Nghị Quyết 36: Bước lùi quan trọng của CSVN trong năm 2004

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Kể từ khi Nhà Cầm Quyền CSVN ban hành Nghị Quyết 36, đã có nhiều bình luận gia hoặc quý vị lãnh đạo tổ chức, cộng đồng tại hải ngoại lên tiếng về Nghị Quyết này. Nói chung, mối bận tâm của đại đa số thường đặt nặng vào những suy nghĩ như “làm sao ngăn chặn sự bành trướng của CSVN tại hải ngoại qua Nghị Quyết 36 hoặc làm sao vô hiệu hóa Nghị Quyết này”. Xu hướng khác thì tìm cách phản luận toàn bộ Nghị Quyết và lên án các luận điệu tuyên truyền lừa bịp của địch hàm chứa trong đó. Ngoài hai thái độ trên, thiết nghĩ chúng ta cũng cần có một góc nhìn chủ động hơn, trong tinh thần khai dụng bản văn này của đối phương.

Khách quan mà xét, khi đưa ra một Nghị Quyết, đối phương không chỉ nhằm tuyên truyền hay “xâm nhập” cộng đồng người Việt hải ngoại (hiểu theo nghĩa cộng đồng người Việt Tỵ Nạn), mà còn có mục tiêu hướng dẫn cán bộ và quần chúng của họ. Vì vậy người Việt Tỵ Nạn không thể chỉ tìm cách “chống cự” hay “lên án” mà cần phân tích nội dung của Nghị Quyết này và thử tìm hiểu xem:

1/ Tình trạng và sự suy nghĩ của chính quyền CSVN ra sao ?
2/ Đánh giá các biện pháp đối phương dự trù.
3/ Tìm cách hóa giải các mục tiêu tranh thủ của đối phương và khai thác Nghị Quyết này làm sao có lợi cho phía ta.

1/ Tình Trạng Và Sự Suy Nghĩ Của CSVN:

Thoạt tiên, ngay trong phần mở đầu, CSVN đã nhận định về chính sách của họ trong mấy thập niên qua về “Người Việt ở nước ngoài” bằng một bản tự kiểm “Ba Đã” “Tám Chưa” nguyên văn như sau:

- Đã đề ra nhiều chủ trương
- Đã được đổi mới
- Đã có chuyển biến tích cực

- Chưa được quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ
- Chưa theo kịp những chuyển biến mới
- Chưa được quan tâm đúng mức
- Chưa đồng bộ
- Chưa thể hiện đầy đủ tinh thần đại đoàn kết dân tộc
- Chưa khuyến khích mạnh mẽ người Việt Nam ở nước ngoài
- Chưa có hình thức thỏa đáng
- Chưa thực sự đổi mới

Và Đảng CSVN giải thích rằng: Nguyên nhân của những yếu kém là vì các cấp dưới chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc các quan niệm chỉ đạo của Đảng !

Thưa quý bạn đọc: Chỉ đạo hàng mấy chục năm mà cấp dưới vẫn chưa nhận thức được thì không phải lỗi tại cấp dưới mà chỉ vì sự chỉ đạo quá tồi dở và Đảng CSVN đã tự thú nhận là không có khả năng và xứng đáng trong vai trò lãnh đạo.

Nay, chúng ta thử tìm hiểu Nghị Quyết 36 như một cố gắng mới của guồng máy chính quyền CSVN xem sao. Xét toàn bộ nghị quyết này, ta thấy một phần là những luận điệu tuyên truyền quen thuộc của CSVN, phần còn lại là một số chủ trương hợp lý bình thường mà bất cứ một chính quyền nào cũng phải tìm cách thực hiện. Nếu chú tâm vào chuyện tố cáo CSVN tuyên truyền lừa bịp chúng ta sẽ không mang lại điều gì mới lạ, mà nếu lên án chung toàn bộ Nghị Quyết thì sẽ dễ thành công kích cả những điều hợp lý. Trong khi đó, nội dung của Nghị Quyết không phải chỉ chứa đựng những luận điệu tuyên truyền, những khía cạnh khác trong Nghị Quyết 36 cho chúng ta thấy:

- CSVN đang đối diện với một tập thể người Việt Hải Ngoại gồm 2 thành phần: Khối người Việt Tỵ Nạn chính trị giầu có và thành công trong các xã hội Âu – Mỹ – Úc và khối kiều bào mang thông hành CSVN đang sống chật vật tại Á châu, Liên Bang Nga và Đông Âu.

Đối với nhóm Kiều Bào, CSVN đang phải tìm cách giải quyết cho họ những : khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, chưa được hưởng quy chế rõ ràng, thậm chí ở một số nơi còn bị kỳ thị.

Trong khi với nhóm người Việt Tỵ Nạn thì :

Một bộ phận đồng bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước. Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam.

Điều này nói lên mức độ nhậy cảm của CSVN đối với ảnh hưởng chính trị của các cộng đồng tỵ nạn lên chính sách đối ngoại của quốc gia tiếp cư trong bang giao với VN. Ngoài ra, Nghị Quyết 36 cũng nhấn mạnh vào một yếu tố mà CSVN chưa có và rất cần hiện nay là :

- Sự đóng góp của bà con vào công cuộc xây dựng đất nước, nhất là về tri thức, chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

- Những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước,

- Chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài.

- Tranh thủ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiến hành hoạt động vận động, tư vấn về pháp lý trong quan hệ với nước bà con làm ăn sinh sống.

- Phát huy khả năng của người Việt Nam ở nước ngoài làm dịch vụ, thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, các quan hệ hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Về mặt kinh tế, CSVN đã thấy việc phát triển bền vững không thể nào chỉ trông cậy vào vốn ngoại quốc đầu tư vào VN (mà đối tác lại là thành phần cán bộ tham nhũng chỉ lăm le ăn cắp và tẩu tán tài sản ra ngoại quốc). Trong giai đoạn trước mặt sự phát triển của VN đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia có tấm lòng vì dân tộc, có khả năng “chuyển giao công nghệ”, “vận động, tư vấn về pháp lý trong quan hệ với các xã hội Tây phương” và “thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa VN trên thế giới”… Những chuyên gia này chỉ có thể kiếm được trong khối người Việt Tỵ Nạn tại hải ngoại.

Khối người Việt Tỵ Nạn này là một thực thể không nằm trong khả năng thống trị của Đảng CSVN, nhưng qua ngả du lịch và Internet lại chứng tỏ có khả năng ảnh hưởng lên sự suy nghĩ và phần nào cả đời sống của đồng bào trong nước. Trong khi đó, đối với quốc gia tiếp cư, người Việt Tỵ Nạn cũng tạo được một ảnh hưởng chính trị mà CSVN đã phải thừa nhận. Ảnh hưởng chính trị này chắc chắn sẽ có tác dụng lên sự bang giao giữa thế giới với chế độ CSVN. Cho nên, tuy không chấp nhận đối lập ở trong nước, nhưng vì buộc phải giao thương với thế giới bên ngoài, khối người Việt Tỵ Nạn đã trở thành một thực thể đối lập chính trị buộc CSVN phải “nhìn nhận”. Thực thể chính trị đối lập tại hải ngoại này, với khả năng giao lưu và truyền thông của thế kỷ 21, đã có tác dụng gần như một thực thể đối lập tại nội địa.

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

Và CSVN hứa hẹn: Chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ ta.

Trước những nhận định và nhu cầu đã được nêu bên trên, CSVN đã dự phóng một số biện pháp liệt kê trong phần III của Nghị Quyết.

Về các biện pháp này, chúng ta cần phân biệt loại hướng về khối Kiều Bào mang thông hành CSVN và loại hướng về khối người Việt Tỵ Nạn.

2/ Đánh Giá Các Biện Pháp Dự Trù Của CSVN.

Trong số 9 mục của phần III, những mục hướng về khối người Việt Tỵ Nạn mang tính chất biện pháp rõ rệt là III-5, III-6. Còn lại là hướng về khối Kiều Bào, hoặc chỉ là những điều ước muốn hoặc những lập luận tuyên truyền (thí dụ như mục III-7).

Trong số những biện pháp của CSVN, ngoại trừ chuyện đầu tư vào việc dậy tiếng Việt cho trẻ em tại hải ngoại, tựu trung không có gì mới lạ. Trong lãnh vực này, một số vị bầy tỏ ưu tư đối với các tài liệu giáo khoa từ trong nước gửi ra. Tuy nhiên, nếu đối phương chủ tâm gài vào những luận điệu tuyên truyền, thì trong các xã hội tự do tại hải ngoại, các luận điệu đó sẽ chỉ có tác dụng ngược ! Còn nếu đó là sản phẩm của các nhà giáo dục chân chính từ quốc nội, cộng đồng hải ngoại chúng ta sẽ ngại gì mà không dám dùng, mà còn coi như đó như là hành động cụ thể để khuyến khích các sinh hoạt văn hóa vì dân tộc đang có ở trong nước.

Nhìn vào những điều CSVN mong muốn ở khối người Việt Tỵ Nạn và phải giải quyết ở khối Kiều Bào, ta không dự liệu được hiệu quả đáng kể từ những biện pháp này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn lại một số biện pháp chống đối cố hữu của “phe ta” như “biểu tình chống giao lưu văn hoá”, các biện pháp này đã không thật sự tác dụng lên những người Việt trẻ tuổi thành công ở hải ngoại mà đối phương đang muốn tranh thủ. Những người trẻ này có thể không quan tâm tới các buổi trình diễn văn nghệ đó, hoặc ngược lại nếu hiện diện, thì họ là những người vào coi văn nghệ chứ không thuộc nhóm đứng biểu tình ở bên ngoài. Xét cho cùng, chúng ta cũng chẳng cần phải lo ngại là họ sẽ bị lôi cuốn bởi tuyên truyền CS khi vào coi các buổi trình diễn của nghệ sĩ trong nước vì đã có cả mấy trăm ngàn người Việt hải ngoại về thăm VN, đã coi biết bao nhiêu buổi trình diễn văn nghệ ở trong nước, mà sau đó có ai khâm phục và trở nên ưa thích CSVN đâu ?

Còn đối với chính giới hay báo giới ngoại quốc, việc biểu tình chống lại một số văn nghệ sĩ từ trong nước ra hải ngoại trình diễn sẽ khó có thể nói lên quan điểm “tranh đấu cho tự do” và chắc chắn không phải là một phương thức tốt để tạo cảm tình và thuyết phục chính giới ngoại quốc về tình trạng vi phạm nhân quyền của CSVN tại quê nhà.

3/ Làm Sao Hóa Giải Các Mục Tiêu Tranh Thủ Của Đối Phương và Khai Thác Ngược Lại NQ 36 Để Có Lợi Cho Chúng Ta.

Điều đầu tiên cần lưu ý là NQ36 không phải chỉ dành cho cộng đồng người Việt Tỵ Nạn mà gồm chung cả cộng đồng Kiều Bào mang thông hành CSVN, đồng thời phải nhìn mục tiêu tranh thủ của CSVN rộng rãi hơn là “tăng cường xâm nhập hải ngoại”. Từ đó những biện pháp cần tiến hành sẽ nhằm các điểm sau (tất nhiên không phải chỉ giới hạn trong những điểm này):

Đối với khối Kiều Bào mang thông hành CSVN, chúng ta sẽ trình bầy rõ sự bất công của NQ36. Nghị Quyết này chỉ nhằm ve vuốt và “phục vụ” khối người Việt Tỵ Nạn thành công về kinh tế và có địa vị trong các xã hội Âu Mỹ mà bỏ rơi khối Kiều Bào đang gặp khó khăn và bị đối xử kỳ thị. Không những thế Kiều Bào còn phải đóng thuế cho Nhà Nước mà không được hưởng một dịch vụ nào. Sự vô hiệu của các biện pháp của NQ36 đối với hoàn cảnh khó khăn của Kiều Bào sẽ là điều cần nêu lên để thấy rõ sự vô tích sự của Nhà Nước CSVN.

Mặt khác, cộng đồng người Việt Tỵ Nạn cần mở rộng vòng tay để tăng cường liên hệ và tìm mọi cách giúp đỡ khối Kiều Bào đang bị Nhà Nước CSVN khai thác và bỏ rơi. Bằng tinh thần tự nguyện, tình nghĩa đồng bào, khả năng vật chất, liên hệ quốc tế… Khối người Việt Tỵ Nạn có thể giúp đỡ khối Kiều Bào một cách cụ thể, thiết thực và cho thấy những hứa hẹn trong NQ36 của Nhà Nước CSVN chỉ là những lời hứa xuông của một chính quyền bất lực và bị động.

Đối với cộng đồng người Việt Tỵ Nạn, qua NQ36, có 4 lãnh vực chúng ta có thể tác động:

Thứ Nhất: Với những điều CSVN muốn: Đó là thành phần chuyên gia có khả năng chuyển giao công nghệ, tư vấn về kinh tế, tài chánh và tiếp thị, chúng ta sẽ không dùng đối sách tiêu cực là “ngăn chặn” sự hợp tác của họ với CSVN… Chúng ta cần hợp tác với những chuyên gia này. CSVN với tới họ thì còn xa, trong khi đối với chúng ta, họ là những người bạn cùng hãng xưởng, là con em trong nhà, hãy làm sao để chính họ sẽ là người nêu lên những nhu cầu về nhân quyền và dân chủ trong mọi đối tác với CSVN. Ngoài ra, sự góp phần của chuyên gia hải ngoại cũng là cơ hội để giúp giới chuyên gia trong nước có thêm điều kiện giao tiếp với thế giới bên ngoài và nâng cao vốn khoa học kỹ thuật của toàn dân tộc. CSVN chỉ là giai đoạn, Dân Tộc Việt Nam mới là trường cửu, cuộc đấu tranh chấm dứt độc tài phải được tiến hành song song với những chuẩn bị cho tương lai lâu dài của Dân Tộc.

Thứ Nhì: Với những điều CSVN e ngại: Đó là khả năng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và xã hội của người Việt Tỵ Nạn tại quốc gia tiếp cư. Từ “Nghị Quyết Cờ Vàng” tới Nghị Quyết giới hạn sự xuất hiện của quan chức CSVN tại một số địa phương, đã chứng tỏ rằng người Việt Tỵ Nạn có thể vận động cho những đạo luật tại quốc gia sở tại, có tác dụng về chính trị và kinh tế đối với chế độ CSVN. Sáng kiến của chúng ta sẽ không ngừng lại ở hai Nghị Quyết này mà thôi ….

Thứ Ba: Với những điều CSVN chủ trương: Chúng ta có thể dùng ngay một số điều CSVN hứa hẹn, tỷ dụ như “Chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ ta” để làm mục tiêu tranh đấu với đối phương trên dư luận quốc tế và khuyến khích sinh hoạt đối lập ở trong nước. Từ thái độ coi người Việt Tỵ Nạn như “Tay sai ngoại bang”, CSVN đã lùi tới mức coi chúng ta là “có định kiến và mặc cảm” đối với chế độ… Chúng ta sẽ đẩy CSVN lùi thêm tới mức độ phải thay thế mấy chữ “định kiến và mặc cảm” bằng 2 chữ “bất đồng” và họ sẽ phải đối thoại với cả những người bất đồng ở trong lẫn ngoài nước. Chúng ta sẽ không ngừng lại ở những thách đố với mục tiêu lên án chế độ, mà sẽ tìm cách để buộc CSVN phải thật sự “chủ động mở rộng tiếp xúc” với thành phần bất đồng với chế độ. Nghị Quyết 36 cũng có thể là phương tiện cho những thành phần đảng viên sáng suốt trong ĐCSVN tránh cho Đảng bị xụp đổ toàn diện mà có thể trở thành một tổ chức chính trị sinh hoạt bình thường trong một xã hội đa nguyên tương lai tại VN. Hai mươi năm trước đây, có thể khẩu hiệu “Glasnost” đã được nhiều người từ cả hai phía cho rằng đó chỉ là lời kêu gọi lừa mị, nhưng bằng những vận động tích cực, glasnost đã trở thành hiện thực. Chúng ta sẽ không ngây thơ để bị lừa dối bởi một thủ đoạn tuyên truyền, nhưng chúng ta phải đủ bản lãnh để đẩy một hành động giả vờ nhượng bộ thành một nhượng bộ thật sự.

Thứ Tư: Với những điều CSVN đe dọa: Thay vì “tố cáo” hay “lên án”, chúng ta hãy coi đó như những nhắc nhở rất cụ thể về “mối nguy cơ CSVN” để cộng đồng chúng ta thêm đoàn kết hơn và năng động hơn.

Tóm lại, Nghị Quyết 36 không mang tính chất một đòn tấn công như CSVN mong đợi và một số đồng bào lầm tưởng. Nghị Quyết này đã để lộ ra một số ý đồ và khá nhiều nhược điểm của chế độ. Từ những gì chúng ta thấy qua NQ36, chúng ta sẽ hoạt động trong một tư duy mới: Mục đích chính của chúng ta sẽ không phải là làm sao ngăn cản không cho CSVN bành trướng tại hải ngoại, mục đích chính của chúng ta là chấm dứt chế độ độc tài đó tại Việt Nam. Phương pháp hữu hiệu nhất là làm sao cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta đoàn kết và gắn bó hơn với Tổ Quốc, làm sao tăng cường liên hệ và hỗ trợ cho khối Kiều Bào đang bị ngược đãi tại Á Châu, cộng hoà Nga và Đông Âu, làm sao tăng cường thông tin hỗ trợ và hợp tác với đồng bào trong nước…

Hoàng Cơ Định

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: Tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. Ảnh chụp từ Google Map, Phạm Phan Long minh họa

Kênh đào Funan và những “mảng tối” chưa rõ!

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán:

“Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Ngoài tưới ruộng và thủy sản, không thể loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra, nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải chỉ mục đích kinh tế…”

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền. Ảnh: Srdefenders

Báo cáo viên đặc biệt LHQ: Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống

Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho “nguỵ tạo” để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.

Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.

UPR 2024 – 5 năm nhìn lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Universal Periodic Review, được gọi tắt là UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR), được thiết lập từ năm 2006, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Để đạt được mục đích này, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ nhân quyền của mỗi quốc gia, và đưa ra khuyến nghị cho các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.

Vào ngày 7/5/2024 tới đây, tình hình nhân quyền Việt Nam được kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, chu kỳ thứ tư.