Na Uy: Lễ Tưởng Niệm 30 Năm Quốc Hận

Khoảng hơn 150 quan khách, cùng đồng hương đã tề tựu về tại hội trường của Viện bảo tàng Norsk Teknisk Museum để tham dự buổi lễ tưởng niệm 30 năm Quốc Hận, do Liên Hội Người Việt Tự Do tại Na Uy (LHNVTD/NU) tổ chức vào Thứ Bảy, ngày 30 tháng 4 năm 2005, lúc 15 giờ.

Sau phần giới thiệu chương trình lễ là nghi thức chào Na Uy kỳ, Quốc kỳ và phút mặc niệm những chiến sĩ vị quốc vong thân, những người đã bức tử trên chặng đường tìm tự do, những người dũng cảm đã từ bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi, trở về chiến đấu và đã hy sinh trong lòng đất Mẹ vì lý tưởng Tự Do Dân Chủ và Canh Tân Việt Nam. Kế đó, đại diện các hội đoàn bước lên trước kỳ đài và đặt vòng hoa tưởng niệm. Qua bài diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Thư ký LHNVTD/NU, với những diễn tiến xảy ra trong 30 năm dưới chế độ độc tài cộng sản Việt Nam (CSVN) đã làm cho đất nước ngày càng tụt hậu, trong khi đó những mầm non đang vươn lên thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại ngày một thăng hoa. Sau bài diễn văn của ông Khưu Văn Nhi, Đặc trách Cư sĩ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Na Uy, là bài phát biểu cảm tưởng của ông Lars Rise, Dân biểu Quốc hội Na Uy, thuộc đảng Cơ Đốc Đại Chúng, qua đó ông cho xem lại đoạn dương ảnh ông và phái đoàn đã bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam, trong chuyến về Việt Nam vào tháng 4 năm 2001 để thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ và Linh mục Nguyễn Văn Lý. Để kết luận, ông Lars Rise nói: “Tôi đến Việt Nam, tôi đã cảm nhận được đường lối cai trị độc tài của nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi ao ước một ngày nào đó đất nước Việt Nam sẽ không còn chế độ độc tài độc đảng, và chúng ta sẽ đón nhận một đất nước Việt Nam có tự do và dân chủ thật sự…….”. Qua bài phát biểu của tiến sĩ Paal Foss, tốt nghiệp Chính Trị học, hiện là Giảng viên Viện Khoa Học Quốc Gia Na Uy, và nguyên là thành viên của Nhóm Thân hữu Việt – Na Uy, thời trước 75. Mở đầu ông Paal Foss nói: “Tôi đến đây không phải để ăn mừng, mà là để chia xẻ những mất mát và đau buồn cùng các bạn…”; và cuối cùng ông nói: “Có nhiều người không hiểu vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhưng đa số thông cảm được hoàn cảnh chính trị của người Việt Nam. Tóm lại, Việt Nam là nạn nhân của một cuộc chiến tranh lạnh…”. Tiếp theo là phần phát biểu của ông Torbjoorn Jelstad, Đại diện miền Nam Việt Nam tại Na Uy từ 1968 – 1975, cũng từng là lãnh đạo Nhóm Thân Hữu Việt – Na Uy trước năm 75. Qua đó, ông rất am hiểu về hiện tình đất nước Việt Nam, từ trước và sau năm 1975, cũng như có mối cảm thông sâu xa đối với người Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại Na Uy. Cuối bài phát biểu ông Torbjoorn Jelstad nói: “Nhưng quý vị đừng bao giờ quên cái lý do tại sao quý vị lại hiện diện tại nơi này…”. Kế đó là phần chiếu đoạn phim “Việt Nam, những tiếng nói can đảm” của đài truyền hình ABC.

Sau giờ giải lao là phần trình diễn nhạc cổ truyền của Nhóm Phượng Ca, và Đoàn Thanh Thiếu Niên Phan Bội Châu qua hoạt cảnh 1975 – 2005. Sau các bài phát biểu cảm tưởng của 3 đại diện giới trẻ: Ngọc Thùy, Kim Huệ và Hoàng Oanh là phần trình chiếu đoạn phim tài liệu “30 Năm Nhìn Lại”. Hoạt cảnh “Một Ngàn Cánh Tay Đưa Lên” đã kết thúc chương trình Tưởng Niệm 30 Năm Quốc Hận lúc 18 giờ 30 cùng ngày.

Thông tín viên VNN ghi nhận, buổi lễ tưởng niệm 30 năm Quốc Hận có các đặc phái viên đài truyền hình TV2 và NRK1 đến săn tin. Đồng thời phía bên ngoài hành lang có rất nhiều hình ảnh triểm lãm nói lên thực trạng của chế độ độc tài Cộng sản sau 30 năm, cũng như hình ảnh các nhà đối kháng hiện còn giam giữ trong nhà tù, cùng cảnh bi tráng của từng tốp người vượt biển lánh nạn Cộng sản trên những con thuyền nhỏ mong manh. Đặc biệt có 2 bản lưu niệm cỡ lớn bằng tiếng Việt và Na Uy, gồm chữ ký của các đoàn thể và đồng hương tham dự trong buổi lễ, Ban Tổ chức giữ lưu niệm, và một bản gửi cho chính phủ Na Uy. Buổi lễ ngoài quan khách Việt Nam và đồng hương còn có sự hiện diện của một số các quan khách Na Uy. Tưởng cũng cần nhắc lại, ông Torbjoorn Jelstad, vào năm 1964, là sáng lập viên của Ủy ban Hỗ Trợ Sài Gòn, là Ủy ban chính trị đầu tiên hoạt động về nhân quyền tại Việt Nam, ông đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời về Việt Nam nhiều lần. Riêng ông Paal Foss, tại đại học đường, ông thường giảng dạy về lịch sử Việt Nam, qua đó ông phân tích kỹ về chiến tranh Việt Nam, và luôn khai thông cho người dân Na Uy thấy được lý do nào người Việt Nam phải bỏ nước ra đi.