Radio CTM phỏng vấn ông Nguyễn Quang A về Thư ngỏ gửi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp

Radio Chân Trời Mới

Nhân dịp Tiến Sĩ Nguyễn Quang A phổ biến lá thư ngỏ gửi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Việt Nam vào ngày 27/9/2009, chúng tôi đã liên lạc và thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây vào ngày 5/10/2009.

Thanh Thảo: Thưa ông, tính đến hôm nay thì thư ông gửi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp đã hơn một tuần rồi, xin ông cho biết với lý do nào ông đã gửi thư cho ông Hà Hùng Cường, thưa ông?

Ts. Nguyễn Quang A: Thư tôi gửi cho ông Hà Hùng Cường là 10 ngày, vì trong thư ông ấy trả lời cho Viện chúng tôi, thì ông ấy đã nói rằng cái quyết định 97 của Thủ Tướng Chính Phủ được ban hành là hoàn toàn hợp pháp, theo đúng trình tự và thủ tục của pháp luật và đúng Hiến Pháp, đúng các luật. Bây giờ, tôi không bàn đến nội dung của quyết định ấy, mà tôi chỉ bàn đến thủ tục và trình tự ban hành, thì cái quyết định đó đã được ban hành không theo đúng các thủ tục quy định, chính vì thế mà chúng tôi coi quyết định này là bất hợp pháp. Trong lá thư, tôi làm rõ cho ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp biết là vì sao mà nó vi phạm các thủ tục.

Thanh Thảo: Ông có thể cho biết những điểm nhấn mạnh trong lá thư đó như thế nào?

Ts. Nguyễn Quang A: Cái điểm nhấn mạnh của nó là thế này thôi: Có một cái luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (ban hành năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002), đó là cái luật đã có từ trước và luật đó đã được sửa đổi vào năm 2008 ; Theo cái luật sửa đổi vào năm 2008 và có hiệu lực từ mùng Một tháng Giêng năm 2009, thì tất cả các văn bản quy phạm pháp luật như là cái quyết định của Thủ Tướng vừa rồi, thì buộc phải hỏi ý kiến của những người và những đơn vị đã trực tiếp liên quan, trực tiếp ảnh hưởng, để xem ý kiến của những người đó như thế nào. Cái bản thảo đó phải được tuyên bố công khai trước 60 ngày, ít nhất là 60 ngày, trước khi trình lên Thủ Tướng để chuẩn bị ký. Đấy là cái luật có hiệu lực từ mùng Một tháng Giêng năm nay. Nhưng mà trong khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2006, thì Việt Nam đã có ký nghị định thư gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (Nghị quyết số 71/2006/QH11 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO), trong cái nghị định thư ấy thì thực sự cũng có một phần quy định giống hệt như cái luật mới này, và Quốc Hội có ra một cái nghị quyết, quy định rằng, cái Nghị Định Thư ấy khi có hiệu lực mà luật của Việt Nam mà trái với Nghị Định Thư thì phải áp dụng Nghị Định Thư. Nghị Quyết đó của Quốc Hội đã được thông qua từ cuối năm 2006 và từ mùng Một tháng Giêng 2007 là có hiệu lực thi hành.

ThanhThảo: Thưa ông, khi ông gửi cái thư này cho ông Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp thì ông chờ đợi điều gì được đáp ứng?

Ts. Nguyễn Quang A: Với tư cách Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, là người cai quản chuyện luật pháp của đất nước này, thì yêu cầu ông Bộ trưởng thừa nhận rằng cái quyết định của Thủ Tướng là bất hợp pháp.

Thanh Thảo: Nếu nghị quyết 97 được hủy bỏ thì ông có nghĩ rằng Viện Nghiên Cứu và Phát Triển IDS sẽ hoạt động trở lại hay không, thưa ông?

Ts. Nguyễn Quang A: Tôi chưa dám nói cái gì cả vì chuyện hội đồng của Viện chúng tôi đã có quyết định là giải thể. Quá trình pháp lý để giải thể đang tiến hành và tôi cũng chưa chắc là hội đồng sẽ có một quyết định sẽ tiếp tục hoạt động nếu mà quyết định 97 được hủy bỏ. Hiện nay thời gian giải thể vẫn chưa xong, còn nếu cái tiến trình giải thể đã xong rồi thì chuyện đó khỏi phải nói. Nhưng giả thử chuyện giải thể, thủ tục giải thể vẫn chưa chấm dứt, và đang giữa chừng thì có quyết định hủy bỏ quyết định 97, ngay trong trường hợp ấy tôi cũng chưa có thể nói gì được vì chuyện giải thể là cái chuyện đã được quyết định.

Thanh Thảo: Bây giờ đã hơn một tuần rồi, ông đã nhận được hồi âm từ ông Hà Hùng Cường chưa, thưa ông?

Ts. Nguyễn Quang A: Tôi chưa nhận được hồi âm của ông Hà Hùng Cường, bởi vì thư tôi viết ngày 27-09-2009 là thư ngỏ, đưa cho các báo Việt Nam thì không có báo nào đăng cả. Vì báo không đăng cho nên ông Hà Hùng Cường có thể không đọc được thư đó. Ngày 01-10 thì tôi đã viết một thư đảm bảo, nội dung tương tự như thư ngày 27-09, và chúng tôi đã nhận được hồi âm là ông Hà Hùng Cường đã nhận được thư đó của tôi. Ông ấy nhận được rồi, thế còn đến bao giờ ông ấy trả lời thì tôi chưa rõ.

Thanh Thảo: Dư luận ở trong nước đón nhận như thế nào khi đọc được thư ngỏ của ông gửi cho ông Hà Hùng Cường, thưa ông?

Ts. Nguyễn Quang A: Dư luận trong nước thì bởi vì không có báo chính thức nào ở Việt Nam đăng cả, cho nên dư luận trong nước thì chỉ có các bạn trên mạng Internet biết thôi, nên tôi cũng không theo dõi được nhiều lắm.

Thanh Thảo: Theo ông thì tại sao các báo chí ở trong nước không đăng tải lá thư ngỏ của ông?

Ts. Nguyễn Quang A: (Cười và nói rằng) Cái đấy chắc là chị phải hỏi ông Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông, tôi cũng muốn hỏi ông Bộ Trưởng ấy xem là sao đấy.

Thanh Thảo: Theo ông thì luật pháp Việt Nam từ xưa đến nay đã từng có những điều luật không hợp lý như trường hợp vừa rồi hay không?

Ts. Nguyễn Quang A: Ở Việt Nam, thực sự rất là đáng buồn, vì Việt Nam có rất nhiều điều luật mà chính những cơ quan ban hành ra cái luật ấy hoặc là những cơ quan phải thực thi cái luật ấy nghiêm minh nhất thì lại vi phạm, và số đó là rất nhiều. Còn việc liên quan đến cái quyết định 97 này chỉ là một trường hợp, và chúng tôi nghĩ là không thể chấp nhận mãi tình trạng như thế. Và nếu tất cả công dân đều góp tiếng nói của mình, đã là luật thì tất cả mọi người đều phải thi hành, chứ không phải chỉ bắt dân thi hành, còn quan thì muốn làm thế nào cũng được. Thì đấy, đó là một cái tập quán rất là không lành mạnh.

Thanh Thảo: Như vậy thì trong tương lai, theo ông, người dân có thể làm gì mỗi khi có quyết định của chính quyền một cách tùy tiện như vậy?

Ts. Nguyễn Quang A: Người dân có thể lên tiếng, người dân có thể kiện lại những cơ quan Nhà Nước, bất kể họ là ai.

Thanh Thảo: Những thủ tục này có rườm rà hay khó lắm không, thưa ông?

Ts. Nguyễn Quang A: Thủ tục thì chắc chắn là nó rườm rà, mà rườm rà thì cũng phải làm. Phải làm như thế thì mới mong rằng có sự thay đổi nào đó, nó tốt hơn lên cho đất nước này.

Thanh Thảo: Dạ vâng! Xin thành thật cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.