Nghị Viện Châu Âu có vai trò như thế nào?

Thùy Dương - RFI

Quốc kỳ của 27 nước thành viên Liên Minh Âu Châu tại trụ sở Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, Pháp ngày 19/10/2021. Ảnh: Ronald Wittek / AFP

Cùng với Hội Đồng Châu Âu, tập hợp nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của các nước thành viên và Ủy Ban Châu Âu, vốn được xem là cơ quan hành pháp của Liên Âu, chuyên đề xuất các dự luật và thực thi các điều luật, Nghị Viện Châu Âu là cơ quan có quyền lập pháp, xem xét và biểu quyết các dự thảo luật và ngân sách của Liên Hiệp, cũng như kiểm soát bộ máy hành pháp của Liên Âu.

Nghị Viện Châu Âu là định chế duy nhất của Liên Âu mà các thành viên được bầu dưới hình thức phổ thông đầu phiếu và tại từng nước thành viên trong khối. 720 nghị viên, đại diện cho công dân 27 nước thành viên, có nhiệm kỳ 5 năm. Vai trò của Nghị Viện Châu Âu được phát triển trong quá trình xây dựng Liên Âu và thông qua các hiệp ước. Hiện nay, Nghị Viện Châu Âu, trụ sở chính ở Strasbourg, nắm giữ ba quyền hành cơ bản.

Trước tiên, về lập pháp, Nghị Viện Châu Âu [European Parliament] không phải định chế đưa ra các đề xuất, nhưng có vai trò xem xét và biểu quyết các dự thảo luật. Nói cách khác, sau khi Ủy Ban Châu Âu [European Commission] đệ trình dự thảo luật, các dân biểu châu Âu sẽ thảo luận và biểu quyết. Nghị Viện Châu Âu có quyền sửa đổi các dự luật. Nếu dự luật được thông qua ở Nghị Viện Châu Âu, các văn bản sau đó phải được Hội Đồng Châu Âu [European Council], gồm các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của 27 quốc gia thành viên, thông qua.

Tiếp theo, Nghị Viện Châu Âu có quyền kiểm soát ngân sách: Chính định chế này thông qua các dự thảo ngân sách mà Ủy Ban Châu Âu đề xuất. Theo trang tin Vie Publique, Nghị Viện Châu Âu quyết định mọi khoản chi tiêu của Liên Hiệp, cùng với Hội Đồng Châu Âu thiết lập ngân sách hàng năm của Liên Âu.

Và cuối cùng, Nghị Viện Châu Âu có quyền kiểm soát cơ quan hành pháp châu Âu vì chính Nghị Viện bầu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, việc chỉ định các ủy viên châu Âu – thành viên của Ủy Ban Châu Âu với nhiệm kỳ 5 năm, cũng phải được sự tán thành của Nghị Viện Châu Âu. Nghị Viện có thể thành lập các ủy ban điều tra và có quyền giải tán Ủy Ban Châu Âu thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu kiến ​​nghị bất tín nhiệm được 2/3 số phiếu tán thành, Ủy Ban Châu Âu phải giải thể để lập Ủy Ban mới.

Thùy Dương

Nguồn: RFI