Nạn ‘cống nạp’ của doanh nghiệp cho quan chức

Ngô Đồng

Ảnh minh họa (Internet).

Chuyện công chức nhà nước CSVN vòi vĩnh, khủng bố, hù dọa để làm tiền doanh nghiệp không phải là điều gì mới lạ. Tình trạng này tồn tại từ lâu nhưng ngày lại diễn ra vô cùng tinh vi. Dư luận xã hội bức xúc gọi đây là xin đểu. Trước kia thì chỉ xin vào dịp Tết, nay thì lễ cũng xin, nghỉ hè cũng xin, tổ chức hội nghị cũng xin… Nếu doanh nghiệp không cho thì sẽ bị những quan chức quyền lực tại những địa phương này hành ‘lên bờ xuống ruộng’, hết đường làm ăn.

Trường hợp mới nhất là vào ngày 30 Tháng Bảy, 2018, Đội Kiểm Tra Quy Tắc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có “thư ngỏ” xin tiền gửi đến một doanh nghiệp thuộc tập đoàn BGR Group với lý do hỗ trợ kinh phí đi “học tập kinh nghiệm” về quản lý dự án.

Thư ngỏ này cho thấy là giờ đây “học tập kinh nghiệm” không chỉ bòn rút ngân sách mà còn tấn công cả vào túi tiền của doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ số, chỉ cần vài cuộc điện thoại, vài bức thư điện tử, người ta có thể dễ dàng trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Nếu muốn, chẳng cần đi xa, chẳng cần tốn kém vẫn có thể học tập kinh nghiệm của các địa phương khác một cách dễ dàng. Có chăng, việc học tập kinh nghiệm theo kiểu này chỉ là cái mác để các quan chức cùng nhau giao lưu, nhậu nhẹt mà thôi.

Cũng liên quan đến việc xin đểu, cách đây không lâu, dư luận ở Quảng Nam xôn xao trước thông tin trụ sở hành chính và Nhà văn hóa của một xã nằm ở quy hoạch vùng ven biển Đông Quảng Nam, có kinh phí xây dựng gần 20 tỉ đồng, trong đó riêng phần trang thiết bị, nội thất khang trang hơn 1 tỉ đồng.

Lãnh đạo xã khẳng định phần nội thất là từ các doanh nghiệp đóng góp nhưng không ai tin. Trước đó, dư luận cũng một phen ngỡ ngàng khi Giám đốc Công an một địa phương tại Bình Thuận trước thời điểm nghỉ hưu được doanh nghiệp tài trợ ra nước ngoài để “tham quan, tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng khu dân cư ven biển”. Cùng thời điểm đó, một đoàn cán bộ của Sở Tài nguyên – Môi trường một địa phương khác lại được doanh nghiệp đài thọ một chuyến du lịch qua mấy nước châu Âu “sau một năm công tác, làm việc vất vả”.

Tuy việc gửi thư xin tiền và các hoạt động kêu gọi tài trợ như trên là hành vi “tự tung tự tác” của cán bộ nhưng nó lại trở thành thứ văn hóa được phổ biến đầy dẫy ở mọi cơ quan. Nói cách khác, khi nào cần tiền mà không thể bòn rút từ nhà nước thì dùng cách xin đểu từ các doanh nghiệp. Đây là một hình thức ăn cướp, một dạng của tham ô nhũng lạm.

Đương nhiên hình thức ăn cướp nói trên diễn ra ở nhiều dạng từ công khai đến bí mật. Hễ triển khai sự kiện gì thì địa phương lại đến gõ cửa doanh nghiệp. Từ những ngày kỷ niệm 30-4, 2-9 rồi ngày thành lập ngành đều có người đến xin tiền. Phổ biến hơn cả là lấy lý do giúp người nghèo ăn Tết. Ngoài ra còn những khoản như chất độc da cam, thương binh liệt sĩ, ngày thiếu nhi quốc tế. Đó là chưa kể những khoản đóng góp bất đắc dĩ của hội làng, tu bổ đình chùa, hội thi văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương. Doanh nghiệp chỉ biết im lặng chịu đựng vì sợ mang họa vào thân.

Từ câu chuyện xin tiền mới thấy được những vất vả mà doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu đựng. Làm ăn thì khó khăn trăm bề nhưng bị đủ kiểu quấy nhiễu. Từ nhân viên quản lý thị trường đến hỏi thăm xin tiền liên hoan. Hết ông quản lý thị trường thì đến bà cán bộ thuế. Tiếp xong ngành thuế thì lại có anh giao thông với lý do quanh năm bảo đảm đường thông, hè thoáng trước cửa doanh nghiệp.

Rồi đến các anh công an khu vực có công bảo vệ trật tự an ninh. Và còn vài chú thợ điện kiểm tra xem mạng lưới cáp điện có an toàn hay không. Chưa kể cán bộ ngành văn hóa thông tin đến nhắc nhở về tấm biển hiệu và cái pano quảng cáo sản phẩm chưa đúng quy cách…

Nhiều công ty dù rỗng túi mà vẫn phải cố đóng góp. Năm này xin được, năm sau xin được và năm tới nữa sẽ tiếp tục xin. Các doanh nghiệp nào không ‘cống nạp’ thì biết ngay. Chỉ riêng chuyện chậm thông quan hàng hóa, chuyện đôi co về chi phí và thuế, chuyện đủ loại giấy phép là đã sống dở chết dở rồi.

Công chức đòi chung chi, doanh nghiệp im lặng, tạo ra môi trường kinh doanh méo mó. Các doanh nghiệp luôn ghét và sợ, luôn khinh và chán chuyện luồn lách, hối lộ, tham nhũng kiểu tội phạm có tổ chức. Nhưng họ không làm như thế thì ách tắc, khó khăn trăm bề. Điều này tạo ra vòng xoáy ngầm ăn mòn tính nghiêm minh của pháp luật. Bao giờ cũng vậy, khi thể chế không rõ ràng, kết hợp với quyền lực không bị kiểm soát, người có quyền lực thường có khuynh hướng tối đa hóa quyền lực để hưởng đặc quyền, đặc lợi.

Trở lại câu chuyện Đội Kiểm Tra Quy Tắc của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam gửi thư ngỏ xin tiền của doanh nghiệp, ở một khía cạnh khác, có thể thấy đây là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp chán ngán, không mặn mà với việc đầu tư vào địa phương.

Thực tế não trạng của không ít công chức vẫn tư duy quản lý kiểu ban phát, thay vì coi doanh nghiệp là đối tượng tạo ra việc làm, của cải cho xã hội, họ lại xem doanh nghiệp là đối tượng để khai thác, kiếm chác. Điều này xảy ra cả với những tiểu thương nghèo khổ buôn thúng bán bưng lề đường. Ai chịu ‘làm luật’ hàng tháng thì được tồn tại. Còn không thì quan chức sẵn sàng xua quân đi tịch thu hết thúng mẹt, lều chõng đưa về phường.

Tuy nhà nước CSVN hô hào “sống và làm việc theo pháp luật”, nhưng trong thực tế nó chỉ là khẩu hiệu. Khắp nơi đều nhan nhản bóng dáng tham nhũng, những người kinh doanh sản xuất phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được đồng tiền lợi nhuận chân chính, nhưng phải cống nạp cho cán bộ nhà nước như những vòi bạch tuột đang hút máu và nước mắt của dân lành. Đó cũng là lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam đã không thể phát triển và cạnh tranh với bên ngoài.