi.”

Bên trong phòng là những sinh viên và giáo sư trước những máy điện toán, chăm chú làm việc.

Tài nguyên lớn nhất của Israel là học vấn, là hiểu biết. Là những sinh viên và những nhà nghiên cứu trong đại học. Mỏ dầu lớn của họ là con người! Tính trên tỷ lệ dân số thì đây là quốc gia sản xuất các công trình khảo cứu khoa học nhiều nhất, không nước nào bằng. Họ đầu tư, nuôi dưỡng, mở rộng mỏ dầu lửa đó. Mỏ dầu của Á Rập Sau Ði, của Iraq, Kuwait, vân vân, có ngày sẽ cạn kiệt. Nhưng mỏ dầu của Israel sẽ mỗi ngày một lớn hơn, sản lượng còn tăng lên mãi, có thể nói là vô tận. Tôi không bao giờ quên câu chuyện “Mỏ dầu của Israel.” Họ theo đúng châm ngôn của vị vua đời Lý nước ta: “Nhân tài là nguyên khí của quốc gia.” Một mạng lưới của sinh viên Việt Nam ở Mỹ đang dùng câu nói đó làm tiêu đề, chúng ta thấy đáng mừng. Người Việt Nam, nhất là ở trong nước, không bao giờ được quên lời nói đó.

Có lần đọc một lời tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục ở Việt Nam, tôi lại nhớ tới câu chuyện mỏ dầu của Israel. Gần đây, khi các báo loan tin về nạn học sinh bỏ học, nhiều người lại nhắc tới câu nói của ông Nhân năm ngoái. Khi ông cho tăng học phí các trường công, ông bảo: “Phải tăng học phí cho dù chấp nhận sẽ có một số học sinh bỏ học.” Nếu đúng là một “Thiện Nhân” thì tôi chắc ông nói câu đó cũng buồn lắm. Nhưng các nhà báo ở Việt Nam không bao giờ quên câu này.

Nhưng tôi lại nhớ ngay đến một vị tổng trưởng giáo dục trước đây 40 năm. Khoảng năm 1966, 67, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh là tổng trưởng văn hóa giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Có lần nói về chính sách phổ cập giáo dục cho tất cả mọi trẻ em, ông nói phải làm sao cho thanh thiếu niên nước ta “ai học được phải được học!” Chúa Nhật vừa qua gặp Giáo Sư Trần Ngọc Ninh trong buổi sinh hoạt của tạp chí Khởi Hành, nhắc lại những lời nói trên, giáo sư tỏ vẻ bùi ngùi.

JPEG - 13.2 kb

Trong mấy năm qua đã có vài triệu học sinh ở Việt Nam bỏ học. Báo chí trong nước cho biết trong niên khóa 2003-2004 trên toàn quốc đã có tới 580,000 học sinh bỏ học, sang niên học 2005-2006 hơn 600,000 em nghỉ học ngang. Không biết những học kỳ khác thì sao. Mà đó là số trẻ em bỏ học trước khi ông Nguyễn Thiện Nhân tăng học phí vào năm ngoái! Thử tưởng tượng một triệu trẻ em phải bỏ học trong vài học kỳ, có khác gì đem khoan mỏ dầu lửa của nước Việt Nam rồi đốt hết! Khi một ông phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục nói thẳng rằng ông chấp nhận cảnh học sinh bỏ học, đó là cả chế độ tự thú rằng họ bất lực, đành đốt cháy luôn cả mỏ dầu lửa của quốc gia, mỏ dầu lửa dân trí! Kinh khủng nhất là họ nói như vậy để coi đó là một chuyện bình thường! Không thấy tờ báo nào hó hé một câu rằng nói như vậy là nhục quốc thể! Các đại biểu quốc hội cũng câm như hến!

Ðiều đáng buồn nhất là trong số những học trò bỏ học có những em bậc tiểu học! Bây giờ trên khắp thế giới người ta coi việc trẻ em được học hết bậc tiểu học là một “quyền sống làm người” căn bản. Thật tội nghiệp cho dân tộc Việt Nam! Ðầu năm nay, lạm phát đã lên tới 16%, gạo, rau, mắm muối tăng giá tới 20%, những người lao động ở thành phố sẽ phải nhịn ăn để lấy tiền đóng học phí cho con chăng? Các nông dân lấy tiền đâu?

Tại sao thế giới văn minh họ quyết tâm coi việc trẻ em học hết bậc tiểu học là một “quyền sống làm người” căn bản? Vì giáo dục vừa giúp mở mang hiểu biết vừa là một quyền lợi kinh tế. Những chính phủ chọn chính sách ngu dân để dân càng ngu càng dễ sai khiến thì thấy bắt mọi trẻ em phải xong bậc tiểu học là không cần thiết. Người dân càng biết nhiều thì càng khó cai trị! Nhưng học vấn cũng là khí cụ để xây dựng công bằng xã hội. Nếu con cái những người chân lấm tay bùn, những người buôn thúng bán mẹt không có cơ hội đi học, thì chúng sẽ không bao giờ thoát ra khỏi vòng nghèo đói. Cứ như vậy, con cán bộ lớn lên sẽ làm cán bộ, con cái dân đen sẽ tiếp tục làm dân đen.

Khi vấn đề học sinh bỏ học được nêu lên ở trên báo chí trong nước, nhiều ý kiến được đăng tải. Nhiều người viết rằng học sinh bây giờ có đi học cũng vô ích, vì dù học giỏi đến đâu nhưng ra ngoài xã hội vẫn có những đứa có cha chú làm lớn nó đè lên đầu mình mà không cần học hành gì cả! Ðấy, ngay cả những học sinh có đi học, học giỏi, mà còn bị đè đầu cưỡi cổ như vậy, nói gì tới những em học sinh ở nông thôn phải bỏ học!

JPEG - 19.3 kb

Nhiều người góp ý kiến rằng muốn chấm dứt cảnh học sinh bỏ học thì phải thay đổi cả từ ông bộ trưởng giáo dục trở xuống. Nhưng cũng trên báo chí trong nước chúng ta nghe nói ông Nguyễn Thiện Nhân là người khá nhất trong chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Thế thì nếu thay ông ấy bằng một ông khác liệu có khá hơn không? Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần nói sự thật, dù là những sự thật làm mất mặt cả đảng Cộng Sản. Người như vậy không thể nào lên làm tổng bí thư được! Cứ như Nguyễn Tấn Dũng thì ông ta đã chối bay: Làm gì có chuyện học sinh bỏ học? Làm gì có chuyện tăng học phí? Chưa biết chừng, ông ta dám nói rằng nền giáo dục Việt Nam tốt nhất thế giới, tốt không thua gì luật báo chí, nhiều nhà lãnh đạo các nước vẫn thòm thèm muốn xin về treo!

Nhưng thay đổi toàn thể nhân viên bộ giáo dục có thể giúp cho nền giáo dục ở nước ta khá hơn không? Ai cũng biết là không. Người đưa ra đề nghị chỉ cần thay đổi các nhân viên, phải “giáo dục” lại các giáo viên, vân vân, chắc là ông Nông Ðức Mạnh! Vì ông ấy chỉ tung ra ý kiến đó, cho thiên hạ bàn tán loanh quanh; chẳng còn ai để ý đến thủ phạm đích thật gây ra cảnh suy đồi của nền giáo dục nước ta. Thủ phạm đó là đảng Cộng Sản. Còn chế độ độc tài độc đảng thì còn hàng triệu trẻ em học được mà không được học!

Không một người nào ở trong nước được nói thẳng rằng phải thay đổi chế độ cộng sản, để cho người dân được bầu cử tự do, thì họ mới được chọn những người “tôi tớ” của dân thật sự. Những người được dân bầu lên thì không thể nào dám để cho kho dầu lửa dân trí của cả nước bị đốt cháy phí phạm như vậy!

Ông Nông Ðức Mạnh sẽ cãi rằng: “Ðừng có cái gì cũng đổ lỗi cho đảng Cộng Sản! Phải đưa ra những giải pháp cụ thể nào để tránh cảnh học sinh bỏ học, chứ chửi cộng sản đâu có ích lợi gì?”

Thưa ông Nông Ðức Mạnh, việc trả lại quyền tự do cho dân Việt Nam chính là một giải pháp cụ thể. Vì còn đảng Cộng Sản độc quyền cai trị thì không có cách nào thay đổi cái gì được. Hồ Chí Minh đem cả dân tộc ra làm thí nghiệm lý thuyết Mác Lênin. Suốt mấy chục năm đổi mới rồi vẫn đưa tới cảnh bộ giáo dục phải đốt mỏ dầu lửa dân trí. Các ông tính đem tương lai nước Việt Nam ra làm thí nghiệm cho tới bao giờ?

Thử coi, đảng ta vừa mới tha cho ông Thứ Trưởng Nguyễn Việt Tiến, thế thì những tên Việt Tiến khác sẽ còn ăn cắp của công đến bao giờ mới thôi? Một đêm đánh bạc của những ông lớn này, thua hàng trăm ngàn Mỹ kim, có thể xây được bao nhiêu trường tiểu học? Có thể nuôi cơm cho bao nhiêu thầy giáo, học sinh? Ðảng của ông chỉ lo nuôi các ông lớn đó, lấy tiền đâu nuôi học sinh đi học?

Ðảng Cộng Sản đang đốt cái mỏ dầu lửa quý nhất của nước ta. Thanh thiếu niên Việt Nam thông minh, hiếu học không kém gì các bạn trẻ ở Thái Lan hay Hàn Quốc. Nhưng thanh niên các nước này được đi học. Trẻ Việt Nam còn bao nhiêu em phải đi bới rác, kiếm ve chai. Bao giờ mới chấm dứt? (Người Việt; Friday, March 28, 2008)

Ngô Nhân Dụng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Lời kêu gọi tham dự biểu tình UPR 2024 diễn ra vào ngày 7/5 trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

Ngày 7 tháng 5 này, nhà nước CSVN sẽ bị kiểm điểm trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council – UNHRC) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta chỉ rõ sự gian trá của CSVN trước diễn đàn quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi đồng bào tham dự buổi biểu tình diễn ra ngày 7/5/2024, trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, nhằm lên án những vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đại diện Lưỡng viện Quốc Hội Hawaii (phải) trao Nghị quyết Cờ Vàng cho Đại diện Cộng đồng (giữa)

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 29/4 – 5/5/2024

Nội dung:

– Thông báo về các sự kiện đặc biệt tại Geneva, Thụy Sĩ nhân dịp Vietnam UPR 2024;
– Cựu TNLT Châu Văn Khảm gặp mặt thân hữu tại Houston;
– San Jose treo cờ tưởng niệm Quốc hận 30/4/1975;
– Lưỡng viện Quốc hội Hawaii và thành phố Honolulu ra Nghị quyết Vinh danh Cờ Vàng và Lễ Tưởng niệm Quốc hận 30/4 tại Hawaii;
– Cộng đồng tại Houston, TX tưởng niệm 30 tháng Tư;
– Hình ảnh các cuộc biểu tình Ngày Quốc hận 30/4 tại Vương Quốc Bỉ, Đức, Úc Châu;
– Mời theo dõi các cuộc hội luận.

Đảng

Để chống lại sự lăng loàn, độc đoán của đảng, ở những nước đa đảng (như Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật, Sing chẳng hạn), họ cấm tiệt việc sử dụng ngân sách phục vụ cho riêng đảng nào đó. Tất cả đều phải tự lo, kể cả chi phí cho mọi hoạt động lớn nhỏ, từ chiếc ghế ngồi họp tới cái trụ sở mà đảng sử dụng. Tham lậm vào tiền thuế của dân, nó sẽ tự kết liễu sự nghiệp bởi không có dân nào bầu cho thứ đảng bòn rút mồ hôi nước mắt mình làm lãnh đạo mình.

Ảnh chụp màn hình VOA

Nhóm trí thức Việt Nam đề nghị lãnh đạo chớ ‘nói suông,’ nên chân thành hoà giải

GS. TS. Nguyễn Đình Cống, người đã công khai từ bỏ đảng Cộng sản vào năm 2016 và là một thành viên ký tên trong bản kiến nghị, nói với VOA:

“Thực ra, đây là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu của cả hai bên để mang lại một chiến thắng cho đảng Cộng sản. Còn đối với dân tộc thì chẳng được gì cả. Nó chỉ mang lại được sự thống nhất về mặt lãnh thổ thôi. Còn sau chiến thắng ấy, không giải quyết được vấn đề đoàn kết dân tộc. Đảng thì được. Đảng được vì đạt được chính quyền toàn quốc. Còn dân tộc thì việc hoà giải dân tộc mãi cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.”