Nếu Tôi Là Định

Trịnh Hội

Trong thời đại của Internet này việc gì cũng mau. Sáng thứ bảy tuần trước bạn tôi, Luật Sư Lê Công Định, bị công an bắt ở Sài Gòn với cái tội là tuyên truyền chống đối chế độ. Tối hôm đó tôi viết bài mang tựa đề ‘Lê Công Định và Báo Chí Việt Nam’ gửi đến một số báo và ngay sáng hôm sau đã được đăng trên website của đài BBC. Chiều tối đến đã nghe thấy Đại Sứ Mỹ lên tiếng và ngay trong ngày hôm sau, chính phủ Mỹ của tổng thống Obama đã cho ra thông cáo chính thức phản đối việc Định bị bắt giam. Và kể từ hôm đó cho đến nay, chưa đến một tuần, nhưng hầu như ai ai cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này kể cả… Bộ Công An Việt Nam. Chỉ trong vỏn vẹn 5 ngày, họ đã xong việc lấy cung và hôm qua tung ra bằng chứng là Định đã ‘nhận tội’ và ‘xin được khoan hồng’.

Đúng. Định xác nhận là Định đã vi phạm Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam. Điều luật này nghiêm cấm không một ai được tuyên truyền chống đối nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nói nôm na là bạn không được nói xấu Đảng.

Nhưng sự thú nhận này có ý nghĩa gì? Nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Không cần là luật sư, ai cũng biết là nếu như bạn thật sự tin tưởng vào những giá trị tự do căn bản nhất của loài người và bạn gióng lên tiếng nói đó, cố truyền đạt ý tưởng đó đến những người khác (bằng cách viết báo, lập hội chẳng hạn) thì đương nhiên việc làm ấy sẽ được cho là tuyên truyền. Có khác chăng là ở những đất nước người dân thật sự làm chủ như Úc, Mỹ hoặc Đài Loan, Nam Hàn, Philippines, v.v. thì việc làm này không những hợp pháp mà còn được khuyến khích. Nhưng riêng ở Việt Nam thì nó hoàn toàn trái ngược lại. Bạn sẽ bị cho vào tù chẳng biết ngày ra. Không một cơ quan ngôn luận truyền thông nào dám nói khác đi, dù là một tí. Bạn bè, người thân của bạn muốn ủng hộ bạn cũng chẳng dám nói ra. Kẻ thì cho là bạn phản động. Người lại cho là bạn phản bội.

Nếu tôi là Định chắc có lẽ tôi sẽ bị áp lực ghê gớm lắm. Đầu có thể vỡ tung. Đêm về không thể nào ngủ được.

Nhưng tôi không phải là Định. Tôi đang sống ở thế giới bên ngoài, một thế giới đang cho tôi đầy đủ tất cả những quyền lợi tự do căn bản nhất mà không phải ai cũng may mắn có được trong cuộc sống. Quyền được nói lên những gì tôi suy nghĩ, được ủng hộ bạn bè, người thân lúc họ gặp hoạn nạn mà không sợ bị cho vào tù. Quyền được chất vấn và đặt dấu hỏi cho những người nhân danh đất nước đang buộc tội Định:

Điều 88 này có vi phạm Hiến Pháp Việt Nam hay không sao tôi không thấy một ai nhắc đến? Thế không phải Hiến Pháp Việt Nam cho phép mọi công dân Việt Nam được tự do tư tưởng, hoạt động thành lập hội đoàn à?

Hơn thế nữa, điều luật 88 này có vi phạm luật pháp quốc tế hay không khi chính Việt Nam đã tham gia vào Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights) từ những năm 1982? Nếu ta không tôn trọng những gì ta đã hứa với cả thế giới thì thử hỏi tham gia để làm gì?

Hỏi đã là trả lời. Như tôi đã từng chia xẻ với các bạn đọc xa gần, câu nói mà tôi học được ở Việt Nam trong năm vừa qua và thích nhất đó là: ở Việt Nam thấy vậy mà không phải vậy.

Có lẽ là vậy.

Nhìn hình ảnh của Định trên Internet đọc bản tường trình của mình như trả bài, tôi xót cho bạn tôi. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Sau năm ngày một mình vật lộn với bộ máy an ninh khổng lồ (và chắc chắn là không một ai trong chúng ta biết được chuyện gì đã và đang xảy ra sau song sắt), nếu tôi là Định chắc có lẽ tôi đã bị điên lên mất chứ đừng nói là ‘xin khoan hồng’. Như một thông lệ cố định ở Việt Nam, đã ‘nhận tội’ là phải ‘xin khoan hồng’. Đã viết thư lên các cấp là cứ y như rằng phải có hàng chữ ‘Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc’. Nhưng có mấy ai thật sự cảm nhận được sự độc lập, tự do, hạnh phúc đó?

Hỏi đã là trả lời.

Tôi không phải là Định nên không thể nào biết được những gì Định đang phải trải qua trong những giờ phút căng thẳng đến cùng cực này. Tôi chưa bao giờ bị cho vào tù (ngoại trừ lúc 9 tuổi bị cho vào tù vì tội vượt biên), cũng như chưa bao giờ bị cô lập, buộc tội trên tất cả các phương tiện truyền thông trên cả nước nên tôi cũng không biết chính mình sẽ xử sự ra sao nếu điều đó xảy ra đối với mình. Nhưng tôi biết chắc là trong mắt tôi Định không phải là một tội phạm. Anh không có tội trước các bậc tiền nhân đã dày công dựng nước và giữ nước. Và anh cũng không có tội trước tiền đồ của đất nước Việt Nam muôn thuở.