Phát Triển và Dân Chủ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs
(Foreign Affairs, September/October 2005)

Tóm lược: Từ lâu nay người ta đã thừa nhận rằng tự do kinh tế sẽ làm suy yếu các chế độ hà khắc. Tuy vậy, những sự kiện gần đây lại cho thấy nhiều nhà độc tài đã học được cách làm thế nào để cắt đứt mối liên hệ giữa phát triển và tự do, từ đó có thể ung dung thủ lợi mà không phải lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn. Washington lẫn các chủ nợ quốc tế đều cần phải chú ý về điều này.

Ông Bruce Bueno De Mesquita hiện đang là giáo sư khoa chính trị tại đại học New York, đồng thời là chuyên viên cao cấp tại viện Hoover. Ông George W. Downs hiện đang là giáo sư khoa chính trị và khoa trưởng khoa Khoa học Xã hội tại viện đại học New York.

Giàu hơn, nhưng không tự do hơn

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế Trung Hoa cách đây 25 năm, bắt đầu một kỷ nguyên tăng trưởng, rất nhiều người Tây phương đã giả thiết rằng tiếp theo sau đó sẽ là một cải cách về chính trị. Kinh tế mở, theo họ, sẽ dẫn đến việc chính trị mở và dần dần chuyển thành chế độ dân chủ. Dự đoán này hoàn toàn không đặc biệt dành cho Trung Hoa. Cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng một khi đã xảy ra phát triển kinh tế, thì phát triển dân chủ là tất yếu và sẽ nhanh chóng diễn ra sau đó. Lập luận này dựa trên những lý do sau: tăng trưởng kinh tế tạo ra một tầng lớp những nhà đầu tư trung lưu mà sớm hay muộn sẽ lên tiếng đòi quyền tự chủ đối với số phận của mình. Từ đó, ngay cả những chính quyền hà khắc nhất cũng phải bị cuốn theo con đường này.

Việc gần như toàn bộ các quốc gia giàu nhất trên thế giới đều đi theo con đường dân chủ từ lâu nay chính là một bằng chứng sắt đá cho lập luận này. Tuy nhiên, lịch sử gần đây lại khiến cho vấn đề bắt đầu trở nên phức tạp hơn. Theo các sự kiện mới xảy ra, mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và điều được gọi là tự do dân chủ là một mối liên hệ tương đối yếu và hiện đang ngày càng trở nên yếu hơn nữa. Dù điều này vẫn đúng đối với các quốc gia đã hình thành chế độ dân chủ, nhưng ở nhiều nơi, dù thu nhập theo đầu người vẫn tăng lên một cách vững vàng, nhưng ảnh hưởng của các chính quyền độc đoán vẫn tiếp tục tăng theo, điều này cho thấy việc chỉ có một nền kinh tế giàu mạnh không đủ để tạo ra một nền chính trị tự do hơn. Các chế độ độc tài trên thế giới đang chứng tỏ rằng họ có thể đạt được những lợi ích từ sự phát triển kinh tế trong khi vẫn tránh được áp lực của chính trị. Chúng ta có thể thấy rõ điều này tại hai quốc gia điển hình là Trung Hoa và Nga. Dù kinh tế Trung Hoa đã bùng nổ từ cách đây 25 năm trước, nhưng thể chế chính trị của nó vẫn không có gì thay đổi. Đồng thời tại Nga, kinh tế vẫn tiếp tục phát triển dù cho điện Kremlin có siết chặt quyền lực như thế nào đi nữa.

Sự chồng chéo của hai phương hướng này – tăng trưởng kinh tế và thu hẹp tự do chính trị – hoàn toàn không chỉ giới hạn ở mức điều kỳ lạ trong lịch sử. Nó cho thấy một dấu hiệu hoàn toàn không hề tốt lành: Phát triển kinh tế, thay vì là một áp lực đòi hỏi phát triển dân chủ tại các quốc gia độc tài, đôi khi lại trở thành một công cụ để chính quyền tiếp tục áp bức. Triệu Tử Dương, thủ tướng Trung Hoa trong thập niên 1980, có thể đúng khi ông nói: “Chế độ dân chủ không phải là một điều mà chủ nghĩa xã hội có thể né tránh”. Nhưng giờ đây, đã có nhiều bằng chứng cho thấy những chính quyền hẹp hòi và độc đoán còn phải trải qua một thời gian dài nữa mới phát triển chế độ dân chủ. Trong nửa thế kỷ qua, một số lượng lớn các chế độ như vậy đã phát triển kinh tế vững vàng mà không hề có bất kỳ sự nới rộng tự do chính trị nào tương ứng. Trong nhiều trường hợp khác, các nhà độc tài buộc phải thay đổi chính trị một phần, nhưng điều đó hoàn toàn không giới hạn phạm vi quyền lực của họ.

Vậy làm thế nào để giải thích được khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và việc hình thành chế độ tự do dân chủ? Câu trả lời nằm ngay ở sự tinh vi của các chính thể độc đoán. Dù các lý thuyết gia phát triển đã hoàn toàn đúng khi giả thiết rằng việc gia tăng thu nhập đầu người sẽ kéo theo nhu cầu sức mạnh chính trị, nhưng họ đã đánh giá thấp khả năng cản trở nhu cầu này của các chính quyền độc tài. Họ đang ngày càng giỏi hơn trong việc tránh né tình trạng suy thoái chính trị do tăng trưởng kinh tế – và giờ đây, trên thực tế, kinh tế tăng trưởng lại càng làm gia tăng khả năng tồn tại của họ. Đây là một sự thật đã bị cả các trung tâm phát triển và cả chính quyền Bush hoàn toàn bác bỏ. Washington cho rằng toàn cầu hoá và chủ nghĩa tư bản thị trường sẽ là điều kiện tất yếu đem lại chiến thắng cho các thể chế dân chủ theo kiểu Tây phương. Làm thế nào chính quyền Bush có thể giải thích các trường hợp ngược lại, điều này vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp cụ thể. Điều rõ ràng nhất là Washington cần phải suy nghĩ lại kế hoạch phát triển dân chủ toàn cầu của họ. Ngoài ra, các chi nhánh phát triển như Ngân hàng thế giới cũng cần phải xem xét lại điều kiện cho vay của họ. Chỉ đơn thuần đẩy mạnh phát triển tự do kinh tế chưa chắc sẽ đem lại được tự do chính trị – ít nhất là trong tương lai gần.

Tránh khỏi cái bẫy tăng trưởng

Các nhà độc tài có nhiều lý do để đánh giá phát triển kinh tế theo một cách nước đôi, vừa là một công cụ, vừa là một cái bẫy. Một mặt, nó làm gia tăng viễn cảnh tồn tại của một nhà độc tài, bằng cách gia tăng tài nguyên của chính phủ (thông qua việc đánh thuế lợi tức cao) và gia tăng khả năng giải quyết các vấn đề nan giải (như sự suy thoái kinh tế hoặc thảm hoạ thiên nhiên). Ở một mức độ ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế cũng làm cho người dân cảm thấy thoả mãn với chính quyền, và sẽ không có xu hướng hỗ trợ cho một sự thay đổi chế độ.

Tuy nhiên ở mức độ dài hạn, tăng trưởng kinh tế là một mối đe doạ đối với các chính thể độc tài, vì nó làm gia tăng khả năng xuất hiện các đối thủ chính trị nặng ký. Điều này xuất phát từ hai nguyên do: Phát triển kinh tế tạo ra một trò chơi chính trị mà người chiến thắng giành được phần thưởng giá trị hơn, và nó lôi cuốn nhiều cá nhân có thừa thời gian, trình độ và tiền bạc để nhảy vào vũ đài chính trị. Cả hai thay đổi này sẽ trở thành động lực thúc đẩy quá trình dân chủ hoá, tuy chậm chạp, nhưng dần dần sẽ chôn vùi cả một chính thể độc đoán và tạo ra một chính quyền tự do, dân chủ và có sức cạnh tranh. Cho đến nay, nhiều chuyên gia lẫn chính khách Tây phương vẫn giả thiết rằng tự do chính trị về căn bản vẫn đi theo nhịp độ phát triển kinh tế, tuy chậm hơn đôi chút, và khó có một chính quyền độc tài nào có thể ngăn chặn quá trình này (khi họ còn phải tập trung vào việc phát triển kinh tế). Giả thuyết này có một trường hợp điển hình là ông Seymour Martin Lipset, một nhà xã hội học và khoa học chính trị nổi tiếng, là người đại chúng hoá khái niệm tăng trưởng kinh tế sẽ đem lại dân chủ hoá bằng cách mở rộng tầng lớp trí thức trung lưu. Tuy nhiên Lipset cũng cảnh báo với độc giả của mình rằng điều này cũng chưa có thể bảo đảm: Dù nó tỏ ra có hiệu lực đối với các quốc gia tây phương, nhưng sự thành công còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện hoàn cảnh đặc biệt. Vào năm mà Lipset công bố kết quả tìm kiếm của mình, thật không may là lời cảnh báo này phần lớn bị bỏ quên.

Những người theo chân Lipset cũng có xu hướng bỏ sót việc các chính quyền độc tài không chỉ là những người quan sát sự thay đổi chính trị một cách thụ động, họ mới thực sự là người đặt ra luật chơi và có thể thay đổi nhằm thoả mãn nhu cầu của họ.

Các nhà độc tài hoàn toàn có lợi thế đối với người dân của mình, họ có thể định hình các cơ quan chính quyền lẫn các sự kiện chính trị. Và họ tỏ ra hiểu biết hơn, khéo léo trì hoãn quá trình dân chủ hoá – và vẫn tiếp tục đạt được sự tăng trưởng kinh tế.

Những rắc rối tiềm ẩn

Để có thể hiểu được mánh khoé của các chính quyền độc tài, trước tiên cần phải hiểu được khái niệm về phối hợp chiến lược. Thuật ngữ “phối hợp chiến lược” có nguồn gốc từ khoa học chính trị, được dùng để đề cập đến một tập hợp nhiều hoạt động mà người ta phải thực hiện để giành được sức mạnh chính trị trong một tình huống cụ thể. Trong số các hoạt động này bao gồm việc phổ biến thông tin, tuyển mộ và tổ chức các thành viên đối lập, chọn người lãnh đạo, phát triển một chiến lược khả thi để gia tăng sức mạnh của cả nhóm và để gây ảnh hưởng chính trị.

Phối hợp chiến lược trong trường hợp này là một khái niệm rất hữu ích, vì nó giải thích được tại sao tăng trưởng kinh tế được xem là động cơ thúc đẩy quá trình dân chủ hoá. Quá trình phát triển diễn ra như sau : tăng trưởng kinh tế dẫn đến đô thị hoá, cải tạo công nghệ và cơ sở hạ tầng. Những cải tiến này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm chính trị phát triển thông tin và tuyển mộ thành viên. Tăng trưởng kinh tế cũng làm tăng đầu tư cho giáo dục, điều này lại càng có lợi cho những người đối lập khi có thể tuyển mộ thêm những người có trình độ học vấn cao hơn. Tuy nhiên, phối hợp chiến lược cũng giải thích tại sao một số nhà độc tài có thể phá vỡ hoặc làm suy yếu mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và dân chủ hoá. Nếu họ có thể giới hạn khả năng phối hợp chiến lược của phe đối lập, họ sẽ giảm bớt nguy cơ bị đối phương gạt ra khỏi chính quyền. Để bảo đảm an toàn, các nhà độc tài phải làm tăng chi phí phối hợp chiến lược của phe đối lập, nhưng không làm tăng chi phí phối hợp kinh tế một cách quá mức – vì nó sẽ trở thành rào cản việc tăng trưởng kinh tế và đe doạ sự vững vàng của bản thân chế độ đó. Lọt qua lỗ kim này hoàn toàn không dễ dàng, nhưng cũng không phải là bất khả thi. Trải qua thời gian và sai sót, các chế độ độc tài nhận thấy họ có thể đàn áp các hoạt động đối lập mà không hề gây suy yếu kinh tế bằng cách cẩn thận tách ra một loại tài sản quan trọng – loại tài sản mang tính cách chính trị mà không hề ảnh hưởng đến kinh tế. Bằng cách hạn chế tài sản này, các nhà độc tài có thể tránh được những phong trào đòi hỏi tự do chính trị mà việc phát triển kinh tế đem lại cho họ.

Làm thế nào để ngăn chặn một cuộc cách mạng

Những ví dụ về điều này có rất nhiều. Chúng ta có thể xem một vài trường hợp điển hình từ ba năm trở lại đây. Trung Hoa đã ngăn chặn hướng truy nhập vào trang web Google phiên bản Anh ngữ và vừa mới buộc Microsoft phải khoá các từ ngữ như “tự do” hay “dân chủ” được sử dụng trên nhật ký trực tuyến của người dùng Microsoft. Nỗ lực này chỉ là một hành động mới nhất trong số những hạn chế mà Trung Hoa đã đặt ra đối với Internet, thậm chí đặt ra cả một đơn vị cảnh sát Internet đặc nhiệm để ngăn chặn ngay từ các cổng Internet vào Trung Hoa. Còn tại Nga, tổng thống Vladimir Putin đã đặt toàn bộ hệ thống truyền hình quốc gia nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền. Vào tháng 10 năm 2003, ông ta cũng đã bắt giữ Mikhail Khodorkovsky, một trong số các đối thủ đối lập nổi bật nhất, và chắc chắn là một bản án cao sẽ được đưa ra.

Tại Venezuela tháng 12 năm 2004, tổng thống Hugo Chavez thông qua một điều luật cho phép ông ta có quyền cấm các cơ quan thông tấn đưa tin về các cuộc biểu tình kháng nghị hoặc về việc lật đổ chính phủ, cũng như đình chỉ giấy phép của các chương trình phát thanh nào đụng chạm đến danh sách cấm. Tại Việt Nam, chính quyền đã kiểm soát gắt gao các tổ chức tôn giáo và xem những người lãnh đạo các nhóm tôn giáo không hợp pháp (trong đó có cả Công giáo La Mã, Tin lành Mennonite và một vài nhóm tín đồ Phật giáo) là có âm mưu chống phá chính quyền.

Tất cả các ví dụ này cho thấy rõ sự hạn chế của cái được gọi là “tài sản phối hợp” – nghĩa là những điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với các nhóm đối lập, nhưng hoàn toàn không có ảnh hưởng đối với kinh tế. Tài sản phối hợp được tách biệt khỏi tài sản phổ thông – như phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ y tế, giáo dục phổ thông hay quốc phòng – là những thứ mà khi bị ngăn cản sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan điểm công cộng lẫn phát triển kinh tế.

Trong lịch sử, các chính quyền độc tài đã tìm kiếm nhiều biện pháp đàn áp cả hai kiểu tài sản – và kết quả là làm cho kinh tế suy thoái. Đây là tình hình chung đối với các quốc gia châu Á và châu Phi cho đến thập niên 1980 và vẫn còn tồn tại tại nhiều quốc gia nghèo như Myanmar và Zimbabwe. Tuy nhiên mới đây, chính quyền các quốc gia Nga, Trung Hoa, Việt Nam và nhiều nơi khác đã hiểu rằng bằng cách tách biệt giới hạn tài sản, họ có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ cần thiết để phát triển kinh tế mà vẫn ngăn cản được áp lực chính trị.

Dĩ nhiên tính cách sẵn sàng của loại tài sản công cộng cũng có một tác động nào đó đối với khả năng tổ chức và kết hợp của các nhóm đối lập. Nhưng chỉ có bốn loại hình tài sản tham gia vào hoạt động này. Đó là quyền lợi chính trị, nhân quyền, tự do báo chí và tiếp cận một nền giáo dục cao hơn. Loại tài sản đầu tiên là quyền lợi chính trị, bao gồm tự do ngôn luận và quyền tổ chức biểu tình ôn hoà. Dù quyền lợi chính trị phần lớn mang tính cách tiêu cực, nhưng về cảm tính, nó giao thoa với chính quyền hơn là đòi hỏi hoạt động của chính quyền, đôi khi nó đòi hỏi chính quyền cần phải thực hiện nhiều bước đặc biệt để có thể khắc chế, đặc biệt là khi có sự tham gia của các nhóm nhỏ với các quan điểm không phù hợp với quan điểm đại chúng.

Tương tự như vậy là nhân quyền nói chung, bao gồm tự do không bị bắt giữ tuỳ tiện, được bảo vệ trước lệnh bắt giữ, quyền không bị phân biệt tôn giáo, giới tính, chủng tộc, quyền không bị ngược đãi, quyền được du lịch cả trong và ngoài nước.

Quyền tự do báo chí (và các phương tiện truyền thông khác) không bị kiểm soát cũng rất quan trọng đối với các nhóm chính trị đối lập, vì nó có thể phân phối thông tin và tập hợp các nhóm có cùng mục đích, cùng quyền lợi. Cũng như quyền chính trị, quyền tự do báo chí phần lớn mang tính chất tiêu cực, cho đến khi nó đòi hỏi chính quyền không được can thiệp. Nó cũng có thể đòi hỏi một số bước khẳng định như giấy phép phát sóng radio và sóng TV, bảo đảm sự truy nhập công cộng, chuyển tải các văn bản chính thức theo ngôn ngữ địa phương.

Cuối cùng là việc được tiếp cận với một nền giáo dục cao hơn là một điều mang tính cách sống còn nếu con người muốn phát triển khả năng thông tin, tổ chức và phát triển bộ mặt chính trị. Giáo dục tiên tiến cũng đào tạo ra các nhà lãnh đạo đối lập tiềm tàng, do đó làm tăng thêm đối thủ của chính quyền. Một số chính quyền tuyên bố ngăn cấm quyền tiếp cận một nền giáo dục cao (và một số mặt tài sản phối hợp khác) vì cái giá phải trả quá cao. Trên thực tế, tài sản phối hợp nói chung không đắt hơn tài sản công cộng và thậm chí còn rẻ hơn nhiều so với một vài thứ như quốc phòng hoặc vận tải. Khi chính quyền ra quyết định hạn chế chúng, thực ra chỉ càng làm tăng chi phí phối hợp chính trị hơn là tiết kiệm tiền. Thật ra tài sản phối hợp đòi hỏi một chi phí cao hơn nếu muốn ngăn cấm – vì chính quyền phải sử dụng tài nguyên của mình để ngăn chặn hoạt động của đối phương hoặc ngăn chặn quyền tự do báo chí và hình thành một cơ quan tuyên truyền của chính họ.

Công thức thành công của các nhà độc tài

Mới đây, để hiểu rõ hơn việc làm thế nào các nhà độc tài có thể phát triển kinh tế trong khi trì hoãn quá trình phát triển dân chủ, chúng tôi đã khảo sát quá trình cung cấp tài sản công cộng tại 150 quốc gia trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1999. Chúng tôi đã ghi nhận bốn kết quả đáng chú ý: Trước hết, việc đàn áp tài sản phối hợp là một chiến lược có hiệu quả, nghiên cứu xác nhận rằng việc cung cấp tài sản phối hợp làm giảm đi viễn cảnh tồn tại của các chính thể độc tài. Đồng thời việc cung cấp các tài sản công cộng khác lại không gây ảnh hưởng gì, thậm chí còn cải thiện viễn cảnh này. Cho phép tự do báo chí và bảo đảm tự do nhân quyền làm giảm cơ hội tồn tại của các chính thể độc tài từ 15 đến 20 phần trăm, một con số hoàn toàn mang tính cách thống kê, và điều này cũng giúp chúng ta giải thích tại sao quyền tự do báo chí và tự do chính trị bị đàn áp ở tất cả các quốc gia đang phát triển.

Kế tiếp, nghiên cứu cho thấy các nhà độc tài ngày nay có xu hướng đàn áp tài sản phối hợp mạnh mẽ hơn so với tài sản công cộng. Trên khắp thế giới, từ Bắc Kinh sang Moscow đến Caracas, các chế độ độc tài có vẻ ý thức được nguy cơ tiềm ẩn từ tài sản phối hợp và họ cố gắng kiềm chế điều này một cách hết sức chú ý. Mặt khác, đa số các nhà lãnh đạo độc tài cũng nhận thấy không có gì phải lo ngại về tài sản công cộng, ví dụ như giáo dục căn bản, vận tải công cộng hay dịch vụ y tế. Fidel Castro hoàn toàn không hề mạo hiểm chính trị khi ông ta quyết tâm đẩy mạnh dịch vụ y tế tại Cuba, còn Kim Jong Il cũng không đặt mình vào thế mạo hiểm khi chính quyền của ông ta hướng đến tỉ lệ 95 phần trăm người dân Bắc Hàn biết đọc và viết. Tuy nhiên, cả hai chính quyền này đã đàn áp tài sản phối hợp một cách rất cẩn thận. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy việc đàn áp tài sản phối hợp tại một quốc gia càng cao bao nhiêu thì khoảng cách giữa phát triển kinh tế và tự do dân chủ ngày càng lớn. Tất nhiên một số chính phủ không dân chủ không đạt được thành công khi đàn áp tài sản phối hợp. Nhưng rõ ràng có một mối tương quan giữa thất bại và triển vọng quốc gia đó trở thành một quốc gia dân chủ hiện đại.

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy trừ khi đạt được đến mức thu nhập theo đầu người cao nhất, dấu hiệu phát triển kinh tế có thể duy trì vững vàng ngay cả khi chính quyền đàn áp tài sản phối hợp (hãy xem Trung Hoa, Nga hay Việt Nam). Và ngay cả khi những khuynh hướng này đồng thời xuất hiện – nghĩa là một quốc gia vừa phát triển kinh tế trong khi vẫn tiếp tục đàn áp tài sản phối hợp – thì cơ hội tồn tại của chính quyền đó lại tăng lên và khả năng dân chủ hoá giảm đi (Ít nhất là năm đến mười năm nữa). Dù giới hạn về dữ liệu khiến chúng tôi khó có thể đánh giá được về lâu dài, kinh tế phát triển có thể thúc đẩy phát triển dân chủ hay không, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy ít nhất trong giai đoạn ngắn hạn, phát triển kinh tế lại làm cho các chế độ này trở nên ổn định hơn, thay vì bị suy thoái. Do đó, chúng ta nên xem Trung Hoa không phải là một ngoại lệ về quy tắc phát triển kinh tế kéo theo phát triển dân chủ, mà xem đó là một biểu hiện cho sự trái ngược.

Ai đang qua mặt ai?

Khoảng cách giữa phát triển và dân chủ ngày một gia tăng đem lại ba bài học quan trọng đối với các chính trị gia – trong cả chính quyền Bush lẫn trong các chế độ dân chủ tự do khác – những người đứng trước thất bại vì sự thay đổi quá chậm chạp của thế giới đang phát triển và đang hy vọng đẩy nhanh tiến trình này.

Bài học đầu tiên và hiển nhiên nhất, các chính trị gia phải hiểu rằng phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển hoàn toàn không phải là một biện pháp hiệu quả để phát triển dân chủ, điều mà trước đây họ vẫn tin tưởng. Các nhà độc tài đã học được một bài học rằng dù sự phát triển có thể có nguy hiểm, nhưng vẫn có thể giải quyết được đến một phạm vi đáng kể. Bằng cách giới hạn tài sản phối hợp, họ có thể có tất cả : Một lượng cử tri lẫn các giới chức lãnh đạo quân sự hài lòng với lợi ích từ phát triển kinh tế, có thêm tài nguyên để đối phó với những khủng hoảng về chính trị và kinh tế, còn lực lượng đối lập lại trở nên non yếu.

Bài học quan trọng thứ hai đối với các chính trị gia, đó là điều kiện mà họ đưa ra để cho các quốc gia đang phát triển vay nợ. Ví dụ như khi Ngân hàng Thế Giới thông qua một khoản tiền cho một quốc gia đang phát triển vay để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế hay giáo dục, họ tin rằng các khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó phát triển tầng lớp trung lưu và dần dần phát triển dân chủ. Nhưng mong đợi này là phi thực tế. Các khoản đầu tư này thực ra lại làm kéo dài hơn thay vì rút ngắn thời gian tồn tại của các chính quyền độc tài. Trợ giúp của nước ngoài, nếu vẫn tiếp tục như hiện tại, chỉ làm cho những nhà lãnh đạo phi dân chủ trở nên vững vàng hơn, thay vì suy yếu đi.

Để trả lời cho câu hỏi này, không phải là giảm ưu tiên phát triển kinh tế, hoặc tài sản công cộng. Cần phải mở rộng các điều kiện cho vay trong đó đòi hỏi chính quyền phải cung cấp cho người dân tài sản phối hợp, ví dụ như quyền tự do dân quyền cơ bản, nhân quyền và tự do báo chí. Điều này sẽ giúp cho người dân dễ dàng kết hợp và thông tin cho nhau, đẩy mạnh phát triển tự do chính trị. Thêm vào đó, trước khi các nhà độc tài nhận được trợ giúp từ quốc tế, họ buộc phải chấp nhận những cải cách căn bản, ví dụ như quyền tiếp cận giáo dục cao hơn, tự do báo chí hơn và tự do hội họp.

Với các điều kiện như vậy, các quốc gia phát triển không được xao lãng với các cuộc tranh luận về nhân quyền chỉ nhằm vào nhà cửa, thức ăn, quần áo, chăm sóc sức khỏe, và một số nhu cầu căn bản khác, hoặc bảo vệ cho quyền lợi của các nhóm khác nhau. Các nhà độc tài rất thích định nghĩa nhân quyền theo kiểu cũ này, vì nó rất thích hợp với quyền lợi của họ. Những điều này hoàn toàn mang tính cách tự phục vụ. Nhiều bằng chứng cho thấy tự do chính trị và quyền lợi căn bản cần phải được sát cánh với nhau, những xã hội nào tôn trọng tự do dân sự luôn luôn cung cấp tất cả các quyền lợi căn bản cho công dân của mình.

Bài học thứ ba dành cho các chính trị gia, đó là các sự kiện diễn ra gần đây tại Trung Đông. Thật thú vị khi quan sát cuộc bầu cử tại Iraq, cuộc rút quân của Syria ra khỏi Lebanon hay cuộc bầu cử diễn ra tiếp theo sau đó, cũng như lời tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tại Saudi Arabia, và lời hứa cuộc bầu cử sẽ mang tính cách cạnh tranh hơn tại Ai Cập, đó là những dấu hiệu cho một bình minh dân chủ tại khu vực này. Nhưng thực tại là rất quan trọng. Đặc biệt, các nhà quan sát phải nhớ rằng chính quyền độc tài đã từng tồn tại ở Trung Đông suốt 50 năm qua hoàn toàn không có dấu hiệu suy thoái đáng kể ở Saudi Arabia, Ai Cập, hoặc thậm chí ở Lebanon. Mặc dù không đến nỗi tuyệt vọng, nhưng những ai quan tâm đến tiến trình dân chủ hoá của khu vực này cần phải chú ý nhiều hơn đến khả năng sẵn sàng của tài sản phối hợp trong khu vực – chú ý xem các phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ như thế nào, hoặc việc tổ chức một cuộc biểu tình ôn hoà chống chính quyền là một việc khó như thế nào. Những yếu tố này có giá trị hơn là cuộc bầu cử hình thức, và giữ vai trò quan trọng cho quá trình chuyển tiếp sang một thể chế dân chủ thực sự. Cho đến khi nào chúng xuất hiện, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hay các tổ chức viện trợ khác vẫn phải liên tục tạo áp lực đòi thay đổi.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

"Tứ trụ" nay còn hai. Ảnh: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images

Tình hình đấu đá thượng tầng lãnh đạo CSVN mang ý nghĩa gì?

Chỉ còn 6 năm nữa, đảng CSVN bước vào tuổi 100 (1930-2030). Về mặt con số, cho thấy là đảng CSVN sống khá thọ, hơn cả tuổi thọ trung bình của một đời người. Nhưng về mặt năng lực, rõ ràng là đảng CSVN ngày nay chỉ còn là cái xác khô và đang trong quá trình phân hủy.

Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm

Đảo chính tại Việt Nam!

Giữa cơn rối ren chính trị của chế độ, nếu chỉ nhìn vào sự hạ bệ cá nhân các tên tuổi Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Hoàng Trung Hải, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và sắp tới đây là Trương Thị Mai, vì những nghi vấn tham nhũng, trục lợi cá nhân… thì chúng ta chưa nhìn thấy hết sự tầm vóc sự việc. Chúng không đơn giản chỉ là việc chống tham nhũng qua công cuộc “đốt lò” mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động và rêu rao trong nhiều năm qua với mục tiêu chỉnh đốn đảng.

Tượng đài Cảnh sát nhân dân. Ảnh chụp từ Zing News

Tượng đài cho ai?

Việc vẫn “kiên định” để tiếp tục xây lên những cái gọi là tượng đài trăm tỷ nghìn tỷ kia chỉ khiến dân ca thán, chán nản và mất hẳn niềm tin. Trong tình hình hiện nay, những bệnh viện lớn bảo đảm việc khám chữa bệnh cho người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp nhất hay những ngôi trường “thân thiện” mà ở đó “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…, mới chính là những “tượng đài” mà người dân đang cần hơn bao giờ hết.

Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 7/5/2024. Ảnh: UN Web TV

Hơn 300 khuyến nghị cho Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

Chiều thứ năm, ngày 9 tháng 5, báo cáo về cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review – UPR) chu kỳ bốn của Việt Nam do nhóm ba nước Kazakhstan, Bulgaria và Paraguay soạn thảo được công bố. Ngày 10/5, tại phiên họp thứ 17, bản báo cáo sẽ chính thức thông qua tại Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Bản báo cáo cho biết, có 14 nước đặt câu hỏi trước, 133 nước phát biểu hôm 7/5, và 320 khuyến nghị đã được đưa ra.