Mỹ đề xuất một dự án cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc?

Thanh Hà - RFI

G20, hội nghị bàn tròn chung quanh thủ tướng Ấn Độ về một dự án để cạnh tranh với Con đường Tơ lụa Trung Quốc, 9/9/2023. Ảnh: AP - Evelyn Hockstein

Mỹ thúc đẩy dự án “hành lang” giao thông nói liền Ấn Độ với Châu Âu, Trung Đông. Ả Rập Xê Út đóng vai trò hàng đầu. Theo thông cáo của Nhà Trắng đây không đơn thuần là một thỏa thuận xây dựng các tuyến giao thông giữa các châu lục.

Thỏa thuận về nguyên tắc đã được ký kết  tại New Delhi, bên lề thượng đỉnh G20 chiều ngày 9/9/2023 giữa Ấn Độ, Mỹ, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Liên Âu, Pháp, Đức và Ý.

Trong một cuộc họp bàn tròn, Tổng thống Biden nói đến một sự kiện “thực sự quan trọng và mang tính lịch sử.” Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen xem đây “không chỉ là một thỏa thuận về các tuyến đường xe lửa hay liên quan đến các dự án xây dựng hệ thống cáp quang.” “Hành lang” này là một “đầu cầu về công nghệ xanh, về công nghệ kỹ thuật số giữa các châu lục và các nền văn minh.”

Trong thông cáo, phủ tổng thống Mỹ nhấn mạnh Washington muốn khởi động một “kỷ nguyên mới, các châu lục phải được kết nối với nhau qua ngả đường sắt, và đường biển.” Mục tiêu đề ra nhằm tạo nên những “mắt xích thương mại để khuyến khích phát triển và xuất khẩu năng lượng sạch.” Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh tiến trình hội nhập của Trung Đông với thế giới.

Theo chuyên gia về Nam Á thuộc viện nghiên cứu Wilson Center tại Washington, Michael Kugelman, được AFP trích dẫn, kế hoạch thiết lập “hành lang giao thông” giữa Ấn Độ với Trung Đông và Châu Âu không hơn không kém là một công cụ để làm “đối trọng với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao Pháp không vòng vo cho rằng sáng kiến của chính quyền Biden nhằm “cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa” của Bắc Kinh và thông báo được các bên đưa ra tại New Delhi hôm nay mới chỉ là “điểm khởi đầu của cả một chiến lược dài hơi.” Về phía Pháp, Paris muốn lôi kéo cả Ai Cập vào dự án này.

Thanh Hà

Nguồn: RFI

XEM THÊM: