Quốc Nạn Tham Nhũng Của Cộng Sản Việt Nam

Các đại biểu Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)

Ngày 13 tháng 6 vừa qua, Quốc hội CSVN đã bắt đầu thảo luận về dự án Luật Phòng, Chống tham nhũng. Dự án luật này có tám chương, 104 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tổ chức và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án trong phòng, chống tham nhũng; vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng và một số nội dung khác. Tuy nhiên khi bước vào thảo luận, Nguyễn Đức Dũng (Đại biểu đơn vị Kontum) đặt câu hỏi rằng: ‘‘Chúng ta đã thực sự muốn chống tham nhũng, lãng phí hay chưa?’’. Rồi Dũng tự trả lời là chưa vì nếu các cấp lãnh đạo ở Trung ương mà cương quyết chỉ đạo thì cấp dưới không thể không thực hiện và sẽ không có tình trạng thất thoát lãng phí tràn lan như hiện nay. Điều phát biểu của Nguyễn Đức Dũng đã làm đa số các đại biểu quốc hội trở nên chưng hửng, khi mọi ngưới đang chuẩn bị đóng góp ý kiến về dự luật phòng, chống tham nhũng. Chưng hửng là vì Nguyễn Đức Dũng đã nêu lên câu hỏi rất chí lý vì soạn ra bao nhiều luật lệ mà cấp lãnh đạo xé rào thì chỉ đưa đàn em ra làm dê tế thần mà thôi.

Trước đó, ngày 1 tháng 6 năm 2005, Klaus Rohland, Giám đốc văn phòng Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, nói rằng ông biết có chuyện quan chức nhà nước Việt Nam thông đồng với nhau rút ruột các dự án đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Đình lộc, Đại biểu Quốc hội và nguyên Bộ trưởng Tư pháp cũng phát biểu rằng tham nhũng ở Việt nam chỉ lộ ra khi nội bộ quan chức trong cùng cơ quan tố cáo lẫn nhau. Ngày 30 tháng 5 năm 2005, Nguyễn Sinh Hùng (Bộ trưởng Tài chánh) thú nhận ở diễn đàn Quốc hội rằng việc chống lãng phí, tham nhũng còn mang tính hình thức. Tình trạng lãng phí và tham nhũng ngày càng gia tăng về chất và lượng. Trước đó vài ngày, Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư đảng CSVN, cũng đã lên tiếng chỉ trích chế độ hiện tại là dung dưỡng tham nhũng qua cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ. Lê Khả Phiêu còn dẫn chứng lúc còn tại chức đã từng được ’hối lộ’ khoảng 10 ngàn Mỹ kim cho từng vụ việc. Tuy tuyên bố như thế nhưng cả hai ông Phiêu lẫn ông Hùng đều là những tay tham nhũng khét tiếng tại Việt Nam.

Tình trạng tham nhũng tại các tổng công ty quốc doanh Việt Nam, điển hình là các tổng công ty 90, 91. Đây là những tổng công ty được thành lập dựa theo các quyết định 90, 91 do ông Võ Văn Kiệt, với vai trò Thủ tướng chính phủ ký hồi năm 1994. Báo chí cho biết các vụ tham nhũng lớn nhất Việt Nam cũng đã xảy ra tại các tổng công ty này, đặc biệt là tại tổng công ty dầu khí, tổng công ty bưu chính viễn thông và tổng công ty hàng không Việt Nam. Tuy số tiền thất thoát do tham nhũng vẫn không bao giờ được công bố, nhưng người ta ước đoán là phải lên tới nhiều triệu Mỹ kim.

Giới quan sát nhận định việc tham nhũng tại Việt Nam được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhất là thông qua các vụ lãng phí tài chánh. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh cũng làm tăng tình trạng lãng phí công quỹ nhà nước. Muốn chấn chỉnh cần phải thực sự có cơ chế giám sát cũng như nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, công nhân viên nhà nước. Bằng chứng rõ ràng về việc này là quan chức lớn nhỏ của chế độ tham dự một buổi lễ ăn mừng của bất kỳ một tổng xí nghiệp quốc doanh nào cũng đều có một món tiền ‘‘bồi dưỡng’’ nhiều ít tùy chức vụ. Ngoài bữa tiệc thịnh soạn khoản đãi rất tốn kém mà chung qui những số tiền này là tiền thuế do dân đóng góp dưới nhiều hình thức. Đây là phần nổi nhỏ bé của quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam. Lời tố cáo của ông Tào Hữu Phùng là một tiết lộ nho nhỏ cho thấy thực trạng của tình hình tham nhũng và lãng phí công quỹ đang xảy ra hàng ngày ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Mâu, Giám đốc Công Ty Gốm Xây Dựng Hạ Long. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Báo Tuổi Trẻ đã đăng lời tường thuật của ông Tào Hữu Phùng về một buổi ăn mừng đón nhận huân chương lao động hạng ba của một xí nghiệp nhà nước chi hết 847,6 triệu đồng, trong đó riêng quà biếu hối lộ hết 257 triệu đồng. Bộ trưởng đến dự tiệc được 10 triệu, Thứ trưởng 5 triệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị 5 triệu, Tổng giám đốc 5 triệu, cán bộ thi đua khen thưởng Trung ương có ba người đến tham dự mỗi người được 2 triệu. Ông Phùng nói với báo Tuổi Trẻ rằng, để có một huân chương lao động hạng ba mà chi đến thế thì để có huân chương anh hùng lao động thì sẽ chi đến cỡ nào. Ông Phùng không nêu tên xí nghiệp và tên người Tổng giám đốc xí nghiệp trên diễn đàn Quốc hội, nhưng sau đó tờ Tuổi Trẻ điều tra thì mới biết đó là Công ty Gốm xây dựng Hạ Long, một công ty con của Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng thuộc bộ Xây dựng. Không thấy tờ báo nào tìm đến phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng bộ Xây dựng, chỉ có Nguyễn Quang Mậu, Giám đốc công ty Gốm xây dựng Hạ Long được báo Tuổi Trẻ phỏng vấn về khoản tiền hối lộ thì ông Mậu nói rằng ‘‘Cái này anh thông cảm, nói tên các ông lớn ra thì sao được’’. Vẫn theo lời ông Mậu thì qui trình duyệt xét tiền bạc tiệc tùng và hối lộ như sau: Theo qui trình thì phòng tổ chức phải làm bản dự chi đưa đến tôi để tôi trình bày với Ban giám đốc, Ban thường vụ về số quan khách được mời. Trình xong lấy ý kiến tập thể, tôi mới ký vào dự toán, đóng dấu rồi gởi lên cho Tổng công ty. Tổng công ty xem xét và sẽ chỉ thị bắt phải cắt khoản này thêm khoản nọ, sau đó bắt mình lập lại dự án cho đến khi nào Tổng công ty đóng dấu chấp thuận rồi thì mình bám vào đó mà thực hiện. Qui trình là như thế.

Tình trạng lãng phí, tham nhũng điển hình qua câu chuyện chi 847,6 triệu để chạy huân chương lao động hạng ba của xí nghiệp Gốm ở Hạ Long cho chúng ta thấy rằng, cán bộ Cộng sản Việt Nam đã không chỉ bòn rút tài sản quốc gia qua những dự án đầu tư, kinh doanh không mà còn núp đàng sau những lễ lạc, khen thưởng… lẫn nhau để chia chác tiền của nhà nước với nhau. Lề lối lãng phí, tham nhũng này chỉ phát triển mạnh tại những quốc gia độc tài đảng trị vì tất cả bị bưng bít, che dấu theo những đường dây bao che chạy từ trung ương xuống địa phương. Do đó, dù dự án luật phòng, chống tham nhũng có được quốc hội thông qua và ban hành thì cũng không giải quyết quốc nạn tham nhũng hiện nay. Lý do rất đơn giản là không thể nào một dự luật lại thỏa đáng cho một người vừa là phạm nhân ăn trộm tài sản quốc gia, vừa là quan tòa để xét xử mình. Quốc nạn tham nhũng là vì lẽ đó.