Nửa thế kỷ cải tạo làm cạn kiệt tài nguyên một Đồng bằng sông Cửu Long đang chết dần

GS Nguyễn Văn Tuấn - FB Nguyễn Tuấn

Nước dâng gây ngập nhà dân tại ấp An Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vào đợt triều cường ngày 10/7/2022. Ảnh: Báo Kiên Giang

Xin giới thiệu đến các bạn một bài viết công phu của Nhà văn, Bác sĩ Ngô Thế Vinh về vấn nạn như tóm tắt trong cái nhan đề trên.

https://nguyenvantuan.info/2023/02/09/nua-the-ky-cai-tao-lam-can-kiet-tai-nguyen-mot-dbscl-dang-chet-dan/

Là người được sanh ra và lớn lên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã chứng kiến những thay đổi quá lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi sinh của 17 triệu dân thuộc vùng đất trù phú này. Ngày xưa, trẻ con tắm sông là bình thuờng; còn ngày nay chẳng ai dám tắm sông. Ngày xưa, mỗi lần có khách đến nhà, chỉ cần ra sau vườn vài phút là có cá và rau đãi khách; nhưng đó chỉ là ký ức ngày nay.

Ngày xưa, nông dân như ba má tôi chỉ làm 1 hay 2 vụ là có cuộc sống thoải mái, có tiền cho tôi đi học trên thành và có thể mua máy cày luôn. Nhưng ngày nay nông dân làm 3 vụ mà vẫn chật vật, nếu không muốn nói là nghèo. Khi tôi qua Thái Lan và thấy nông dân bên đó sống thoải mái làm tôi nhớ thời của >50 năm về trước ở ĐBSCL.

Vài tuần trước tôi có dịp về thăm nhà và thấy sự thoái hoá của môi trường sống trong vùng đáng báo động. Cái cống sông Cái Lớn – Cái Bé, được xem là ‘công trình thế kỷ’, chưa thấy tác động tích cực ở đâu, nhưng nó đã gây tác hại tiêu cực đến nhiều con sông trong tỉnh. Những con sông nó cứ lờ đờ, chẳng còn nước lớn nước ròng như mình từng biết, và ô nhiễm trầm trọng. Đi lên kênh Lô Bích thấy bà con ngày đêm bơm nước khỏi ruộng, chứ nếu không thì ruộng bị ngập. Cái cống đó nó tạo ra một loại business mới: bơm nước ra khỏi ruộng!

Có khi nhà trong quê cũng bị ngập nước (như hình), nhưng người ta cứ đổ thừa là do ‘biến đổi khí hậu’. Đúng là con voi (cái cống) nó nằm ngay trong phòng mà không ai dám nói đến.

Ngồi nói chuyện với vài bạn là ‘quan chức’ cấp tỉnh, họ nói trước khi có cái cống thì bề ngang con sông là 1000 mét, sau khi có cái cống thì nó còn 100 mét, hỏi sao mấy con sông nó không lờ đờ, kiếu chết dở sống dở. Chẳng hiểu họ tính toán như thế nào trước khi xây cái cống mà bây giờ xảy ra hậu quả như vậy. Thật ra, những tác động này đã được các chuyên gia cảnh báo từ 2018, nhưng hình như chẳng ai nghe.

Trong bối cảnh đó, tôi hân hạnh giới thiệu bài viết mới nhứt của Nhà văn, Bác sĩ Ngô Thế Vinh về tình hình cạn kiệt tài nguyên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Là người trăn trở với vùng đất này, Bs Vinh đã viết nhiều bài và sách, và những dự báo anh đưa ra hơn 25 năm trước (‘Cửu long cạn dòng, biển Đông dậy sóng’) nay đã thành hiện thực. Bài viết có nhiều ý kiến chân tình nhưng một số lời lẽ có thể hơi khó nghe đối với vài người.

Link: https://nguyenvantuan.info/2023/02/09/nua-the-ky-cai-tao-lam-can-kiet-tai-nguyen-mot-dbscl-dang-chet-dan/

GS Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

XEM THÊM: