Từ ngày 1 tháng Mười, 2021 sau gần 5 tháng chống chỏi trong tuyệt vọng với trận dịch lớn thứ tư hoành hành trong cả nước, Việt Nam chấp nhận bắt đầu mở cửa lại trong tình trạng mà chính quyền gọi là bình thường mới.
Tuy nhiên sau 5 tháng kinh hoàng từ 27 tháng Tư đến 31 tháng Chín, mọi sự không đơn giản khi bắt đầu sống chung với dịch với một nền kinh tế còn đang chao đảo. Theo Thủ Tướng Phạm Minh Chính, mục tiêu mở cửa là để từng bước bình thường hóa đời sống người dân và phục hồi lại nền kinh tế bị tàn phá bởi cơn lốc Covid-19. Trọng tâm chính của công tác phục hồi này trước hết là nối lại giao thương buôn bán của các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng thời cũng để giữ lại vai trò cung ứng hàng hóa xuất khẩu của các công ty FDI lâu nay bị gián đoạn do dịch bệnh khi chính sách “mục tiêu kép” hoàn toàn thất bại.
Tuy nhiên sau hơn 3 tuần mở cửa người ta thấy gì? Trước hết trong các cuộc họp nào của văn phòng chính phủ với các địa phương, ông Phạm Minh Chính luôn luôn kêu gào địa phương phải nghe lời trung ương, địa phương phải bỏ tình trạng cát cứ, nhất là phải chấm dứt đưa ra những mệnh lệnh, quy định trái với trung ương, tạo ra cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược trong bộ máy cầm quyền.
Thế nhưng chẳng có ai nghe và các nơi hành động theo ý riêng của mình bất chấp sự kêu gào của người đứng đầu chính phủ. Thậm chí báo chí lề đảng còn đăng nhiều bài về chuyện người dân và doanh nghiệp ta thán những cảnh ép buộc của cán bộ địa phương đòi hỏi trình báo đủ thứ giấy tờ, thi hành mọi thứ lệnh khiến nhiều người chán nản bỏ cuộc.
Báo Tuổi Trẻ online đã viết một loạt bài nêu lên sự kêu cứu của một doanh nghiệp kinh doanh ngành điện tử và dụng cụ gia đình có hàng chục chiếc xe vận chuyển hàng hóa đã gặp rất nhiều khó khăn khi đi qua một số địa phương. Ở Miền Tây có tỉnh đòi hỏi nhân viên phải có giấy xét nghiệm âm tính 72 giờ, có tỉnh thì 48 giờ và dù đã chích đủ 2 mũi vắc-xin vẫn phải xét nghiệm tiếp với lệ phí cắt cổ từ 200 đến 300 ngàn đồng. Thủ tục khai báo thì rất rườm rà trong đó có việc đóng 2 dấu vào tay tài xế “đã kiểm tra” và “đã khai báo y tế” để cán bộ kiểm tra đứng cách đó vài mét xác nhận khiến mọi người liên tưởng đến cảnh ở lò mổ đóng “dấu kiểm dịch” cho heo.
Cạnh đó, từ khi hàng trăm ngàn công nhân nhập cư ào ạt tháo chạy về quê sau ngày nới lỏng các chốt kiểm soát, tình trạng thiếu nhân công của các khu công nghiệp Miền Đông và TP.HCM cũng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Làm sao trở lại sản xuất bình thường, đó chẳng những là vấn đề nan giải của chính phủ mà còn là của các công ty còn đang gánh chịu thua lỗ trong gần nửa năm qua.
CSVN thường hay nói họ đang xây dựng một xã hội pháp trị vì quyền lợi người dân với hàng ngàn thứ luật lệ đã được soạn thảo và ban hành. Nhưng qua cơn đại dịch vừa rồi, rõ ràng mọi thứ luật lệ đều không được thi hành, nói khác đi là bị dẹp chỗ khác. Giờ đây, mọi hoạt động kinh tế, xã hội, lưu thông phân phối chỉ còn làm theo lệnh lạc tùy tiện của cán bộ địa phương, được nói là do nhu cầu đặc biệt của tình hình mỗi nơi. Tại sao như vậy?
Vì chế độ độc tài do muốn củng cố sự thống trị của mình nên đã ban phát cho các địa phương quá nhiều quyền lực và những quyền lực này giúp cho đám cán bộ địa phương tự tạo ra những quy định riêng giúp họ tạo ra lợi ích cho chính họ và phe nhóm. Họ không thể không làm khác trung ương vì khi tiếp tục cát cứ, ngăn chặn dòng lưu thông huyết mạch kinh tế là nhằm kiếm tiền để sống và làm giàu. Sự thao túng ấy của các địa phương cuối cùng đẩy doanh nghiệp vào tình trạng sống dở chết dở và kinh tế đất nước ngày càng đi vào ngõ cụt. Trong thời gian mấy năm vừa qua, những vụ đốt lò của ông Trọng tuy không chống được tham nhũng như lời rêu rao nhưng cũng đã làm đám cán bộ địa phương thất thu. Bây giờ là cơ hội để họ kiếm lợi.
Câu chuyện đang làm đau đầu ông Phạm Minh Chính đứng đầu nhà nước, thật ra chỉ có thế! Không có gì quá khó hiểu và nếu người dân và các doanh nghiệp muốn tiếp tục làm ăn thì điều “khôn ngoan” nhất là phải chịu khó chi tiền. Thế thôi!!!
Phạm Nhật Bình